Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.4. Đề xuất các giải pháp hoàn thiện công tác thực thi chính sách Bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện
3.4.2. Giải pháp đề xuất
3.4.2.1. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế
a) Nâng cao nhận thức về bảo hiểm y tế cho người tham gia BHYT hiểu được Bảo hiểm y tế là một chính sách xã hội do Nhà nước tổ chức, nhằm huy động sự đóng góp tài chính của cộng đồng để tạo Quỹ bảo hiểm y tế không vì mục đích lợi nhuận, giúp cho người tham gia bảo hiểm y tế có nguồn tài chính để chăm sóc sức khỏe, bảo vệ quyền lợi của mình theo luật định.
Bảo hiểm y tế là một bộ phận quan trọng trong chính sách tài chính y tế quốc gia và là một trong những phương thức tạo nguồn tài chính cho hoạt động chăm sóc sức khoẻ thông qua huy động đóng góp của người dân, được thực hiện có tổ chức, mang tính chia sẻ trong cộng đồng và nhằm mục đích thực hiện công bằng, nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Bảo hiểm y tế là một trong các hoạt động nhân đạo nhất, thể hiện sự hỗ trợ tương thân tương ái trong chăm sóc sức khoẻ giữa người giàu với người nghèo, giữa người thuận lợi về sức khoẻ với người ốm đau và rủi ro về sức khoẻ, giữa người đang độ tuổi lao động với người già và trẻ em. Đồng thời, bảo hiểm y tế mang tính dự phòng những rủi ro do chi phí cao cho chăm sóc sức khoẻ gây nên khi ốm đau, bệnh tật.
Có nhiều hình thức bảo hiểm y tế, nhưng hình thức mang tính ưu việt nhất mà nước ta phải hướng tới trong chính sách bảo hiểm y tế là bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân với nguyên tắc mọi người dân đóng góp bảo hiểm y tế theo thu nhập cá nhân, người nghèo và người trong diện chính sách xã hội được Nhà nước hỗ trợ, nhưng khi khám bệnh, chữa bệnh hưởng theo quyền lợi đã được quy định dựa trên nhu cầu chữa bệnh.
Việc tham gia bảo hiểm y tế là nghĩa vụ của mọi người dân, kể cả những người đang khoẻ mạnh. Trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo hiểm y tế là của các cấp uỷ đảng và các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
Từ quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã chỉ ra trong 90 người dân được phỏng vấn, năm 2019, có 33 người (chiếm 36.66%) không biết tới chính sách bảo hiểm y tế. Hầu như những người không biết tới chính sách bảo hiểm y tế là vì họ cho rằng nó không cần thiết đối với bản thân họ nên không quan tâm, tìm hiểu và tham gia mua bảo hiểm y tế. Kết quả điều tra cũng chỉ ra rằng, có 44.33% ý kiến của người dân đề nghị tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về chính sách bảo hiểm y tế.
Nhận thức đúng đắn về BHYT, từ đó thấy rõ sự cần thiết thực hiện BHYT cho nông dân có vai trò quan trọng quyết định tới việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách BHYT cho nông dân. Thực tế cho thấy, có nhận thức đúng mới hành động đúng. Cần nâng cao nhận thức toàn xã hội về sự cần thiết phải thực hiện BHYT cho nông dân, không thể để mặc người nông dân do ốm đau rơi vào cái vòng luẩn quẩn, mắc phải bẫy nghèo: đó là sức khỏe kém, khiến thu nhập giảm, đẻ ra nghèo khó và các loại bệnh tật lại do nghèo khó mà ra.
b) Biện pháp thực hiện
Các cơ quan thông tấn, báo chí và các cơ quan truyền thông đại chúng cần tập trung việc thông tin, truyền thông và tuyên truyền theo hướng nhấn mạnh vị trí, vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội; đề cao nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người dân trong tham gia bảo hiểm y tế; phát hiện những bất cập hoặc yếu kém của chính sách bảo hiểm y tế và việc khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để kịp thời khắc phục và điều chỉnh; giới thiệu, động viên các đơn vị, cá nhân và các mô hình thực hiện tốt bảo hiểm y tế; phê phán những hiện tượng lệch lạc trong thực hiện bảo hiểm y tế.
Trong công tác thông tin, truyền thông và tuyên tuyền về bảo hiểm y tế, cần tập trung vào đối tượng người nông dân; cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về BHYT cho nông dân thông qua các kênh: thông tin đại chúng, hội nghị, hội thảo, văn hóa văn nghệ, thông tin cổ động...; cần có sự quan tâm và đầu tư thỏa đáng cho công tác tuyên truyền BHYT. Do BHYT cho nông dân hiện nay là bảo hiểm tự nguyện, người tham gia phải đóng góp mua BHYT từ khi còn khỏe mạnh, không biết có ốm đau không để được hưởng quyền lợi, dẫn đến băn khoăn, chần chừ, tính toán thiệt hơn, chưa nhiệt tình tham gia. Chỉ khi nào ốm đau nặng, phải vào viện điều trị với chi phí lớn, không có đủ điều kiện tài chính chi trả người nông dân mới nghĩ đến BHYT. Do đó, công tác tuyên truyền cần phải được tiến hành thường
xuyên, liên tục ngay cả khi đã có Luật BHYT; giáo dục người dân làm quen với văn minh bảo hiểm, thấy được trách nhiệm của mình với sức khỏe chính bản thân, với gia đình và xã hội.
3.4.2.2. Năng cao chất lượng cơ sở khám chữa bệnh BHYT
Thực tế qua kết quả điều tra cho thấy, người dân không muốn tham gia BHYT có rất nhiều lý do xuất phát từ phía cơ sở KCB như: chất lượng phục vụ chưa tốt (23/90 ý kiến), thủ tục KCB khó khăn, rườm rà (23/90 ý kiến) chất lượng thuốc không tốt. Do vậy, muốn thu hút người nông dân tham gia BHYT thì các cơ sở KCB cần phải có các biện pháp khắc phục được những tồn tại trên.
- Biện pháp thực hiện
+ Nâng cao chất lượng phục vụ
Với cơ sở khám chữa bệnh nên chăng nên thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám chữa bệnh đối với người có thẻ Bảo hiểm y tế, giảm bớt mọi thủ tục gây phiền hà cho người bệnh, đón tiếp người bệnh với tinh thần niềm nở, tận tình chăm sóc, tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẻ Bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia BHYT khi khám chữa bệnh.
Ngoài ra nâng cao giáo dục y đức cho người thầy thuốc cũng là việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở khám chữa bệnh.
- Nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ người khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế
Để chăm sóc tốt sức khỏe của nhân dân, chúng tôi không thể phủ nhận vai trò của cơ sở vật chất khám chữa bệnh. Do vậy, Nhà nước nên có chính sách đầu tư nhiều hơn nữa để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở khám chữa bệnh để đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân nói chung và của người nông dân nói riêng. Các cơ sở khám chữa bệnh nên sắp xếp khu vực đón
tiếp, thu tiền, phát thuốc, bố trí phòng chờ cho bệnh nhân, cũng như đảm bảo được số giường bệnh phục vụ tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh.
- Sử dụng danh mục thuốc linh hoạt và theo quy định của Nhà nước
Nhà nước cần có các chính sách để kiểm soát được lượng thuốc phục vụ cho việc KCB BHYT: (1) Thống nhất việc thực hiện danh mục thuốc dùng cho bệnh nhân có thẻ Bảo hiểm y tế; (2) Có chính sách kiểm soát được nguồn cung ứng thuốc và thống nhất quản lý giá thuốc như đa số các quốc gia trên thế giới.
(3) Tăng cường hơn nữa công tác giáo dục y đức và cung cấp cho đội ngũ thầy thuốc đầy đủ, chính xác thông tin khoa học về thuốc, không coi thông tin về thuốc từ các nhà kinh doanh thuốc là nguồn thông tin chủ yếu; (4) Ngoài ra, Nhà nước cũng nên áp dụng việc sử dụng thuốc gốc (thuốc đã hết bản quyền sáng chế và sản xuất) trong trị bệnh như các nước phát triển, việc này sẽ giúp giảm được một khoản chi phí lớn.
3.4.2.3. Hoàn thiện bộ máy quản lý và xây dựng đồng bộ các cơ chế chính sách về BHYT
- Thực hiện hiệu quả chính sách BHYT, hướng tới mục tiêu phát triển BHYT toàn dân, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng cần khẩn trương ban hành và hoàn thiện các quy định của pháp luật về BHYT và pháp luật có liên quan để giúp người dân nâng cao nhận thức của nhân dân về lợi ích mà BHYT đem lại.
- Chú trọng giám sát chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, quan tâm tới quyền lợi của người khám chữa bệnh và có đề xuất cụ thể với Chính phủ về lộ trình tăng tỷ lệ đóng BHYT đến năm 2022 nhằm nâng cao quyền lợi của người dân khi tham gia BHYT.
- Nâng cao vai trò của ngành
+ BHYT huyện tích cực tham mưu đề xuất giải pháp với BHXH thành phố, UBND huyện trong phát triển BHYT trên địa bàn. Chú trọng các văn bản hướng dẫn thực hiện, tuyên truyền tới các hội, đoàn thể, các tổ chức chính trị về chính sách BHYT nói chung và BHYT tự nguyện nói riêng trên địa bàn.
+ Tổ chức tập huấn, họp giao ban định kỳ hàng quý với đội ngũ đại lý thu BHYT hộ gia đình thông qua các buổi tập huấn nâng cao trình độ hiểu biết về chính sách BHYT, có phương pháp tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT hiệu quả hơn. Bố trí cân đối các nguồn kinh phí hợp pháp để chi khen thưởng cho các đại lý làm tốt việc phát triển đối tượng, khuyến khích động viên đại lý trong việc thực hiện nhiệm vụ được UBND phường, đơn vị phân công.
+ Kiểm tra, giám sát các cơ sở KCB trên địa bàn về cơ sở vật chất, chất lượng điều trị đồng thời giải đáp vướng mắc đối với người dân khi tham gia BHYT hoặc điều trị tại các cơ sở.
+ Để cân đối quỹ BHYT cần tăng cường công tác giám định trực tiếp 100% hồ sơ của người bệnh, từng bước khắc phục tình trạng lạm dụng quỹ BHYT của bệnh nhân cũng như của các cơ sở KCB.
+ Đề nghị BHXH thành phố 6 tháng/lần tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác giám định BHYT để cập nhật kiến thức cũng như trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở KCB. Phân bổ đồng đều cán bộ có trình độ về y, dược tới BHXH các huyện huyện (không phân công cán bộ này những công việc không thuộc phạm vi BHYT theo Quyết định số 466/QĐ-BHXH ngày 19/4/2011 của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam).
+ Trách nhiệm của viên chức lãnh đạo, cán bộ viên chức đối với công tác BHYT cũng cần được quy định rõ ràng, cụ thể trong việc thu, chi, cấp thẻ BHYT và giám định BHYT.
+ BHXH Việt Nam cần tăng cường phối hợp các Bộ, ngành hướng dẫn giải quyết các vướng mắc phát sinh tại các đơn vị. Các phòng chức năng của BHXH thành phố cần thường xuyên bám sát cơ sở để kịp thời hướng dẫn thực hiện về chuyên môn nghiệp vụ theo quy định hiện hành.
+ Đánh giá kỹ các chương trình phối hợp phát triển BHYT đối với các đơn vị nhằm chỉ rõ hạn chế yếu kém trong việc tuyên truyền, triển khai phát triển đối tượng tham gia BHYT tại mỗi đơn vị.
+ Thực hiện chính sách BHYT không chỉ là riêng của ngành BHXH mà là của cả hệ thống chính trị do vậy Thành ủy, UBND thành phố cần quán triệt tới các Sở, ban, ngành và các huyện huyện để nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp.
+ Việc trốn đóng BHYT của các đơn vị, doanh nghiệp còn phổ biến do vậy công tác thanh tra, xử lý vi phạm cần thực hiện thường xuyên liên tục nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
+ Sở y tế đẩy mạnh việc kiểm tra các cơ sở KCB trong và ngoài công lập, phối hợp với BHXH thành phố trong việc đấu thầu thuốc theo quy định. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền giáo dục về đạo đức của đội ngũ y bác sỹ nhằm hạn chế việc áp giá các dịch vụ kỹ thuật sai, hạn chế việc lạm dụng quỹ KCB BHYT.
+ Bảo hiểm xã hội thành phố có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cân đối quỹ BHYT do vậy việc đấu thầu thuốc để cùng kiểm soát giá thuốc với Sở y tế cần được phối hợp chặt chẽ.
+ Ngoài việc nâng cao ý thức chấp hành quy định của nhà nước về BHYT, cán bộ giám định cũng phải thay đổi thái độ, phương pháp khi làm việc với cơ sở KCB và nhân dân. Kiên quyết xử lý các vi phạm của cán bộ trong công tác BHYT theo quy định của Pháp luật.
+ BHXH huyện cần tham mưu đề xuất với UBND huyện hỗ trợ một số nhóm đối tượng để đảm bảo chỉ tiêu phát triển đối tượng co UBND thành phố giao tiến tới thực hiện lộ trình BHYT toàn dân từ năm 2017 – 2020.