Bằng chứng thực nghiệm về mức độ cạnh tranh ngân hàng

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ phân tích mức độ cạnh tranh của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 30 - 33)

CHƯƠNG 2. LÝ LUẬN TỔNG QUAN VỀ MỨC ĐỘ CẠNH TRANH CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

2.2. Lược khảo các nghiên cứu thực nghiệm trước đây

2.2.1. Bằng chứng thực nghiệm về mức độ cạnh tranh ngân hàng

Các nghiên cứu thực nghiệm đã được nhiều nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát nhằm việc phân tích mức độ cạnh tranh của ngành ngân hàng ở các quốc gia đã phát triển. Chẳng hạn như Nathan và Neave (1989) đã tiến hành phân tích mức độ cạnh tranh của ngành ngân hàng ở Canada, Vesala (1995) thực hiện xem xét mức độ cạnh tranh của ngành ngân hàng ở Phần Lan, Hempell (2002) thì lại nghiên cứu mức độ cạnh tranh của ngành ngân hàng ở Đức, và Maudos và Perez (2003) và Carbo và các cộng sự (2003) thực hiện kiểm định tình trạng cạnh tranh của ngành ngân hàng ở Tây Ban Nha. Trong đó, tất cả các nghiên cứu này đều kết luận rằng ngành ngân hàng ở các quốc gia này đang cạnh tranh độc quyền. Hơn thế nữa, Molyneux và các cộng sự (1996) giải thích mức độ cạnh tranh của hệ thống ngân hàng ở Nhật Bản từ năm 1986 đến năm 1988 và tìm thấy sự hiện diện của sự độc quyền trong năm 1986 nhưng lại chuyển sang cạnh tranh độc quyền vào năm 1988. Cũng trong giai đoạn từ 1988 – 1996, Coccorese (1998) đã tìm thấy bằng chứng cho thấy tồn tại cạnh tranh độc quyền trong hệ thống ngân hàng ở Ý.

Ở một góc độ khác, Molyneux và các cộng sự (1994) giải thích mức độ cạnh tranh của các ngân hàng ở Châu Âu trong giai đoạn 1986 – 1989. Mẫu nghiên cứu của các tác giả bao gồm các ngân hàng đang hoạt động ở Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh, qua đó nghiên cứu tìm thấy rằng ngành ngân hàng cạnh tranh độc quyền tồn tại ở hầu hết các quốc gia trong mẫu nghiên cứu ngoại trừ Ý được tìm thấy là thị trường độc quyền.

Để giải thích cấu trúc cạnh tranh của ngành ngân hàng ở Châu Âu, Bikker và Groneveld (2000) đã tiến hành nghiên cứu và tìm thấy rằng tồn tại cạnh tranh độc quyền ở ngành ngân hàng ở Châu Âu, tuy nhiên mức độ cạnh tranh thì lại khác nhau giữa các quốc gia. Tương tự vậy, De Bandt và Davis (2000) đánh giá ảnh hưởng của Cộng đồng Tiền tệ Châu Âu đến điều kiện thị trường của các ngân hàng đang hoạt động ở khu vực Châu Âu trong giai đoạn 1992 – 1996. Qua đó, các tác giả cho thấy

rằng tồn tại cạnh tranh độc quyền ở Đức và Pháp đối với các ngân hàng lớn và độc quyền đối với các ngân hàng nhỏ. Tuy nhiên, ở Ý thì nghiên cứu thấy rằng cả các ngân hàng lớn và nhỏ đều hoạt động trong môi trường cạnh tranh độc quyền. Bên cạnh đó nghiên cứu cũng so sánh thị trường ngân hàng Châu Âu với thị trường ngân hàng ở Mỹ và tìm thấy rằng ngành ngân hàng ở Mỹ có mức độ cạnh tranh cao hơn với hệ thống ngân hàng ở Châu Âu. Đặc biệt, De Bandt và Davis (2000) tìm thấy rằng hành vi của các ngân hàng lớn ở Châu Âu thì không cạnh tranh hoàn toàn khi so với các ngân hàng ở Mỹ.

Smith và Tripe (2001) đã sử dụng mô hình hồi quy OLS gộp để đánh giá mức độ cạnh tranh của ngành ngân hàng ở New Zealand trong giai đoạn 1996 – 1999 bằng cách sử dụng chỉ số H của Panzar và Rosse (1987). Qua đó các tác giả tìm thấy rằng ngành ngân hàng New Zealand hoạt động trong tình trạng cạnh tranh độc quyền. Tuy nhiên, khi nghiên cứu thực hiện hồi quy chéo theo năm, nghiên cứu lại phát hiện thấy rằng tại năm 1996, ngành ngân hàng của New Zealand đang cạnh tranh độc quyền nhưng sang năm 1997 thì tồn tại độc quyền trong ngành ngân hàng.

Maudos và Perez (2003) thực hiện nghiên cứu ở ngành ngân hàng Tây Ban Nha để đánh giá mức độ cạnh tranh trong ngành này. Nghiên cứu của các tác giả trải qua giai đoạn từ 1992 – 2001. Đồng thời các tác gia sử dụng cả chỉ số Lerner và chỉ số H của Panzar và Rosse (1987) để tính toán mức độ cạnh tranh và cho thấy rằng tồn tại tình trạng cạnh tranh độc quyền trong ngành ngân hàng. Cũng trong năm này, Carbo và cá cộng sự (2003) đã thu được kết quả tương tự với phát hiện của Maudos và Pereaz (2003) khi cho thấy rằng ngành ngân hàng ở Tây Ban Nha trong giai đoạn 1986 – 1999 đang hoạt động trong môi trường cạnh tranh độc quyền cũng như sự gia tăng trong sức mạnh thị trường kể từ năm 1996. Tương tự vậy, Fernandez de Guevara và Maudos (2011) tìm thấy tồn tại cạnh tranh độc quyền ở Tây Ban Nha. Kết quả của các tác giả ủng hộ phát hiện của Maudos và Perez (2003) và Carbo và các cộng sự (2003) khi cho rằng ngành ngân hàng ở Tây Ban Nha bắt đầu cạnh tranh độc quyền kể từ năm 1996.

Yuan (2006) nghiên cứu mức độ cạnh tranh của ngành ngân hàng ở Trung Quốc trong giai đoạn 1996 – 2000 trước khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bằng việc sử dụng chỉ số H của Panzar và Rosse (1987) để đo lường mức độ cạnh tranh. Phát hiện của nghiên cứu cho thấy rằng hệ thống ngân hàng ở Trung Quốc dường như là cạnh tranh hoàn hảo trong những năm 1996, 1997, 1999 và 2000;

trong khi đó cạnh tranh độc quyền được tìm thấy trong năm 1998. Hơn thế nữa, kết quả của nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 4 ngân hàng lớn nhất ở Trung Quốc cho thấy mức độ cạnh tranh độc quyền từ năm 1996 đến 2000. Ngược lại, các ngân hàng nhỏ thì hoạt động trong môi trường cạnh tranh độc quyền trong thời gian tương tự. Tác giả cũng cho rằng hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã cho thấy hành vi cạnh tranh trước khi trở thành thành viên của WTO trong năm 2001.

Gunalp và Celik (2006) đánh giá tình trạng cạnh tranh của hệ thống ngân hàng ở Thổ Nhĩ kỳ trong giai đoạn 1990 – 2000. Theo đó, các tác giả đo lường mức độ cạnh tranh bởi chỉ số H của Panzar và Rosse (1987). Kết quả nghiên cứu cho thấy tồn tại cạnh tranh độc quyền trong hệ thống ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các tác giả cũng kết luận rằng phát hiện của họ tương tự với kết quả mà Aydinli (1996) đã tìm thấy trước đó.

Matthews và các cộng sự (2007) đã giải thích mức độ cạnh tranh giữa các ngân hàng chính ở Anh trong suốt giai đoạn thay đổi cấu trúc ngành. Các tác giả đã sử dụng hồi quy chỉ số H của Panzar và Rosse (1987) đối với dữ liệu dạng bảng bao gồm 12 ngân hàng trong giai đoạn 1980 – 2004. Đồng thời, các tác giả cũng ước lượng chỉ số Lerner để đo lường sức mạnh thị trường và cả hai đại diện cho mức độ cạnh tranh đều khẳng định rằng hệ thống ngân hàng ở Anh là cạnh tranh độc quyền. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng mức độ cạnh tranh ở thị trường cho vay thì hầu như không thay đổi trong suốt những năm 1980 – 1990. Mặt khác, mức độ cạnh tranh đối với các hoạt động ngoài bảng thì dường như tương đối yếu. Theo đó, nghiên cứu lập luận kết quả này như

là bởi vì nghiên cứu thực nghiệm của các tác giả có bao gồm các ngân hàng mua lại và sáp nhập, cho nên mức độ cạnh tranh của ngành ngân hàng hầu như không thay đổi.

Trong một nghiên cứu gần đây hơn của Maudos và Solis (2011) nghiên cứu mức độ cạnh tranh của ngành ngân hàng ở Mexico từ năm 1993 đến năm 2005, giai đoạn mà Mexico trải qua giai đoạn hội nhập toàn cầu và cải cách ngành ngân hàng, các tác giả tìm thấy rằng ngành ngân hàng ở Mexico cạnh tranh độc quyền. Cho nên sự cải cách ngành ngân hàng ở Mexico không giúp cải thiện mức độ cạnh tranh của ngành ngân hàng.

Tại Việt Nam, Phan Thị Thơm và Thân Thị Thu Thủy (2015) đánh giá mức độ cạnh tranh của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn 2005 – 2014. Mẫu nghiên cứu của các tác giả bao gồm 33 NHTM trong đó có 01 NHTM nhà nước, 03 NHTM có tỷ lệ sở hữu nhà nước cao và 29 NHTMCP với tổng số quan sát 269. Nghiên cứu đo lường mức độ cạnh tranh qua nhiều đại diện theo phương pháp cấu trúc và phương pháp phi cấu trúc, cụ thể, sử dụng chỉ số H của Panzar và Rosse (1987), chỉ số Lerner, chỉ số Lerner điều chỉnh và chỉ số Boone để đo lường mức độ cạnh tranh của các ngân hàng ở Việt Nam. Qua đó, các tác giả tìm thấy rằng mức độ cạnh tranh ước lượng từ các mô hình dường như không thống nhất với nhau, nhưng vẫn cho thấy rằng giai đoạn 2010 – 2012, đặc biệt năm 2008 là giai đoạn thị trường ngân hàng Việt Nam cạnh tranh tương đối mạnh mẽ.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ phân tích mức độ cạnh tranh của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)