CHƯƠNG 2. LÝ LUẬN TỔNG QUAN VỀ MỨC ĐỘ CẠNH TRANH CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
2.2. Lược khảo các nghiên cứu thực nghiệm trước đây
2.2.2. Bằng chứng thực nghiệm về các yếu tố tác động đến mức độ cạnh tranh ngân hàng
Coccorese (2004) phân tích tình trạng cạnh tranh của ngành ngân hàng ở Ý trong giai đoạn 1997 – 1999 bằng cách sử dụng chỉ số H của Panzar và Rosse (1987).
Nghiên cứu này cho thấy rằng ngân hàng ở Ý có thể đạt được lợi nhuận khi các ngân hàng hoạt động trong môi trường cạnh tranh độc quyền. Kết quả của nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tồn tại mối quan hệ dương giữa hiệu quả hoạt động của nền kinh tế nội địa và mức độ cạnh tranh của ngành ngân hàng.
Một nghiên cứu khác cũng được thực hiện ở Châu Âu nhằm đo lường mức độ cạnh tranh của các ngân hàng ở 12 quốc gia thuộc khu vực Châu Âu được tiến hành bởi Weill (2004) trong giai đoạn 1994 – 1999. Qua đó, nghiên cứu tìm thấy rằng ngành ngân hàng ở 12 quốc gia này đang hoạt động trong tình trạng cạnh tranh độc quyền.
Tác giả cũng đánh giá mối quan hệ giữa mức độ cạnh tranh và hiệu quả - X và tìm thấy mối tương quan ngược chiều giữa mức độ cạnh tranh và hiệu quả - X của các ngân hàng ở Châu Âu.
Mauods và Nagore (2005) sử dụng một bộ dữ liệu dạng bảng bao gồm 10479 quan sát trong suốt giai đoạn từ năm 1995 đến năm 1999 để nghiên cứu mức độ cạnh tranh của ngân hàng của 58 quốc gia đã phát triển và đang phát triển. Nghiên cứu của các tác giả cũng giải thích tác động của đặc điểm ngân hàng, quy định, thể chế, yếu tố vĩ mô và phát triển tài chính đến mức độ cạnh tranh của các ngân hàng. Bằng việc sử dụng mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên (Random Effect Model), nghiên cứu đã tìm thấy quy mô ngân hàng và hiệu quả ngân hàng có tác động đáng kể đến sức mạnh thị trường và là yếu tố quan trọng nhất để giải thích sự thay đổi trong sức mạnh thị trường giữa các ngân hàng. Các tác giả cũng tìm thấy các biến cấu trúc thị trường và mức độ phát triển tài chính có thể giải thích được sự thay đổi trong mức độ cạnh tranh. Tuy nhiên, nghiên cứu của các tác giả cũng chỉ ra rằng yếu tố vĩ mô và quy định không quan trọng trong việc giải thích sự khác biệt trong mức độ cạnh tranh.
Fernandez de Guevara và các cộng sự (2005) đánh giá mức độ cạnh tranh của ngành ngân hàng ở 5 quốc gia Châu Âu trong giai đoạn 1992 – 1999 và giải thích các yếu tố tác động mức độ cạnh tranh của các ngân hàng. Mẫu nghiên cứu của các tác giả bao gồm Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh với 18810 quan sát. Hơn thế nữa, nghiên cứu sử dụng chỉ số Lerner để đo lường mức độ cạnh tranh của các ngân hàng. Nghiên cứu của các tác giả phát hiện thấy rằng mức độ cạnh tranh có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia trong mẫu nghiên cứu, điều này cho thấy rằng sức mạnh thị trường (thiếu cạnh tranh) vẫn còn tồn tại mặc dù đã có sự cải cách hệ thống ngân hàng Châu Âu. Xu
hướng này có thể là sự hội nhập của các ngân hàng nước ngoài tương đối thấp. Nguyên nhân xuất phát từ các rào cản chính sách nhằm bảo vệ thị trường nội địa khỏi sự cạnh tranh của thị trường bên ngoài. Ngoài ra, các tác giả cũng tìm thấy rằng quy mô ngân hàng, hiệu quả hoạt động, rủi ro phá sản và tăng trưởng kinh tế là các yếu tố giải thích chính đối với sức mạnh thị trường của các ngân hàng trong mẫu nghiên cứu. Cụ thể, nghiên cứu thấy rằng tăng trưởng kinh tế và quy mô ngân hàng có tác động cùng chiều đến sức mạnh thị trường của các ngân hàng. Kết quả cũng cho thấy rằng rủi ro phá sản có tương quan dương với sức mạnh thị trường nhưng không có ý nghĩa thống kê và các ngân hàng càng hiệu quả càng ưa thích margin cao hơn.
Buchs và Mathisen (2005) thực hiện phân tích mức độ cạnh tranh của 20 ngân hàng đang hoạt động ở Ghana trong suốt những năm từ 1998 – 2003 bằng việc sử dụng chỉ số H của Panzar và Rosse (1987) và đã tìm thấy hệ thống ngân hàng ở Ghana không cạnh tranh. Một nghiên cứu gần hơn ở Ghana được tiến hành bởi Aboagye và các cộng sự (2008) nhằm phân tích mức độ cạnh tranh của hệ thống ngân hàng ở Ghana. Bằng cách sử dụng dữ liệu từ 2001 đến 2006 và áp dụng chỉ số Lerner để đại diện cho mức độ cạnh tranh của các ngân hàng, nghiên cứu ủng hộ quan điểm cho thấy rằng các ngân hàng ở Ghana đang hoạt động trong môi trường độc quyền. Hơn thế nữa, nghiên cứu cũng phân tích các yếu tố tác động đến mức độ cạnh tranh của các ngân hàng thông qua sức mạnh thị trường. Để giải quyết vấn đề nghiên cứu này, các tác giả sử dụng mô hình ảnh hưởng cố định để ước lượng mô hình nghiên cứu giải thích mức độ cạnh tranh của các ngân hàng. Qua đó nghiên cứu của các tác giả tìm thấy mối quan hệ ngược chiều giữa hiệu quả ngân hàng (được đại diện bởi chi phí nhân viên) và sức mạnh thị trường. Bên cạnh đó, quy mô ngân hàng và xu hướng thời gian có mối quan hệ cùng chiều với sức mạnh thị trường của các ngân hàng. Do đó, sự gia tăng trong quy mô ngân hàng có thể giúp các ngân hàng cải thiện sức mạnh thị trường. Hơn thế nữa, kết quả của nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự thay đổi trong tỷ lệ lạm phát thì có tác động ngược chiều đến sức mạnh thị trường. Ngoài ra, các yếu tố đại diện cho mức độ tập
trung như chỉ số HHI và thị phần ngân hàng thì không có ảnh hưởng đáng kể đến sức mạnh thị trường của các ngân hàng. Cho nên nghiên cứu này chỉ ra rằng quy mô ngân hàng, hiệu quả và lạm phát là các yếu tố quan trọng nhất có ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh của các ngân hàng ở Ghana.
Nghiên cứu khác được tiến hành bởi Fernandez de Guevara và Maudos (2007) nghiên cứu mức độ sức mạnh thị trường và các yếu tố ảnh hưởng đến sức mạnh thị trường ở Tây Ban Nha trong giai đoạn 1986 – 2002. Phát hiện của các tác giả tiết lộ rằng sức mạnh thị trường của hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha suy giảm đến giữa những năm 1990, nhưng tìm thấy tồn tại sự gia tăng trong sức mạnh thị trường từ giữa những năm 1990. Đây là giai đoạn mà ngành ngân hàng ở Châu Âu đã bắt đầu thực hiện cải cách hệ thống tài chính. Kết quả của nghiên cứu cũng cho thấy rằng các ngân hàng tiết kiệm có sức mạnh thị trường tốt hơn các ngân hàng thương mại. Nghiên cứu của các tác giả đã sử dụng mô hình hồi quy ảnh hưởng cố định để đánh giá các yếu tố giải thích sức mạnh thị trường, trong đó sức mạnh thị trường được đại diện bởi chỉ số Lerner. Các tác giả cũng tìm thấy rằng quy mô có ảnh hưởng ngược chiều và đáng kể đến sức mạnh thị trường của các ngân hàng này. Hơn thế nữa, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỷ lệ chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng không phải là yếu tố quan trọng trong việc giải thích sức mạnh thị trường ở Tây Ban Nha.
Simpasa (2010) giải thích mức độ cạnh tranh của các ngân hàng thương mại ở Zambia trong những năm 1998 – 2006, bằng việc sử dụng dữ liệu bảng không cân đối (Unbalanced panel) với 388 quan sát. Phát hiện của nghiên cứu cho thấy tồn tại sức mạnh thị trường trong hệ thống ngân hàng ở Zambia. Hơn thế nữa, tác giả cũng tìm hiểu các yếu tố quyết định mức độ cạnh tranh của các ngân hàng thương mại ở Zambia.
Qua đó, nghiên cứu tìm thấy tác động đáng kể của chỉ số cấu trúc thị trường, vốn và hiệu quả chi phí đến sức mạnh thị trường của các ngân hàng. Kết quả của tác giả cũng chỉ ra rằng rủi ro tín dụng và lạm phát có tác động ngược chiều đến sức mạnh thị trường ở Zambia.
Kết luận chương 2
Để hướng tới mục tiêu chính là phân tích mức độ cạnh tranh của các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam thì điều đầu tiên cần phải nắm rõ cạnh tranh là gì, các phương pháp chính để đo lường cạnh tranh là những phương pháp nào, các yếu tố nào tác động đến mức độ cạnh tranh. Tính đến thời điểm hiện tại, trên thế giới đã có rất nhiều những công trình nghiên cứu về mức độ cạnh tranh cũng như các yếu tố tác động đến mức độ cạnh tranh thông qua các phương pháp đo lường như mô hình SCP, mô hình Panza- Rosse, mô hình POP, chỉ số Lerner, chỉ số Boone, ... Tuy nhiên đối với điều kiện kinh tế đặc thù như ở Việt Nam, tác giả nhận thấy việc sử dụng chỉ số Lerner sẽ hiệu quả hơn, mang lại sự chính xác hơn trong việc khảo sát và kiểm định mô hình.