CHƯƠNG II: PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH VÀ DỰ ĐOÁN THỐNG KÊ HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU HÀNG HOÁ
2. Lựa chọn các phương pháp phân tích và dự đoán thống kê hoạt động xuất khẩu hàng hoáđộng xuất khẩu hàng hoá
2.1. Sự cần thiết và nguyên tắc lựa chọn các phương pháp phân tích thống kê và dự đoán thống kê
Phân tích và dự đoán thống kê được hiểu là việc nêu lên một cách tổng hợp bản chất và tính quy luật của các hiện tượng và quá trình kinh tế - xã hội số lớn trong điều kiện lịch sử cụ thể qua các biểu hiện về lượng và tính toán các mức độ trong tương lai nhằm đưa ra những căn cứ cho quyết định quản lý.
Như vậy, phân tích và dự đoán thống kê là biểu hiện tập trung kết quả của toàn bộ quá trình nghiên cứu thống kê. Phân tích và dự đoán thống kê giúp ta thấy rõ bản chất, quy luật phát triển của hiện tượng trong quá khứ, hiện tại, giúp tiên đoán được các mức độ của hiện tượng trong tương lai. Đồng thời, nó còn giúp chỉ rõ mối liên hệ nội tại giữa các bộ phận của tổng thể, mối liên hệ, tác động qua lại giữa hiện tượng nghiên cứu với các hiện tượng có liên quan. Trên cơ sở đó, giúp ta có nhận thức đúng đắn về hiện tượng, tìm các biện pháp thích hợp thúc đẩy hiện tượng phát triển theo hướng tốt nhất, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội hiện tại.
Tuy nhiên, mỗi hiện tượng kinh tế - xã hội đều có bản chất khác nhau, đồng thời trong thống kê có rất nhiều phương pháp phân tích và dự đoán thống kê khác nhau, do vậy cần lựa chọn những phương pháp phân tích và dự đoán phù hợp với hiện tượng kinh tế - xã hội mà ta đang nghiên cứu.
Việc lựa chọn phương pháp phân tích phải dựa vào nhiệm vụ của phân tích thống kê hoạt động xuất khẩu hàng hoá. Nhiệm vụ của phân tích thống kê hoạt động xuất khẩu hàng hoá là:
*Phân tích tĩnh:
Bao gồm phân tích về kết cấu và các cân đối của các chỉ tiêu thống kê xuất khẩu hàng hoá.
Cụ thể: khi phân tích kết cấu (tỷ trọng) của các chỉ tiêu thống kê xuất khẩu hàng hoá được lựa chọn thì trước hết ta phải tính và so sánh các tỷ trọng phân theo các phân tổ của chỉ tiêu như mặt hàng/nhóm hàng, ngành kinh tế, loại hình kinh tế, nước/vùng lãnh thổ hàng đến …qua thời gian, không gian và so với mục tiêu.
*Phân tích động:
Trước hết, phải xác định được:
- Quy luật biến động gồm:
+ Quy luật về xu thế biến động: Xem xét xem qua thời gian các chỉ tiêu thống kê xuất khẩu hàng hoá biến động theo quy luật xu thế như thế nào, từ đó so sánh chúng qua thời gian (tức là so sánh kỳ trước hoặc kỳ gốc cố định), qua không gian (so sánh giữa các đơn vị với nhau), và so với mục tiêu (so với kế hoạch để biết được tỷ lệ hoàn thành kế hoạch).
+ Quy luật về thời vụ: Xác định các chỉ tiêu thống kê xuất khẩu hàng hoá có được tổng hợp theo tháng, quý … từ đó xem xét nó có biến động thời vụ hay không và có thể so sánh chúng trong thời gian, không gian và mục tiêu hay không. Trong thực tế, có một số chỉ tiêu thống kê xuất khẩu hàng hoá được tổng hợp theo tháng, quý như chỉ tiêu trị giá xuất khẩu hàng hoá, sản lượng xuất khẩu hàng hoá tuy nhiên các chỉ tiêu này rất khó để thu thập chi tiết theo các phân tổ khác nhau, vì vậy chỉ có thể phân tích quy luật thời vụ các chỉ tiêu tổng hợp nhất.
+ Quy luật về sự liên hoàn, phụ thuộc của các chỉ tiêu thống kê xuất khẩu hàng hoá: xem xét mối liên hệ giữa các mức độ của dãy số của các chỉ tiêu thống kê xuất khẩu hàng hoá từ đó tìm ra phương trình phản ánh sự phụ thuộc giữa các mức độ trong dãy số mà ta phân tích.
- Xác định mức độ biến động, các chỉ tiêu biểu hiện biến động của các chỉ tiêu thống kê xuất khẩu hàng hoá theo các phân tổ khác nhau và so sánh chúng qua thời gian, không gian và mục tiêu.
- Xác định ảnh hưởng các nhân tố đến sự biến động của các chỉ tiêu thống kê xuất khẩu hàng hoá, phân tích vai trò của các nhân tố ảnh hưởng đến các chỉ tiêu này và xác định tầm ảnh hưởng của các nhân tố.
Từ những kết quả tính toán, phân tích, xác định trên, ta lựa chọn những phương pháp dự báo thích hợp để dự bảo hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam trong thời gian tới.
Qua phân tích nhiệm vụ của phân tích hoạt động xuất khẩu hàng hoá, ta thấy để lựa chọn phương pháp phân tích thì cần phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Nguyên tắc 1: Phải bảo đảm tính hướng đích
Tức là phải lựa chọn phương pháp phân tích thích hợp bảo đảm phù hợp với mục đích, yêu cầu và nhiệm vụ nghiên cứu.
- Nguyên tắc 2: Phải bảo đảm tính hệ thống
Đối với các chỉ tiêu có tính chất và hình thức phát triển khác nhau thì phải áp dụng các phương pháp phân tích khác nhau. Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm riêng vì vậy cần kết hợp các phương pháp phân tích, sau đó lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.
- Nguyên tắc 3: Phải bảo đảm tính khả thi
Dựa vào yêu cầu, mục đích và nguồn số liệu thu thập được, tác dụng của mỗi phương pháp phân tích để lựa chọn phương pháp tối ưu nhất.
- Nguyên tắc 4: Phải bảo đảm tính hiệu quả
Phương pháp được lựa chọn phân tích phải bảo đảm đáp ứng được yêu cầu đặt ra, sử dụng thuận tiện, dễ hiểu, dễ làm, dễ áp dụng và sử dụng tối đa, có hiệu quả nhất.
2.2. Các phương pháp lựa chọn để phân tích hoạt động xuất khẩu hàng hoá
Mỗi phương pháp được lựa chọn đều phải đáp ứng được yêu cầu phù hợp với mục đích, nhiệm vụ phân tích thống kê, phải bảo đảm được đúng các nguyên tắc lựa chọn. Tuy nhiên, mỗi phương pháp vận dụng để phân tích hoạt động xuất khẩu hàng hoá đều có ưu nhược điểm riêng, mỗi một phương pháp sẽ giúp ta giải quyết được các nhiệm vụ khác nhau, có thể giải quyết nhiệm vụ này nhưng không giải quyết được nhiệm vụ khác, vì vậy để bảo đảm đúng các nguyên tắc lựa chọn cần kết hợp nhiều phương pháp để chúng bổ sung cho nhau, tuỳ thuộc vào đặc điểm của hiện tượng để lựa chọn phương pháp phân tích thích hợp.
Với những hiện tượng nghiên cứu có tính chất phức tạp, đòi hỏi phải được tổng hợp theo từng tổ, từng bộ phận. Vì vậy, khi tổng hợp và phân tích thống kê, trước hết ta phải sử dụng phương pháp phân tổ thống kê, sắp xếp các đơn vị vào từng tổ, từng bộ phận, rồi sau đó mới tính các đặc điểm chung của các tổng thể.
Nếu có số liệu chuỗi theo thời gian: Ta sử dụng phương pháp dãy số thời gian. Phương pháp này giúp ta biết được đặc điểm về sự biến động của hiện tượng, vạch rõ xu hướng và tính quy luật của sự phát triển của hoạt động xuất khẩu hàng hoá, đo lường mức độ biến động theo thời gian và dự báo mức độ của hiện tượng trong tương lai. Phương pháp hồi quy tương quan cũng có thể được sử dụng để xác định mức độ chặt chẽ của mối liên hệ giữa các dãy số.
Nếu có số liệu không dạng chuỗi ta sử dụng phương pháp chỉ số, phương pháp này cho phép giải quyết 3 vấn đề: xem xét biến động về tương đối, về tuyệt đối; xem xét biến động về giá, xem xét biến động do ảnh hưởng của các nhân tố và vai trò của từng nhân tố.
Nếu có số liệu chuỗi theo không gian, ta sử dụng phương pháp hồi quy tương quan, phương pháp này giúp ta thấy được quy luật về sự liên hoàn, phụ
thuộc của các chỉ tiêu, xem xét mối liên hệ giữa các mức độ của dãy số, ảnh hưởng các nhân tố, vai trò của các nhân tố và dự báo.
2.3. Các phương pháp lựa chọn để tiến hành dự đoán hoạt động xuất khẩu hàng hóa
Dự đoán thống kê là xác định mức độ của hiện tượng trong tương lai bằng cách sử dụng tài liệu thống kê và áp dụng các phương pháp phù hợp. Có 3 nhóm phương pháp dự đoán cơ bản là dự đoán bằng phương pháp chuyên gia, đự đoán bằng mô hình hồi quy và dự đoán dựa vào dãy số thời gian.
Đối với hoạt động thống kê xuất khẩu hàng hóa, một trong những phương pháp phù hợp để thực hiện dự đoán là dự đoán dựa vào dãy số thời gian. Do dự đoán bằng dãy số thời gian không yêu cầu một số lượng lớn tài liệu như dự đoán bằng mô hình hồi quy, mà chỉ cần có dãy số thời gian bao gồm một số lượng nhất định các mức độ của hiện tượng. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng không cần phụ thuộc nhiều vào các giả thuyết.
Như vậy, ta có thể sử dụng một số phương pháp dự đoán thống kê ngắn hạn như dự đoán dựa vào lượng tăng (giảm) tuyệt đối bình quân, dự đoán dựa vào tốc độ phát triển bình quân, dự đoán dựa vào hàm xu thế, dự đoán dựa vào biến động thời vụ ....