2.1. Phạm vi, đối tượng nghiên cứu 2.1.1. Phạm vi nghiên cứu
- Không gian: thôn 1 và thôn 4, xã Trà Thuỷ, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.
Trong đó:
+ Thôn 1 đại diện cho các thôn được Nhà nước giao đất, giao rừng.
+ Thôn 4 đại diện cho các thôn nhận khoán quản lý bảo vệ rừng với BQL rừng phòng hộ Trà Bồng.
- Thời gian: từ ngày tháng 7/2017 đến ngày 02/2018.
2.1.2. Đối tượng nghiên cứu
Sự ảnh hưởng của chính sách chi trả DVMTR đến sinh kế của người dân xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.
2.2. Nội dung nghiên cứu
- Tình hình cơ bản của khu vực nghiên cứu - xã Trà Thuỷ.
- Kết quả chi trả dịch vụ môi trường rừng của tỉnh Quảng Ngãi
- Kết quả chi trả dịch vụ môi trường rừng tại thôn 1 và thôn 4, xã Trà Thuỷ.
- Ảnh hưởng của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đến nguồn vốn sinh kế (nguồn vốn tự nhiên, xã hội, con người, vật chất và tài chính).
- Ảnh hưởng của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đến hoạt động sinh kế (hoạt động dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và hoạt động không dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên).
- Các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở địa phương.
2.3. Phương pháp nghiên cứu
Để thu thập được dữ liệu cho nghiên cứu này, chúng tôi đã kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như thu thập số liệu thứ cấp, thảo luận nhóm kết hợp với phỏng vấn sâu và điều tra hộ gia đình.
Phương pháp thu thập số liệu
2.3.1. Thu thập số liệu thứ cấp
- Số liệu thứ cấp được thu thập thông qua các cơ quan liên quan: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ngãi, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, Phòng Nông
nghiệp và PTNT huyện Trà Bồng; Hạt kiểm lâm huyện Trà Bồng, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trà Bồng và UBND xã Trà Thuỷ…
- Các thông tin cần thu thập: điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tại địa bàn nghiên cứu, kết quả chi trả DVMTR, các chính sách về quản lý bảo vệ rừng và chi trả DVMTR...
2.3.2. Thu thập số liệu sơ cấp
Số liệu sơ cấp được thu thập thông qua sử dụng các công cụ sau:
- Thảo luận nhóm được tiến hành để phân tích sự thay đổi về nguồn vốn sinh kế.
Hai cuộc thảo luận nhóm (1 nhóm/thôn) được tiến hành với đại diện cho các thành phần khác nhau trong thôn (lãnh đạo thôn, BQL rừng cộng đồng, nhóm hộ nhận khoán, bao gồm cả người già, thanh niên, phụ nữ).
- Phỏng vấn hộ gia đình: để phân tích sự thay đổi các hoạt động sinh kế của hộ gia đình.
+ Đối tượng: 60 hộ gia đình (30 hộ/ thôn) đã được nhận chi trả dịch môi trường rừng tại thôn 1 và thôn 4, xã Trà Thuỷ.
+ Phiếu điều tra hộ gia đình bao gồm các phần chính sau: (1) Thông tin cơ bản của hộ gia đình; (2) Các hoạt động sinh kế của hộ gia đình; (3) Nhận thức của hộ gia đình về chính sách chi trả DVMTR.
- Phỏng vấn sâu: được tiến hành với đại diện của Quỹ bảo vệ phát triển rừng, cán bộ Hạt kiểm lâm, cán bộ xã, trưởng thôn/trưởng BQL rừng cộng đồng/Trưởng nhóm nhận khoán, già làng, nông dân nòng cốt…
2.4. Phân tích thông tin.
- Phương pháp tính điểm cho việc nhận thức của người dân về ảnh hưởng của chính sách chi trả DVMTR đến các nguồn vốn sinh kế, cụ thể như sau:
+ Thang đo định tính được sử dụng để xác định các mức hài lòng. Thang đo được xác định ở 3 mức:
- Mức 1 được ký hiệu là KHL (không hài lòng), có nghĩa là mức tác động qua lại giữa chính sách đến các tiêu chí này là ít nhất.
- Mức 2 ký hiệu là HL (hài lòng), có nghĩa là hài lòng biểu thị sự tương tác giữa chính sách đến các tiêu chí ở mức độ vừa phải (có tác động nhưng không nhiều).
- Mức 3 là mức cao nhất, được ký hiệu bằng RHL (rất hài lòng), có nghĩa là mức tương tác giữa chính sách đến các tiêu chí là cao nhất.
Các tác động ở đây là tác động tích cực, ví dụ: Nếu ở Mức 1 thì có nghĩa là có tác động tốt lên, nhưng rất ít.
Sau khi đã xác định được các mức đo cho các tiêu chí, tác động của chính sách đến năm nguồn vốn sinh kế được tính bằng cách quy ra điểm số tương đương với tối đa là 3 và tối thiểu là 1, có nghĩa là Mức 1 (KHL) = 1 điểm, Mức 2 (HL) = 2 điểm và Mức 3 (RHL) = 3 điểm.
Mức độ tác động của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tác động đến nguồn lực nào được đánh giá bằng giá trị trung bình cộng số điểm được quy ra của các tiêu chí trong nguồn lực, nghĩa là tổng điểm được quy về từ các mức KHL, HL và RHL chia cho số tiêu chí được chọn trong nguồn lực. Ví dụ: Trong nguồn lực con người, có năm tiêu chí, tiêu chí số 1 có mức độ là RHL, tiêu chí số 2 có mức độ là HL, tiêu chí số 3 có mức độ KHL, tiêu chí số 4 có mức độ là HL và tiêu chí số 5 có mức độ là KHL thì điểm được tính cho nguồn lực con người của một đơn vị nghiên cứu (ở đây đơn vị nghiên cứu là thôn) sẽ là RHL+HL+KHL+HL+KHL chia cho 5 và được quy ra điểm tương đương là (3+2+1+2+1): 5 = 1,6. Vậy mức độ tác động của chính sách chi trả DVMTR đến nguồn lực con người trong Khung sinh kế ở trường hợp này sẽ là mức 1,6 vì 3 là số điểm tối đa và 1 là số điểm tối giản. Tương tự như cách tính trên, ta sẽ tính được các số điểm của các nguồn lực còn lại. Để so sánh sự tác động của PFS lên năm nguồn lực sinh kế ta sẽ so sánh 5 mức điểm trung bình cộng của năm nguồn lực, ta sẽ biết được nguồn lực nào được tác động nhiều nhất và nguồn lực nào được tác động ít nhất theo mức độ so sánh sau:
Điểm trung bình: 1 đến 1,5 : ít ảnh hưởng.
> 1,5 đến 2,5: ảnh hưởng vừa phải.
> 2.5 đến 3 : ảnh hưởng nhiều.
Phân tích các bên liên quan, phân tích SWOT.
Các thông tin thu thập được xử lý theo từng chủ đề trên nội dung nghiên cứu và mối quan hệ giữa các chủ đề.
Các sơ đồ, bảng biểu sẽ được sử dụng để minh họa thêm cho kết quả nghiên cứu.