CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.4. HIỆU QUẢ CỦA VIỆC GIAO RỪNG THÔNG QUA MỘT SỐ CHỈ TIÊU KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG
3.4.3. Sự tham gia của người dân vào quản lý bảo vệ rừng
Trong quản lý rừng cộng đồng thì một trong những mục tiêu quan trọng là thúc đẩy sự tham gia của người dân vào công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, do đó mức độ tham gia của người dân nhiều hay ít thể hiện được hiệu quả quản lý rừng cao hay thấp.
3.4.3.1. Sự tham gia của cộng đồng trong việc tuần tra bảo vệ rừng
Các cộng đồng được giao rừng phải thường xuyên tuần tra toàn bộ khu rừng được giao để nắm bắt tình hình tài nguyên rừng và kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, phải thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn, Ban quản lý rừng phòng hộ, Khu bảo tồn thiên nhiên và các đoàn thể trong thôn, xã để truy quét các đối tượng phá rừng trên toàn bộ diện tích rừng được giao cũng như các tụ điểm mua bán trong các khu dân cư. Ngoài ra, trong một số trường hợp tổ QLBVR phải đột xuất đi tuần tra khi có người dân báo có người lạ vào rừng hoặc là có thông tin báo có các đối tượng vi phạm tài nguyên rừng. Vì vậy vai trò của người dân trong thôn rất quan trọng, họ không chỉ tham gia vào tuần tra bảo vệ mà họ còn chính là tai mắt của lực lượng bảo vệ rừng của thôn. Khi gặp trường hợp vi phạm họ sẽ báo cho các tổ QLBVR và Ban quản lý rừng của thôn biết.
Chính vì vậy, công tác tuần tra bảo vệ rừng của các cộng đồng được giao rừng sẽ phản ánh mức độ tham gia của cộng đồng vào việc quản lý bảo vệ rừng cũng như ý thức của người dân về trách nhiệm, nghĩa vụ của họ với rừng cộng đồng.
Kết quả phỏng vấn bán cấu trúc đối với các trưởng thôn cho thấy, số lần tuần tra và thành phần tham gia tuần tra ở các thôn không giống nhau. Tại các thôn giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn đều có người dân tham gia trong các lần tuần tra bảo vệ, họ là những người được thôn lựa chọn và luân phiên nhau để đi, có một số trường hợp người dân tự nguyện đi khi họ có thời gian rãnh (xem bảng 3.16).
Bảng 3.16. Công tác tuần tra bảo vệ rừng của các cộng đồng được giao rừng
Thôn Số lần tuần tra Thành phần tham gia Phân công tuần tra
Xuân
Lâm 2lần/ tháng
3 người của tổ QLBVR.
Thỉnh thoảng phối hợp với cán bộ lâm nghiệp xã tuần
tra truy quét.
Ban QLBVR thôn phân công các thành viên tổ QLBVR luân phiên nhau và kêu gọi
người dân trong thôn đi cùng.
Kreng 1 lần/tháng
2 người trong tổ QLBVR.
Thỉnh thoảng phối hợp với cán bộ lâm nghiệp xã tuần
tra truy quét.
Ban QLBVR thôn phân công các thành viên tổ QLBVR luân phiên nhau và kêu gọi
người dân trong thôn đi cùng.
Tà Lềnh
Những năm đầu tuần tra 4 lần/
tháng . Hai năm trở lại đây tuần tra 2 lần/ tháng.
2 người tổ QLBVR và 2 người dân. Thỉnh thoảng có kiểm lâm địa bàn và cán bộ
lâm nghiệp xã đi cùng.
Ban QLBVR thôn phân công các thành viên tổ QLBVR luân phiên nhau và kêu gọi
người dân trong thôn đi cùng.
Cợp 1 lần/tháng
1 người tổ QLBVR và 3 người dân. Thỉnh thoảng có kiểm lâm địa bàn và cán bộ
lâm nghiệp xã đi cùng.
Ban QLBVR thôn phân công các thành viên tổ QLBVR luân phiên nhau và kêu gọi
người dân trong thôn đi cùng.
(Nguồn: Phỏng vấn bán cấu trúc trưởng thôn tháng 11/2017) Nhìn bảng 3.16 cho thấy, trong các thôn thì Tà Lềnh là thôn có tần số tuần tra nhiều nhất, trong những năm đầu, 1 tháng định kỳ đi tuần tra 4 lần, hai năm trở lại đây tuy số lần tuần tra có giảm bớt nhưng vẫn nhiều hơn các thôn khác với 2 lần tuần tra trên 1 tháng. Thôn Xuân Lâm cũng có số lần tuần tra là 2 lần/ tháng nhiều hơn so với thôn Cợp và thôn Kreng, 1 lần/ tháng. Thông tin từ phỏng vấn người dân và phỏng vấn các trưởng thôn cho thấy, mặc dù mỗi lần đi tuần tra bảo vệ rừng không có tiền hỗ trợ nhưng do ý thức người dân ở đây quản lý bảo vệ rừng tương đối cao, họ nghĩ bảo vệ rừng là trách nhiệm của họ nên dù không có sự hỗ trợ người dân vẫn tham gia bảo vệ rừng. Hơn nữa người dân cũng ý thức được rừng là của mình, nó là nguồn lợi lâu dài, họ vẫn hi vọng được khai thác gỗ tạm ứng trong những năm tới để sử dụng cho những nhu cầu cần thiết.
3.4.3.2. Sự tham gia của người dân vào công tác phòng chống cháy rừng
Đặc điểm các khu rừng được giao cho cộng đồng quản lý hầu hết là rừng tự nhiên nên khả năng xảy ra cháy rừng là rất thấp do thực bì tranh lách rất ít hơn nữa độ ẩm ở trong rừng tự nhiên cơ bản cân bằng. Tuy nhiên khu vực giáp ranh là các khu rừng trồng Keo, Thông, do đó với thời tiết nắng nóng và sự tác động của các hoạt động sản xuất rừng trồng sẽ làm cho nguy cơ cháy rừng cao. Vì vậy mà việc tổ chức các lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng từ huyện xuống địa bàn thôn là nhiệm vụ cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Tại các thôn giao rừng cho cộng đồng dân cư thì cộng đồng dân cư thôn được xem là chủ rừng thực sự do đó là một trong những thành phần chủ chốt, trực tiếp tham gia phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Ban quản lý rừng của thôn chính là ban chỉ đạo công tác PCCCR của thôn, định kỳ hàng năm tổ chức họp thôn để đưa ra phương án PCCCR, thông qua các văn bản pháp luật liên quan để người dân nắm rõ, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của dân về công tác phòng cháy rừng. Ngoài ra ban quản lý thôn đại diện tham gia các cuộc tập huấn và diễn tập công tác QLBVR- PCCCR, sau đó về hướng dẫn lại cho người dân trong thôn. Bên cạnh đó tại các thôn người dân cũng rất hăng hái tham gia các hoạt động tìm hiểu về công tác PCCCR, hàng năm thôn sẽ cử đại diện một số người để tham gia các cuộc thi tìm hiểu này.. Ban quản lý rừng của thôn trực tiếp phân công lực lượng bảo vệ rừng, trực gác ở những vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, đồng thời tổ chức người dân trong thôn cùng với tổ QLBVR tiến hành phát các đường ranh cản lửa 1 năm 2 lần vào những tháng trời mưa, thường là tháng 9, tháng 10 và đến tháng 3 năm sau thì phát lại. Khi có cháy rừng xảy ra thì phải huy động các lực lượng trong thôn tham gia chữa cháy, trường hợp cháy lớn thì phối hợp với cán bộ kiểm lâm xã, ban thường trực PCCC huyện để kịp thời chữa cháy. Tại các thôn này, các tổ bảo vệ rừng chính là lực lượng xung kích phòng cháy chữa cháy rừng của thôn. Vào mùa nắng nóng, các tổ bảo vệ rừng tổ chức canh gác 2 người/ngày, trực 24/24giờ tại các khu vực dễ xảy ra cháy nhất. Lực lượng phòng chống cháy rừng của thôn được trang bị rựa, giày, và một số dụng cụ chữa cháy để hỗ trợ cho công tác PCCCR được tốt hơn. Tuy những năm gần đây việc hỗ trợ các dụng cụ chữa cháy đã giảm, gây khó khăn cho công tác PCCCR, nhưng nhờ sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng nên hiện nay công tác PCCCR vẫn đạt được kết quả tốt, chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra trong những năm qua trên diện tích rừng cộng đồng quản lý.
Với sự tham gia của cộng đồng vào công tác phòng cháy chữa cháy thì hiệu quả giảm thiểu cháy rừng trên địa bàn cộng đồng quản lý đã được nâng lên rõ rệt. Theo báo cáo tổng kết PCCCR của huyện Đakrông, trong năm 2016, trên địa bàn huyện đã xảy ra 8 vụ cháy rừng, diện tích bị cháy là 10,7 ha rừng, tuy nhiên tại các khu rừng tự nhiên giao cho cộng đồng quản lý bảo vệ thì không xảy ra vụ cháy rừng nào. Người
dân cũng nhận thấy được điều này và theo họ đó là nhờ rừng được giao cho cộng đồng quản lý nên hạn chế được các vụ vi phạm đến rừng như đốt rừng để lấy than, lấn chiếm đất, khai thác…do đó mà hạn chế được cháy rừng. Thêm vào đó nhờ công tác tuyền truyền của cán bộ kiểm lâm và ban quản lý thôn về quản lý bảo vệ rừng gồm phổ biến các văn bản pháp luật, dán các áp phích, họp thôn (định kỳ 2 lần/1 năm)…nên ý thức của người dân về phòng cháy cũng được tăng lên. Ví dụ như, trước đây việc phát đốt thực bì là tự phát, mạnh ai nấy làm, nhưng hiện nay khi người dân muốn xử lý thực bì vào thời điểm nắng nóng thì họ thường báo với chính quyền địa phương và hạt kiểm lâm để được hướng dẫn chỉ đạo, hạn chế tác động đến cháy rừng. Ngoài ra người dân cũng ý thức được mình là chủ rừng nên người dân tham gia vào công tác canh gác, phòng cháy và khi xảy ra cháy rừng họ đã tham gia chữa cháy một cách chủ động hơn.
3.4.3.3. Sự tham gia vào công tác phát triển rừng
Sau khi nhận rừng, ngoài việc thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng, cộng đồng phải thực hiện các nhiệm vụ nhằm phát triển rừng được giao gồm phát dây leo bụi rậm, chặt tỉa thưa và trồng bổ sung các loài cây bản địa, cây có giá trị vào những nơi đất trống. Với mục đích cải thiện chất lượng rừng, điều chỉnh mật độ của rừng, tránh để những khoảng trống quá lớn trong rừng cũng như tránh cây phi mục đích chen lấn những cây gỗ có giá trị ở đây, đồng thời góp phần tăng hưởng lợi từ rừng cho cộng đồng.
Thôn Tà Lềnh thực hiện giao rừng và đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Sau khi nhận rừng thôn đã tổ chức các tổ bảo vệ thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng. Đồng thời tiến hành phát dây leo bụi rậm, chặt tỉa thưa cây phi mục đích. Thôn cũng thường xuyên tiến hành họp thôn để bàn về kế hoạch phát tuyến, bảo dưỡng cây rừng. Đặc biệt thôn đã tiến hành trồng rừng 2,0 ha rừng kinh tế là đất trống trong diện tích đất nương rẫy cũ đan xen với rừng tự nhiên, loài cây trồng là cây Keo tai tượng, với mật độ trồng ban đầu là 2.000 cây/ha, năm 2015 thôn đã tiến hành khai thác 2,0 ha rừng Keo và đã bán được 60 triệu đồng, với số tiền này là cơ sở hỗ trợ vào thu nhập của những người tham gia quản lý bảo vệ rừng, xây dựng quỷ bảo vệ và phát triển rừng của thôn.
Tại thôn Cợp, tổ quản lý bảo vệ rừng đã tổ chức tuần tra bảo vệ, phát luỗng giây leo, bảo vệ chăm sóc. Thôn cũng thường xuyên kiểm tra chất lượng của các loài cây rừng. Thông qua Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế (Birdlife international), đại sứ Vương quốc Anh đã giúp cho người dân thôn Cợp xây dựng mô hình trồng mây dưới tán rừng. Đây là mô hình thuộc hợp phần cung cấp các sinh kế cho người dân sống ở tại vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và các vùng chim quan trọng trên đất thấp. Trước khi triển khai mô hình, dự án đã tổ chức cho người dân đi tham quan, học tập mô hình trồng mây ở tỉnh Quảng Ngãi để “mắt thấy, tai nghe”, làm quen với những
thao tác kỹ thuật cơ bản trong ươm giống, làm đất, trồng, chăm sóc cây mây, trước khi bắt tay vào thực hành tại địa phương.
Tại thôn Cợp, xã Húc Nghì, dự án triển khai trồng 16,0 ha cho 8 hộ gia đình, thực hiện trong năm 2008. Dự án tài trợ cho nhân dân phân bón, cây giống, dụng cụ sản xuất, tập huấn và tư vấn kỹ thuật trồng cây mây. Người dân tham gia hoạt động mô hình đóng góp 100% công lao động, mô hình trồng mây được trồng với mật độ ban đầu 2.000 cây/ha, trên băng rộng 1,5m, băng này cách băng kia 5m, khóm cách khóm trên băng là 3m. Khóm được trồng theo hình tam giác cân, có cạnh là 40 cm. Đất trồng mây là đất dưới tán rừng tự nhiên, độ dốc không quá lớn, ít đá lẫn. Do đặc tính của cây mây là cần có giá để leo, cán bộ kỹ thuật đã lựa chọn phương pháp trồng theo khóm trên băng. Mục đích của quy trình kỹ thuật này là tận dụng khả năng dựa vào nhau của các cây mây khi đang còn nhỏ, vì vậy mà 3 cây trên khóm sẽ dựa vào nhau để phát triển, vươn cao và bám vào các cây lớn. Cây mây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với khả năng canh tác và tự đầu tư của người dân, nhất là bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô.
Cây mây là nguồn nguyên liệu đang có nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường, cung không đủ cầu, đầu ra cho sản phẩm rất ổn định, ngay tại huyện Đakrông cũng đã có doanh nghiệp Mai Hoàng chuyên thu mua, chế tác mây, sẵn sàng thu mua hết sản phẩm của bà con trồng với giá cả cạnh tranh. Loại cây này còn hứa hẹn mang lại hiệu qủa kinh tế cao, ổn định và bền vững. Sau 4 năm trồng là có thể đưa vào khai thác và khai thác nhiều lần, cho mức thu nhập bình quân 1 ha trên 15 triệu đồng/năm. Đặc biệt từ mô hình này sẽ mở ra hướng mới cho người dân sống ở vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông có việc làm và thu nhập, giảm áp lực sống dựa vào rừng, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, khôi phục lại sinh cảnh sống cho một số loài chim thú, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Cảm thông và chia sẻ nỗi vất vả của nhân dân thôn Cợp trong việc vận chuyển cây giống với khoảng cách rất xa, đường đi lại khó khăn, cách trở, Hiệp hội cựu sinh viên Việt Nam học tập tại Vương quốc Anh đã hỗ trợ cho người dân bản Cợp một vườn ươm giống cây lâm nghiệp tại chỗ với trị giá 35 triệu đồng. Đây là sự tiếp sức cần thiết để người dân yên tâm phát triển diện tích cây mây trong thời gian tới.
Đối với thôn Kreng thì đã tiến hành phát thí điểm 5,0 ha dây leo bụi rậm, cây phi mục đích để đảm bảo cây tái sinh có không gian sinh trưởng và phát triển tốt.
Ngoài ra năm 2012 thôn cũng có 6 hộ tham gia trồng mây dưới tán rừng tự nhiên nhờ sự hỗ trợ của Dự án do Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Việt phối hợp với Văn phòng BirdLife International châu Á, Chi cục kiểm lâm Quảng Trị triển khai với sự tài trợ của quỹ Toyota Nhật Bản, dự án hỗ trợ nguồn mây giống, phân bón và tập huấn để các hộ chủ động trong việc trồng mây ngay trên diện tích rừng nhận khoán, mật độ trồng khoảng 2.100 cây mây, tỷ lệ sống đạt 91,1 đến 95,3%, cây mây nước rất phù hợp
với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Đây cũng là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, gần gũi với điều kiện canh tác của người dân. Bên cạnh đó, cây mây là nguồn nguyên liệu mà thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn, đầu ra cho sản phẩm rất ổn định.
Hiện tại, số diện tích mây được trồng đang phát triển rất tốt và đã bước đầu cho thu hoạch. Như vậy sau khi giao rừng có sự đầu tư của một số dự án cho hoạt động phát triển LSNG dưới tán rừng thì bình quân 1ha mây cho thu nhập gần 15 triệu đồng/năm.
Hơn nữa, đầu ra của cây mây khá ổn định, bởi ngày càng có nhiều cơ sở thủ công mỹ nghệ ra đời cần có nguồn nguyên liệu cung ứng. Ngay tại huyện Đakrông, doanh nghiệp Mai Hoàng luôn sẵn sàng thu mua mây với giá cả cạnh tranh. Bên cạnh đó, tiểu thương từ nhiều địa phương trong cả nước cũng tìm đến tận nhà của người dân để thu mua mây.
Tại thôn Xuân Lâm đã tiến hành phát dây leo bụi rậm, cây phi mục đích. Các tổ cũng đề xuất trồng dặm trên những diện tích đất trống, ít loài cây gỗ. Tuy nhiên do quy định kỹ thuật phức tạp, nguồn giống, kỹ thuật hạn chếvà với rừng tự nhiên dốc nên người dân khó thực hiện được. Do vậy hiện nay vẫn chưa có diện tích rừng nào được trồng dặm.