Chương 2. TIỂU THUYẾT MẪU THƯỢNG NGÀN VÀ ĐỘI GẠO LÊN CHÙA TỪ GÓC NHÌN THỂ TÀI LỊCH SỬ – VĂN HÓA
2.2. Lịch sử – văn hóa trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh
2.2.3. Chấp nhận cái đa dạng để khẳng định bản lĩnh dân tộc trong đối đầu với ngoại lai và xung đột nội tại
Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa được viết vào thời điểm lịch sử khi mà các nền tảng văn hóa xã hội như Phật giáo và Nho giáo đang tiếp nối nhau phát triển. Nhưng song hành cùng đó là văn hóa thực dân, chủ nghĩa thực dân xâm lược nước ta và đưa cả cái văn hóa của họ sang cai trị đất nước.
Để soi tỏ và khẳng định sức mạnh của tín ngưỡng dân gian như là một hạt nhân quan trọng của văn hóa, Nguyễn Xuân Khánh đã nhìn nó từ một góc khác, đó là góc nhìn của người ngoài cộng đồng. Chẳng hạn, tín ngưỡng bách thần trong Mẫu Thượng Ngàn, người kể chuyện đã tự tách mình ra khỏi cộng đồng để nhìn nhận sức hấp dẫn của tín ngưỡng đa thần của người Việt bằng con mắt của một nhà dân tộc học ngoại bang: “Ở xứ sở này, chỗ nào, nhà nào cũng thờ thần Đất. Đất cũng có hồn, đó là hồn Đất. Nó là tổng hợp của những hồn người, hồn ma, hồn cây cỏ, ao hồ, cả hồn đá nữa. Chúng ta thường chê dân bản xứ là vô đạo, thực ra họ là những kẻ phiếm thần giáo” [23, tr. 193]
.Quán triệt tư tưởng này, người kể chuyện đã để cho nhân vật cảm nhận sức chống trả mãnh liệt một cách bản năng của văn hóa bản địa. Đó là cái mà ông này gọi là tố chất loại trừ: “Ở xứ nhiệt đới này, từ lá cây ngọn cỏ đến luồng không khí huyền ảo mà ta hít thở, từ con mắt đen nhánh ngơ ngác của con người đến thân hình mềm dẻo đầy nhục cảm của người đàn bà bản xứ, tất cả đối với người phương Tây đều xa lạ, đều như thù nghịch, đều như chẳng chịu hòa hợp, chúng đều mang những tố chất loại trừ” [23, tr. 374]. Không chỉ là
45
những quan sát bề ngoài, người kể chuyện còn để cho những nhân vật ngoại bang có cơ hội trải nghiệm phép màu ma thuật của làng Cổ Đình. Người đầu tiên là Pierre, ông này được cứu sống nhờ việc cúng ma, uống thuốc bùa và phải chịu đau đớn vì ông thầy cúng – Hộ Hiếu đánh roi dâu trừ tà lên người để đuổi con ma cụt đầu [23, tr. 212]. Hoặc một tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ Mẫu: Một nhà thực dân khác lại phải hứng chịu sự trừng phạt của Mẫu khi dám lên tiếng báng bổ đạo Mẫu là mê tín quàng xiên, thờ rắn là tà giáo, không thể so sánh với các Phật giáo và Thiên Chúa giáo, ngay lập tức bị rắn (được người dân Cổ Đình cung kính gọi là “ngựa ngài”) đuổi. Ở chi tiết này, người kể chuyện để cho người đọc thấy tính hư hư thực thực của thế giới được thêu dệt nhiều bằng lời đồn đại: “có người còn nói”, “có người còn kể lại những điều khó tin”, “chẳng biết những lời xầm xì ấy có đúng không” [23, tr. 436]. Với chi tiết này, người kể chuyện muốn tạo một dư luận trong công chúng để hạ bệ tư thế ngạo nghễ của kẻ đi chinh phục bằng phép thiêng của đạo Mẫu hiện ra ở chốn trần gian. Theo dẫn dắt của người kể chuyện, sự thức tỉnh của các nhà thực dân đã đưa họ đến với nhận thức chung của cộng đồng thuộc địa. Nhà văn đã để cho họa sĩ thực dân Pierre tổng kết về đạo Mẫu một cách say sưa và thấm thía như người trong cuộc: “Đạo của họ thờ mẹ Trời, mẹ Đất, mẹ Nước. Họ nói đó là đạo Người mẹ. Có thể nói gọn, đó là đạo thờ khí thiêng của thiên nhiên, thờ người mẹ đã sinh ra thế gian này. Thờ như vậy là thờ những điều cao quý nhất, đâu có phải là tà giáo” [23, tr. 427].
Cùng với mạch truyện trên, người kể chuyện còn để cho nhà thực dân bênh vực và đánh giá cao tín ngưỡng dân gian bản địa, sánh nó “ngang hàng với những tôn giáo lớn trên thế giới” [23, tr. 715]. Sức sống này được Nguyễn Xuân Khánh thể hiện trong tác phẩm bằng nguyên lí tính nữ, và ông đã mượn lời một nhân vật để đưa ra lí thuyết chinh phục cho rằng, sức mạnh chinh phục nam tính sẽ bị sự kháng cự mềm mại nữ tính đánh bại, từ đó đề
46
cao nguyên lí tính nữ trong tác phẩm của mình. Lí thuyết này được hiện thực hóa trong suy ngẫm của nhà văn qua những nhân vật phụ nữ đẹp và tràn trề sức sống. Nhà thực dân Philipe đã bị chinh phục và đã chết trong một khát vọng khôn nguôi về hoan lạc và chiếm đoạt người phụ nữ đẹp của làng Cổ Đình là cô Mùi, mà theo tác giả là hiện thân của vẻ đẹp tràn trề nữ tính và sự huyền bí của văn hóa bản địa.
47
Chương 3