CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.6. Hiệu quả, khó khăn khi đầu tư phát triển rừng trồng gỗ lớn
3.6.1. Về kinh tế
Theo số liệu tổng hợp của các mô hình sản xuất kinh doanh gỗ lớn ở các địa phương và số liệu khai thác rừng trồng gỗ nhỏ thực tế của Công ty TNHH trồng rừng
Quy Nhơn. Từ đó tổng hợp so sánh hiệu quả về kinh tế của mô hình sản xuất gỗ nhỏ khai thác từ 5-9 năm và gỗ lớn 10-12 năm, được bảng như sau:
Bảng 3.12. So sánh giá trị kinh tế của mô hình kinh doanh gỗ nhỏ và gỗ lớn
Mô hình trồng rừng
Chỉ tiêu Gỗ nhỏ Gỗ lớn
Chu kỳ kinh doanh (năm) 5 - 9 10 - 12
Tăng trưởng bình quân năm (m3/ha/năm) 18 25
Trữ lượng bình quân (m3/ha) 150 270
Sản lượng gỗ (tấn/ha)
Gỗ giấy 80 100
Gỗ bao bì 15 170
Giá bán (ngàn đồng/m3)
Gỗ giấy 600 - 800 600 - 800
Gỗ bao bì 2.000 2.000
Thành tiền chưa tính chi phí (triệu đồng/ha/chu kỳ) 78 - 94 400 - 420 Qua các số liệu được tổng hợp ở trên, ta có thể dễ dàng nhận thấy sự hiệu quả của việc kinh doanh rừng trồng gỗ lớn. Với thời gian kinh doanh chỉ tăng thêm 3-5 năm, ngoài việc tiết kiệm được 01 lần chăm sóc và trồng mới, sự dịch chuyển mạnh của cơ cấu sản phẩm gỗ dăm và gỗ bao bì từ 15 tấn/ha đối với rừng gỗ nhỏ thành 170 ha đối với rừng trồng gỗ lớn. Sự dịch chuyển này giúp cho giá trị rừng trồng tăng lên nhiều so với kinh doanh 02 lần rừng trồng gỗ nhỏ với cùng một khoảng thời gian.
Ngoài ra, chuyển đổi rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn cũng mang lại các hiệu quả sau:
- Góp phần thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho chủ rừng.
- Phát triển trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn với mật độ từ 1600-2000 cây/ha, sau 5 năm trồng tiến hành tỉa thưa, đây cũng là một nguồn thu cho chủ rừng; mật độ còn lại từ 700-800 cây/ha sinh trưởng phát triển tốt.
- Trồng rừng kinh doanh cây gỗ lớn giảm bớt số lần khai thác và trồng lại rừng, do đó, giảm chi phí đầu tư, giảm đầu tư công trong giai đoạn trồng rừng và chăm sóc ban đầu.
3.6.2. Về xã hội
- Tác dụng quan trọng nhất của phát triển rừng trồng cây gỗ lớn là chủ động tạo nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản trong huyện, tạo động lực cho sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn toàn tỉnh Bình Định. Thực tế, diện tích rừng trồng ở tỉnh ta hiện tại chủ yếu là rừng gỗ nhỏ, nên chất lượng gỗ không cao, trên 85% sử dụng băm dăm. Chỉ một lượng nhỏ gỗ lớn được sử dụng trong chế biến đồ gỗ nội thất và mỹ nghệ, cho thu nhập cao.
- Tạo sự dịch chuyển mạnh về phương thức sản xuất, tổ chức quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị ngành hàng bền vững gắn với xây dựng chứng chỉ rừng (FSC) nhằm nâng cao giá trị các mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu.
- Cùng với việc đầu tư hạ tầng cơ sở, dịch vụ như xây dựng đường lâm sinh, giống cây lâm nghiệp, xây dựng các mô hình khuyến lâm...; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nâng cao trình độ sản xuất lâm nghiệp và tiếp cận, thực hiện phương thức sản xuất lâm nghiệp hàng hóa.
- Trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, đang là xu hướng phát triển chung của các nước trên thế giới và cũng là giải pháp quan trọng để thay đổi thực trạng sản xuất kinh doanh lâm nghiệp hiện nay, không những mang lại hiệu quả kinh tế cao còn có lợi ích lớn trong việc bảo vệ môi trường.
3.6.3. Về môi trường
- Kinh doanh rừng trồng gỗ nhỏ ở huyện Vân Canh đang là hình thức chủ yếu, hàng năm, có hàng ngàn ha rừng gỗ nhỏ được khai thác theo phương thức khai thác trắng, việc vệ sinh rừng sau khai thác thường bằng phương thức đốt dọn thực bì. Đây là mối nguy hại rất lớn đến môi trường, khi tầng đất mặt bị phá hủy, lớp thực bì bao phủ bề mặt bị hủy diệt gần như hoàn toàn. Việc kinh doanh và khai thác trắng liên tục và kéo dài sẽ làm thoái hóa đất, mất nguồn nước và hiện tượng xói mòn, sạt lở diễn ra thường xuyên.
- Phát triển trồng rừng cây gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài sẽ có tác dụng giữ nước tạo nguồn sinh thủy, làm giảm xói mòn, rửa trôi đất do quá trình khai thác, trồng lại rừng gây ra.
- Rừng gỗ lớn làm tăng độ che phủ rừng, có khả năng hấp thụ cacbon cao hơn so với rừng gỗ nhỏ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và điều hòa khí hậu.
- Phát triển rừng trồng gỗ lớn, nhất là cây bản địa giúp nâng cao tính đa dạng sinh học cho các khu rừng phòng hộ của địa phương, tăng cao khả năng giữ nước, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện cho các loài sinh vật sinh sống và phát triển. Sản phẩm từ rừng cây bản địa đa dạng về chủng loại và thành phần, giúp tăng thêm ngành nghề, thu nhập cho người dân.
3.6.4. Những rủi ro khi đầu tư phát triển rừng trồng gỗ lớn.
Việc quy hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh mới bước đầu được triển khai thí điểm ở một số khu vực, khi triển khai quy hoạch với diện tích lớn trên địa bàn huyện Vân Canh có thể gặp một số khó khăn chủ yếu như sau:
a) Về điều kiện tự nhiên, hạ tầng cơ sở:
- Bình Định là vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa, hàng năm có mùa khô và mùa mưa rõ rệt. Mùa khô thường kéo dài, khiến cho nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao.
- Hàng năm, thường có 1 đến 2 cơn bão đổ bộ vào khu vực Nam trung bộ, trong đó có tỉnh Bình Định. Rừng trồng gỗ lớn là loài Keo lai, cây sinh trưởng nhanh, gỗ mềm, giòn, dễ gãy. Do vậy, rừng trồng Keo lai ở Bình Định dễ bị gãy ngọn, đổ ngã.
Trong năm 2017, cơn bão đổ bộ vào khu vực Quãng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đã gây thiệt hại nặng cho ngành lâm nghiệp.
- Hạ tầng lâm nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, đặc biệt là hệ thống đường lâm nghiệp. Đường vận xuất trong khai thác và chăm sóc rừng trồng chủ yếu là đường tạm, được san ủi tạm thời trong thời gian ngắn, đường này rất nhanh bị hư hỏng khi đến mùa mưa dẫn đến khó khăn trong công tác đầu tư phát triển rừng gỗ lớn (từ các khâu trồng, tỉa thưa, khai thác, vận chuyển với chi phí bị nâng lên rất cao)
b) Về quỹ đất, vốn đầu tư
- Các công ty Lâm nghiệp đã được cấp số đỏ phải trả tiền thuê đất và đóng thuế sử dụng đất theo Luật đất đai, làm tăng chi phí cho trồng rừng. Bên cạnh đó, việc đóng tiền thuê đất phải thực hiện hàng năm trong khi chu kỳ kinh doanh rừng kéo dài nhiều năm, có thể khiến cho khả năng quay vòng vốn của các Công ty lâm nghiệp gặp khó khăn.
- Kinh doanh gỗ lớn có chu kỳ dài hơn kinh doanh nguyên liệu gỗ nhỏ trong khi việc vay vốn sản xuất của các Công ty lâm nghiệp còn khó khăn; kinh phí nuôi dưỡng rừng chủ yếu do các chủ rừng tự huy động.
- Nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại thường có lãi suất cao, điều kiện vay, thủ tục vay hết sức khó khăn (phải có tài sản thế chấp), thời gian cho vay ngắn, không phù hợp với điều kiện kinh doanh kéo dài khi trồng rừng gỗ lớn.
- Các hộ gia đình thường có diện tích rừng nhỏ lẻ (thường chỉ từ 1-2ha), số hộ có diện tích đất lâm nghiệp trên 5ha rất ít. Các hộ gia đình chủ yếu là ở vùng miền núi, đời sống khó khăn, thiếu vốn sản xuất nên trồng rừng quảng canh, chu kỳ ngắn để nhanh cho sản phẩm, thu nhập. Vì vậy, việc quy hoạch rừng trồng gỗ lớn, kéo dài thời gian khai thác rừng là hết sức khó khăn.
c) Về thị trường tiêu thụ
- Tuy kinh doanh rừng trồng mang lại nhiều hiệu quả cả về kinh tế và xã hôi.
Tuy nhiên các đơn vị kinh doanh vẫn chưa thực sự quan tâm đến mô hình này. Hầu hết chỉ dừng ở mức thí điểm. Nguyên nhân chủ yếu nhất là thời kỳ thu hoạch kéo dài, khiến nguồn thu bị kéo dài qua các nhiệm kỳ khác nhau ở những công ty nhà nước.
Các giám đốc công ty thường muốn khai thác sớm ở trong nhiệm kỳ của mình, bán dăm, gỗ nhỏ để thu hồi vốn vì nhu cầu của thị trường vẫn còn rất cao.
- Thị trường giá cả trong thời gian qua, nhất là năm 2016-2017 thiếu ổn định, chu kỳ sản xuất kinh doanh dài, chính sách quản lý, chuỗi liên kết giữa các đơn vị thu mua – chế biến còn nhiều bất cập là yếu tố hạn chế tới việc khuyến khích người dân và các nhà đầu tư trong việc liên doanh, liên kết đầu tư trồng rừng kinh doanh gỗ lớn.
d) Nguồn giống và kỹ thuật
- Tuy hàng năm sản xuất trên 200 triệu cây giống, nhưng nguồn giống cung cấp cho địa bàn huyện Vân Canh chủ yếu vẫn là cây hom, nguồn cây mô còn ít, giá thành cao làm tăng chi phí trồng rừng.
- Chưa có các công trình nghiên cứu về giống và nguồn giống chưa cụ thể cho trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng gỗ nhỏ; chưa cụ thể cho từng vùng, từng điều kiện lập địa của huyện Vân Canh.
- Các đơn vị kinh doanh khi trồng rừng chủ yếu vẫn ở mức thâm canh thấp, đào hố nhỏ, bón phân ít, chăm sóc ít lần, nguồn nước phụ thuộc chủ yếu và tự nhiên nên rừng sinh trưởng hạn chế, năng suất bị giảm thấp.
- Trên địa bàn huyện chưa có nhiều mô hình rừng trồng kinh doanh gỗ lớn điển hình tại các vùng làm cơ sở tham quan, tuyên truyền, học tập, làm cơ sở để khuyến khích các đơn vị kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển rừng trồng gỗ lớn.