Các nội dung chuẩn hoá dữ liệu địa chính theo chuẩn dữ liệu địa chính Việt Nam bao gồm 7 nội dung quy định (quy chuẩn) cụ thể như sau:
+ Quy định nội dung dữ liệu địa chính;
+ Quy định cấu trúc dữ liệu địa chính;
+ Quy định hệ quy chiếu tọa độ cho dữ liệu địa chính;
+ Quy định siêu dữ liệu của dữ liệu địa chính;
+ Quy định chất lượng dữ liệu địa chính;
+ Quy định trình bày dữ liệu địa chính;
+ Quy định trao đổi, phân phối dữ liệu địa chính.
Đến nay, Tổng cục Quản lý đất đai đã xây dựng xong dự thảo Quy định nội dung dữ liệu địa chính và Quy định cấu trúc dữ liệu địa chính (phiên bản 1a). Đây là hai nội dung cốt lõi nhất trong Quy định kỹ thuật chuẩn dữ liệu địa chính, các nội dung còn lại hiện đang triển khai xây dựng.
Nội dung sau đây sẽ trình bày cụ thể những nghiên cứu về hai nội dung dự thảo.
3.3.1. Quy định nội dung dữ liệu địa chính
Danh mục đối tượng địa chính được xây dựng theo chuẩn phương pháp lập danh mục đối tượng địa lý - chuẩn thông tin địa lý cơ sở quốc gia (based on ISO 19110). Các đối tượng được định nghĩa trong danh mục bao gồm:
- Các đối tượng không gian (spatial feature) - Các đối tượng thuộc tính (attribute feature)
Các đặc tính chung của các đối tượng được định nghĩa trong danh mục đối tượng địa chính gồm:
- Mỗi đối tượng có một mã nhận dạng duy nhất theo chuẩn uuid (Universally Unique Identifiers)
- Mỗi đối tượng có thuộc tính thời gian: thời điểm bắt đầu (beginTime) và thời điểm kết thúc (endTime)
Việc sử dụng mã nhận dạng duy nhất (uuid) giúp cho việc duy trì quan hệ giữa các đối tượng trong cơ sở dữ liệu địa chính cũng như trong cập nhật dữ liệu địa chính giữa các cơ sở dữ liệu địa chính.
Thuộc tính thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc được áp dụng cho các đối tượng có các phiên bản khác nhau theo thời gian giúp cho việc tổ chức các phiên bản đối tượng khác nhau trong cơ sở dữ liệu địa chính và cho phép khôi phục được dữ liệu lịch sử tại một thời điểm bất kỳ trong quá khứ.
Bên cạnh việc áp dụng mã nhận dạng duy nhất cho tất cả các đối tượng địa chính (gồm đối tượng không gian, đối tượng thuộc tính) một số đối tượng cũng bao gồm một mã nhận dạng duy nhất để phục vụ cho mục đích quản lý, tra cứu thông tin như:
- Mã thửa đất (parcel identifier)
- Mã tài sản gắn liền với đất (real estate identifier)
Mã thửa đất được cấu thành bởi các thông tin gồm: mã đơn vị hành chính cấp xã (adminstration code), số hiệu tờ bản đồ địa chính (cadastral sheet map code), số thứ tự thửa đất trong tờ bản đồ địa chính (parcel number in sheet).
Quy định nội dung dữ liệu địa chính là quy định các nội dung thông tin phải có trong cơ sở dữ liệu địa chính (thông tin không gian và thông tin thuộc tính).
Nội dung dữ liệu địa chính được quy định dưới dạng danh mục đối tượng địa chính được xây dựng theo quy định của chuẩn thông tin địa lý cơ sở quốc gia.
Danh mục đối tượng dữ liệu địa chính gồm tên kiểu đối tượng, định nghĩa (mô tả) về các kiểu đối tượng thuộc dữ liệu địa chính, kiểu giá trị, số thể hiện đối tượng cùng các thuộc tính đối tượng và quan hệ đối tượng.
Vì các đối tượng trong cơ sở dữ liệu địa chính cũng chính là một phần của đối tượng địa lý nên nội dung cơ sở dữ liệu địa chính gồm các nội dung về các đối tượng địa chính và vẫn có nội dung về các đối tượng nền địa lý.
Đối với các thông tin về địa chính phải xây dựng theo các nội dung sau:
+ Các thông tin về Người (người sử dụng đất, người quản lý đất, người có liên quan đến các giao dịch đất đai) bao gồm: giới tính, ngày sinh, năm sinh, họ tên, địa chỉ thường trú, chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu đối với cá nhân và các thông tin địa chỉ trụ sở chính, tên tổ chức, số quyết định, ngày quyết định đối với tổ chức.
+ Các thông tin về Thửa đất bao gồm: ranh giới thửa đất (gồm cả thửa đất giao thông đường bộ, giao thông đường sắt, thửa đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối, đê, đập, thửa đất chưa sử dụng); mã thửa đất (mã xã, số hiệu tờ bản đồ, số thứ tự thửa), địa chỉ thửa đất (số nhà, ngõ phố, đường phố, tổ dân phố, xứ đồng); giá đất (giá đất, cơ sở định giá); loại đất (hiện trạng, qui hoạch, kiểm kê); thửa đất (mã đối tượng, diện tích, điểm đại diện).
+ Các thông tin liên quan đến Đăng Ký: đối tượng đăng ký, các quyền và nghĩa vụ, mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng, thực hiện tài chính, nợ tài chính, nguồn gốc giao dịch, các văn bản phárp lý, hồ sơ giao dịch.
+ Các thông tin về Quy hoạch bao gồm: Chỉ giới quy hoạch, mốc quy hoạch, hành Lang an toàn công trình.
+ Các thông tin về Tài sản: Nhà (mã đối tượng, diện tích, loại nhà, số tầng nổi, số tầng ngầm, loại kết cấu nhà, số căn hộ, diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, năm xây dựng); Căn hộ (số hiệu, tầng số, diện tích).
Loại nhà được phân loại theo công năng sử dụng: nhà ở, chung cư, tập thể, cơ quan, sản xuất, kinh doanh, giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa, tôn giáo, an táng, trạm, an ninh, ga, cộng đồng.
Loại kết cấu nhà gồm: nhà tre, gỗ, nhà xây chủ yếu bằng gạch, đá, không có khung chịu lực, nhà có khung chịu lực bằng thép, nhà có khung chịu lực bằng bê tông, có tường gạch, nhà bê tông lắp ghép.
Ngoài ra thông tin về tài sản gắn liền với đất còn có lớp thông tin hạ tầng kỹ thuật trên thửa đất bao gồm: đường nội bộ, đường sắt, đường cấp nước, thoát nước, lưới điện, thông tin, nhiên liệu; và vật kiến trúc gồm: bể bơi, tháp nước, bể nước, tượng đài, đài phun nước; rừng vườn cây (rừng trồng sản xuất và vườn cây lâu năm).
Đối với các thông tin nền địa lý phải xây dựng theo các nội dung sau:
+ Cơ sở đo đạc: Điểm tọa độ cơ sở quốc gia, điểm tọa độ địa chính, loại cấp hạng.
+ Biên giới địa giới: Mốc biên giới địa giới, đường biên giới địa giới, địa phận cấp xã.
+ Giao thông: mép đường bộ, cầu giao thông, tim đường bộ, tim đường sắt.
+ Thủy hệ: máng dẫn nước, đập, đường mép nước, đường đỉnh đê, đường bờ nước
+ Địa danh: gồm các loại đối tượng địa danh sơn văn, thủy văn, biển đảo, dân cư, hành chính.
+ Mô hình số độ cao: nếu có dữ liệu về độ cao.
3.3.2. Quy định mô hình cấu trúc dữ liệu địa chính
Quy định mô hình cấu trúc dữ liệu địa chính là quy định cách thức tổ chức các đối tượng địa lý, các kiểu dữ liệu và các quan hệ giữa chúng trong cơ sở dữ liệu địa chính.
Quy định mô hình cấu trúc dữ liệu địa chính được xây dựng và biểu diễn ở mức khái niệm (mô hình cấu trúc dữ liệu khái niệm) dưới dạng một lược đồ ứng dụng UML.
Áp dụng các quy tắc xây dựng lược đồ ứng dụng được quy định trong chuẩn mô hình cấu trúc dữ liệu địa lý - chuẩn thông tin địa lý cơ sở quốc gia để định nghĩa và biểu diễn các kiểu đối tượng địa lý, các kiểu dữ liệu trong lược đồ ứng dụng UML.
* Mô hình cấu trúc dữ liệu địa chính xây dựng cần đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu sau:
- Phải đảm bảo được mối quan hệ không gian giữa các đối tượng ranh giới thửa đất với nhau, giữa đối tượng ranh giới đối tượng thửa đất với thửa đất, giữa đối tượng thửa đất với nhau.
- Phải đảm bảo lưu giữ được lịch sử của tất cả các thửa đất.
Mô hình cấu trúc (hay còn gọi là lược đồ ứng dụng) dữ liệu địa chính được tổ chức thành các gói dữ liệu như mô tả trong phần dưới đây: