Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VA THỰC TIẾN VỀ DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG
1.2. Cơ sở thực tiễn về dịch vụ hành chính công
1.2.2. Dịch vụ hành chính công ở một số địa phương
Tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên xây dựng Trung tâm Hành chính công, với mục tiêu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Trung tâm Hành chính công có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng. Trung tâm chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của
UBND tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Tổ chức bộ máy và biên chế:
+ Trung tâm Hành chính công có Giám đốc và 2 Phó Giám đốc; có các phòng chuyên môn, nghiệp vụ: Phòng Kế hoạch - Tổng hợp; Phòng Hành chính - Quản trị; Phòng Kiểm tra - Giám sát; Phòng Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính;
+ Biên chế: Chuyên trách (Giám đốc, Phó Giám đốc và nhân viên làm công tác công nghệ thông tin - quản trị mạng, tổng hợp, kế toán, hành chính, hướng dẫn phục vụ và lái xe); không chuyên trách (Công chức, viên chức của các sở, ban, ngành được biệt phái về Trung tâm để tiếp nhận và xử lý hồ sơ;
công chức của Thanh tra tỉnh và Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy làm việc tại phòng Giám sát và giải quyết khiếu nại).
Tổ chức, công dân đến giao dịch tại Trung tâm được đón tiếp và hướng dẫn chu đáo, lịch sự, môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp. Sau một thời gian đi vào hoạt động, mô hình Trung tâm Hành chính công đã khẳng định hiệu quả, tăng tính minh bạch, thay đổi phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh và các địa phương, tạo sự chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, cá nhân, làm tăng hiệu quả làm việc trong quá trình hoạt động, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức cho tổ chức, công dân. Trung tâm Hành chính công được cung cấp các trang thiết bị thông minh, hiện đại, với hệ thống phần mềm giải quyết hồ sơ, từ khâu tiếp nhận đến khâu trả kết quả, nên đã kịp thời cung cấp các thông tin và thực hiện giải quyết TTHC nhanh gọn, chính xác. Các hoạt động, quy trình giải quyết hồ sơ được trực tiếp theo dõi là điều kiện thuận lợi để phát huy quyền dân chủ của người dân, tăng cường giám sát, đóng góp ý kiến của người dân, tổ chức đối với quy định trong các TTHC, tinh thần, thái độ và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Bước đầu các Trung
tâm Hành chính công đã tạo hình ảnh, ấn tượng tốt, gần gũi, thân thiện khi công dân, tổ chức đến thực hiện các thủ tục giao dịch hành chính với các cơ quan nhà nước.
1.2.2.2. Tỉnh Bình Dương
Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Nội vụ, chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Sở Nội vụ;
giúp Giám đốc Sở Nội vụ quản lý, điều phối hoạt động giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành; ứng dụng công nghệ thông tin; quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Khu hành chính một cửa của Tòa nhà Trung tâm hành chính tập trung.
Trung tâm được giao quản lý thời gian, lề lối làm việc, thái độ ứng xử và việc thực hiện nhiệm vụ của công chức (của các sở, ban, ngành) làm việc tại khu vực tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả.
- Tổ chức bộ máy và biên chế:
+ Được giao 9 biên chế, hiện nay đang có 4 biên chế làm việc tại Trung tâm (trong đó Phó Trưởng phòng Cải cách hành chính thuộc Sở Nội vụ được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm và 3 biên chế sự nghiệp).
+ Toàn bộ nhân sự thực hiện công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công do các sở, ban, ngành bố trí, giao nhiệm vụ, trả lương và các chế độ chính sách theo quy định.
Về tài chính được ngân sách nhà nước giao hàng năm và nguồn kinh phí không tự chủ do yêu cầu công việc phát sinh hoặc đột xuất.
Khu vực tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông gồm 46 quầy được bố trí cho 20 sở, ngành để thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết 100% TTHC liên quan đến người dân và doanh nghiệp.
Tỷ lệ hài lòng chung của người dân, tổ chức đối với cán bộ, công chức các sở, ngành tại Trung tâm Hành chính công tỉnh là 86,6% (6.764 lượt đánh
giá). Ngoài ra có 20.267 hồ sơ nhận và giải quyết tại địa chỉ doanh nghiệp và tại nhà với tỷ lệ đúng hạn 100%.
1.2.2.3. Tỉnh Thái Bình
Trung tâm Hành chính công tỉnh Thái Bình thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, có chức năng là đầu mối và chịu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, hướng dẫn và giải quyết hồ sơ, TTHC của cá nhân, tổ chức theo quy định, chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của UBND tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trung tâm có con dấu để giao dịch công tác; trụ sở đặt tại tầng 1 Nhà triển lãm Thông tin tỉnh.
- Tổ chức bộ máy và biên chế:
+ Trung tâm có Giám đốc và 01 Phó Giám đốc; có 03 Bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ: Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; Bộ phận Giám sát và giải quyết khiếu nại và Bộ phận Hành chính - Tổng hợp.
+ Biên chế của Trung tâm hiện nay có 7 người (Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh làm Giám đốc, 01 Phó Giám đốc và 05 chuyên viên, nhân viên làm công tác công nghệ thông tin - quản trị mạng, hành chính, văn thư, thủ quỹ); các công chức của các sở, ban, ngành bố trí đến làm việc tại Trung tâm để tiếp nhận và xử lý hồ sơ; công chức của Thanh tra tỉnh và Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy làm việc tại Bộ phận Giám sát và giải quyết khiếu nại (38 người).
- Kết quả hoạt động:
Đến nay, 100% TTHC của các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh (trừ các thủ tục về khiếu nại, tố cáo) đã được đưa ra thực hiện tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Toàn bộ các TTHC thực hiện tại Trung tâm Hành chính công đều được áp dụng và thực hiện theo Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008. Một số TTHC đã được thẩm định ngay tại Trung
tâm Hành chính công. Các hồ sơ cơ bản đều được giải quyết đúng hạn, trong đó nhiều hồ sơ đã giải quyết trước hạn, tỷ lệ số hồ sơ giải quyết quá hạn thấp.