Vấn đề hợp tác liên kết nông dân trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hiệu quả sản xuất kinh doanh và vai trò của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp theo luật hợp tác xã 2012 tại thành phố đồng hới, tỉnh quảng bình (Trang 20 - 24)

Chương 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.2 CƠ SỞ THỰC TIỄN

1.2.3 Vấn đề hợp tác liên kết nông dân trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay

Sau gần 30 năm tiến hành Đổi mới, nông nghiệp nông thôn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, giúp cho đất nước chuyển từ thiếu ăn sang đủ ăn và xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản. Một trong những yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào các thành công trên là sự thừa nhận và khuyến khích thúc đẩy kinh tế hộ gia đình và kinh tế hợp tác giữa các hộ nông dân (ND) tại các cộng đồng nông thôn Việt Nam.

Tuy nhiên ngành nông nghiệp Việt Nam hiện đang đối mặt với các thách thức mới về chất lượng nông sản và phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới và tác động của biến đổi khí hậu. Một số vấn đề được chỉ ra, bao hàm các yếu tố cơ cấu của nền nông nghiệp nông nghiệp: khoảng 40 triệu ND thuộc hơn 12 triệu hộ, chủ yếu là các hộ nông dân nhỏ, đang phải canh tác và sản xuất trong điều kiện thua thiệt và nhiều rủi ro; đời sống ND bấp bênh; thiếu thể chế tổ chức trong sản xuất và trong ngành hàng do hợp tác yếu giữa các tác nhân, hệ quả của mô hình hợp tác hóa nông nghiệp kiểu cũ; nông nghiệp chỉ chú trọng sản xuất và năng suất mà ít chú ý đến sau thu hoạch, chất lượng và tiếp cận thị trường v. v…

Khó khăn lớn nhất của nông dân hiện tại vẫn là đầu ra cho nông sản. Những năm qua, công tác liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân vẫn lỏng lẻo, sản phẩm vẫn chưa tiêu thụ được nhiều. Tình trạng “được mùa, mất giá” hay bị thương lái ép giá ngay cả khi mất mùa vẫn là một nỗi lo đối với nông dân.

Tháng 5/2015, hàng trăm ha dưa hấu gặp lũ bất ngờ, nông dân phải bán đổ bán tháo; dưa hấu của bà con không xuất khẩu hết mắc kẹt ở cửa khẩu. Sau dưa hấu thì một loạt mặt hàng nông sản khác như: Gạo xuất khẩu bị ách tắc ở biên giới phía Bắc, hành tím của bà con Sóc Trăng, hành tây của bà con ở Đà Lạt… Nhiều chiến dịch

“giải cứu” nông sản của một số cá nhân, tổ chức đã hình thành, và các mặt hàng này đã được tiêu thụ bằng tình thương, sự chia sẻ của đồng bào cả nước.

Thách thức về tiêu thụ nông sản ngày càng trở nên rõ nét khi cánh cửa hội nhập rộng mở. Các mặt hàng nông sản của Việt Nam, trái cây là sản phẩm thường xuyên bị mất giá tại thị trường nội địa, nhất là khi vào chính vụ. Trong khi đó, hàng ngày, một lượng lớn trái cây tươi vẫn được nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam tiêu thụ. So với Thái Lan, trái cây Việt Nam khó cạnh tranh bởi thiếu sự đầu tư về mẫu mã, quy trình đóng gói, chất lượng không đồng đều. Đơn cử như xoài cát Hòa Lộc, dù thương hiệu đã được khẳng định nhưng sản phẩm đạt chất lượng cao rất ít (khoảng 30%). Bên cạnh khâu sản xuất, khâu vận chuyển cũng đáng lo ngại. Nhiều nông sản bị hư hại trong quá trình vận chuyển, không được khách hàng chấp nhận, buộc phải bán tháo với giá rẻ mạt.

Tại Sơn La, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, một trong những kênh tiêu thụ nông sản phổ biến nhất là hệ thống chợ với tỷ lệ khoảng 20% tổng giá trị hàng nông sản hàng năm, chủ yếu là rau, hoa, lâm sản, gia súc, gia cầm… Bên cạnh đó là hình thức tiêu thụ nông sản qua thương lái (chiếm khoảng 50% tổng giá trị hàng nông sản tiêu thụ hàng năm với các sản phẩm chính là ngô, sắn, cà phê, quả tươi, dược liệu)… Hình thức tiêu thụ được coi là “an toàn” nhất cho nông dân hiện nay là thông qua hợp đồng, liên kết sản xuất với các sản phẩm như chè, mía, sữa... phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trên thị trường. Điển hình trong mô hình liên kết hiệu quả cung cấp

vật tư nông nghiệp tiêu thụ sản phẩm là Công ty CP Mía đường Sơn La, Công ty CP Chè Mộc Châu; Công ty CP Thương mại sông Đà; Công ty CP giống bò sữa Mộc Châu… Tuy nhiên, hình thức này mới chỉ chiếm khoảng trên 30% tổng giá trị hàng hóa nông sản. Nguyên nhân là hợp đồng vẫn còn nhỏ do quy mô HTX, tổ hợp tác chưa lớn, vốn ít, mạng lưới kinh doanh hẹp, tình trạng hộ dân phá vỡ hợp đồng vẫn khá phổ biến. Khi giá nông sản tăng, các hộ đã tự ý bán cho tư thương giá cao hơn, thậm chí bán sản phẩm ra ngoài để tránh phải thanh toán những khoản đầu tư ứng trước của các đơn vị. Điều đó đã gây không ít khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng, giảm sức hút với các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất chế biến nông sản. Chưa kể việc sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp thủ công, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao.

Tại Hà Nội, Hội Nông dân Thành phố Hà Nội và 14 tỉnh phía Bắc thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh bằng việc tổ chức hàng chục chuyến tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu cho cán bộ, hội viên. Hội cũng giao cho Trung tâm trợ giúp Nông dân có trách nhiệm trưng bầy và giới thiệu sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ thông qua mối liên kết 4 “nhà” (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân). Trung tâm đã phối hợp với một số Doanh nghiệp cải tạo trụ sở của Hội tại 33 Nguyễn Chí Thanh để trưng bày và giới thiệu một số sản phẩm nông sản và thủ công mỹ nghệ làng nghề của Thủ đô nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong nước và thế giới. Tuy nhiên, đến nay các sản phẩm được tiêu thụ mạnh tại thị trường Thủ đô vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó có cam Cao Phong (Hòa Bình), vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), hải sản Thanh Hóa.

Trong giai đoạn 2010-2015, ngân sách T.Ư và địa phương đã đầu tư gần 3.000 tỷ đồng để cải tạo và xây mới gần 2.000 chợ. Đến nay, trong tổng số gần 8.600 chợ của cả nước, riêng địa bàn nông thôn, miền núi, biên giới có khoảng 6.600 chợ, chiếm từ 50-70% thị phần hàng hóa dịch vụ. Tuy nhiên, hệ thống chợ thương mại mới chủ yếu đáp ứng nhu cầu mua bán lương thực, thực phẩm, xăng dầu, vật tư, dụng cụ cho sản xuất và các nhu yếu phẩm cho đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân nông thôn. Trong khi hoạt động thu mua, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nuôi trồng, đánh bắt của người dân địa phương còn nhỏ lẻ, tự phát, theo hình thức “tự sản tự tiêu”, nên giá trị không cao, chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa lớn tập trung, để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Vẫn còn tình trạng tỷ lệ nông sản hàng hóa tiêu thụ qua liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản giữa nông dân với các thành phần kinh tế khác còn thấp, chưa phát triển sâu rộng ở các địa phương, ngành hàng và sản phẩm. Một số nông dân cố tình bán sản phẩm ra bên ngoài để tránh việc thanh toán các khoản đầu tư ứng trước của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa tôn trọng lợi ích nông dân, không quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu, lợi dụng thế độc quyền ép giá.

Hiện nay, trước yêu cầu hội nhập sâu vào quốc tế, thị trường cạnh tranh khốc liệt, việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng là hướng chủ đạo của nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông sản. Chính vì thế, việc thúc đẩy, mở rộng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản không chỉ có nhu cầu từ phía nông dân, cơ sở sản xuất mà còn từ doanh nghiệp.

Nông sản Việt muốn tiêu thụ tốt chắc chắc phải có sự liên kết 4 nhà, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò là đầu tàu. Do đó, Nhà nước cần có thêm những chính sách hỗ trợ thông thoáng và khung pháp lý ổn định hơn nữa để thu hút doanh nghiệp đầu tư bài bản vào chuỗi giá trị nông nghiệp trong thời gian dài.

Trong tình hình đó, Chính phủ đã ban hành các chính sách nông nghiệp cấp vĩ mô nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng, phát triển bền vững, ban hành các chính sách thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các tác nhân với hy vọng tạo ra những đột phá cho sản xuất nông nghiệp nói chung và khu vực kinh tế hợp tác nói riêng. Ở cấp vi mô, làm thế nào để thông qua hợp tác liên kết ND tăng thu nhập cho hộ ND, tăng vị thế kinh tế, năng lực cạnh tranh của hộ ND trong một nền kinh tế sản xuất nông sản mở cửa vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Các nghiên cứu và thực hành tốt trên thế giới chỉ ra rằng: nếu được tạo môi trường phát triển thuận lợi với các can thiệp chính sách đúng hướng, thông qua các tổ chức ND (TCND) và hợp tác liên kết (HTLK), ND sẽ phát huy tiếng nói và hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực tự nhiên và xã hội, từ đó được hưởng lợi ích và chia sẻ rủi ro một cách công bằng hơn. Xét từ quy luật của đời sống và sản xuất, HTLK là một nhu cầu tự nhiên, một trong những nét độc đáo của tổ chức xã hội nông thôn Việt Nam (Chi, 1996). HTLK đặc biệt có ý nghĩa với người ND Việt Nam – vốn từ xa xưa đã có xu hướng “thích lập các phường hội” và tham gia vào các đoàn thể tự nguyện (Gourou, 1936), có tâm thế của người “ND tự do” mà không phụ thuộc, sống trong các làng xã.

Vị thế của nông hộ, đặc biệt là nông hộ quy mô nhỏ thông qua mối quan hệ hợp tác với nhau dưới các tổ chức hợp tác của ND, không chỉ đạt được thông qua cải thiện thu nhập cho ND, mà còn bằng việc thúc đẩy ND đạt được các quyền lợi và lợi ích chính đáng, công bằng, có được tiếng nói và lựa chọn của mình trong việc xây dựng các chính sách đóng góp cho phát triển bền vững chung. Phát triển hợp tác, liên kết ND bền vững được xác định là một nút thắt chính sách quan trọng, nhằm tổ chức lại sản xuất, đổi mới mối quan hệ sản xuất vốn đã tồn tại những bất hợp lý sau một thời gian dài không thực sự đem lại hiệu quả. Giải quyết bài toán này sẽ giúp giải phóng năng lượng, phát huy tiềm năng và nội lực của các tác nhân, phát huy tối đa những giá trị tích lũy qua nhiều đời, tăng sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam, củng cố điểm tựa tinh thần, vật chất vững chắc cho phát triển xã hội trong thời kỳ mới.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hiệu quả sản xuất kinh doanh và vai trò của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp theo luật hợp tác xã 2012 tại thành phố đồng hới, tỉnh quảng bình (Trang 20 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)