CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ
3.1.2. Đặc điểm kinh tế - xã hội
a. Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2018 ước tính đạt 17.781 tỷ đồng, tăng 7,02% so với năm 2017; trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt 3.618 tỷ đồng, tăng 3,33 %, đóng góp 0,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 4.222 tỷ đồng, tăng 10,6%, đóng góp 2,44 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ ước đạt 9.015 tỷ đồng, tăng 7,01%, đóng góp 3,56 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 926 tỷ đồng, tăng 6,31%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản đạt mức tăng cao nhất với 23,08%; năm 2017 ngành này do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển nên sản lượng thủy sản đạt thấp; năm 2018 môi trường biển đã phục hồi, sản lượng thủy sản tăng 29,57% so với năm 2017. Ngành lâm nghiệp tăng 7,44% do sản lượng gỗ khai thác tăng 6,87% và diện tích rừng trồng mới tập trung tăng 25,52%. Ngành nông nghiệp giảm 0,05% do năm 2018 sản lượng hầu hết các loại cây hàng năm khác và cây lâu năm đều tăng; nhưng do sản lượng lúa giảm 7,57% (-19.906 tấn), sản lượng thịt hơi xuất chuồng giảm 3,76% làm cho ngành này giảm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 14,13%.
Điểm sáng của khu vực này là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 15,5%, năm 2018 một số doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh nên sản xuất tăng khá; một số dự án hoàn thành đi vào hoạt động làm cho sản lượng tăng. Ngành xây dựng, trong điều kiện khó khăn chung của đất nước, phải cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước và nợ công nên vốn đầu tư nhà nước hạn chế; ngân sách địa phương eo hẹp; doanh nghiệp tại Quảng Trị chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, năng lực có hạn; nguồn lực trong dân hạn chế; tình hình thu hút đầu tư nước ngoài và công tác xã hội hóa, thu hút đầu tư của tỉnh tuy có
những mặt tích cực nhưng còn không ít khó khăn; công tác giải ngân chậm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất nên ngành này chỉ tăng 6,8%.
Khu vực dịch vụ, một số ngành dịch vụ kinh doanh có tỷ trọng giá trị tăng thêm cao nhưng tốc độ tăng thấp như: bán buôn, bán lẻ chỉ tăng 5,56%, thông tin truyền thông tăng 7,03%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,78%, hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,83%...là do ảnh hưởng của sự cố ô nhiễm môi trường biển vẫn còn nặng nề; giá một số nông sản, nhất là thịt lợn hơi xuống thấp đã làm cho một bộ phận dân cư gặp khó khăn, sức mua giảm sút. Các ngành dịch vụ không kinh doanh như: quản lý nhà nước, giáo dục đào tạo, y tế…có mức tăng thấp do biên chế ổn định, tiết kiệm chi thường xuyên...nên khu vực này chỉ tăng 7,01%.
Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 24.623 tỷ đồng.
Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người năm 2018 ước tính đạt 39,2 triệu đồng, tăng 7,8% so với năm 2017.
Về cơ cấu kinh tế năm 2018: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 20,74%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 24,52%; khu vực dịch vụ chiếm 49,53%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,21% (Cơ cấu tương ứng của năm 2017 là : 22,66%; 23,59%; 48,51%; 5,24%)[19].
b. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế
* Khu vực kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi
Vụ Đông Xuân 2017-2018, lịch thời vụ muộn hơn năm trước nên một số cây trồng gieo trồng muộn. Đến nay khoai lang trồng được 41 ha, bằng 21,69% so với vụ Đông Xuân năm trước; rau các loại 231 ha, bằng 94,29%; hoa các loại 25 ha, bằng 125%.
Tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh hiện có 34.435,3 ha, giảm 1,06% (-370,3 ha) so với năm trước.
Theo kết quả điều tra chăn nuôi 01/10/2018, đàn trâu có 26.382 con, giảm 1,12% so với cùng kỳ năm 2017; đàn bò có 67.462 con, giảm 2,82%; đàn lợn có 271.015 con, giảm 5,52%; đàn gia cầm có 2.495 nghìn con, giảm 1,77%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2018 ước tính đạt 40.339 tấn, giảm 3,76% so với năm trước;
trong đó: thịt lợn đạt 29.373 tấn, giảm 8,18%.
Năm 2018, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 7.531 ha, tăng 25,52% so với năm 2017; số cây trồng phân tán ước đạt 2.500 nghìn cây, giảm 2,65%; diện tích rừng trồng được chăm sóc ước đạt 24.550 ha, tăng 1,6%; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh ước đạt 1.600 ha, bằng năm 2016; diện tích rừng được giao khoán bảo vệ 52.686 ha, giảm 3,05%.
Năm 2018, thời tiết thuận lợi cho hoạt động đánh bắt thủy sản; môi trường biển đã phục hồi, bà con ngư dân đã yên tâm ra khơi đánh bắt hải sản; riêng hoạt động nuôi tôm nước lợ đang gặp khó khăn, một số diện tích nuôi tôm xuất hiện dịch bệnh.
* Khu vực kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng
Tính chung năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 15,01% so với năm trước; trong đó: ngành khai khoáng tăng 5,25%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,96%; sản xuất và phân phối điện tăng 16,83%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 5,44%.
* Khu vực thương mại - dịch vụ
Tính chung năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 24.608 tỷ đồng, tăng 11,12% so với năm trước (Nếu loại trừ yếu tố giá cả tăng khoảng 6%).
Tính chung năm 2018, số lượt khách lưu trú ước tính đạt 388.443 lượt, tăng 8,78% so với năm trước; số ngày khách lưu trú ước tính đạt 357.980 ngày khách, tăng 8,79%; lượt khách du lịch theo tour ước tính đạt 14.070 lượt, tăng 8,75%; ngày khách du lịch theo tour ước tính đạt 36.974 ngày khách, tăng 8,91% [19].
c. Dân số và lao động
Dự ước dân số trung bình năm 2018 là 627.558 người, tăng 0,65% so với năm 2017; trong đó: nam 308.131 người, chiếm 49,1%, tăng 0,68%; nữ 319427 người, chiếm 50,9%, tăng 0,61%; thành thị 187012 người, chiếm 29,8%, tăng 1,16%; nông thôn 440.546 người, chiếm 70,2%, tăng 0,43%.
Lực lượng lao động toàn tỉnh ước tính đến 31/12/2018 là 351.168 người, chiếm 55,96% dân số và tăng 0,66% so với năm 2017. Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế ước tính 342.146 người, chiếm 97,43% lực lượng lao động của tỉnh và tăng 1,07% so với năm 2017. Tỷ lệ thất nghiệp chung năm 2018 ước tính khoảng 2,6%, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ước tính khoảng 2,9%
(năm 2017 là 3,31%).
Ước tính cả năm 2018 toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề 9.600 người (Cao đẳng 300 người, Trung cấp 600 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 8.700 người). Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49,5%, qua đào tạo nghề đạt 36%, qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt trên 29%[19].
d. Phát triển đô thị
Toàn tỉnh gồm có 13 đô thị, trong đó có 1 thành phố (đô thị loại III), 1 thị xã (đô thị loại IV) và 11 thị trấn (đô thị loại V). Các đô thị của tỉnh tạo thành 2 chuỗi đô thị theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây.
- Thành phố Đông Hà đạt đô thị loại III. Là tỉnh lỵ, trung tâm chính trị - kinh tế - vănhoá - xã hội và cũng là địa bàn xây dựng trụ sở khối cơ quan các Sở, Ban ngành của tỉnh.
- Thị xã Quảng Trị là trung tâm khu vực phía Nam của tỉnh, là đô thị loại IV. - 11 thị trấn (tất cả đạt đô thị loại V): có 7 thị trấn huyện lỵ (thị trấn Hồ Xá, Gio Linh, Ái Tử, Hải Lăng, Cam Lộ, KrôngKlang, Khe Sanh) và 4 thị trấn khu vực (thị trấn Lao Bảo, Bến Quan, Cửa Tùng, Cửa Việt).
Nhìn chung, quá trình hình thành và phát triển các đô thị còn mới và chưa ổn định (trừ các phường trung tâm của thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị), được hình thành bởi yếu tố “đô” (trung tâm hành chính, chính trị) là chính, yếu tố “thị”
(dịch vụ, trao đổi về hàng hoá, kinh tế) còn chưa phát triển, tốc độ đô thị hóa diễn ra chậm và tự phát. Tuy đã có sự cố gắng đầu tư nhưng hiện tại hệ thống đô thị của tỉnh còn hạn chế, như sau:
- Trong khu vực đô thị, diện tích đất nông lâm nghiệp, đất chưa sử dụng còn nhiều và sản xuất nông lâm nghiệp vẫn chiếm phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các đô thị.
- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp thoát nước, cấp điện...) còn chắp vá, thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật; kiến trúc không gian dân cư nhiều khu vực xây dựng chưa đúng quy định làm ảnh hưởng chung đến cảnh quan đô thị. Trong đó:
+ Mật độ giao thông đô thị thấp, chất lượng chưa đảm bảo, bề mặt nhiều tuyến giao thông nội thị còn hẹp. Tỷ lệ đất giao thông/tổng diện tích xây dựng đối với thành phố Đông Hà 12 - 20% (cứng hóa 70%); thị xã Quảng Trị 10 - 18% (cứng hóa 60%);
các thị trấn 8 - 16% (cứng hóa 25%).
+ Hệ thống thoát nước mưa, nước thải tại các đô thị còn thiếu và tập trung khu vực trung tâm, các tuyến đường chính.
+ Hệ thống cấp nước sinh hoạt: 13/13 đô thị đã có nước sạch nhưng tỷ lệ được cấp chỉ đáp ứng cho khoảng 65 - 70% dân số thành phố, thị xã và 40 - 50% dân số tại các thị trấn.
- Các cơ sở thương mại - dịch vụ, các công trình văn hoá, công viên văn hóa, phúc lợi công cộng, đang dần được đầu tư xây dựng. Tỷ lệ công viên cây xanh trong đô thị chiếm tỷ lệ thấp.
- Vẫn còn tồn tại một số các cơ sở sản xuất kinh doanh có khả năng gây ô nhiễm môi trường sống trong các khu dân cư.Thu gom chất thải rắn chủ yếu được thực hiện tại các thành phố, thị xã, các thị trấn thực hiện chưa thường xuyên.
e. Phát triển nông thôn
Những năm qua, công tác xây dựng nông thôn mới tại Quảng Trị đã huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, cải thiện thu nhập và điều kiện sống cho nhân dân; kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư cơ bản, đồng bộ; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Sau một thời gian triển khai xây dựng nông thôn mới đã được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và trở thành phong trào thi đua xuyên suốt, sâu rộng, có sức lan tỏa. Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới ngày càng được phát huy, thể hiện ở sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng tham gia. Những kết quả trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Đến hết năm 2018, trên địa bàn có 43 xã đạt 19 tiêu chí (trong đó có 31 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới); 16 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; số đạt từ 10 đến 14 tiêu chí là 32 xã.