1.2. Tình hình thực tế về công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án xây dựng công trình ở Việt Nam những năm gần đây
1.2.2. Thực tiễn quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng tại các địa phương
a. Tại Hà Nội
Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội: trong 06 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 1.000 dự án đầu tư có liên quan tới thu hồi
đất-GPMB (trong đó có 834 dự án chuyển tiếp thực hiện từ năm 2010 và 166 dự án mới), với quy mô thu hồi đất trên 10.318ha đất phải thu hồi của hơn 186.601 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; dự kiến phải bố trí tái định cư cho hơn 16.733 hộ.
Để giải quyết dứt điểm cho từng dự án, Thành phố có chủ trương bồi thường, hỗ trợ, tái định cư GPMB cho các dự án trọng điểm của Chính phủ và của Thành phố. Cụ thể, những dự án trọng điểm của Chính phủ gồm: Cầu Nhật Tân và tuyến đường dẫn 2 bên đầu cầu; Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội – Thái Nguyên; Đường cao tốc ô tô Hà Nội – Hải Phòng; Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Nhà ga T2 – Cảng HKQT Nội Bài; Đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài; Đường Vành đai 3 giai đoạn 2; Đại học Quốc gia; Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Cung Hữu nghị Việt - Trung ...
Các dự án trọng điểm của Thành phố gồm: Đường Văn Cao – Hồ Tây;
Đường Vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu và đoạn Ô Đống Mác – đê Nguyễn Khoái; Thoát nước Hà Nội – Dự án 2; Cải tạo môi trường các hồ ở nội thành Hà Nội ...), các dự án dân sinh bức xúc (như các dự án: Khu đô thị Mỗ Lao, Mở rộng đường Nguyễn Khuyến, các khu đô thị Lê Trọng Tấn - Dương Nội - An Hưng ... trên địa bàn xã Dương Nội, quận Hà Đông; các dự án đất dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh và các huyện thuộc Hà Tây trước đây) và các dự án xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn ...
Đến thời điểm này, Thành phố đã hoàn thành GPMB xong tại 131 dự án, với quy mô đất đã GPMB đạt hơn 943ha đất, chi trả hơn 8.316 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho 19.587 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và bố trí tái định cư cho 650 hộ (trong đó đã bố trí tái định cư bằng căn hộ chung cư là 359 căn và bằng giao đất ở là 291 lô đất).
Tuy công tác giải phóng mặt bằng luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo và các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc, nhưng quỹ nhà tái định cư của Hà Nội còn thiếu, tiến độ đầu tư xây dựng các khu tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Một số cán bộ trực tiếp làm công
tác giải phóng mặt bằng ở cơ sở còn tiêu cực, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận.
Đặc biệt, Ủy ban nhân dân thành phố và các Sở, ban, ngành ban hành trên 900 văn bản bổ sung chính sách, hướng dẫn đôn đốc thực hiện giải phóng mặt bằng (trung bình mỗi ngày ban hành 5 văn bản) cho thấy chính sách giải phóng mặt bằng tại Hà Nội còn nhiều bất cập. Cụ thể, quyết định 108 về hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng có những điểm không phù hợp thực tế, thậm chí gây mất công bằng. Hiện nay gia đình nào có diện tích thu hồi dưới 40m2 (có thể là 5 - 10m2) được 40m2 nhà tái tái định cư, trong khi đó có gia đình bị thu hồi 300m2 chỉ được tái định cư 180m2 thôi. Như thế người mất nhiều lại được hưởng ít, nếu chia tách nhỏ ra lại được hưởng nhiều. Thứ 2 đất nông nghiệp công ích chỉ đền bù 201.000đồng/1m2 thôi, còn nếu đất nông nghiệp giao theo NĐ 64/CP cho hộ gia đình được hỗ trợ thêm 5 lần nữa, cũng là bất cập vì cùng là đất nông nghiệp mà giá lại khác nhau. Thứ 3 là hỗ trợ ổn định đời sống, nếu hộ gia đình nào mất 30% đất nông nghiệp thì được hỗ trợ 6 tháng mỗi tháng 30kg gạo, nếu mất 70% thì được hỗ trợ 12 tháng. Như vậy không công bằng vì thực tế những hộ có 100m2 đất nông nghiệp, thu hồi 70m2 thì được hỗ trợ 30kg gạo trong 12 tháng. Nhưng có hộ có 500m2 mất 150m2 gấp đôi hộ gia đình kia thì lại được hỗ trợ ít hơn..”
Về chất lượng nhà và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại khu tái định cư chưa được đảm bảo tốt nên gây khó khăn, bức xúc cho việc giải phóng mặt bằng.
Mặt khác, tại những dự án có đông dân cư, vẫn còn tình trạng không chịu chấp hành việc di dời và nhận bồi thường khiến các cơ quan có liên quan phải tiến hành cưỡng chế thu hồi đất với số ít các hộ cố tình không chấp hành quyết định thu hồi đất 06 tháng đầu năm 2012 trên toàn địa bàn Thành phố, các quận, huyện, thị xã đã tổ chức 25 cuộc cưỡng chế thu hồi đất theo các quyết định của UBND các quận, huyện, thị xã. Hầu hết khi đến điểm nút buộc phải áp dụng biện pháp hành chính thì các hộ dân lại chấp thuận bàn giao mặt bằng và các lực lượng liên quan chuyển từ cưỡng chế sang hỗ trợ, giúp đỡ người dân tháo dỡ để bàn giao mặt bằng, đơn cử như tại dự án cầu Phù Đổng, dự án Văn Cao-Hồ Tây ...
Để công tác giải phóng mặt bằng được nhanh chóng và có trọng điểm, UBND Thành phố đã chỉ đạo tập trung vào các dự án có khả năng hoàn thành nhằm thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011; Tập trung quyết liệt, hoàn thành dứt điểm, đúng tiến độ đối với những dự án được tiếp tục triển khai để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời tập trung đẩy nhanh việc thực hiện Đề án “Xây dựng khu đô thị tái định cư” đã được UBND Thành phố phê duyệt để đảm bảo sớm có các khu tái định cư chất lượng cao, đa dạng các loại hình căn hộ, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong việc ban hành các cơ chế chính sách, thực hiện các quy trình thủ tục trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư-GPMB nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc phát sinh từ cơ sở, từ các địa bàn, các dự án.
b. Tại Thành phố Hồ Chí Minh
Theo báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng nhất của mỗi dự án và cũng là khâu vướng của nhiều dự án quan trọng của Thành phố. “Chi phí giải phóng mặt bằng chiếm không dưới 50% tổng vốn đầu tư dự án. Thế nhưng nhiều dự án vì vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, kéo dài từ năm này qua năm khác khiến vốn đầu tư cũng đội lên kinh khủng”.
Có thể nhìn thấy sự đội vốn một cách rõ ràng qua dự án cải tạo kênh Ba Bò nằm trên địa bàn quận Thủ Đức - Thành phố Hồ Chí Minh giáp ranh tỉnh Bình Dương. Dự án triển khai từ năm 2003 với mục tiêu nạo vét, mở rộng tuyến kênh dài 1,7 km nhằm tiêu thoát nước và giảm ô nhiễm cho lưu vực phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Tổng vốn phê duyệt ban đầu là 307 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm 125 tỉ đồng cho khoảng 16 ha với 299 hồ sơ bồi thường giải tỏa. Tuy nhiên, do khâu giải phóng mặt bằng kéo dài khiến chi phí bồi thường cũng tăng lên.
Đến năm 2009, UBND Thành phố quyết định điều chỉnh vốn đầu tư theo kiến nghị của chủ đầu tư (Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước
Thành phố) lên 743 tỉ đồng (tăng 240% so với vốn ban đầu), chi phí cho bồi thường giải phóng mặt bằng gần 490 tỉ đồng (tăng 390%). Thế nhưng sau khi tăng vốn, việc thi công vẫn triển khai ngập ngừng, nguyên nhân chính là các hộ dân không đồng ý với phương án bồi thường do quận đưa ra nên chưa bàn giao mặt bằng.
UBND Thành phố phải liên tiếp ra “tối hậu thư” yêu cầu quận Thủ Đức nhanh chóng bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư nhanh chóng thi công nhưng đến nay vẫn còn vướng 12 hộ. Dù diện tích của 12 hộ này không lớn nhưng khiến mặt bằng bị cắt khúc nên vẫn chưa thể thi công. Hiện quận Thủ Đức đang gặp khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất để biết các hộ này có đủ điều kiện bồi thường hay không nên vẫn chờ xin ý kiến các sở ngành liên quan.
Cầu vượt Gò Dưa có vốn đầu tư gần 200 tỉ đồng nhằm giải quyết cấp bách tình trạng giao thông trên Quốc lộ 1A - đường Xuyên Á, tuy nhiên, dự án được thực hiện hơn 8 năm nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng do vướng bồi thường giải tỏa.
Dự án vẫn còn bị vướng 46 hộ dân. Tương tự, qua nhiều năm thực hiện, đến nay, dự án nâng cấp Liên Tỉnh lộ 25B giai đoạn 2 (vốn đầu tư 624 tỉ đồng) vẫn vướng giải phóng mặt bằng. Tính đến nay, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố mới nhận được 7,87 ha/12,2 ha mặt bằng nên phải thi công theo hình thức “da beo”.
Ngoài dự án cải tạo kênh Ba Bò, hiện còn rất nhiều công trình trọng điểm khác của Thành phố đang thi công ì ạch do vướng mặt bằng thi công: nút giao thông Gò Dưa (Thủ Đức), Liên Tỉnh lộ 25B (quận 2), dự án cải tạo kênh Tân Hóa- Lò Gốm (quận 6)…
Hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003 có 13 nghị định và 65 văn bản pháp luật khác, khoảng 150 văn bản liên quan đến đất đai do nhiều bộ ngành ban hành.
Riêng Thành phố cũng đã ban hành khoảng 100 văn bản để cụ thể hóa và triển khai thi hành Luật Đất đai 2003 trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, luật và các văn bản hướng dẫn hiện nay còn chồng chéo nhau, nhiều điểm quy định, hướng dẫn chưa rõ ràng, chưa sát với thực tế nên khi vận dụng gặp không ít khó khăn.
Những dây dưa kéo dài trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án cải tạo kênh Ba Bò nằm ở cách xác định nguồn gốc đất. Phần lớn đất trên địa bàn quận Thủ Đức sau giải phóng do các tập đoàn, hợp tác xã quản lý nhưng khi các hợp tác xã này tan rã, chính quyền địa phương không quản lý nên người dân đến canh tác, sản xuất. Nếu xác định đây là đất công thì nhiều hộ dân bị giải tỏa không đủ điều kiện bồi thường mà chỉ được nhận hỗ trợ.
Việc xác định nguồn gốc đất không chỉ Thủ Đức mà nhiều quận, huyện cũng đang gặp phải. Chính vì vậy, Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố kiến nghị: Luật Đất đai sửa đổi sắp tới nên quy định việc xác định điều kiện bồi thường với các trường hợp nói trên chỉ cần căn cứ vào quá trình sử dụng đất chứ không phân biệt nguồn gốc sử dụng đất. Nhưng phải quy định tiêu chí đánh giá mức độ sử dụng ổn định vì khái niệm này hiện nay vẫn còn nhiều lấn cấn, chưa có sự thống nhất.
c. Tại Thành phố Đông Hà – tỉnh Quảng Trị
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đông Hà - tỉnh Quảng Trị tính đến năm 2012, thành phố có 40 công trình xây dựng cần GPMB, trong đó 25 công trình đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB, 15 công trình đang triển khai GPMB.
Trong số 15 công trình đang tiến hành giải quyết có những công trình có quy mô lớn, số hộ bị ảnh hưởng nhiều như công trình xây dựng hạ tầng cơ sở đường Trần Nguyên Hãn, phường Đông Giang; công trình đường Lê Lợi nối dài, phường Đông Lương; công trình mở rộng quảng trường Trung tâm văn hóa tỉnh giai đoạn 2; công trình cầu sông Hiếu và đường hai đầu cầu; công trình hạ tầng Khu công nghiệp Nam Đông Hà…
Trong số các công trình đã và đang triển khai trên địa bàn thành phố có hơn 500 hộ dân trong diện bị ảnh hưởng được bồi thường hỗ trợ, trong đó tỷ lệ hộ dân trong diện GPMB bị vướng mắc, khó giải quyết chiếm đến 10%. Thực trạng trên khiến công tác GPMB diễn ra một cách ì ạch, ảnh hưởng đến tiến độ công trình, đặc biệt các khiếu nại liên quan đến bồi thường hỗ trợ di dời GPMB liên tục tăng. Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh, đến cuối năm 2011, thành phố Đông Hà hiện có 9 đơn thư tồn đọng kéo dài của 15 hộ đứng đơn khiếu nại về công tác bồi thường, GPMB
thi công các công trình xây dựng trên địa bàn. Một số trường hợp gặp vướng mắc, kéo dài khiến công trình bị gián đoạn, không thực hiện 100% khối lượng theo thiết kế, gây mất mỹ quan và hiệu quả công trình như công trình nút giao thông Lê Chưởng- Trần Hưng Đạo; công trình đường Nguyễn Du; công trình xử lý cống thoát nước trên đường Hàm Nghi; công trình đường Lê Văn Hưu...
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vướng mắc trong GPMB ở thành phố Đông Hà là do cơ chế chính sách, pháp luật về bồi thường GPMB còn nhiều bất cập và chậm thay đổi. Cụ thể là giá đất bồi thường theo quy định thường thấp hơn giá thị trường từ 2-3 lần. Điển hình là việc áp giá bồi thường di dời GPMB đối với các hộ dân trên đường 9B, thuộc dự án mở rộng quảng trường Trung tâm văn hóa tỉnh nhiều hộ dân cho rằng việc áp giá mức 240 triệu đồng/mét ngang là không thỏa đáng vì trước đó, trên cùng vị trí, một cây xăng do phá sản đã tổ chức đấu giá khu đất với diện tích 10 mét ngang và đã được bán với giá 6,9 tỷ đồng. Về giá bồi thường vật kiến trúc, nhà cửa, cây cối, tài sản trên đất hiện thấp hơn giá thị trường 20%. Chính sách áp giá bồi thường không thống nhất giữa các công trình, như trường hợp hai công trình do tỉnh làm chủ đầu tư là dự án mở rộng Quốc lộ 1A và dự án mở rộng quảng trường Trung tâm văn hóa tỉnh giai đoạn 2 được tăng tổng mức bồi thường GPMB lên 20%, trong khi đó các công trình khác do thành phố Đông Hà làm chủ đầu tư không được điều chỉnh tăng vốn khiến nhiều hộ dân không đồng tình. Các quy định về bồi thường, hỗ trợ, cấp đất tái định cư đối với các hộ dân bị thu hồi nhiều đất, hộ gia đình có nhiều thế hệ sinh sống, đông con, hộ gia đình ở hai đầu tuyến giao thông chưa phù hợp, thỏa đáng. Quá trình lập dự án, đơn vị tư vấn luôn lập dự toán bồi thường GPMB thấp hơn so với thực tế nên khi triển khai phải điều chỉnh lại. Sự phối hợp của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong GPMB chưa thường xuyên, tích cực và thiếu sự chủ động.
Bên cạnh đó, việc thiếu khu tái định cư là một nguyên nhân khiến công tác GPMB thêm phần khó khăn. Hiện Đông Hà có một số khu tái định cư chỉ mới dự án trên giấy như khu tái định cư phường 3, Tây Hùng Vương. Trong khi đó, một số khu tái định cư chỉ được triển khai khi có dự án xây dựng công trình với mục đích
phục vụ tái định cư đối với các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ công trình như khu tái định cư phường Đông Giang phục vụ di dời các hộ dân đường Trần Nguyên Hãn; khu tái định cư phường Đông Thanh phục vụ tái định cư các hộ dân công trình cầu sông Hiếu và đường hai đầu cầu. Đặc biệt, các khu tái định cư này được thiết kế với vị trí chưa tương xứng với vị trí hiện tại của các hộ dân bị thu hồi đất khiến nhiều hộ dân không đồng ý theo chủ trương di dời.
Mặt khác, một bộ phận nhân dân thiếu hợp tác, cá biệt có trường hợp lôi kéo các hộ dân khác không đồng tình với chính sách của nhà nước theo ý chí chủ quan của mình. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác GPMB của thành phố Đông Hà chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng, đặc biệt là thiếu năng lực, kinh nghiệm trong vận động, thuyết phục, đối thoại với nhân dân trong khi đó số lượng công trình cần GPMB ngày càng nhiều, kể cả những công trình thuộc thẩm quyền cấp tỉnh đã dẫn đến quá tải, gây áp lực về chất lượng, tiến độ GPMB. Đây là những nguyên nhân chính khiến công tác GPMB ở thành phố Đông Hà diễn ra chậm chạp và được dư luận đặc biệt quan tâm.
Trong hiện tại và tương lai, thành phố Đông Hà sẽ triển khai nhiều công trình có quy mô ngày càng lớn nhằm phát triển đô thị xứng tầm với vị trí tỉnh lỵ. Tuy nhiên, nếu những vướng mắc trong công tác GPMB không được các cấp có thẩm quyền quan tâm tháo gỡ đó sẽ là lực cản trực tiếp làm chậm tốc độ phát triển đô thị, kinh tế xã hội của Đông Hà trong tiến trình phát triển.