1.4.1. Nguyên tắc khi áp dụng giải pháp
- Cần phát huy và dựa trên tính trách nhiệm, tự nguyện, lòng yêu nước của người dân
- Đảm bảo tính minh bạch, công khai và công bằng.
- Coi trọng công tác tuyên truyền vận động quần chúng
- Có những biện pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa phương.
- Đảm bào đúng chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
1.4.2. Các giải pháp kinh tế - tổ chức đã và đang được áp dụng tại các địa phương trong cả nước
a. Giải pháp về cơ chế, chính sách
- Hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh các văn bản pháp luật về công tác bồi thường GPMB: Cơ sở pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục, trình tự, thu hồi, hỗ trợ tái định cư đang được sửa đổi, hoàn thiện cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Các chính sách dần được điều chỉnh hợp lý với các dự án cụ thể nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền của Nhà nước và quyền của người sử dụng đất đai, mối quan hệ giữa lợi ích xã hội mà dự án mang lại và lợi ích của người có đất bị thu hồi.
- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai phù hợp: Trên cơ sở quy hoạch tổng thể sử dụng đất đai và định hướng phát triển kinh tế xã hội trong tương lai, thực hiện quy hoạch chi tiết các hạng mục công trình phục vụ mục đích an ninh quốc phòng, mục đích công cộng và mục đích phát triển kinh tế xã hội.
- Định giá bồi thường sao cho tiệm cận với giá thị trường: Một trong những vấn đề gây tranh cãi khiếu kiện, người dân không chấp nhận khi thỏa thuận phương án bồi thường GPMB là giá bồi thường đất thường thấp hơn giá thị trường cũng như sự chênh lệch giữa giá bồi thường và giá nhà, đất tái định cư.
b. Giải pháp về nguồn tài chính
Quá trình lập, phê duyệt và tiến hành chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất diễn ra rất phức tạp do sự bất hợp lý trong chính sách hay mâu thuẫn quan điểm và lợi ích giữa chủ đầu tư và người bị thu hồi đất nên các phương án bồi thường có thể thường xuyên phải điều chỉnh và thay đổi tổng chi phí bồi thường.
Chính phủ chưa có chính sách tạm ứng vốn để thực hiện tái định cư hoặc kêu gọi các nhà đầu tư ứng vốn thực hiện dự án theo hình thức chỉ định thầu để đảm bảo tiến độ của dự án.
Công tác chuẩn bị quỹ đất, quỹ nhà tái định cư chưa đi trước một bước, xây dựng chưa đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chưa bảo đảm chất lượng các khu tái định cư.
c. Giải pháp phối hợp các bên liên quan
Thực tế cho thấy, GPMB là công tác hết sức nhạy cảm, phức tạp, khó khăn và luôn đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, sự đồng cảm, linh hoạt, nhạy bén ở người thực hiện. Để giải quyết tốt vấn đề này, đòi hỏi phải có sự vận dụng tổng hợp, từ chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố, đến tình hình thực tiễn của từng địa phương, tính chất của từng dự án; đồng thời không thể thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong quá trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Phải tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ GPMB. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị, các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ GPMB và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến GPMB.
d. Giải pháp về tổ chức bộ máy cán bộ thực hiện công tác bồi thường GPMB - Tăng số lượng cán bộ
Trong cùng một thời gian, khối lượng công tác bồi thường GPMB thường rất lớn đòi hỏi cần đội ngũ cán bộ thực hiện đầy đủ về số lượng và trình độ chuyên môn. Ban bồi thường GPMB thuộc cấp huyện mới thành lập với chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức nhân sự của ban còn mới và thiếu biên chế do đó có quá tải về công việc cũng như hạn chế trong giải quyết các vụ việc liên quan.
- Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ
Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, tinh thần, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, thống nhất cách hiểu các văn bản chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến GPMB, đồng thời giúp các cán bộ chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận giải quyết các tình huống khó khăn có thể nảy sinh trong quá trình GPMB. Ngoài ra cần đề ra những quy định về chế độ khen thưởng phù hợp để khuyến khích động viên ý thức trách nhiệm của người cán bộ, đồng thời cũng phải có những hình thức xử phạt nghiêm khắc những trường hợp cán bộ công chức lợi dụng quyền hạn, chức vụ, lợi
dụng những kẽ hở của chính sách và pháp luật để mưu lợi cá nhân hoặc cán bộ thiếu ý thức trách nhiệm làm thiệt hại tiền của và chậm tiến độ công tác bồi thường GPMB.
e. Giải pháp về truyền thông
Đặc điểm của công tác bồi thường GPMB là mang tính đa dạng, khó khăn và phức tạp vì nó tác động đến mọi mặt của đời sống, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của các bên liên quan.
Công tác tuyên truyền phải được xác định là khâu then chốt nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người có đất bị thu hồi. Do đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức quần chúng trong hệ thống chính trị từ cơ sở đến thành phố tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới toàn thể cán bộ đảng viên, nhân dân, đến từng thôn xóm, đến từng tổ dân cư về nhu cầu sử dụng đất, cơ cấu lại quỹ đất phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của địa phương, hiểu được chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước và ý nghĩa, sự cần thiết phải thu hồi đất để thực hiện các công trình phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nhất là Luật Đất đai, các Nghị định Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành hướng dẫn thi hành pháp luật đất đai, các chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tuyên truyền, vận động, thuyết phục bằng nhiều hình thức tới các đối tượng có đất bị thu hồi, trước hết là những cán bộ, đảng viên, quần chúng gương mẫu nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong việc chấp hành chủ trương thu hồi đất của Nhà nước.
Tại mỗi địa phương, cần xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên mạnh có kiến thức pháp luật, làm nòng cốt cho công tác tuyên truyền, thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, phát hành các loại tài liệu tuyên truyền gọn nhẹ, dễ dọc, dễ hiểu tới tận tay người dân ở những khu vực triển khai dự án. Ở những địa phương phức tạp tổ chức họp đến cơ sở và đối thoại với nhân dân để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, trực tiếp giải đáp thắc mắc của nhân dân, tạo niềm tin trong nhân dân trong công tác GPMB. Khi hiểu được pháp luật, hiểu
được lợi ích từ công tác GPMB và được lắng nghe, người dân sẽ tích cực tham gia ủng hộ công tác GPMB và hạn chế được khiếu nại tố cáo.
Đối với chủ đầu tư cần tăng cường kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu với chính quyền địa phương và tổ chức làm công tác bồi thường, tổ chức tư vấn thực hiện đầy đủ quy trình công khai, minh bạch để khắc phục hạn chế đến mức thấp nhất những thắc mắc, khiếu kiện của người có đất bị thu hồi.
Kết luận chương 1:
Việc xác định giá trong bồi thường giải phóng mặt bằng là một việc làm quan trọng và hết sức khó khăn, phức tạp. Với một phương pháp cụ thể, nó phản ánh mức độ phù hợp chính sách pháp luật của Nhà nước về bồi thường, thu hồi đất và kết quả của sự triển khai, thực hiện chính sách pháp luật ở từng địa phương.
Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là một công việc phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và bao gồm nhiều công đoạn thực hiện khác nhau. Thời gian qua, công tác bồi thường tại các địa phương trên cả nước từ lúc triển khai đến lúc kết thúc phần lớn thực hiện rất chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Bồi thường, GPMB khi Nhà nước thu hồi đất là một chế định quan trọng của pháp luật đất đai. Chế định này luôn được rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện nhằm đáp ứng các đòi hỏi của thực tiễn. Việc áp dụng pháp luật về bồi thường, GPMB luôn gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Nó không chỉ đụng chạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; quyền và lợi ích của Nhà nước; quyền và lợi ích của chủ đầu tư mà còn phải giải quyết hàng loạt vấn đề xã hội phát sinh trực tiếp từ việc Nhà nước thu hồi đất gây ra: Việc bố trí, tái định cư cho người bị thu hồi đất ở; vấn đề giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo đời sống, an sinh xã hội cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất nông nghiệp.
Trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng chúng ta lấy giáo dục thuyết phục là chính sao cho thấu tình đạt lý. Nhưng cũng phải “kiên quyết cưỡng chế” đối với những trường hợp dựa vào dân chủ, cố tình vi phạm pháp luật, đòi hỏi quá đáng… không chịu di dời, làm hại đến lợi ích của Nhà nước.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG CÔNG TÁC GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG TRÊN ĐỊA BÀN PHƯỜNG AN KHÁNH XÉT TỪ GÓC ĐỘ KINH TẾ - TỔ CHỨC