Hiện trạng phát triển cao su tiểu điền tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Điều tra thực trạng sản xuất cao su tiểu điền và xác định mật độ xen gừng trong vườn cao su kiến thiết cơ bản ở huyện nam đông, tỉnh thừa thiên huế (Trang 21 - 24)

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

2. CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

2.1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ CAO SU TIỂU ĐIỀN

2.1.2. Hiện trạng phát triển cao su tiểu điền tại Việt Nam

Cũng giống như các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có hai loại hình trồng cao su là cao su đại điền và cao su tiểu điền.

Cao su đại điền là hình thức trồng cao su tập trung, là các đồn điền cao su do các doanh nghiệp đầu tư, còn cao su tiểu điền là cao su do các hộ nông dân trồng. Diện tích cao su đại điền trong những năm gần đây có xu hướng giảm. Năm 2000 nếu diện tích cao su đại điền chiếm 67,3% tổng diện tích cao su được trồng thì năm 2015 tỷ lệ này giảm còn 50,1% tổng diện tích cao su cả nước (Tập đoàn Cao su Việt Nam, 2015) [38].

Ngược lại, cao su tiểu điền lại có xu hướng tăng và đạt 49,9% tổng diện tích vào năm 2015. Sở dĩ có hiện tượng này là do cao su đại điền yêu cầu vốn đầu tư lớn, còn cao su tiểu điền hiện được trồng nhỏ lẻ, vốn ít hơn, nên dễ phát triển ở rất nhiều nơi, làm cho diện tích cao su tiểu điền tăng dần.

Diện tích, phân bổ: Những năm trước đây, cao su nông hộ phần lớn là do nông dân hay công nhân có đất, có vốn và tự trồng với quy mô diện tích từ 1 - 5 ha. Khoảng 80% diện tích cao su nông hộ tập trung ở các tỉnh: Bình Dương (40.000 ha), Bình Phước (30.000 ha), Tây Ninh (7.000 ha); 12% diện tích phân bố ở các tỉnh Duyên hải miền Trung và 8% ở Tây Nguyên.

Quy mô: Diện tích cao su nông hộ ≤ 3 ha chiếm khoảng 55%, từ trên 3 ha đến

≤ 10 ha chiếm khoảng 35%, số còn lại có diện tích > 10 ha; có nông hộ quản lý vài trăm ha cao su (Bình Dương, Bình Phước) (Đinh Xuân Trường, 1997; Đinh Xuân Trường, 1998; Đinh Xuân Trường, 2000; Đinh Xuân Trường và cs, 1998; Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam, 1996) [47], [48], [49], [50], [52].

Bảng 1.3. Diện tích cao su tiểu điền và đại điền của Việt Nam qua các năm

Năm

Diện tích (ha)

% Tiểu điền

Tổng Đại điền Tiểu điền

2005 464.875 284.336 180.539 38,83

2006 479.115 284.115 195.000 40,70

2007 516.000 297.000 219.000 42,44

2008 542.000 310.000 232.000 42,80

2009 565.000 312.000 253.000 44,77

2010 748.700 409.913 338.787 45,25

2011 801.600 428.856 372.744 46,50

2012 917.900 488.940 429.000 47,10

2013 955.000 495.167 459.833 48,15

2014 977.700 498.627 479.073 49,00

2015 981.000 491.481 489.591 49,90

2016 965.000 483.000 482.000 49,90

Nguồn: Hiệp hội Cao su Việt Nam, 2016 [29]

Theo Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA, 2006) [25], cao su tiểu điền trong năm 2005 đã trồng được 180.539 ha, chiếm tỷ lệ 38,83% so với quốc doanh; các công ty quốc doanh đạt 286.532 ha. Năm 2006, diện tích cao su tiểu điền trong cả nước chiếm khoảng 195.000 ha. Tuy chiếm 40,7% tổng diện tích, nhưng sản lượng của các vườn cao su tiểu điền đạt năng suất thấp, chỉ chiếm 13,9% sản lượng cao su của cả nước. Năng suất các vườn cao su tiểu điền đã đi vào thu hoạch chỉ đạt bình quân 820 kg/ha trong khi các vườn đại điền quốc doanh đạt hơn gấp đôi, bình quân 1.715 kg/ ha.

Năm 2007, diện tích cao su tiểu điền gia tăng đáng kể, đạt 219.000 ha (chiếm 42,44%) so với diện tích cao su cả nước. Diện tích tiểu điền tăng 24.000 ha so với năm 2005, một phần do tác động của chương trình 327 trong những năm đầu thập niên 1990 và Dự án Đa dạng hóa nông nghiệp khởi động năm 2000.

Mặc dù diện tích cao su tiểu điền chiếm 42,44% diện tích cao su cả nước nhưng chỉ chiếm khoảng 33,8% sản lượng. Nếu năm 2007, năng suất bình quân của toàn Tập đoàn Cao su Việt Nam là 1,79 tấn/ha, có 55 Nông trường và 10 Công ty với tổng diện tích 99.000 ha, đạt năng suất từ 1,8 - 2,0 tấn/ha thì cao su tiểu điền dù đã có tiến bộ vẫn chỉ ở mức 1,4 tấn/ha (Tập đoàn Cao su Việt Nam, 2008) [36].

Ngày 17/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh danh mục dự án

"Đa dạng hoá nông nghiệp giai đoạn 2" do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đồng tài trợ với Ngân hàng Thế giới (WB) thành dự án "Phát triển cao su tiểu điền" sử dụng vốn vay PS2 của AFD là 14,8 triệu Euro và viện trợ không hoàn lại là 0,63 triệu Euro (Công văn 2218, 2220/TTg-QHQT, 2008) [10].

Năm 2009, cả nước tiếp tục thực hiện Dự án Đa dạng hóa nông nghiệp giai đoạn 2, đưa diện tích cao su tiểu điền lên 253.000 ha, chiếm tỷ lệ 44,77% so với diện tích cao su cả nước. Tuy nhiên, diện tích các Công ty quốc doanh hầu như dậm chân tại chỗ do không còn đất để mở rộng diện tích trồng mới (Hiệp hội cao su Việt Nam, 2009) [26].

Năm 2012, diện tích tiểu điền tiếp tục tăng mạnh, lên đến 429.000 ha (chiếm 47,10%) diện tích cao su cả nước, trong khi diện tích cao su Công ty quốc doanh đạt 488.940 ha (Hiệp hội cao su Việt Nam, 2012) [28].

Năm 2013, diện tích cao su tiểu điền đạt 459.833 ha (48,15%). Trong đó, hầu hết diện tích cao su ở Tây Bắc là cao su đại điền (chiếm 96%) và có tổng cộng 947 ha cao su tiểu điền (khoảng 4% diện tích). Trong đó, Sơn La có tổng diện tích cao su đã trồng đến nay đạt hơn 7.000 ha. Tuy nhiên, do một số diện tích giống không phù hợp bị chết rét, chủ quan vì chưa khai thác, cho nên hiện chỉ còn khoảng 6.200 ha. Tại tỉnh Lai Châu có một phần diện tích cao su tiểu điền tại Phong Thổ do các hộ gia đình đầu tư đã khai thác với năng suất mủ khoảng 1,3 tấn/ha/năm. Mặt khác, tỉnh Lai Châu chưa có chủ trương tiếp tục phát triển cao su tiểu điền do kỹ thuật và đầu tư chăm sóc của người dân còn rất hạn chế, vì vậy ba năm gần đây không trồng mới cao su tiểu điền trên địa bàn (Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, 2013) [11].

Năm 2016, diện tích cao su tiểu điền chỉ còn 482.000 ha so với năm 2015 đạt, 489.591 ha. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2016) [8], từ năm 2014 đến năm 2015, cả nước có hơn 6.000 ha cao su bị chặt bỏ hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác như cây ăn trái, khoai mì (sắn), các loại cây họ đậu, tiêu, điều… Trong đó, tỉnh Bình Phước, Tây Ninh có diện tích chặt bỏ nhiều nhất mỗi tỉnh là 1.700 ha, tập trung chủ yếu vào diện tích của các hộ sản xuất tiểu điền (dưới 5 ha).

Được biết, trong kế hoạch từ năm 2015 đến năm 2020, cả nước sẽ phát triển thêm 180.000 ha cao su tiểu điền, đưa tổng diện tích cao su tiểu điền của cả nước lên 350.000 ha (chiếm 50% tổng diện tích cao su của cả nước). Tuy nhiên, năm 2011 diện tích cao su tiểu điền cả nước đã vượt kế hoạch 22.744 ha (Hiệp hội Cao su Việt Nam, 2010) [27].

Về năng suất thì cao su đại điền lớn hơn cao su tiểu điền. Do cao su đại điền được trồng với quy mô lớn, áp dụng kho học kỹ thuật tốt cũng như vốn đầu tư nhiều nên năng suất mủ cao hơn. Cao su tiểu điền được trồng rải rác, kỹ thuật trồng, khai thác, cũng như bảo quản chưa cao nên chất lượng kém hơn cao su đại điền. Tuy vậy, năng suất khai thác mủ của cả hai loại hình trồng cao su vẫn không ngừng tăng trong những năm qua.

Một phần của tài liệu Điều tra thực trạng sản xuất cao su tiểu điền và xác định mật độ xen gừng trong vườn cao su kiến thiết cơ bản ở huyện nam đông, tỉnh thừa thiên huế (Trang 21 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)