CHƯƠNG 3: TỔNG QUAN VỀ QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG VÀ HIỆP ƯỚC BASEL 12
3.4 Kinh nghiệm triển khai hiệp ước Basel II tại một số ngân hàng trong và ngoài nước
3.4.1 Kinh nghiệm triển khai Basel ở Trung Quốc
Từ trước năm 1978, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBC) vừa thực hiện các chức năng của ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại. Sau khi chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường, PBC bắt đầu ngừng các hoạt động huy động tiết kiệm và cho vay, chỉ thực hiện những chức năng của một ngân hàng trung ương, chịu trách nhiệm quản lý hệ thống các ngân hàng của Trung Quốc. Tháng 3/2003 Hội đồng Nhà nước quyết định thành lập Ủy ban Quản lý Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) để giám sát lĩnh vực ngân hàng, tách biệt với chức năng giám sát của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc. Trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, CBRC tuyên bố tập trung vào yêu cầu của Basel I và chỉ áp dụng một số khía cạnh trong quản trị rủi ro của Basel II. Tuy nhiên sau khủng hoàng, trước tình hình nợ xấu gia tăng từ các gói kích thích kinh tế, trên thực tế Trung Quốc đã áp dụng hầu hết các tiêu chuẩn của Basel II.
CBRC đã lựa chọn 5 ngân hàng thí điểm tham gia vào nghiên cứu tác động của Basel II bao gồm Ngân hàng phát triển, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng CITIC Trung Quốc, Ngân hàng Công thương.
Để đánh giá rủi ro tín dụng, CBRC áp dụng phương pháp XHTD nội bộ. Tuy nhiên Trung Quốc gặp khó khăn khi áp dụng phương pháp này do các cơ quan quản lý Trung Quốc không có khả năng đánh giá các tổ chức xếp hạng nội bộ, còn các công ty nợ ngân hàng lại hiếm khi được đánh giá xếp hạng. Các ngân hàng có thể sử dụng phương pháp chuẩn hóa để đánh giá rủi ro hoạt động. Đây là phương pháp đơn giản nhất của Basel II, nhưng vẫn gặp phải nhiều thách thức. Trong giai đoạn đầu áp dụng Basel, bộ phận công nghệ thông tin của các ngân hàng chưa thể cung cấp đủ dữ liệu cần thiết để tính toán mức vốn tiêu chuẩn theo phương pháp tiêu chuẩn hóa. Những vấn đề liên quan đến việc áp dụng mô hình sẽ kéo theo mức chi phí cũng rất tốn kém.
Cơ quan giám sát ngân hàng Trung Quốc CBRC đã rất tích cực trong công tác định hướng, hỗ trợ các ngân hàng triển khai Basel, ban hành nhiều chính sách thúc đẩy đổi mới hệ thống tài chính. Ý thức được tầm quan trọng của Basel II, các NHTM Trung Quốc cũng tăng cường các hoạt động quản trị rủi ro, tăng vốn, trích lập dự phòng, do đó Hệ số an toàn vốn của các ngân hàng đều được duy trì vượt qua mức tối thiểu 8%, hệ số trung bình toàn ngành đạt 13,3% năm 2012. Đến năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng Basel III.
3.4.2 Kinh nghiệm triển khai Basel ở Nhật Bản
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Cơ quan dịch vụ tài chính (FSA) là cơ quan quản lý các ngân hàng ở Nhật Bản. Từ năm 2007, các nguyên tắc của Basel II đã được áp dụng trong hệ thống ngân hàng của Nhật Bản. Các ngân hàng ở Nhật Bản đã đầu tư rất nhiều đặc biệt là nâng cấp hệ thống quản lý rủi ro và thu thập dữ liệu để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. Đối với hệ số CAR, ở Nhật Bản yêu cầu tối thiểu là 8% cho các ngân hàng theo tiêu chuẩn quốc tế và 4% cho các ngân hàng theo tiêu chuẩn trong nước. Hệ số CAR được ổn định nhờ vào việc các ngân hàng
đã tích cực tăng vốn. Trước sức ép của thị trường và những kỳ vọng của Basel II, các ngân hàng lớn đã tăng vốn khoảng 4,5 nghìn tỷ yên Nhật trong năm 2009-2010.
Tổng số vốn, vốn cấp I và hệ số CAR ở các ngân hàng nhờ vậy được cải thiện. Sau năm 2007, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng hạn chế còn các khoản tiền gửi có xu hướng gia tăng các ngân hàng đã phải đối mặt với rủi ro thị trường ở mức cao.
RRTD cũng là vấn đề thách thức đối với các ngân hàng Nhật Bản. Chất lượng của các khoản tín dụng đã gây ra nhiều khó khăn cho các ngân hàng khu vực khi nền kinh tế trì trệ và xu hướng phá sản của các doanh nghiệp tăng nhanh. Các ngân hàng Nhật Bản đã phải nỗ lực kiểm soát rủi ro tín dụng để kiểm soát nợ xấu. Với khung pháp lý đầy đủ cho hoạt động giám sát đã tạo điều kiện cho hoạt động điều phối và hợp tác chặt chẽ giữa FSA và BOJ. Hoạt động thanh tra và giám sát do FSA và BOJ được thực hiện một cách toàn diện đã tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động giám sát các rủi ro được quy định trong Basel II như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), hầu hết những NHTM Nhật Bản mà IMF tiến hành kiểm tra đều có hệ thống quản trị rủi ro phù hợp. Trong quá trình thực hiện trụ cột 2, các cơ quan giám sát vẫn còn bỏ sót nhiều rủi ro, FSA đã không yêu cầu các ngân hàng phải tự động tăng thêm vốn trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, về cơ bản các cơ quan giám sát của Nhật Bản đáp ứng được hầu hết các nguyên tắc về cơ quan giám sát do Ủy ban Basel đặt ra.
Việc áp dụng Basel II trong hệ thống các ngân hàng Nhật Bản diễn ra tương đối thuận lợi do công tác chuẩn bị của FSA rất chu đáo, các cơ sở pháp lý được hoàn thiện, đồng bộ với một nền tảng tài chính lành mạnh. Ngoài ra các ngân hàng thương mại tại Nhật Bản rút kinh nghiệm từ áp dụng Basel I, nên đã xây dựng được mô hình quản trị rủi ro và cơ sở dữ liệu phù hợp để tính toán các hệ số rủi ro theo Basel II.
3.4.3 Kinh nghiệm triển khai Basel III ở Malaysia
Bank Negara Malaysia – NHTW của Malaysia định hướng và hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại trong việc thực hiện các biện pháp cải cách nhằm tăng cường
vốn, thanh khoản để đáp ứng tiêu chuẩn của Basel III. NHTW đặt mục tiêu thực hiện gói cải cách tại Malaysia phù hợp với tiêu chuẩn thế giới trong lộ trình thực hiện bắt đầu từ năm 2013 đến năm 2019.
Bên cạnh việc tăng cường chất lượng vốn, yêu cầu vốn tối thiểu đối với các ngân hàng của Malaysia cũng được đưa ra phù hợp với Basel III. Cụ thể tỷ lệ vốn chủ sở hữu phổ thông tối thiểu là 4,5%, tổng vốn cấp 1 tối thiểu là 6%, tỷ lệ tổng vốn yêu cầu tối thiểu là 8%. Ngoài ra các ngân hàng được yêu cầu giữ một bộ đệm bảo tồn vốn là 2,5% so với mức tối thiểu quy định.
3.4.4 Kinh nghiệm triển khai Basel III ở Philippines
Vào ngày 15 tháng 1 năm 2013, ngân hàng trung ương Philippines- Bangko Sentral ng Pilipinas (BSP) đã ban hành Thông tư số 781, cung cấp các hướng dẫn thực hiện về khung an toàn vốn. Khung mới có hiệu lực vào năm 2014 được áp dụng cho tất cả các ngân hàng thương mại. Khung này cho phép một giai đoạn chuyển tiếp hợp lý để các ngân hàng tuân thủ các yêu cầu tối thiểu mới.
Theo quy định của BSP, tỷ lệ vốn chủ sở hữu phổ thông tối thiểu mới là 6.0%.
Vốn cấp 1 tối thiểu 7,5% và 10,0% là Tổng tỷ lệ an toàn vốn (CAR). BSP cũng quy định một bộ đệm bảo tồn vốn là 2,5%.
3.4.5 Tình hình triển khai Basel của các ngân hàng Việt Nam
Năm 2014, 10 ngân hàng thương mại lớn đã được NHNN lựa chọn để thí điểm triển khai Basel II tại Việt Nam theo Công văn số 1601/NHNN-TTGSNH ngày 17/03/2014 bao gồm: BIDV, Sacombank, ACB, Techcombank, VPBank, Vietcombank, VIB, Maritime Bank, MB và Vietinbank. Lộ trình thực hiện đến năm 2018 được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 đến cuối 2015, các ngân hàng được chọn áp dụng ở mức độ tiêu chuẩn; Giai đoạn 2 đến cuối 2018, các ngân hàng áp dụng theo mức độ nâng cao. Đây chính là bước đột phá, thể hiện sự quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các NHTM thực hiện quản trị rủi ro theo các chuẩn mực Basel II. Ban chỉ đạo Basel II cũng đã được NHNN thành
lập nhằm tăng cường các hoạt động thanh tra giám sát để đánh giá khả năng áp dụng Basel II ở các NHNN, từ đó ban hành nhiều thông tư định hướng cho các NHTM trong quá trình triển khai. NHNN Việt Nam cũng đã kết hợp với nhiều tổ chức tư vấn quốc tế uy tín để xây dựng khung pháp lý, đào tạo nâng cao năng lực cho các cơ quan thanh tra giám sát và NHTM.
Về phía các NHTM cũng đã có sự chuẩn bị ráo riết với các kế hoạch, mục tiêu cụ thể. Các NHTM được lựa chọn thí điểm đã chủ động nghiên cứu, phân tích các phương pháp của Basel để xây dựng lộ trình triển khai, thiết lập các chính sách nội bộ về quy trình quản trị rủi ro tín dụng. Mô hình 3 tuyến phòng ngự cũng được các ngân hàng ứng dụng và hoàn thiện. Một số ngân hàng cũng có sự đầu tư lớn cho công nghệ thông tin, triển khai một số phần mềm quản lý khoản vay, quản lý tài sản.
Những phân tích trên cho thấy rằng các NHTM Việt Nam đã dần đi vào định hướng, lộ trình thực hiện Basel II của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên để đạt được và duy trì các yêu cầu quy định của Basel II thì đòi hỏi các NHTM cần nỗ lực nhiều hơn. Đặc biệt cần lưu ý duy trì hệ số CAR tối thiểu 8% với công thức xác định theo thông tư 36 sẽ thay đổi theo thông tư 41 và các quy định của Basel II. Theo đó việc bổ sung vốn cho rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường vào công thức tính CAR sẽ gây áp lực cho NHTM làm việc tăng vốn tại các ngân hàng là yêu cầu bức thiết. Về phía các NHTM tùy theo khả năng tài chính và các nguồn lực hiện có để lựa chọn mục tiêu tái cấu trúc NHTM theo Basel II ở mức độ phù hợp, theo định hướng của NHNN.
Kết quả đến tháng 11 năm 2019, đã có 14 ngân hàng được NHNN công nhận đạt chuẩn áp dụng Basel II bao gồm 13 ngân hàng Việt Nam là: Vietcombank, MBBank, Techcombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, TPBank, VPBank, VietBank, Viet Capital Bank, SeABank và 1 ngân hàng nước ngoài là Shinhan Bank. Các ngân hàng còn lại vẫn đang nỗ lực để sớm áp dụng Basel II, trong đó một
số ngân hàng gặp khó khăn trong quá trình tăng vốn như Vietinbank bởi giới hạn sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là 30% tại VietinBank đã được lấp đầy.
3.4.6 Bài học rút ra từ kinh nghiệm triển khai Basel tại các ngân hàng trong và ngoài nước
Khi các nước bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng hơn thì rủi ro trong hệ thống tài chính và hệ thống ngân hàng ngày càng trở nên phức tạp và khó lường hơn. Do vậy, áp dụng hiệp ước vốn Basel vào hệ thống ngân hàng là việc làm đúng đắn và cần thiết. Thực tế đã chứng minh mặc dù Basel II được xây dựng bởi nhóm 10 nước phát triển và áp dụng đối với các ngân hàng có phạm vi quốc tế, nhưng các ngân hàng với quy mô nhỏ hơn, tại các quốc gia đang phát triển hoặc kém phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Philippins, ... đều có khả năng áp dụng và thậm chí đang hướng đến triển khai Basel III. Các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Philippins đều là những quốc gia có vị trí địa lý tương đối gần với Việt Nam, có một vài nét tương đồng trong văn hóa kinh tế và chính trị. Quá trình triển khai Basel II tại các quốc gia trên cần có sự xem xét điều chỉnh thì mới có thể đạt được thành công. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam là cần phải dựa trên nhu cầu cần thiết và đặc điểm của hệ thống tài chính nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng, mỗi nước cần xây dựng cho mình những bước đi linh hoạt, phù hợp và cần có kế hoạch triển khai Basel II cụ thể.
Những khó khăn trong việc áp dụng Basel II tại các quốc gia bao gồm: chất lượng nguồn dữ liệu; nguồn lực về nhân sự, công nghệ; cơ chế, chính sách khung pháp lý của nhà nước. Để hạn chế những khó khăn của việc triển khai Basel II, các quốc gia khác nhau có các cách thức triển khai khác nhau phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của hệ thống ngân hàng - tài chính và năng lực của cơ quan giám sát ngân hàng. Tuy nhiên, đặc điểm chung dễ nhận thấy là các cơ quan giám sát ngân hàng đều áp dụng các bước sau: Sử dụng các phương pháp tiếp cận đơn giản cho từng loại rủi ro; đặt khuôn khổ về thời gian hoàn thành việc triển khai
Basel II tính từ lúc bắt đầu là khoảng 4-5 năm và có lộ trình cụ thể để cơ quan quản lý và các định chế tài chính thực hiện.
Ngoài ra, hầu hết các nước đều phải làm tốt các công tác nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo dữ liệu cần thiết được cung cấp một cách đầy đủ và chính xác. Cơ quan quản lý nhà nước phải hoàn thiện cơ sở pháp lý, cũng như cần tăng cường hoạt động giám sát, thanh tra trong suốt quá trình triển khai Basel.
TÓM TẮT CHƯƠNG 3
Chương 3 trình bày một số khái niệm về RRTD và quản trị RRTD tại NHTM, phân loại các mô hình quản trị RRTD, và nêu rõ các bước của quy trình quản trị RRTD. Ngoài ra chương 3 cũng hệ thống lại các nguyên tắc cơ bản của Hiệp ước Basel II, và tổng hợp kinh nghiệm triển khai Basel II, Basel III ở các quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, cũng như tình hình triển khai Basel ở Việt Nam. Từ kinh nghiệm của các nước tiên tiến ở Châu Á, tác giả cũng rút ra bài học khi áp dụng Basel cho các ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung và ngân hàng TMCP Á Châu nói riêng.