CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.5. CÁC GIẢI PHÁP GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ RỪNG CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐAKRÔNG
3.5.1. Cơ sở đề xuất giải pháp
+ Dựa vào các văn bản pháp luật của nhà nước về các quy định và hướng dẫn quản lý rừng cộng đồng.
+ Dựa vào thực trạng, những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với quản lý rừng cộng đồng trên địa bàn Huyện.
+ Dựa vào đặc điểm của cộng đồng, nhu cầu, nguyện vọng và ý kiến của cộng đồng dân cư.
+ Dựa vào kết quả điều tra phân tích các hoạt động của cộng đồng và các bên liên quan trong QLRCĐ.
3.5.2. Giải pháp về nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng cộng đồng
- Tăng cường tuần tra bảo vệ rừng tại các khu rừng giao cho cộng đồng. Hiện nay thời gian giao rừng cho cộng động đã tương đối dài, từ 8 đến 9 năm, trong khi đó cộng đồng được hưởng lợi từ rừng ít, do đó một số người dân bắt đầu có ý lơ là việc quản lý bảo vệ rừng. Số lần tuần tra rừng cũng do đó mà giảm so với trước. Vì vậy Ban quản lý rừng của các thôn cần có biện pháp để quán triệt người dân, đồng thời vận động khuyến khích để người dân tiếp tục tham gia tích cực vào công tác tuần tra rừng trong thời gian tới. Công tác tuần tra rừng cần được duy trì và đẩy mạnh.
- Cần có sự phối hợp của các cấp chính quyền trong công tác tuần tra rừng.
Định kỳ cán bộ lâm nghiệp xã và cán bộ kiểm lâm địa bàn nên phối hợp với các cộng đồng để đi tuần tra bảo vệ trên toàn bộ diện tích rừng mà cộng đồng quản lý. Đồng thời tiến hành tuần tra đột xuất trong những trường hợp cần thiết.
- Tiến hành xây dựng cơ chế hưởng lợi của cộng đồng từ các dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái. Đây là các tiềm năng tạo ra thu nhập cho người dân nhận rừng trong tương lai, đặc biệt là tại các khu rừng non, rừng nghèo chưa tạo ra các thu nhập từ nguồn lâm sản. Từ các nguồn hưởng lợi này có thể làm động cơ thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào công tác quản lý bảo vệ, vì hiện nay nguồn hưởng lợi từ rừng còn rất hạn chế.
- Thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của cộng đồng. Trên thực tế thì rừng cộng đồng hầu như không có sự đầu tư của Nhà nước, các dự án thì cũng chỉ hỗ trợ trong quá trình giao. Như vậy cộng đồng tự tổ chức quản lý, bảo vệ và khai thác các lợi ích từ rừng để chi trả các chi phí liên quan đến quản lý bảo vệ rừng. Mô hình Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng có ý nghĩa trong việc triển khai các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của cộng đồng. Hiện nay đã có quyết định của Tỉnh
về việc thành lập quỹ quản lý bảo vệ rừng của cộng đồng thuộc dự án “Chương trình thí điểm lâm nghiệp cộng đồng”.
- Tăng cường công tác tuyên truyền vận động để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào công tác quản lý bảo vệ rừng.
+ Định kỳ 1 năm 2 lần họp thôn để báo cáo tình hình quản lý bảo vệ rừng, nhắc nhở những trường hợp vi phạm quy ước bảo vệ rừng của thôn, động viên khen thưởng những người có công trong công tác quản lý bảo vệ, bình xét các trường hợp làm đơn xin khai thác gỗ làm đồ gia dụng, làm nhà.
+ Xây dựng các bảng quy ước bảo vệ rừng bằng bê tông tại các khu vực vào rừng, phát các bản quy ước bảo vệ rừng của thôn đến từng hộ gia đình.
+ Vận đồng dân tham gia các cuộc thi tìm hiểu về rừng, ký cam kết tham gia quản lý bảo vệ rừng.
+ Vận động, thuyết phục các đối tượng trước đây tham gia vào phá rừng, chuyên khai thác rừng trái phép, nay tham gia vào bảo vệ rừng, trồng rừng trên địa bàn.
- Phát huy tính tự giác của cộng đồng trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Hiện nay thời tiết ngày càng nắng nóng, trong khi đó các khu vực giáp ranh với khu rừng cộng đồng có lớp thảm mục chủ yếu là cỏ, lau lách nên nguy cơ cháy rừng ngày càng cao. Do đó công tác phòng cháy chữa cháy rừng là một trong những nội dung quan trọng trong quản lý bảo vệ rừng. Cộng đồng chính là nguồn lực dồi dào nhất, dễ huy động nhất, đồng thời cũng là đối tượng trực tiếp tác động vào rừng nhiều nhất. Do đó huy động được cộng đồng tham gia phòng cháy chữa cháy rừng luôn là nhiệm vụ cấp thiết trong quản lý rừng cộng đồng. Do đó cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền gồm:
+ Tuyên truyền kiến thức về PCCCR trên các phương tiện truyền thanh như loa phát thanh của xã, dán các tờ rơi, áp phích, thông qua các buổi họp thôn, các đợt thi tìm hiểu, hay giáo dục trên trường học cho các em học sinh.
+ Hướng dẫn người dân các kỹ thuật trồng rừng sản xuất như phát thực bì đúng cách, thu dọn các sản phẩm sau khai thác…để hạn chế các tác nhân gây cháy rừng.
+Vận động cộng đồng tham gia ký cam kết bảo vệ rừng, thực hiện phòng cháy chữa cháy rừng.
- Nhân rộng mô hình quản lý rừng cộng đồng bằng việc giao những diện tích rừng tự nhiên còn lại của Huyện cho cộng đồng dân cư thôn QLBV, đặc biệt là những diện tích rừng tự nhiên còn lại nằm giáp ranh với rừng cộng đồng đã được giao. Có thể thấy những diện tích rừng được giao cho cộng đồng quản lý bảo vệ đã thu được những kết quả khả quan, dù còn nhiều vấn đề bất cập nhưng nếu giao những diện tích rừng đó cho nhóm hộ quản lý bảo vệ thì như ta đã thấy tồn tại nhiều mâu thuẫn và sự tham gia
của cộng đồng vào việc quản lý không cao, giao cho từng hộ gia đình thì liệu từng hộ gia đình có đủ khả năng tổ chức quản lý khi mà diện tích rừng lớn, rừng dốc và xa khu dân cư.
- Thu hút sự đầu tư, hỗ trợ từ các dự án như REDD +, các dự án phát triển LSNG dưới tán rừng...để nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng cộng đồng.
3.5.3. Giải pháp về cơ chế chính sách
- Nhà nước cần có chính sách xác định rõ ràng quyền hưởng lợi và nghĩa vụ của cộng đồng. Các quy định hiện hành của nhà nước về nghĩa vụ và quyền hưởng lợi chưa phổ biến rõ ràng và áp dụng vào đối tượng cộng đồng. Cụ thể như quyết định 178/2001/QĐ-TTg và thông tư 80/2003/TTLT-BNN-BTC chỉ quy định về quyền lợi và trách nhiệm của hộ gia đình cá nhân nhận rừng, không đề cập đến trách nhiệm và hưởng lợi của cộng đồng.
- Cần có quy định rõ ràng và đơn giản hóa các thủ tục về khai thác gỗ để cộng đồng dễ dàng tiếp cận cơ chế hưởng lợi thông qua khai thác gỗ từ rừng. Hiện nay các thủ tục quy định về tiêu chuẩn, kỹ thuật khai thác rừng cộng đồng quản lý chưa rõ ràng và còn nhiều điểm bất cập. Cụ thể như trong quyết định 178 và Thông tư 80, các yêu cầu về kỹ thuật như xác định tiêu chuẩn rừng khai thác, tỷ lệ hưởng lợi rất phức tạp nên cộng đồng không có khả năng xác định. Chưa có quy định về những thủ tục hành chính về khai thác gỗ thương mại đối với rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý. Trong quyết định số 40/2005/QĐ-BNN ban hành Quy chế khai thác gỗ và lâm sản khác thì các chỉ tiêu kỹ thuật dựa vào trữ lượng, cường độ và luân kỳ khai thác là rất phức tạp mà cộng đồng không đủ khả năng xác định và thực hiện. Các thủ tục khai thác phức tạp, nhiều cấp làm cho cộng đồng khó tiếp cận. Quyết định số 2324/BNN-LN hướng dẫn các chỉ tiêu khai thác và thủ tục khai thác rừng cộng đồng nhưng lại giới hạn cộng đồng khai thác gỗ cho gia dụng theo khối lượng, chưa có quy định về khai thác gỗ thương mại.
- Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sử dụng rừng (CNQCDĐ-SDR) cho các cộng đồng dân cư thôn được giao rừng trên địa bàn Huyện để cộng đồng có đầy đủ tính pháp lý trong quản lý bảo vệ rừng. Theo trong hồ sơ giao đất giao rừng thì các cộng đồng được giao rừng và trong thời gian quản lý bảo vệ tốt sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sử dụng rừng. Qua nghiên cứu chúng tôi thấy các cộng đồng đã quản lý bảo vệ tốt thông qua việc giảm các vụ vị phạm đến rừng, tăng chất lượng rừng…tuy nhiên hiện nay còn một số các cộng đồng dân cư thôn nhận rừng trên địa bàn Huyện vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận. Trong khi đó giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sử dụng rừng có ý nghĩa quan trọng gồm: Giấy CNQSDĐ-SDR là cơ sở pháp lý để ngăn chặn người bên ngoài; là điều kiện tiền đề để nhận hỗ trợ từ bên ngoài; có ý nghĩa quan trọng khi nhà nước thu hồi đất, nếu không có giấy CNQSDĐ-
SDR thì cộng đồng khó có thể yêu cầu bồi thường và có ý nghĩa trong việc tiếp cận thông tin liên quan đến tài nguyên rừng.
- Xác định rõ ràng các điều kiện của cộng đồng dân cư thôn được giao đất giao rừng để quy định rõ về địa vị pháp lý của cộng đồng. Theo Luật Đất đai (2013) và Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004) thì cộng đồng được coi là một chủ rừng thực sự.
Tuy nhiên theo Bộ Luật Dân sự năm 2005, một tổ chức được công nhận là một pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau: được cơ quan có thẩm quyền thành lập và công nhận; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản; tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Cộng đồng dân cư thôn không đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên của Bộ Luật Dân sự quy định, vì vậy không được công nhận tư cách pháp nhân. Do đó nếu giao rừng và đất rừng cho cộng đồng, khi xảy ra tranh chấp dân sự với chủ thể khác hoặc có vi phạm pháp luật thì cơ quan pháp luật không giải quyết được.
KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ