Đặc điểm tự nhiên huyện Vân Canh

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển rừng trồng gỗ lớn tại huyện vân canh, tỉnh bình định (Trang 27 - 31)

CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Tình hình cơ bản của khu vực nghiên cứu

3.1.1. Đặc điểm tự nhiên huyện Vân Canh

3.1.1.1. Vị trí địa lý

Tỉnh Bình Định thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ trải dài 110km theo hướng Bắc - Nam với diện tích tự nhiên của toàn tỉnh 607.133 ha. Ở vị trí trung tâm của miền Trung và cả nước, là tỉnh có nhiều thế mạnh về ngành lâm nghiệp.

Vân Canh là huyện miền núi phía Tây Nam của tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 40 km về hướng Tây Nam.

Tổng diện tích đất tự nhiên: 80.425,45 ha, là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất toàn tỉnh Bình Định.

Vị trí của huyện nằm ở tọa độ địa lý:

Từ 13030’ đến 13050’ vĩ độ Bắc Từ 108050’ đến 109005’ kinh độ Đông Địa giới hành chính:

Phía Đông giáp huyện Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn Phía Tây giáp huyện Kông Chro – tỉnh Gia Lai

Phía Nam giáp huyện Đồng Xuân – tỉnh Phú Yên Phía Bắc giáp huyện Tây Sơn và An Nhơn

Huyện Vân Canh nằm cách khu kinh tế Nhơn Hội khoảng 50 km, cách thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên khoảng 80 km. Từ trung tâm huyện Vân Canh đến Cảng Quy Nhơn – một cảng quốc tế quan trọng của cả nước, và có vai trò đặc biệt quan trọng trong ngành lâm nghiệp của tỉnh Bình Định nói chung và của huyện Vân Canh nói riêng khoảng cách 30km đường quốc lộ.

Huyện Vân Canh có đường sắt Bắc – Nam và đường tỉnh lộ 638 chạy qua, nối liền trung tâm huyện với thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định và thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên; trong tương lai gần sẽ nối liền với tỉnh Đăk Lăk tạo thành tuyến hành lang Đông – Tây. Đó là điều kiện thuận lợi cho huyện Vân Canh mở rộng mối giao lưu, phát triển với các địa phương khác trong tỉnh và trong vùng.

Hình 3.1. Sơ đồ vị trí huyện Vân Canh

3.1.1.2. Địa hình

Huyện Vân Canh là huyện miền núi của tỉnh, có nhiều núi cao xen lẫn với đồng bằng, thung lũng, chính vì vậy địa hình của Vân Canh bị chia cắt nhiều bởi hệ thống sông suối, núi đồi trùng điệp và thung lũng sâu tạo thành các kiểu địa hình đa dạng và phức tạp. Chênh lệch độ cao giữa các vùng trong huyện rất lớn. Tổng diện tích đồi núi chiếm khoảng 85% tổng diện tích tự nhiên, diện tích đất bằng và thung lũng hẹp chỉ chiếm 15%.

Địa hình có các dạng chính sau:

Địa hình núi cao: là địa hình được uốn nếp khối, nâng lên tạo thành một dải hẹp dọc theo địa giới huyện Vân Canh. Gồm các núi cao từ 500 – 800m trở lên, bị phân cắt mạnh, phần lớn các sườn núi có độ dốc trên 250.

Địa hình núi trung bình: là địa hình có dạng đỉnh nhọn, sườn dốc từ 150 – 250, hướng thấp dần từ tây sang đông, độ cao trung bình từ 300 – 600m. Nhiều khe suối chỉ có nước về mùa mưa.

Địa hình núi thấp và thung lũng kiến tạo – xâm thực: chủ yếu là đất nông nghiệp trong các khu dân cư xen kẽ, sông suối và các hồ đập.

Đây là lợi thế rất lớn để phát triển ngành lâm nghiệp khi có một nguồn quỹ đất lớn. Tuy nhiên việc này cũng gây một số khó khăn nhất định cho việc vận chuyển lâm sản tiêu thụ, nhất là trong mùa mưa kéo dài trên địa bàn huyện.

3.1.1.3. Đặc điểm khí hậu thủy văn

Nằm trong tiểu vùng khí hậu Duyên hải Nam Trung Bộ là vùng khí hậu nhiệt đới ẩm, Vân Canh có nền nhiệt độ cao và ổn định, lượng bức xạ phong phú, số giờ nắng dồi dào với 2 mùa mưa và mùa khô rõ rệt.

- Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình hàng năm 25,60C, biên độ nhiệt độ ngày trung bình tại đây thay đổi theo mùa, biên độ cao nhất vào mùa hè là 12,80C. Nhiệt độ cao nhất của huyện Vân Canh vào tháng 6, 7 khoảng 37 – 380C. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối: 39 - 410C; Nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối là: 130C.

- Số giờ nắng: Hàng năm trung bình có tới 250 ngày nắng, tổng số giờ nắng khoảng 2.400 giờ, số giờ nắng cao khoảng 263 – 264 giờ vào tháng 4, tháng 5, số giờ nắng thấp nhất khoảng 102 giờ vào tháng 12.

- Lượng mưa và chế độ mưa: Lượng mưa biến động bình quân năm khoảng 1.900 – 2.100 mm/năm. Lượng mưa phân bổ không đều trong năm chủ yếu tập trung vào mùa mưa (từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau) chiếm 75% tổng lượng mưa cả năm.

Lượng mưa trong mùa khô từ tháng 4 đến tháng 8 từ 520 – 550mm chiếm khoảng 20%

– 25% lượng mưa cả năm.

+ Mùa mưa: Bắt đầu từ tháng 9 kết thúc tháng 12, chiếm 80 - 85% tổng lượng mưa cả năm. Mưa lớn xảy ra vào tháng 10 và tháng 11, thường gây ra lũ lụt làm chia cắt giao thông và gây hư hỏng các tuyến đường lâm sinh khu vực đồi núi.

+ Mùa khô: Bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 8 có lượng mưa rất thấp, chỉ bằng 15 - 20% tổng lượng mưa cả năm.

- Ẩm độ không khí: Bình quân hàng năm đạt 79% – 82%, vào các tháng 10, 11 và 12 độ ẩm đạt > 96%; độ ẩm thấp nhất trung bình khoảng 51% – 53% vào tháng 6 và 7.

- Gió bão: Trong vùng có 2 hướng gió chính đó là gió mùa Đông Bắc thường thịnh hành từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau; gió Tây Nam thường thịnh hành từ tháng 5 đến tháng 7 kèm theo khô nóng. Bão thường đổ bộ vào Bình Định từ tháng 9 đến tháng 12, nhưng tập trung từ tháng 10 đến tháng 11, kèm theo mưa lớn làm cho cây trồng đổ ngã, ảnh hưởng đến năng suất.

Huyện Vân Canh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa rõ rệt, lợi thế lớn nhất đối với sản xuất nông - lâm nghiệp là có nền nhiệt độ cao, tổng tích ôn lớn, tạo điều kiện cho cây trồng quang hợp tốt, cho năng suất cao, với nền nhiệt độ như vậy thích hợp với trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn.

- Thủy văn

Huyện có đặc điểm địa hình dốc, các sông, suối đều có độ dốc lớn, chịu sự chi phối của mưa trên lưu vực, lưu vực ở hạ lưu hẹp nên mùa mưa thường bị lũ ở thượng nguồn, lụt ở vùng hạ du. Mùa kiệt thường khô cạn ở hạ lưu, giảm mực nước ngầm, nhất là các tháng cuối mùa hè.

Hệ thống sông chính trên địa bàn là Sông Hà Thanh, có diện tích lưu vực là 580 km2, chiều dài dòng sông chính là 48 km. Sông bắt nguồn ở những đỉnh núi cao trên 1.100 m ở huyện Vân Canh, chảy theo hướng Tây nam - Đông bắc. Tới cầu Diêu Trì, sông chia thành hai nhánh Hà Thanh và Trường Úc đổ vào đầm Thị Nại rồi chảy ra biển.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hệ thống các hồ đập chứa nước, phục vụ như cầu của nhân dân trong huyện.

3.1.1.4. Đặc điểm địa chất đất đai

Theo kết quả điều tra bổ sung, chỉnh lý xây dựng bản đồ đất tỷ lệ 1/100.000 do Phân viện Quy hoạch Thiết kế Nông nghiệp Miền Trung xây dựng năm 2006, trên cơ sở kế thừa tài liệu bản đồ đất tỉnh Bình Định tỷ lệ 1/100.000. Theo kết quả điều tra của Hội khoa học đất Việt Nam, với phương pháp đánh giá đất của FAO – UNESCO, trên địa bàn huyện Vân Canh có các nhóm đất sau:

a) Đất Cát (C): Arenosols (AR): Diện tích 282,0 ha (chiếm 0,35% diện tích tự nhiên): Phân bố tại các xã: Canh Vinh, Canh Hiển, Canh Hiệp, thị trấn Vân Canh …) Nhóm đất Cát có 01 đơn vị đất là đất Cát điển hình Haplic Arenosols (Arh), hình thành

chủ yếu do sự bồi lắng phù sa. Đơn vị đất Cát điển hình ít có ý nghĩa cho sản xuất nông nghiệp, nhưng rất có ý nghĩa trong việc cung cấp nguyên vật liệu xây dựng công nghiệp, giao thông và dân dụng.

b) Đất phù sa (P): Fluvisols (FL): Diện tích: 2.367,0 ha (chiếm 2,96% diện tích tự nhiên): Phân bố tập trung tại các xã: Canh Vinh, Canh Hiển, Canh Hiệp. Nhóm đất Phù sa ở đây có đơn vị đất là Đất phù sa chua Dystric Fluvisols (FLd): Đất có phản ứng chua vừa (PH kcl = 4,0 – 5,0), nghèo mùn, lân tổng số rất nghèo (0,03 – 0,07).

c) Đất Xám (X): Acrisols (AC): Diện tích 76.270,0 ha (chiếm 95,58% diện tích tự nhiên). Nhóm đất này ở Vân Canh có 02 đơn vị đất: Đất Xám điển hình và Đất Xám Feralit, phân bố hầu hết ở các xã, thị trấn trong huyện.

Đất xám điển hình: Haplic Acrisols (Ach): Diện tích 4.552,0 ha: Hình thành phát triển chủ yếu trên phù sa cổ đá Macma axit và đá cát. Phân bố ở độ dốc dưới 250, đất có thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt. Tính chất thổ nhưỡng: Đất có phản ứng chua (pH kcl = 3,9 – 5,0), mùn và đạm tổng số khá, lân và kali nghèo.

Đất Xám Feralit Acricols (Acf): Diện tích: 71.718,0 ha: Hầu hết đất xám Feralit hình thành trong điều kiện địa hình chia cắt, dốc nhiều, trên sản phẩm phong hóa của đá mẹ giàu secqui oxyt. Đa số đất nằm ở độ dốc >250, tầng đất dày 50 – 100cm, đất chua, nghèo bazơ và các chất dễ tiêu, độ phì nhiêu trung bình đến khá.

Diện tích còn lại là đất khoảng 1,11% gồm diện tích đất ở, đất chuyên dùng và sông suối.

Tổng diện tích đất lâm nghiệp 75.924,12 ha, chiếm 94,40% diện tích tự nhiên toàn huyện (80.425,45 ha).

Qua nghiên cứu các đặc điểm tự nhiên của huyện Vân Canh, ta có thể nhận thấy các đặc điểm thuận lợi như lượng mưa, độ chiếu sáng, độ chua, độ dày tầng đất phù hợp với mục đích kinh doanh rừng trồng gỗ lớn, cần có các biện pháp quy hoạch, sử dụng hợp lý để phát triển rừng và bảo vệ môi trường.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển rừng trồng gỗ lớn tại huyện vân canh, tỉnh bình định (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)