Giới thiệu chung về tỉnh Quảng Nam
- Diện tích: 1.043.836,96 ha, trong đó đất chưa qua sử dụng là 2.932,98 ha.
- Đơn vị hành chính: Bao gồm 2 thành phố là Tam Kỳ, Hội An và 16 huyện trực thuộc là Đại Lộc, Điện Bàn, Phước Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Núi Thành, Nam Giang, Đông Giang, Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My, Quế Sơn, Nam Trà My, Tây Giang, Phú Ninh, Nông Sơn.
- Dân số: Tính đến hết năm 2010, dân số Quảng Nam là 1.435.629 người.
- Mật độ dân số: 139 người/km2
- Dân tộc thiểu số: gồm 4 tộc người sinh sống từ lâu đời và phân bố chủ yếu ở vùng núi phía tây là dân tộc người Cơ Tu, người Co, người Gié Triêng, người Xê Đăng và một số tộc người thiểu số mới di cư đến với tổng số dân trên 10 vạn người, chiếm 7,2% dân số toàn tỉnh. Với 81,4% dân số sinh sống ở nông thôn, Quảng Nam có tỷ lệ dân số sinh sống ở nông thôn cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước.
Quảng Nam là một tỉnh duyên hải của Việt Nam, thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Phía bắc giáp Tp. Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, phía nam giáp Quảng Ngãi, phía đông giáp biển Đông, phía tây và tây bắc giáp Lào, phía tây nam giáp Kom Tum.
Tỉnh Quảng Nam là một vùng đất còn lưu giữ nhiều dấu tích của nền văn hóa Chăm- pa. Tên gọi Quảng Nam có nghĩa là “mở rộng về phía nam”. Quảng Nam nằm ở trung điểm của đất nước theo trục Bắc – Nam, là nơi giao hòa sắc thái văn hóa giữa hai miền và giao lưu văn hóa với bên ngoài, điều này góp phần làm cho Quảng Nam giàu truyền thống văn hóa, đặc sắc về bản sắc văn hóa.
Quảng Nam còn là nơi có nhiều làng nghề truyền thống được hình thành và phát triển từ nhiều đời nay. Trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm nghề và làng nghề đã tồn tại và phát triển ở đây như một phần không thể tách rời của lịch sử mỗi làng quê, thôn xóm ở mảnh đất này.
Tình trạng tội phạm hiện nay ở tỉnh Quảng Nam
Báo cáo trước kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa VIII (diễn ra từ ngày 11- 14/12), Ban Pháp chế HĐND tỉnh nhận định các loại tội phạm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang có xu hướng gia tăng.Tình hình vi phạm pháp luật trong năm qua vẫn còn diễn biến phức tạp; hầu hết các loại phạm đều gia tăng so với năm 2011, tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, nổi lên là hoạt động của tội phạm hình sự, tội phạm có tổ chức tại các đô thị lớn, có sự đan xen, gắn kết với các hoạt động kinh tế. Tính chất ngày càng quyết liệt, manh động hơn. Nhiều vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng, tính chất man rợ, tàn bạo.
Nguyên nhân phần lớn do mâu thuẫn bột phát, nhất thời, nhiều đối tượng phạm tội chưa có tiền án, tiền sự.... phản ảnh những vấn đề đáng báo động về sự suy thoái, xuống cấp đạo đức. Đáng lưu ý đã xảy ra một số vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất táo tợn, dã man, gây xôn xao dư luận xã hội. Các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cướp, cướp giật tại sản, gây rối, chống người thi hành công vụ, cờ bạc, ma túy… đều có hướng tăng, đối tượng phần lớn ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Một số tội phạm diễn biến theo chiều hướng xấu như: tội phạm sử dụng vũ khí, hung khí tấn công các lực lượng chức năng trong khi thi hành công vụ; tội phạm cướp, cướp giật tài sản, nhất là tài sản của người nước ngoài tại các thành phố lớn, có lúc lộng hành gây hoang mang trong xã hội. Tình trạng bạo lực học đường và vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh sinh viên rất đáng báo động.
Tội phạm mua bán người tăng trên 2 lần so với giai đoạn trước, với thủ đoạn hoạt động xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ, xuyên quốc gia. Bọn tội phạm thường lợi dụng phụ nữ, trẻ em ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có trình độ văn hóa thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, dụ dỗ, hứa hẹn việc làm có thu nhập cao, rồi tìm cách lừa bán ra nước ngoài; hoặc lợi dụng địa bàn miền núi vắng vẻ, đột nhập, giết người, chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em, mua bán trẻ sơ sinh và trẻ trong bào thai, gần đây nổi lên tình trạng mua bán nam giới, nội tạng người...
Theo đó, về tội phạm ma túy, từ đầu 2012 đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố 75 vụ, 98 bị can về các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy (tăng 24 vụ,
21 bị can so với cùng kỳ năm 2011). Các phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Đặc biệt là các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia tại các khu vực biên giới, cửa khẩu gia tăng. Nhiều đối tượng sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Xu hướng mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy tổng hợp dạng đá ngày càng gia tăng, kéo theo số thanh thiếu niên sử dụng tăng nhanh. Đã phát hiện việc sản xuất, điều chế ma túy tổng hợp ở một số địa phương; số xã phường, thị trấn không có ma túy bị thu hẹp chỉ còn 34%.
Tội phạm về tham nhũng có chiều hướng tăng nhanh số bị can. Năm 2012, cơ quan điều tra đã khởi tố 5 vụ, 15 bị can (tăng 4 vụ, 14 bị can so với cùng kỳ năm 2011). Theo Ban Pháp chế, đa số đối tượng phạm tội là cán bộ tại UBND xã, phường có hành vi nhận hối lộ, tham ô tài sản. Tội phạm kinh tế, tham nhũng diễn ra phức tạp trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gây thất thoát tài sản lớn. Nhiều vụ có quy mô lớn, giá trị tài sản bị chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỉ đồng đã tác động xấu đến an ninh tài chính, tiền tệ và bức xúc dư luận xã hội. Đáng chú ý nhất là vụ của ông Nguyễn Đình Giao, nguyên Xã đội trưởng xã Tam Đại (huyện Phú Ninh). Trong quá trình giải quyết chế độ 290, ông này đã cấu kết với một số đối tượng tự làm hồ sơ, giả chữ ký của những người trong hội đồng xét duyệt để chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.
Về tội phạm xâm phạm sở hữu và trật tự quản lý kinh tế, cơ quan chức năng đã khởi tố 454 vụ, 654 bị can (tăng 57 vụ, 43 bị can so với năm 2011); chủ yếu là cướp, cướp giật... Các vụ phạm tội liên quan về trật tự an toàn xã hội, cơ quan điều tra đã khởi tố 293 vụ với 493 bị can, án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng tăng, nhất là tội phạm về giết người. Điều đáng báo động, là đối tượng phạm tội ngày càng có xu hướng trẻ hóa, liều lĩnh…
Diễn biến tình hình tội phạm vẫn còn rất phức tạp: tội phạm có tổ chức, tội phạm băng nhóm, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người, tội phạm hung hãn sử dụng vũ khí nóng, tội phạm cướp của giết người, cướp giật, đâm thuê chém mướn; tội phạm lừa đảo, tham nhũng ... gây ra tâm lý lo ngại trọng dân. Từng thành viên không được để cho tội
phạm hoành hành trong lĩnh vực được phân công, cần phải đánh liên tục, đánh mạnh, đánh trúng vào các loại tội phạm. Để đảm bảo trật tự kỷ cương và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp, Ban Pháp chế đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường vai trò trách nhiệm; đẩy mạnh hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực thi pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Ban Pháp chế cũng đề nghị VKSND 2 cấp cần tăng cường công tác kiểm sát điều tra, giam giữ, cải tạo, thi hành án và giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực tư pháp. Quan đó, tăng cường kháng nghị kiến nghị hạn chế những sai sót, vi phạm trong hoạt động tư pháp…
Khái quát về TA nhân dân tỉnh Quảng Nam
TANDTQN nằm ở số 04 đường Nguyễn Chí Thanh, Tp. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Lãnh đạo TA bao gồm: ông Trần Ngọc Triều – Chánh án, ông Phan Khắc Chưỡng – Phó chánh án, ông Ngô Đình Bảy – Phó chánh án; ông Trương Trọng Tiến – Phó chánh án.
Nhiệm vụ của TANDTQN là tổ chức giải quyết, xét xử các loại án và thi hành án hình sự. TA xét xử những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế, hành chính và giải quyết những việc khác theo quy định của pháp luật trong phạm vi chức năng của mình, TA có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể; bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân. Bằng hoạt động của mình, TA góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng ngừavà chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.
TANDTQN bao gồm 18 đơn vị TA trực thuộc: 2 TA thành phố và 16 TA huyện trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2012, TA tỉnh Quảng Nam đã giải quyết được 617 vụ án hình sự với 856 BC. Trong khoảng thời gian tôi về thực tập và nghiên cứu khóa luận, TA đã giải quyết 237 vụ án hình sự với 358 BC, trong đó có 43 BC thuộc trọng án (giết người, hiếp dâm, buôn bán ma túy,…) còn lại là những vụ án khác chủ yếu về cố ý đánh người gây thương tích, tổ chức đánh bạc, vi phạm án toàn giao thông,…
Trong đề tài này tôi chỉ tiến hành quan sát TĐ của 150 BC biểu hiện trước tòa trong hoạt động xét xử vào khoảng thời gian từ 1/2013 cho đến 3/2013, sau đó tôi tiếp tục quan sát TĐ của 150 BC bị xét xử vào năm 2012 thông qua băng hình của TA nhân dân tỉnh Quảng Nam, nhằm đánh giá về TĐ của BC, sự thay đổi TĐ của BC khi mới bắt đầu phiên tòa và khi kết thúc phiên tòa. Từ đó lý giải những nguyên nhân dẫn đến TĐ, sự thay đổi TĐ của BC trong hoạt động xét xử; đưa ra phương hướng và giải pháp cho đề tài. Những BC đưa ra xét xử đều đã được điều tra kỹ càng, được Viện kiểm sát tiến hành luận tội nên không hề có án oan sai ở đây.