Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN
1.2. Cơ sở thực tiễn về phát triển DNNVV
1.2.1. Kinh nghiệm phát triển DNNVV ở một số quốc gia
1.2.1.1. Chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản
Các DNNVV đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nhật Bản.
Trong từng thời kỳ phát triển của nền kinh tế đất nước, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển chính sách nhằm phát triển khu vực DNNVV. Những thay đổi về chính sách nhằm đặt khu vực DN này vào vị trí phù hợp nhất và khẳng định tầm quan trọng của nó trong nền kinh tế. Xét một cách tổng quát, các chính sách phát triển DNNVV của Nhật Bản tập trung vaò các mục tiêu chủ yếu: thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của các DNNVV, tăng cường lợi ích kinh tế và xã hội của các nhà doanh nghiệp và người lao động tại DNNVV, khắc phục những bất lợi mà các DNNVV gặp phải, hỗ trợ tính tự lực của các DNNVV.
Nhật Bản đã ban hành Luật cơ bản về DNNVV hỗ trợ cho việc cải cách cơ cấu để tăng tính thích nghi của DNNVV với những thay đổi của môi trường kinh tế–xã hội, tạo thuận lợi cho việc tái cơ cấu công ty và Luật hỗ trợ DNNVV đổi mới trong kinh doanh khuyến khích mạnh mẽ việc thành lập các doanh nghiệp mới, trợ giúp về công nghệ và đổi mới. Một hệ thống cứu tế hỗ tương cũng đã được thiết lập nhằm hạn chế sự phá sản của DNNVV.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng dành một sự chú ý đặc biệt với việc hỗ trợ tài chính nhằm giúp các DNNVV tháo gỡ những khó khăn, cản trở việc tăng vốn trong quá trình sản xuất kinh doanh như khả năng tiếp cận thấp, thiếu sự đảm bảo về vốn vay... Các biện pháp hỗ trợ này được thực hiện thông qua ba thể chế tài chính thuộc Chính phủ: Công ty Đầu tư kinh doanh nhỏ, Ngân hàng Hợp tác Trung ương về Thương mại và Công nghiệp và Công ty Đầu tư an toàn quốc gia. Hỗ trợ có thể dưới dạng các khoản cho vay thông thường với lãi suất cơ bản hoặc các khoản vay đặc biệt với những ưu đãi theo các mục tiêu chính sách, trong đó phải kể đến kế hoạch cho vay nhằm cải tiến quản lý của các doanh nghiệp nhỏ (kế hoạch cho vay Marukei) không đòi hỏi phải có thế chấp hoặc bảo lãnh.
Ngoài ra, Hiệp hội bảo lãnh tín dụng còn thực hiện bảo lãnh cho các DNNVV vay vốn của các tổ chức tín dụng tư nhân trên cơ sở hợp đồng bảo lãnh. Hệ thống bảo lãnh đặc biệt này có chức năng như một mạng lưới an toàn, nhằm giảm nhẹ những rối loạn về tín dụng và góp phần làm giảm các vụ phá sản của DNNVV.
1.2.1.2. Chính sách phát triển DN nhỏ và vừa của Trung Quốc
Trong những năm gần đây, Trung Quốc nổi lên như là một nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong khu vực. Đóng góp thành công của nền kinh tế Trung Quốc có phần rất quan trọng của các DNNVV. Chính sách khuyến khích các DNNVV của Trung Quốc thể hiện ở các điểm:
- Xác định lĩnh vực trọng điểm và ưu tiên DNNVV là các ngành, các lĩnh vực giải quyết nhiều việc làm, trong đó tập trung vào khu vực dịch vụ.
- Phát triển DNNVV trên cơ sở tôn trọng các quy luật kinh tế, đề cao hiệu quả kinh tế. Xác định quy mô thích hợp cho các DNNVV để quản lý và thực hiện sản xuất kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao. Đổi mới quản lý DNNVV, nâng cao trình độ công nghệ cho DNNVV để nâng cao chất lượng sản phẩm.
- Về quản lý các DNNVV: Trung Quốc đang xúc tiến thành lập Ủy ban mậu dịch quốc gia trực thuộc Ủy ban các DNNVV. Đây là một biện pháp hỗ trợ cho các DNNVV trong việc tìm kiếm thị trường, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh xuất phát từ những bất lợi của DNNVV so với các doanh nghiệp lớn trong cùng ngành.
1.2.1.3. Chính sách phát triển DN nhỏ và vừa của một số nước Đông Nam Á Các nước trong khu vực Đông Nam Á đều là thành viên của khối ASEAN, có điều kiện kinh tế - xã hội gần giống với Việt Nam. Vào thập kỷ 60 - 70 của thế kỷ trước tỷ lệ nông nghiệp của các nước này đều ở mức cao (từ 55 - 75%) xấp xỉ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Nhưng đến năm 1990, các nước này đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động công nghiệp và dịch vụ. Tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm nhanh trong những năm 90. Ví dụ năm 1996, tỷ lệ này ở một số nước như sau: Philippin 41%, Indonesia 44%, Thái Lan 40,4% (trong khi đó Việt Nam vẫn còn chiếm tỷ lệ khoảng 52,62%).
Về chính trị, KT - XH mỗi quốc gia trên có những điểm khác nhau.
Tuy nhiên, do chiến lược đầu tư và chính sách kinh tế ở ba nước này tập trung vào công nghiệp lớn nên trong thời gian đầu tuy kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhưng đã để lại hậu quả cho nền kinh tế. Để khắc phục tình trạng trên, từ thập kỷ 80, Chính phủ các nước này đã chuyển hướng kinh tế phát triển mạnh mẽ DNNVV, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng xa thành phố nhằm tạo nên sự phát triển cân đối, cơ cấu ngành nghề và cơ cấu vùng kinh tế.
Nhận thức được vai trò của các DNNVV đối với nền kinh tế nên các nước trên có chính sách hỗ trợ phát triển loại doanh nghiệp này với những nét chung nổi bật sau:
Thứ nhất, tạo cơ sở pháp lý đối với DNNVV về vai trò, tiêu chí, cơ chế chính sách đối với DNNVV. Ở Philippin, Indonesia đã được thể chế hóa bằng các đạo luật. Tuy Thái Lan chưa có luật về DNNVV nhưng hiện đang thúc đẩy hình thành quan điểm phát triển DNNVV với các chính sách hỗ trợ cụ thể.
Thứ hai, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Ví dụ ở các nước đều có Cục hỗ trợ xuất khẩu nhằm giới thiệu mặt hàng của DNNVV ra nước ngoài.
Thứ ba, hỗ trợ về khoa học - công nghệ, đào tạo, tư vấn, thông tin.
Thứ tư, tạo mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp lớn với DNNVV.
Thứ năm,thành lập các cơ quan quản lý, đại diện và hỗ trợ tư vấn DNNVV.