Các giải pháp phục hồi và phát triển cây Gụ Lau

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm cấu trúc lâm phần và tái sinh của cây gụ lau (sindora tonkinensis) ở khu bảo tồn thiên nhiên đakrông, tỉnh quảng trị (Trang 68 - 71)

Chương 4 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

4.4. Các giải pháp phục hồi và phát triển cây Gụ Lau

Từ những kết quả nghiên cứu được tổng hợp và phân tích ở các nội dung trên cho thấy cả ba loại rừng giàu, trung bình và nghèo đều trong tình trạng phục hồi tốt, mật độ cây gỗ lớn và cây tái sinh cao. Để đảm bảo cho rừng phục hồi tốt hơn và ổn định theo thời gian, đặc biệt là đối với loài cây Gụ Lau cần phải có những giải pháp phù hợp:

4.4.1. Giải pháp về quản lý bảo vệ

Do đây là loại rừng đặc dụng, diện tích rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên nên cần phải thực hiện theo những quy định của pháp luật về quản lý rừng đặc dụng, trong đó cần ưu tiên:

(1) Nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền địa phương và người dân thông qua tổ chức các hội thảo chuyên đề về tầm quan trọng của ĐDSH và bảo tồn có sự tham gia của người dân cho từng nhóm đối tượng, để sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, phổ biến pháp luật, giáo dục môi trường...

(2) Giải pháp về quy chế quản lý rừng vùng đệm:

- Bên cạnh các quy định của pháp luật, cần kết hợp với chính quyền địa phương và cộng đồng thôn bản xây dựng hương ước quản lý bảo vệ rừng trong cộng đồng nhằm chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

- Xây dựng quy chế phối kết hợp trong công tác bảo vệ rừng với thôn, bản, chính quyền địa phương và các đơn vị trên địa bàn tham gia công tác bảo tồn.

- Tiến hành khoán bảo vệ rừng lâu dài cho các hộ gia đình từ các nguồn 30a, Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, chi trả dịch vụ môi trường rừng...

(3) Xây dựng kế hoạch, phương án quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo tồn ĐDSH, quản lý động, thực vật hoang dã, chống các hành vi xâm hại rừng.

4.4.2. Giải pháp về nghiên cứu khoa học

(1) Thực hiện theo dõi thường xuyên phân bố một số loài thực vật quý hiếm và điều tra các ô định vị nghiên cứu sinh thái rừng, đặc biệt chú trọng tại các khu vực đã ghi nhận được vùng phân bố một số loài quý hiếm như Lim xanh, Gụ mật, Gụ lau, Kim giao.

(2) Xây dựng các chương trình hoạt động cho Khu BTTN và các giải pháp đồng bộ về lâm sinh, nghiên cứu khoa học, đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

(3) Thực hiện các đề tài nghiên cứu cơ bản và ứng dụng phục vụ thiết thực cho việc bảo tồn ĐDSH ở Khu BTTN. Phối hợp với các tổ chức quốc tế và các cơ quan nghiên cứu trong nước thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học dưới hình thức hợp tác khoa học trong quy chế của Khu BTTN. Các đề tài nghiên cứu trong thời gian tới cần được xác định:

- Nghiên cứu tình trạng phân bố các loài thực vật quý hiếm;

- Nghiên cứu tái sinh, phục hồi rừng trên đất Ic làm cơ sở khoa học đề xuất biện pháp khoa học phục hồi rừng tại Đakrông nói chung và Quảng Trị nói riêng;

- Nghiên cứu diễn biến rừng, tăng trưởng lâm phần, tăng trưởng nhóm loài mọc nhanh-chậm-trung bình và theo loài cây thông qua hệ thống Ô định vị.

4.4.3. Một số giải pháp lâm sinh

Ở khu vực nghiên cứu thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông có 3 phân khu chức năng (1) Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (2) Phân khu phục hồi sinh thái (3) Phân khu dịch vụ hành chính. Những đề xuất dưới đây chỉ áp dụng cho phân khu phục hồi sinh thái, đồng thời là cơ sở để áp dụng cho những khu vực khác ở Quảng Trị có kiểu rừng tương tự.

(1) Khoanh nuôi bảo vệ rừng: Biện pháp này áp dụng cho những nơi trạng thái rừng giàu và rừng trung bình, đây là hai trạng thái rừng có cây Gụ Lau là loài nằm trong nhóm 5 loài có chỉ số tổ thành cao so với các loài tham gia vào tổ thành của quần thụ rừng, mật độ cây tái sinh chiếm tỉ lệ cao (Rừng giàu là 1.050 cây/ha, rừng trung bình là 770/ha). Do vậy cần tiến hành các biện pháp khoanh nuôi, bảo vệ, chống chặt phá, phòng cháy chữa cháy rừng.

(2) Xúc tiến tái sinh tự nhiên: Biện pháp này được áp dụng để xúc tiến tái sinh đối với trạng thái rừng nghèo, cây Gụ Lau có chỉ số tổ thành không cao, tỉ lệ cây tái sinh thấp (180 cây/ha). Do vậy cần tiến hành kỹ thuật khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp tiến hành các biện pháp nuôi dưỡng rừng.

(3) Chặt nuôi dưỡng, luỗng phát dây leo và cây bụi: Nói chung, rừng phục hồi sau khai thác có mật độ cây gỗ rất dày, dây leo và cây bụi phát triển rất mạnh dưới tán rừng. Chúng là những loài gây ảnh hưởng xấu đến cây gỗ, đặc biệt là loài Gụ Lau. Vì thế tỉa thưa bớt những cây xấu cong queo, sâu bệnh và loại bỏ cây bụi và dây leo là cần thiết. Tất cả công việc chặt tỉa thưa, phát luỗng dây leo bụi rậm đều phải có cán bộ kỹ thuật lâm sinh thiết kế cụ thể và thực hiến đúng các biện pháp kỹ thuật đã quy định để không gây tổn thất đến cây con hiện có ở dưới tán rừng.

(4) Trồng rừng: Nhằm nâng cao độ che phủ rừng, mở rộng sinh cảnh, phòng chống cháy, thu hút các loài động vật hoang dã giảm những tác động về môi trường sinh thái như xói mòn, lũ lụt bằng việc trồng và phát triển các loài cây bản địa. Thu hút người dân tham gia và nâng cao thu nhập cũng như nhận thức cho người dân trong công tác bảo tồn thiên nhiên.

Trồng rừng tập trung theo Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, tại các phân khu phục hồi sinh thái II các tiểu khu: 820, 821, 830 và Phục hồi sinh thái III tiểu khu: 748, 724A, 725A. Tổng diện tích trồng rừng 400 ha. Lựa chọn một số cây trồng với tiêu chuẩn cây con cao trên 1m, đường kính cổ rễ trên 2cm, khỏe mạnh, có bầu. Các loài cây trồng rừng là các loài cây bản địa vốn truyền thống phân bố trong vùng như: Lim xanh, Gụ lau, Gụ mật, Kim giao, Giổi các loại, Sấu, Trường, Trám, Lát...

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm cấu trúc lâm phần và tái sinh của cây gụ lau (sindora tonkinensis) ở khu bảo tồn thiên nhiên đakrông, tỉnh quảng trị (Trang 68 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)