CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.4. ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TẠI TỈNH QUẢNG TRỊ
3.4.3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
3.4.3.1. Hoàn thiện pháp luật đất đai
Tăng cường rà soát các văn bản đã ban hành để phát hiện chồng chéo, bất cập của pháp luật đất đai, từ đó, đề xuất với tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời nhằm giải quyết tranh chấp đất đai tại tỉnh Quảng Trị. Một số quy định của pháp luật chưa phù hợp với thực tế, cần hoàn thiện:
- Ban hành văn bản quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai, trong đó phải quy định rõ thời hạn giải quyết tranh chấp của các cơ quan có thẩm quyền (pháp luật chỉ quy định thời hạn hòa giải của cấp xã là 30 ngày, chưa quy định thời hạn giải quyết TCĐĐ), quy trình tiến hành thẩm tra, xác minh đơn, mẫu hóa một số văn bản như quyết định thụ lý đơn, quyết định giải quyết tranh chấp…, tạo cơ sở để người dân yêu cầu các cơ quan phải tiến hành giải quyết đúng thời hạn pháp luật quy định, đúng trình tự thủ tục, góp phần nâng cao chất lượng công tác giải quyết TCĐĐ.
- Nên quy định các dạng tranh chấp đất đai cụ thể phải thông qua hòa giải cơ sở.
Tránh tình trạng Tòa án chỉ thụ lý giải quyết các tranh chấp đã qua hòa giải mà đối tượng tranh chấp không tự thỏa thuận được với nhau về kết quả hòa giải.
- Quy định cụ thể giá trị pháp lý của biên bản hòa giải tại UBND phường, xã.
- Cần ban hành những quy định chỉ đạo giải quyết kịp thời các dạng tranh chấp mới phát sinh như tranh chấp nhà thờ họ, tranh chấp mồ mả…
3.4.3.2. Nâng cao năng lực của cán bộ giải quyết tranh chấp đất đai
- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết tranh chấp đất đai.
- Thông tin cho các xã, phường trong thành phố về tất cả các văn bản mới, đồng thời tổ chức các buổi tập huấn để cán bộ nắm rõ pháp luật và vận dụng đúng trong giải quyết TCĐĐ.
- Đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn hóa cán bộ công chức quản lý đất đai và cán bộ giải quyết tranh chấp cấp xã, phường để có đủ kỹ năng và năng lực thực hiện nhiệm vụ của mình, đảm bảo phần lớn vụ việc được giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở. Đặc biệt, đề cao sự tự rèn luyện và tự học tập của các cán bộ giải quyết TCĐĐ.
- Tăng cường biên chế đủ số lượng cán bộ chuyên môn trong công tác giải quyết tranh chấp đất đai và các công tác khác, hạn chế tình trạng một cán bộ kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau.
- Tổ chức hội nghị tập huấn trao đổi kinh ngiệm, học hỏi lẫn nhau giữa các cơ quan làm công tác giải quyết tranh chấp đất đai; tăng cường sự phối hợp và đối thoại giữa các cấp, các ngành trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai, thắt chặt mối quan hệ giữa các cán bộ trong ngành, đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa các cấp, ngành khác nhau.
- Xây dựng quy chế, quy định cụ thể để quản lý cán bộ, thuận lợi cho việc kịp thời thay thế, miễn nhiệm cán bộ năng lực, phẩm chất kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín, có sai phạm và phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt được cán bộ có đức, có tài, trẻ, cán bộ nữ vào các vị trí phù hợp. Chỉ đạo, thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, sắp xếp, bố trí, điều động, luân chuyển nhân sự các cấp.
- Đi đôi với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Nhà nước cần có những chính sách đãi ngộ thích hợp, nhất là chính sách tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng; đảm bảo các điều kiện về vật chất, tinh thần và phương tiện làm việc để các cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Chủ tịch UBND xã, phường, thành phố, Thủ trưởng các phòng ban giải quyết tranh chấp, khiếu kiện đất đai trong quá trình thực hiện các các văn bản pháp luật của cấp trên nếu có vướng mắc, phát sinh thì phải giao cho cơ quan có thẩm quyền theo dõi, tổng hợp, báo cáo cấp trên (UBND tỉnh, Chính phủ, Quốc hội...) và giải quyết kịp thời. Đồng thời phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết TCĐĐ. Tăng cường rà soát các vụ việc, đặc biệt là các vụ phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Có kế hoạch chỉ đạo, phân công giải quyết tích cực, nghiêm túc trong thời gian sớm nhất để trả lời cho dân.
3.4.3.3. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
Cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai với nhiều hình thức khác nhau như: Đăng công báo gửi đến chính quyền cơ sở, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng tủ sách pháp luật phục vụ Nhân dân ở các điểm Bưu điện, nhà văn trong khu dân cư của các phường.
Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, quy mô rộng khắp, sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân, các địa bàn khu dân cư, với các hình thức và nội dung cụ thể, đi sâu vào việc hướng dẫn, giải thích và áp dụng Luật Đất đai để giải quyết các vấn đề cụ thể thường hay gặp.
Trong lĩnh vực giải quyết TCĐĐ, từ các quy định chung của Luật Đất đai chúng ta cần đi sâu tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn Nhân dân nắm được các dạng tranh chấp thường xảy ra, trình tự thủ tục giải quyết theo từng loại tranh chấp và các quy định cụ thể của Nhà nước được áp dụng để giải quyết. Khi Nhân dân đã nắm và hiểu rõ các quy định của Nhà nước thông qua công tác tuyên truyền, giải thích và hướng dẫn thực hiện luật thì sẽ hạn chế xảy ra TCĐĐ, trường hợp có tranh chấp xảy ra việc giải quyết thuận lợi từ cơ sở.
Việc cụ thể hoá quy định của Luật Đất đai để hướng dẫn giải quyết các dạng TCĐĐ thường gặp trong giai đoạn hiện nay thông qua biện pháp tuyên truyền, giáo dục, giải thích pháp luật là cần thiết, có ý nghĩa thực tế, có tác động trở lại cho Nhà nước khi xây dựng các văn bản pháp luật và quy phạm pháp luật sẽ hoàn thiện hơn.
3.4.3.4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát
- Công khai quy hoạch phải công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, công khai bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch cụ thể để người dân biết được chính xác diện tích của mình được giải tỏa bao nhiêu; nhằm tránh tình trạng thu hồi đất không đúng đối tượng, bồi thường không đủ diện tích và đơn giá. Khi thực hiện một dự án xây dựng hoặc giải tỏa, cần công bố các khoản chi, các trường hợp chi, đối tượng được nhận tiền, trình tự thu hồi đất... Khi có sự thay đổi về giá bồi thường, hỗ trợ phải thông báo ở các bảng tin đặt tại trụ sở các cơ quan, đơn vị.
- Các cán bộ quản lý đất đai của cơ quan chuyên môn các cấp có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra việc SDĐ của cá nhân, hộ gia đình đã được Nhà nước giao, cho thuê,.. kịp thời nhắc nhở những đơn vị, cá nhân vi phạm; đề xuất UBND tỉnh thu hồi đất sử dụng trái quy hoạch đã được xét duyệt hoặc sử dụng không đúng với mục đích.
Tập trung kiểm tra, thanh tra thường xuyên việc sử dụng đất của các tổ chức tại tỉnh.
- Các cơ quan chức năng không ngừng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành biên bản hòa giải thành công và quyết định giải quyết TCĐĐ. Thường xuyên
tổ chức thanh tra, kiểm tra quá trình SDĐ và công tác quản lý đất đai nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong quá trình quản lý và SDĐ, hạn chế phát sinh TCĐĐ.
3.4.3.5. Giải pháp tập trung các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
GCNQSDĐ là chứng thư pháp lý xác lập mối quan hệ hợp pháp giữa Nhà nước (người quản lý- đại diện chủ sở hữu đất đai) với người được Nhà nước giao đất để sử dụng (người sử dụng đất). Quá trình tổ chức cấp GCNQSDĐ là quá trình xác lập căn cứ pháp lý đầy đủ để giải quyết mọi quan hệ về đất đai theo đúng pháp luật.
Việc cấp GCNQSDĐ nhằm xác lập căn cứ pháp lý đầy đủ để Nhà nước tiến hành các biện pháp quản lý Nhà nước đối với đất đai. Mặt khác làm cho người sử dụng đất an tâm khai thác tốt nhất mọi tiềm năng đất đai. Thông qua việc cấp GCNQSDĐ để Nhà nước nắm chắc và quản chặt nguồn tài nguyên đất cũng như quản lý người sử dụng đất theo đúng các quy định của Luật Đất đai.
Từ ý nghĩa như trên: Việc đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho người sử dụng đất trên các loại đất mà người sử dụng đất đang sử dụng làm tăng tính minh bạch, rõ ràng, và tính pháp lý của người sử dụng đất, làm giảm đi các tranh chấp về quyền sử dụng đất, giữa các bên tham gia quan hệ đất đai. Càng cấp được nhiều GCNQSDĐ cho người sử dụng đất, tức là Nhà nước càng xác lập được nhiều căn cứ pháp lý đầy đủ cho người sử dụng đất, việc quản lý Nhà nước về đất đai bằng pháp luật được thực hiện thuận lợi và tăng cường.
Thực tế cho thấy hầu hết các vụ tranh chấp đất đai phức tạp, kéo dài trên địa bàn Quận thời gian qua đều do không xác lập được căn cứ pháp lý của Nhà nước cho người sử dụng đất. Nói cách khác, đất bị tranh chấp đều không có đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định để Nhà nước công nhận và bảo hộ cho người sử dụng đất. Mặt khác, sau khi cấp GCNQSDĐ cho người sử dụng đất, có tranh chấp về quyền sử dụng đất xảy ra, thì các bên tranh chấp có quyền xuất trình GCNQSDĐ, đề nghị TAND giải quyết theo quy định và việc giải quyết của TAND cũng thuận lợi hơn.
Đổi mới quy trình cấp và nội dung GCNQSDĐ:
Trong thời gian qua việc cấp GCNQSDĐ cho người sử dụng đất được địa phương tập trung làm nhiều, tuy nhiên công tác cấp giấy chứng nhận lần đầu vẫn chưa hoàn thành.
Có thực tế là việc cấp Giấy CNQSDĐ cho người sử dụng đất ở chính quyền cơ sở không được làm thường xuyên, liên tục các công dân đến chính quyền cơ sở đề nghị thì hầu hết được trả lời là chưa có đợt, hoặc là phải chờ chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên... gây bức xúc cho người sử dụng đất.
Từ thực tế trên tác giả thấy cần đổi mới quy trình cấp, nội dung cấp GCNQSDĐ như sau:
- Công tác cấp GCNQSDĐ được thực hiện thường xuyên, liên tục tại các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khi các công dân xuất trình đầy đủ hồ sơ theo quy định, thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải cấp trong thời hạn nhất định, không được kéo dài thời gian thẩm định gây phiền hà, sách nhiễu cho người sử dụng đất.
- Khi cấp GCNQSDĐ, phải thể hiện rõ kích thước các cạnh của thửa đất; chủ hộ sử dụng đất giáp ranh; lối đi vào thửa đất để hạn chế việc tranh chấp đất lối đi về sau..., Hồ sơ về cấp GCNQSDĐ cho chủ hộ phải được lưu trữ đầy đủ ở cấp cơ sở theo quy định, thuận tiện cho việc khai thác sử dụng khi cần thiết.
- Sau khi cấp GCNQSDĐ cần phải số hóa và ghép với tờ bản đồ để khi cần tra cứu có thể được thể hiện một cách rõ ràng chính xác.
Như vậy: Tập trung các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho đối tượng sử dụng đất, đổi mới quy trình cấp và nội dung cấp GCNQSDĐ cho các đối tượng sử dụng đất là giải pháp quan trọng có tính chiến lược lâu dài nhằm hạn chế phát sinh TCĐĐ. Trong trường hợp có TCĐĐ xảy ra thì các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có căn cứ để giải quyết kịp thời theo đúng pháp luật.
3.4.3.6. Giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành
Hiện nay chúng ta đang thực hiện cải hành chính theo cơ chế "một cửa" để hạn chế tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà cho Nhân dân khi có việc cần giải quyết có liên quan đến các cơ quan hành chính Nhà nước.
Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực giải quyết TCĐĐ đó là các cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền khi tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết TCĐĐ của công dân cần công khai hoá trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn giải quyết theo quy định của Luật Đất đai hiện hành ở từng cấp, thông qua đó Nhân dân có thể biết được công việc của mình thuộc cấp nào, cơ quan nào giải quyết, trình tự giải quyết của từng cấp ở mức độ nào, thủ tục giải quyết tiếp theo. Từ đó cho thấy sự cần thiết phải công khai hồ sơ giải quyết cho Nhân dân nắm được, đây cũng là giải pháp cải cách hành chính trong giải quyết TCĐĐ.
Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành với các tổ chức đoàn thể Nhân dân, tổ chức xã hội trong giải quyết tranh chấp đất đai;
Mục tiêu giải pháp này nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong giải quyết KNTC nói chung, giải quyết TCĐĐ nói riêng. Quan điểm giải quyết, xử lý một vụ việc phức tạp, cụ thể được sự đồng thuận của Nhân dân địa
phương, của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, tạo nên dư luận xã hội tốt thì vụ việc TCĐĐ đó sẽ sớm kết thúc.
Ngược lại, vụ việc nào mặc dù có quyết định giải quyết cuối cùng của cấp có thẩm quyền, có hiệu lực thi hành, nhưng không được nhân dân địa phương đồng tình, quan điểm giải quyết giữa cấp và ngành còn có ý kiến khác nhau, các tổ chức đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội chưa thống nhất thì vụ việc đó rất khó thực hiện, phải xem xét giải quyết nhiều lần, vụ việc trở nên phức tạp, một trong các bên tranh chấp đều đeo bám vào ý kiến của các cấp hoặc ngành hoặc của tổ chức đoàn thể có lợi cho mình để KNTC.
Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể nhân dân trong giải quyết TCĐĐ thể hiện ở chỗ: Đối với vụ việc phức tạp, hồ sơ pháp lý không đầy đủ thì cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh, kết luận đề xuất giải quyết, trước khi ban hành văn bản chính thức phải tham khảo ý kiến của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội dưới các hình thức: Mở hội nghị tư vấn, xin ý kiến bằng văn bản, hoặc trực tiếp làm việc, trao đổi để thống nhất nội dung; xin ý kiến theo ngành dọc cấp trên (khi cần thiết), sau đó trực tiếp đối thoại với các bên tranh chấp để trao đổi, tổng hợp ý kiến, đề xuất với người có thẩm quyền ra quyết định giải quyết đúng theo quy định của pháp luật. Các quyết định giải quyết tranh chấp hội tụ đầy đủ các quan điểm, ý kiến của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể nhân dân mang tính khách quan việc tổ chức thực hiện thuận lợi, sớm chấm dứt khiếu nại tố cáo của công dân.
3.4.3.7. Thực hiện dân chủ, tăng cường đối thoại giữa các bên trong quá trình giải quyết TCĐĐ
Đây là giải pháp thể hiện tính minh bạch, công khai, dân chủ trong giải quyết KNTC nói chung và giải quyết TCĐĐ nói riêng, nó khắc phục tồn tại trong giải quyết công việc của các cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền đó là: Tính mệnh lệnh hành chính, quan liêu, một phía, áp đặt chủ quan của chủ thể có thẩm quyền giải quyết lên khách thể là đối tượng giải quyết.
Thực tế các vụ việc tranh chấp phức tạp xảy ra trong thời gian qua cho thấy một số cơ quan chuyên môn khi được giao nhiệm vụ thẩm tra, xác minh, kết luận và đề xuất biện pháp giải quyết còn có hiện tượng: áp dụng máy móc các quy định của pháp luật, thiếu tính thực tế, chưa khách quan, chưa trực tiếp đối thoại hoặc đối thoại mang tính hình thức với các bên tranh chấp, không công khai văn bản báo cáo xác minh, đề xuất của mình cho các bên nắm được để tiếp nhận ý kiến phản hồi của họ và các cơ quan liên quan. Việc làm trên gây khó khăn (thiếu thông tin ngược chiều) cho người có thẩm quyền khi quyết định giải quyết vụ việc. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến vụ việc phải giải quyết đi, giải quyết lại nhiều lần, mất nhiều thời gian, công sức của các cơ quan Nhà nước cũng như của các bên tranh chấp, việc giải quyết bị kéo dài,