Chương 4 THỰC NGHIỆM XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU ĐỊA CHÍNH CẤP XÃ CHO
4.4. Một số đề xuất hoàn thiện dự thảo Quy định kỹ thuật chuẩn dữ liệu địa chính Việt Nam
Qua thực nghiệm xây dựng cơ sở dữ liệu phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, Luận văn đề xuất một số nội dung nhằm hoàn thiện dự thảo Quy định kỹ thuật chuẩn dữ liệu địa chính như sau:
1. Mã đối tượng sử dụng đất thuộc dữ liệu người sử dụng đất: Trong dự thảo chuẩn đề xuất tách đối tượng sử dụng đất là Hộ gia đình riêng, là Cá nhân riêng và sử dụng hai loại mã, nhãn thể hiện khác nhau và khác với Thông tư 09/2007/TT- BTNMT về việc hướng dẫn lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính.
2. Đối với tài sản gắn liền với đất: Đề nghị cần quy định mã duy nhất đối với tài sản gắn liền với đất (nhà ở, công trình xây dựng, rừng, vườn cây lâu năm) để liên kết hai đối tượng thuộc tính và không gian với nhau.
3. Thuộc tính qui định loại nhà phân loại theo công năng sử dụng nhà là không cần thiết vì nó gần như trùng với mục đích sử dụng đất.
4. Quản lý quá chi tiết đối tượng nhà: (số tầng nổi, số tầng ngầm) mất rất nhiều công điều tra vì các loại bản đồ địa chính từ trước tới nay không có thông tin này.
5. Trước đây các bản đồ địa chính đã phân loại nhà tạm, nhà gạch và nhà bê tông nên giữ nguyên chuyển sang phân loại mới loại kết cấu là: NTG nhà tre gỗ, NGD nhà gạch, NBT nhà có khung chịu lực bằng bê tông, thép, bê tông lắp ghép.
Vì đây là lĩnh vực địa chính không phải quản lý xây dựng nên không cần chi tiết quá, và với khối lượng bản đồ địa chính cũ phải điều tra lại thông tin là rất lớn.
6. Thuộc tính năm xây dựng, năm hoàn thành xây dựng nhà là không cần thiết.
7. Đối với các thửa đất giao thông: Hiện theo dự thảo Quy định kỹ thuật chuẩn dữ liệu địa chính quy định giới hạn thửa đất theo địa giới hành chính cấp xã là không phù hợp khi chuyển dữ liệu bản đồ địa chính sang cơ sở dữ liệu địa chính
trong thời điểm hiện nay vì hầu hết các sản phẩm dữ liệu bản đồ hiện nay thể hiện các đối tượng này giới hạn theo mảnh bản đồ, có đánh số thửa, tính diện tích phục vụ thống kê theo từng mảnh do vậy nếu khi gộp dữ liệu vào theo địa phận hành chính để chuyển sang cơ sở dữ liệu mà nối tất cả các đường giao thông trong địa phận hành chính theo một mạng là rất khó khăn trong việc xử lý các thửa bỏ sau ghép nối.
8. Chính vì nguyên nhân như nêu trên, Luận văn đề xuất vẫn quản lý theo phạm vi mảnh bản đồ cụ thể như sau:
Gói Giao Thông: Quy định thông tin thuộc tính thuộc gói này bao gồm hai kiểu đối tượng là tim đường bộ (DC_TimDuongBo) và tim đường sắt (DC_TimDuongSat) là khó thực hiện và không cần thiết đối với cơ sở dữ liệu địa chính. Bởi vì hiện nay hầu hết dữ liệu địa chính không có thông tin này, nếu cơ sở dữ liệu quy định thì phải tiến hành xác định bổ sung đối tượng này song song với việc chuẩn hóa dữ liệu, việc xác định bổ sung sẽ rất khó khăn và tốn kém (cho dù sử dụng bất kể phương pháp nào). Hơn nữa, việc đề xuất quản lý đường hệ thống đường giao thông theo tuyến đường, tuyến phố, theo mảnh bản đồ cho phép việc xây dựng các mô hình quan hệ không gian cũng đơn giản hơn, giải quyết được các bài toán về thống kê theo chủ đề hoặc truy vấn dữ liệu khi cần chọn lọc.
9. Đối với thuộc tính thửa đất quy định như hiện nay thì mọi thông tin thuộc tính của thửa đất gắn với các đối tượng không gian thửa đất. Với quy định này có các ưu nhược điểm như sau:
Ưu điểm:
+ Đảm bảo tính thống nhất, các đối tượng không gian được quy định với đầy đủ các thông tin không gian và thuộc tính;
+ Thuận tiện trong việc quản lý, truy xuất, cập nhật thông tin đối tượng.
Nhược điểm:
+ Đòi hỏi các đối tượng không gian phải sẵn sàng và phải được chuẩn hóa theo đúng mô hình cấu trúc theo yêu cầu trước khi đưa vào cơ sở dữ liệu địa chính.
+ Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu địa chính khi các đối tượng không gian chưa có, chưa được cập nhật hoặc chưa được chuẩn hóa.
Với những ưu, nhược điểm như trên, Luận văn đề xuất quy định hai đối tượng dữ liệu khác nhau, nhưng có quan hệ với nhau cho một loại thông tin trong dữ liệu địa chính. Cụ thể, đối với thửa đất có Thửa đất không gian riêng, Thửa đất thuộc tính riêng, và hai đối tượng này phải đảm bảo không có sự trùng lặp về thông tin giữa đối tượng thuộc tính và đối tượng không gian. Đồng thời, cần phải có quy định về mã thửa đất (mã thửa đất, mã tài sản gắn liền với đất) để liên kết hai đối tượng thuộc tính và không gian với nhau. Với cách quy định này sẽ giải quyết được các nhược điểm tồn tại như dự thảo quy định hiện nay:
+ Có thể xây dựng từng phần cơ sở dữ liệu địa chính mà chưa cần chuẩn hóa các đối tượng không gian;
+ Phù hợp với hiện trạng tư liệu hiện nay khi mà các biến động phân tách thửa đất không được cập nhật, quá trình đo chỉnh lý biến động chỉ được cập nhật được tại thời điểm đo chỉnh lý mà không cập nhật được các biến động xảy ra trước thời điểm đo chỉnh lý biến động.
Với quy định này hoàn toàn phù hợp với hiện trạng dữ liệu cũng như công tác quản lý đất đai hiện nay, và tạo thuận lợi khi áp dụng chuẩn dữ liệu địa chính.
Đối với đối tượng không gian thửa đất, đề xuất quy định thành các đối tượng sau:
+ Thửa đất hình học: Áp dụng cho các trường hợp là thửa đất được trích đo, thửa đất trong lịch sử không đủ thông tin để xác định thửa đất topology.
+ Thửa đất topology: Áp dụng cho các thửa đất đã được chỉnh lý tại thời điểm xây dựng dữ liệu và được chuẩn hóa theo mô hình topology áp dụng cho đối tượng thửa đất quy định trong chuẩn dữ liệu địa chính.
Đồng thời, qua nghiên cứu một số văn bản Luật hiện hành, Luận văn cũng đề xuất thêm một số nội dung cần hoàn thiện:
1. Đối với Gói Tài sản: Hiện dự thảo đang gộp loại tài sản gắn liền với đất Rừng vườn cây (DC_RungVuonCay) vào một kiểu đối tượng chung. Đề nghị tách hai loại tài sản này thành hai kiểu đối tượng khác nhau: Rừng (DC_Rung) riêng và Vườn cây (DC_VuonCay) riêng.
2. Với kiểu đối tượng nhà (DC_Nha) thuộc gói Tài sản: Hiện đang quy định các thuộc tính Số tầng thành hai thuộc tính: Số tầng nổi, số tầng ngầm. Việc chia thuộc tính như trên là không cần thiết vì hiện nay số tầng xác định chung cho cả tần nổi và tầng ngầm, Bộ Xây dựng cũng chưa có văn bản không phân biệt cụ thể. Đề nghị chỉ quy định thuộc tính Số tầng chung.
3. Đối với các đối tượng tài sản là nhà, đề nghị cần có thuộc tính mở rộng
<<CodeList>> về cấp loại nhà cụ thể.