Đọc thơ Chế Lan Viên, chúng ta ấn tượng về sự thông minh và tài hoa của ông. Thông minh vì ý thơ phong phú bất ngờ, tài hoa vì hình ảnh khác lạ kỳ thú. Từ láy mà Chế Lan Viên sử dụng trong những tập thơ trước cách mạng tháng Tám mà tiêu biểu là trong tập thơ Điêu tàn đã làm nổi bật hơn cái “niềm kinh dị”, vẽ ra trước mắt người đọc một thế giới chập chờn những bóng ma. Những từ láy như: rùng rợn, gợn gợn, rờn rợn, lở lói, rỉ rên, loang lổ, lạnh lẽo, quằn quại, quạnh quẽ, man mác, trơ vơ, trống trải… được Chế Lan Viên sử dụng nhiều trong những vần thơ giai đoạn “Điêu tàn” gợi lên những hình ảnh liên tưởng đến sự chết chóc, biểu thị được khách thể trong thế giới tưởng tượng của nhà thơ, mang giá trị gợi hình sâu sắc:
“Này chiếc sọ người kia mi hỡi!
Dưới làn xương mỏng mảnh của đầu mi Mi nhớ gì, tưởng gì trong đêm tối?
Mi trông mong ao ước những điều chi?
Mi nhớ đến cảnh pháo trường ghê rợn Sọ muôn người lần lượt đuổi nhau rơi?
Hay mi nhớ những đêm mờ rùng rợn
Hồn mi bay trong đốm lửa ma trơi?” [20, tr.26].
Trong lúc một số nhà thơ cố công vun đắp tình yêu trong thơ thì Chế Lan Viên lại đến với thơ bằng một “nẻo đi riêng” trong nỗi đau của kẻ mất nước. Cũng vì vậy mà trong Điêu tàn, dù tác giả đang ở độ tuổi đầy mộng mơ mà vẫn không có một câu thơ, một từ nào nói về kỷ niệm tuổi học trò thơ ngây hay một ánh mắt, tà áo người bạn gái cùng lớp… Trái lại, ông đã sáng tạo, liên tưởng lên một mô hình trong tưởng tượng để tiếc nuối, hoài niệm xót thương một vương quốc Chàm gắn với một thời hiển hách ở quá khứ còn hiện tại chỉ là vết tích của “điêu tàn”. Và ông cũng tự nguyện gia nhập “quốc tịch” Chàm, đóng vai số phận một kẻ sống sót, để rồi tuyệt vọng tìm trong đổ nát dấu vết huy hoàng của một thời xưa cũ. Nhà thơ cố tìm kiếm khắp nơi trong mọi cảm giác một sự sống sót nhưng tất cả chỉ toàn đau thương và mất mát. Những từ láy gợi lên một thế giới không có bóng người mà chỉ toàn hồn ma vất vưởng với những tiếng kêu than rợn người:
“Đây, những Tháp gầy mòn vì mong đợi Những đền xưa đổ nát dười Thời Gian Những sông vắng lê mình trong bóng tối Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than.
Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn Muôn Ma Hời sờ soạng dắt nhau đi Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn
Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ qui!” [20, tr.39].
Phải chăng lòng nhà thơ họ Chế đã “đóng lạnh giá băng” trước mất mát đau thương. Chính vì thế mà từ cái thực, Chế Lan Viên đã sáng tạo ra cái hư, cái hư ấy mang đậm suy tư, đau đớn của nhà thơ. Ông nói cái hư mà thực:
“Ôi bát ngát mênh mông như Âm giới, Đây Cõi Ta rộng rãi đến vô biên!
Nơi an táng khổ đau trong huyệt tối,
Nơi sinh sôi, nảy nở những mầm Điên” [20, tr.75].
Kết thúc Điêu tàn, cũng là giã từ thế giới tưởng tượng của mình, đến với những tập thơ sau cách mạng tháng Tám, nhà thơ về sống với cuộc sống thực. Ở đó có niềm vui của sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới lẫn với mất mát đau thương bởi chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Một lần nữa, những từ láy góp phần liên tưởng đến sự “chết chóc” lại tiếp tục xuất hiện. Tuy nhiên dụng ý nghệ thuật đối với lớp từ này hoàn toàn khác với Điêu tàn. Điều đó thể hiện ở chỗ: thời đại của Điêu tàn là thời đại mất nước, cả dân tộc bị diệt vong trong tưởng tượng, điều đó đã tác động đến tâm lý chủ thể trữ tình, tạo ra sự bi quan, bế tắc. Trong hoàn cảnh đó, hình ảnh của chết chóc lúc nào cũng chập chờn trong đầu nhà thơ, nên một loạt từ ngữ có ý nghĩa tương ứng với điều đó được huy động cao để phản ánh sự tồn tại ấy. Trái lại, ở những tập thơ sau cách mạng tháng Tám, khi lý tưởng cách mạng soi sáng tâm hồn nhà thơ, thì hình ảnh những người hi sinh, đồng bào bị sát hại đã tạo nên sự xúc động mạnh mẽ trong lòng nhà thơ. Chính vì vậy mà những từ láy diễn tả sự mất mát được nhà thơ sử dụng trong các bài thơ giai đoạn này không hề bi lụy mà nó góp phần mang lại những hình ảnh tràn đầy sự tiếc thương đối với đồng bào vô tội, qua đó lên án tội ác của giặc, khơi gợi ý thức đấu tranh cho mọi người dân.
“Nghĩa trang Chói chang Sắc vàng
Một mùi hương vời vợi
Đang bay đầy nghĩa trang” [20, tr.328].
Viết về mùa xuân đánh giặc với niềm vui và lòng tự hào của chiến thắng, nhà thơ đã dùng những từ láy gợi hình ảnh tươi vui, để lại trong lòng người những xúc cảm lưu luyến:
“Cành đào năm chiến thắng Lấp lánh màu hoa tươi Mùa xuân xao xuyến đất
Mùa xuân xao xuyến người” [20, tr.497].
Mượn hình ảnh “cây” và “bóng” để nói đến tình cảm lứa đôi cùng việc sử dụng từ láy êm ả, Chế Lan Viên gợi ra trước mắt người đọc một hình ảnh thật thơ mộng và bình yên:
“Bóng vợ và cây chồng
Lứa đôi êm ả thế” [20, tr.608].
Có thể thấy, thế giới nghệ thuật thơ của Chế Lan Viên được tạo lập bằng vô số hình ảnh dày đặc với nhiều dạng thức khác nhau. Có hình ảnh khái niệm, có hình ảnh kì ảo, lại có hình ảnh vừa thực vừa ảo, có hình ảnh đơn lẻ nhưng nhiều hơn là những hình ảnh được kết thành chuỗi, thành chùm, theo lối liên tưởng bổ sung hoặc đối lập. Năng lực sáng tạo hình ảnh ở Chế Lan Viên đã được bộc lộ ngay từ tập Điêu tàn. Nhưng chủ yếu Điêu tàn thiên về những hình ảnh được tạo bằng tưởng tượng, thậm chí bằng hư tưởng cùng với những từ láy gây ấn tượng “kinh dị” về sự chết chóc. Từ Ánh sáng và phù sa trở đi thơ Chế Lan Viên càng giàu hình ảnh, nhưng chủ yếu là những hình ảnh có mối liên hệ với hiện thực, bắt nguồn từ đời sống được sáng tạo bằng liên tưởng phong phú, táo bạo. Trong thơ Chế Lan Viên có những hình ảnh thật chân thực và chứa chan cảm xúc, nhưng còn bắt gặp nhiều hơn cả là những hình ảnh được sáng tạo bằng trí tưởng tượng phong phú liên tưởng bất ngờ cùng với cảm xúc dạt dào mà sâu lắng. Chính vì vậy mà từ láy được Chế Lan Viên sử dụng trong những vần thơ viết về thiên nhiên, đất nước giai đoạn này đã thổi được cái hồn vào cảnh vật. Những đảo đá Hạ Long cũng mang chứa linh hồn và sự sống:
“Những đêm trăng, đá suy nghĩ như người
Khi xuân đến, đá động lòng thương nhớ Khi hè gọi, đá xôn xao trong dạ đá…
Hoa phong lan tím hồng rủ bướm đến
từng đôi…” [20, tr.275].
Cảnh sắc mùa thu đi vào thơ Chế Lan Viên “lung linh” sắc biếc:
“Thu đây mà! Sắc ngọc tuyệt vời xanh
Đảo mắt nhìn, đâu cũng sáng lung linh” [20, tr.455].
Hay như khi nói về hoa gạo, nhà thơ sử dụng những từ láy gợi hình tràn đầy cảm xúc:
“Xuân qua mình chẳng biết
Hoa gạo đỏ thình lình” [20, tr.492].
“Gạo son thấp thoáng cành sương
Chùa cao chùa thấp mùi hương động lòng” [20, tr.493].
Miêu tả sự xuất hiện của hoa gạo có lúc bất chợt bằng từ láy thình lình, có lúc e ấp bằng từ láy thấp thoáng, Chế lan Viên đã gợi lên trong tâm tưởng người đọc những hình ảnh giản dị nhưng thật thơ mộng, đáng yêu với một tâm hồn dạt dào xúc cảm. Có thể nói, thơ Chế Lan Viên là kết quả của một trí tưởng tượng phát triển khá mạnh mẽ, từ những hình ảnh quen thuộc hàng ngày, ông cũng nhìn ra những điều khác lạ.