ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG
VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu - Đối tương nghiên cứu:
Đất lâm nghiệp theo rừng sản xuất và công tác quản lý đất lâm nghiệp của các bên liên quan.
- Phạm vi nghiên cứu:
Phạm vi về không gian đề tài nghiên cứu tại huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định và đi sâu tìm hiểu 3 xã điểm nghiên cứu gồm xã Canh Thuận, xã Canh Hiển và xã Canh Hòa.
Phạm vi về thời gian số liệu thu thập: Giai đoạn từ năm 2011 - 2017 trên địa bàn huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định.
2.2. Nội dung nghiên cứu
- Phân tích các đặc điểm về điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định;
- Đánh giá thực trạng về tình hình quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Vân Canh;
- Phân tích kết quả giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình tham gia quản lý ở các xã trên địa bàn huyện Vân Canh.
- Đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường về sử dụng đất lâm nghiệp của các hộ gia đình. Phân tích hiệu quả một số mô hình trồng rừng đặc trưng tại các xã điểm nghiên cứu ở huyện Vân Canh.
- Đề xuất giải pháp quản lý sử dụng đất lâm nghiệp hiệu quả trên địa bàn huyện miền núi Vân Canh, tỉnh Bình Định.
2.3. Phương pháp nghiên cứu
2.3.1. Phương pháp thu thập số liệu thứ cấp
- Thu thập các tài liệu liên quan đến chính sách giao đất lâm nghiệp ở một số nước trên thế giới và ở Việt Nam.
- Các tài liệu, báo cáo, bản đồ liên quan đến vấn đề giao đất và tình hình sử dụng đất lâm nghiệp ở địa phương (tài liệu đã được công bố chính thức ở các cấp, các ngành).
- Thu thập các số liệu thứ cấp tại các bàn ngành cấp huyện như phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, hạt kiểm lâm, phòng Tài nguyên và Môi trường về các số liệu liên quan đến đề tài nghiên cứu.
2.3.2. Phương pháp thu thập số liệu sơ cấp
* Chọn điểm nghiên cứu
Chọn điểm nghiên cứu là vấn đề hết sức quan trọng, ảnh hưởng quyết định đến tính chính xác, khách quan và tính thực tiễn của kết quả nghiên cứu đề tài. Việc chọn điểm nghiên cứu trong đề tài bao gồm chọn xã, chọn hộ, được tiến hành theo các bước sau:
* Chọn xã nghiên cứu: Việc chọn xã nghiên cứu phải đảm bảo yêu cầu yêu cầu đại diện cho hiện trạng sử dụng đất của huyện sau giao đất lâm nghiệp.
Công tác chọn điểm nghiên cứu trên địa bàn huyện được căn cứ vào các yêu cầu sau:
- Chọn địa bàn có diện tích đất lâm nghiệp lớn.
- Chọn địa bàn nghiên cứu 03 xã là xã Canh Thuận; xã Canh Hiển và xã Canh Hòa của huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định.
- Chọn địa bàn có dân tộc Chăm hêrroi và Bana thành phần dân tộc chủ yếu của huyện.
- Chọn địa bàn điều tra có điều kiện kinh tế khác nhau để giúp cho việc phân tích số liệu tìm nguyên nhân của hiệu quả quản lý, sử dụng đất khác nhau.
* Chọn hộ điều tra: Đối tượng được chọn để điều tra là các nông hộ đã được giao đất lâm nghiệp ở các xã.
Trên cơ sở đó, chọn hộ điều tra căn cứ vào dân tộc, điều kiện kinh tế, điều kiện nguồn lực và quy mô sản xuất của nông hộ, mỗi xã chọn 30 hộ đại diện (hộ khá, trung bình, nghèo). Tổng số 90 hộ (30 hộ đồng bào kinh + 60 hộ đồng bào Chăm hêrroi và Bana) điều tra trên 3 xã.
- Phương pháp đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia của người dân (PRA): Trực tiếp phỏng vấn nông dân, tạo cơ hội cho họ trao đổi bàn bạc đưa ra những khó khăn, nguyện vọng, những kinh nghiệm sản xuất, kế hoạch và giải pháp để phát triển sản xuất cho gia đình cũng như cộng đồng làng, thôn.
Thông tin thu thập được chủ yếu dùng cho việc phân tích hiện trạng và đưa ra những định hướng sử dụng đất lâm nghiệp thích hợp.
- Phương pháp điều tra phỏng vấn hộ nông dân: Phương pháp này sử dụng bộ câu hỏi để điều tra nông hộ. Bộ câu hỏi điều tra bao gồm các thông tin về tình hình cơ bản của hộ; thông tin về quy mô, cơ cấu đất đai; tình hình sử dụng các loại đất trước và sau giao đất; hoạt động sản xuất trên đất lâm nghiệp và ý kiến của nông hộ về chính sách giao đất, hiệu quả loại cây trồng hiện tại, thu nhập sau khi được giao đất lâm nghiệp, thực trạng về lấn chiếm đất lâm nghiệp, những khó khăn, kiến nghị... Những thông tin này được thể hiện bằng những câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, dễ trả lời phù hợp với trình độ chung của nông dân ở điểm nghiên cứu.
2.3.3. Phương pháp xử lý, tổng hợp số liệu
* Đối với số liệu thứ cấp: Sau khi được thu thập, toàn bộ thông tin được kiểm tra ở ba khía cạnh đầy đủ, chính xác, kịp thời và khẳng định độ tin cậy sau đó được xử lý, tính toán và phản ánh thông qua bảng, biểu hoặc đồ thị.
* Đối với số liệu sơ cấp (số liệu mới): Toàn bộ thông tin, số liệu được kiểm tra, bổ sung, chỉnh lý sau đó nhập vào bảng tính toán Excel.
2.3.4. Phương pháp đánh giá hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp 2.3.4.1. Hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế sử dụng đất
Đề tài nghiên cứu hiệu quả sử dụng đất cho nông hộ có quy mô nhỏ nên chúng tôi sử dụng hệ thống chỉ tiêu sau để tính hiệu quả kinh tế sử dụng đất:
+ Giá trị sản xuất (GTSX): Là toàn bộ giá trị sản phẩm được tạo ra trong
một thời kỳ nhất định (thường là một năm);
+ Chi phí sản xuất (CPSX): Là toàn bộ chi phí vật chất trực tiếp được sử dụng trong quá trình sản xuất;
+ Thu nhập hỗn hợp (TNHH): Thu nhập hỗn hợp = GTSX - Chi phí sản xuất;
+ Hiệu quả đầu tư (lần): Hiệu quả đầu tư = GTSX/Chi phí sản xuất.
+ Hiệu quả tính trên ngày công lao động:
GTSX trên ngày công lao động = GTSX/Công lao động
Thu nhập trên ngày công lao động = TNHH/Công lao động 2.3.4.2. Hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả xã hội
Mức độ sử dụng lao động, giải quyết việc làm; đời sống vật chất của người dân; trình độ dân trí, trình độ hiểu biết khoa học kỹ thuật; Tỷ lệ giảm hộ đói nghèo; tỷ lệ hộ trung bình và giàu; Tỷ lệ tăng dân số...
2.3.4.3. Hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả môi trường
Tỷ lệ che phủ rừng; Diện tích đất chưa sử dụng được trồng rừng; Diện tích rừng trồng mới trong năm; Diện tích đất chưa sử dụng được cải tạo để sản xuất nông nghiệp; Bảo vệ, cải tạo đất...; Bảo vệ môi trường sinh thái vùng (đất, nước, không khí...).