Chương 2. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.4. Phương pháp nghiên cứu
2.4.1. Xác định đặc điểm của CTRSH thành phố Hòa Bình
- Nguồn phát sinh CTRSH từ hoạt động nào: Từ sinh hoạt trong nhân dân, các hộ kinh doanh, các cơ quan trụ sở làm việc...
- Thành phần CTRSH và khối lượng CTRSH.
2.4.1.2. Phương pháp nghiên cứu
* Phương pháp kế thừa tài liệu
Phương pháp thu thập các số liệu thứ cấp như: các số liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của thành phố Hòa Bình, các số liệu thu thập từ UBND các phường, xã, thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hòa Bình và Công ty Cổ phần môi trường đô thị Hòa Bình. Các số liệu này được thu thập từ các nguồn nêu trên theo mốc thời gian 5 năm gần đây, hoặc các số liệu cũ hơn. Vì trên thực tế, có những số liệu được tổng hợp từ các nguồn cũ, không phải năm nào cũng được cập nhật, mà thường được thống kê theo giai đoạn, nhưng trong khuôn khổ đề tài, tác giả cố gắng thu thập và sử dụng những nguồn số liệu mới nhất, để từ đó có thể đưa ra những nhận xét chính xác về hiện trạng, đồng thời dự báo sát hơn về xu hướng biến đổi của các chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, tác giả có tham khảo, kế thừa số liệu từ các nguồn tài liệu tham khảo của các nghiên cứu trước, các nguồn dữ liệu từ internet, các bài giảng, công trình khoa học của các tác giả đã thực hiện của một số đề tài tương tự với mục đích làm phong phú thêm nội dung của luận văn về hàm lượng khoa học.
* Phương pháp thu thập, điều tra ngoại nghiệp
Phương pháp này chủ yếu dựa vào số liệu tổng hợp từ phiếu điều tra khảo sát mức độ hiểu biết, nhận thức và sự tham gia của người dân tại thành phố Hòa Bình trong việc phát sinh, thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tác giả cũng tiến hành tham khảo ý kiến của các nhà quản lý, các cơ quan chức năng trong việc xử lý, quản lý chất thải rắn, cũng như việc định hướng, quy hoạch trong tương lai đối với vấn đề nêu trên.
Hình thức điều tra: Phát phiếu điều tra trực tiếp cho các hộ gia đình, cá nhân. Sau đó số phiếu này được tổng hợp lại và thống kê theo từng mục đã đề ra trong phiếu. Kết quả xử lý số liệu được sử dụng trong phần kết quả nghiên cứu ở phần IV (Mẫu phiếu điều tra trong phần Phụ lục).
Để cập nhật số liệu chính xác việc phát sinh và thu gom CTRSH. Tác giả tiến hành phát phiếu điều tra ngẫu nhiên cho 400 hộ gia đình tại địa bàn 05 phường, xã là phường Phương Lâm, phường Hữu Nghị, phường Tân Hòa, xã Hòa Bình và xã Sủ Ngòi (mỗi phường, xã phát 80 phiếu) để biết tình hình phát sinh và thành phần, khối lượng của CTRSH (đây là 05 xã, phường có mật độ dân số và trình độ phát triển kinh tế khác nhau nên có thể đại diện được cho đặc trưng của thành phần khối lượng CTRSH của toàn thành phố Hòa Bình). Thời gian phát phiếu điều tra kéo dài từ tháng 01/01/2020 đến 31/01/2020, thời gian thu phiếu điều tra sau 01 tuần kể từ khi phát phiếu.
Phiếu điều tra gồm những nội dung sau:
+ Lượng CTRSH phát sinh từ hộ gia đình và vấn đề phân loại CTRSH;
+ Cách thức xử lý các loại CTRSH (chất thải trồng trọt, chăn nuôi, phế thải xây dựng…);
+ Việc nộp lệ phí thu gom CTRSH và mức độ hài lòng của người dân về phí vệ sinh môi trường phải trả cho dịch vụ thu gom;
+ Ý kiến của người dân về việc thu gom và xử lý CTRSH trên địa bàn.
Ngoài ra, học viên đã phỏng vấn một số công nhân thu gom CTRSH tại một vài xã, phường trên địa bàn thành phố khi họ đang trong quá trình làm việc để nắm bắt thêm một số bất cập trong thu gom CTRSH.
* Phương pháp đồng nhất mẫu
- Căn cứ vào số lượng vị trí tập kết rác của các xã, phường hiện có, học viên tiến hành lấy mẫu xác định thành phần rác tại 05 vị trí tập kết. Mỗi vị trí lấy 03 lần tại 03 tháng khác nhau (tháng 1, tháng 2, tháng 3 năm 2020). Lựa chọn 05 vị trí tập kết CTRSH tại các xã, phường có mật độ dân số và trình độ phát triển kinh tế khác nhau để việc lấy mẫu có thể đại diện được cho đặc trưng của thành phần khối lượng CTRSH của toàn thành phố Hòa Bình.
- Mỗi vị trí tập kết lấy 30 kg rác, phân loại theo các chỉ tiêu phân loại lý học gồm: Các chất hữu cơ và vô cơ. Tiến hành phân loại mỗi tháng 01 lần và trong vòng 03 tháng.
- Cách thức lấy mẫu để phân loại lý học CTRSH (đồng nhất mẫu chất):
+ Đổ chất thải đã thu gom xuống sàn;
+ Trộn kỹ các chất thải rắn;
+ Đánh đống chất thải rắn sinh hoạt theo hình nón;
+ Chia hình nón thành bốn phần đều nhau và lấy hai phần chéo nhau (A+C) hoặc (B+D), sau đó nhập vào với nhau và trộn đều;
+ Chia mỗi phần chéo đã phối thành 2 phần bằng nhau;
+ Phối cỏc phần chộo thành hai đống, sau đú lại lấy ở mỗi đống ẵ đống (khoảng 15 kg) để phân loại lý học.
Hình 2.1. Cách thức đồng nhất mẫu
* Phương pháp dự báo khối lượng CTRSH phát sinh trong tương lai Dự báo khối lượng rác phát sinh trong tương lai là vấn đề cần thiết và quan trọng để có kế hoạch đầu tư cho việc thu gom, vận chuyển rác một cách hiệu quả và hợp lý. Khối lượng CTRSH phát sinh trong tương lai của một khu vực được dự báo dựa trên 2 căn cứ sau: Số dân và tỷ lệ tăng dân số; khối lượng CTRSH phát sinh bình quân đầu người theo mức thu nhập.
Theo cách này, căn cứ theo dân số của khu vực nghiên cứu, kết hợp với mô hình toán học để dự báo dân số trong những năm tiếp theo. Từ đó có thể tính được tổng lượng CTRSH phát sinh hiện tại cũng như trong tương lai của khu vực. Ngoài số dân đăng ký chính thức, trong quá trình tính toán cũng cần phải quan tâm đến số dân không đăng kí và lượng khách vãng lai (tính khoảng 10% dân số).
* Phương pháp dự báo
Sử dụng công thức tính theo mô hình Euler dự báo dân số của thành phố Hòa Bình đến năm 2030.
Ni + 1 = Ni + r.Ni.∆t Trong đó:
Ni: Số dân ban đầu (người);
Ni+1: Dân số sau 1 năm (người);
r: Tốc độ tăng trưởng (%);
∆t: Thời gian (năm).
Dự báo khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn xã thông qua: hệ số phát sinh CTRSH đến năm 2030: q = m : n.
Trong đó:
q: Hệ số phát sinh CTRSH (kg/người/ngày);
m: Lượng CTR sinh hoạt trung bình (kg/ngày);
n: Số nhân khẩu được điều tra (người).