CHƯƠNG 2: PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG MARKETING TÁC ĐỘNG ĐẾN KHẢ NĂNG CẠNH TRANH CỦA VDC TRONG CUNG CẤP
2.3. THỰC TRẠNG KHẢ NĂNG CẠNH TRANH CỦA CÔNG TY VDC TRONG CUNG CẤP DỊCH VỤ INTERNET ADSL
2.3.3. Đánh giá khả năng cạnh tranh của các đối thủ từ phía khách hàng
Cuộc khảo sát về dịch vụ Internet ADSL của VDC được tiến hành trên yêu cầu cấp thiết đối với VDC là phải định vị lại mình, cố gắng tìm ra những điểm mạnh và điểm yếu của mình cũng như của một số đối thủ cạnh tranh để từ đó đưa ra những chính sách và chiến lược kinh doanh phù hợp. Đối tượng khảo sát là các khách hàng được phân loại như sau
- Nhóm khách hàng đang sử dụng dịch vụ Internet ADSL của VDC
- Nhóm khách hàng tiêm năng của VDC, trong đó có khách hàng của các đối thủ cạnh tranh.
- Nhóm khách hàng đã từng sử dụng dịch vụ của VDC.
Cuộc điều tra được thực hiện trong thời gian từ tháng 6-8/2006 trên phạm vi toàn địa bàn thành phố Hà Nội.
Thông qua kết quả đánh giá từ cuộc điều tra nghiên cứu thị trường Internet ADSL năm 2006 tại Hà Nội, các số liệu cho thấy những nhận định từ
phía khách hàng đối với các dịch vụ Internet ADSL của các nhà cung cấp, mà ở đây tập trung vào 3 nhà cung cấp lớn nhất là VDC/VNPT, FPT và Vietel.
Sơ đồ 2.1 : Đánh giá khả năng cạnh tranh của các 3 đối thủ từ khách hàng
Nguồn: Nghiên cứu thị trường Internet ADSL2006 tại Hà Nội – VDC1 Từ nghiên cứu này đã đưa ra một bức tranh tổng thể về khả năng cạnh tranh, các thế mạnh của từng nhà cung cấp.
VDC có thế mạnh nhất về chất lượng đường truyền và hình thức thanh toán, điều này dễ dàng nhận thấy vì VDC sở hữu cơ sở hạ tầng, mạng cáp rộng khắp cả nước, sở hữu đường mạng trục Internet Quốc gia nên chất lượng đường truyền Internet của VDC luôn được đánh giá vượt trội so với đối thủ.
Ngoải ra VDC còn có lợi thế là tận dụng được hệ thống các bưu cục, đại lý hiện có trải rộng khắp tại các vị trí thuận lợi trên địa bàn các tỉnh và triển khai dịch vụ Internet ADSL trên mạng điện thoại, do đó hình thức thanh toán dịch vụ cũng là lợi thế của VDC.
VDC mặc dù là doanh nghiệp lớn nhưng vẫn thiên về thụ động chờ yêu cầu khách hàng. Công tác chủ động tiếp thị tận địa chỉ khách hàng mới bắt đầu sơ khai, còn nhiều hạn chế. Thêm nữa, chưa cam kết thời gian cung cấp dịch vụ cho khách hàng, dẫn đến tình trạng: khách hàng cứ nộp đơn nhưng chẳng biết khi nào được đáp ứng nhu cầu. Ngoải ra trong bản thân doanh nghiệp: các quy trình chưa được chuẩn hóa như: quy trình hỗ trợ sau bán hàng, quy trình chăm sóc khách hàng,... dẫn đến tình trạng: công tác hỗ trợ khách hàng còn chậm trễ, chưa có công tác chăm sóc khách hàng lớn, khiếu nại nhiều trong khâu hỗ trợ sau bán hàng. Chính điều này đã làm cho khách hàng đánh giá VDC kém nhất so với các đối thủ về mặt thời gian cung ứng dịch vụ và các dịch vụ chăm sóc khách hàng như hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng và quan hệ khách hàng.
Ngoài ra các hoạt động về đa dạng dịch vụ và các hình thức khuyến mãi của VDC cũng không được đánh giá cao do VDC là doanh nghiệp Nhà nước, phải tuân thủ theo các quy định đối với doanh nghiệp Nhà nước về các thủ tục tài chính, tỷ lệ chi cho các hoạt động quảng cáo khuyến mại trên tổng chi phí bị hạn chế dẫn đến tình trạng: bó buộc doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác truyền thông, marketing bị hạn chế và các hoạt động triển khai dịch vụ mới cũng bị chậm trễ hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Ngược lại, đối thủ FPT mặc dù chất lượng đường truyền không được đánh giá cao nhưng lại vượt trội so với VDC ở Dịch vụ gia tăng giá trị, thời gian cung ứng và hỗ trợ kỹ thuật. FPT đã chú trọng ngay từ đầu để đưa hình ảnh của mình như là doanh nghiệp thực sự hướng về khách hàng, Họ thưc hiện thủ tục đăng ký tại bất cứ đâu khách hàng yêu cầu, cung cấp dịch vụ cả thứ 7, chủ nhật và ngày lễ. Thái độ phục vụ theo phong cách thị trường, hết mình vì khách hàng. Ngoài ra FPT đã tập trung phát triển các dịch vụ giá trị
gia tăng để dẫn đầu về các dịch vụ giải trí trên mạng. Đồng thời FPT thực hiện hoạt động khuyến mãi cho đội ngũ bán hàng trực tiếp, năng động, có nhiều chính sách giá cước hoa hồng đa dạng khuyến khích cả người bán, lẫn người mua. Chính điều này đã tạo cho FPT một lợi thế cạnh tranh nhất định và cũng là lý do việc FPT đang chiếm thị phần cao hơn tại các thành phố lớn.
Viettel tỏ ra là kém cạnh tranh nhất khi chỉ được đánh giá là nhà cung cấp thực hiện khuyến mại nhiều nhất còn chất lượng đường truyền và dịch vụ gia tăng lại thấp nhất. Do Viettel tham gia thị trường chậm hơn so với FPT và VDC, hơn nữa Viettel vẫn chưa tập trung nhiều cho dịch vụ này, chủ yếu là đẩy mạnh các dịch vụ điện thoại. Tuy nhiên đây là đối thủ có nhiều năng lực trong việc phát triển mạng lưới và dịch vụ.