Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.2. ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ TÀI SẢN KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT TẠI HUYỆN TƯ NGHĨA, TỈNH QUẢNG NGÃI
3.2.2. Phân tích và đánh giá những ưu điểm, tồn tại về thực trạng công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi
3.2.2.1. Những ưu điểm
- Về chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của việc đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, cấp Giấy chứng nhận, đã cơ bản đầy đủ từ hệ thống các văn bản Luật, Nghị định, văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, UBND tỉnh, các Sở, ngành chức năng để thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được ban hành có hệ thống, hướng dẫn chi tiết rõ ràng, thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện đặc biệt là hệ thống Luật và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013.
- Về tổ chức bộ máy: Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Tư Nghĩa được tổ chức lại theo hệ thống một cấp thành Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Quảng Ngãi - Chi nhánh huyện Tư Nghĩa trực thuộc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Quảng Ngãi (Văn phòng đăng ký “một cấp” thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, có con dấu riêng).
- Về tài chính của bộ máy dịch vụ công: Lương của các cán bộ viên chức trong biên chế Nhà nước do ngân sách Nhà nước chi trả. Tiền công của nhân viên hợp đồng chi trả, các khoản chi phí cho công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận như Giấy tờ, mực in, photo tài liệu, sổ sách, văn bản hành chính,... phôi Giấy chứng nhận do Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Quảng Ngãi trên cơ sở cân đối từ nguồn thu phí dịch vụ công, phí, lệ phí cấp Giấy chứng nhận, thẩm định hồ sơ được trích lại.
- Về công tác tuyên truyền: Đài phát thanh, Mặt trận Tổ quốc rất tích cực phổ biến tuyên truyền các chế độ, chính sách, hồ sơ, trình tự, thủ tục trong công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Qua đó làm cho người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất, người sở hữu nhà ở khi được đăng ký và cấp Giấy chứng nhận, làm cho số lượng các thửa đất được đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận tăng thêm.
- Về cải cách hành chính: Ủy ban nhân dân cấp huyện đã đưa công tác đăng ký đất đai, xử lý tồn tại và cấp Giấy chứng nhận là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, chính quyền và cần được cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong quá trình thực hiện. Đã thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hành chính theo cơ chế “một cửa”, trong đó có thủ tục đăng ký và cấp Giấy chứng nhận tiếp nhận tại trụ sở của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai. Cán bộ của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận hồ sơ và viết Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký và cấp Giấy chứng nhận, sau đó luân chuyển đến lãnh đạo giao cho cán bộ của Văn phòng đăng ký xử lý hồ sơ, giảm được thời gian luân chuyển hồ sơ từ bộ phận ”một cửa” của UBND huyện đến văn phòng đăng ký đất đai.
- Về trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác đăng ký và cấp Giấy chứng nhận: có trình độ kỹ sư quản lý đất đai, có 04/17 cán bộ có kinh nghiệm trên 10 năm làm công tác đăng ký và cấp Giấy chứng nhận, 10/13 có kinh nghiệm trên 5 năm làm công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận do đó rất vững vàng trong khâu thẩm định hồ sơ.
- Về công tác chỉ đạo.
Ủy ban nhân dân cấp huyện luôn quan tâm chỉ đạo công tác đăng ký và cấp Giấy chứng nhận, hàng tháng lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện tổ chức hội nghị nghe các ngành chức năng báo cáo kết quả thực hiện về công tác đăng ký và cấp Giấy chứng nhận để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, thường xuyên tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, chỉ đạo các xã hoàn thiện hồ sơ đúng thời gian, đúng pháp luật.
* Công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận sau khi thành lập văn phòng đăng ký một cấp
Trước đây khi còn trực thuộc phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không có các bộ phận chuyên môn riêng, việc phân công không được cụ thể hoá theo từng bộ phận chuyên môn, hoạt động sự nghiệp xen lẫn với hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước, viên chức, lao động hợp đồng của văn phòng đăng ký thường phải kiêm nhiệm nhiều công việc chuyên môn không thuộc chức năng, nhiệm vụ như tham gia tổ công tác giải phóng mặt bằng, xử lý vi phạm đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai, thụ lý hồ sơ thu hồi đất. Do vậy chất lượng dịch vụ công, tiến độ, thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký đất đai bị hạn chế. Khi thành lập văn phòng đăng ký “một cấp” đã nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ với bộ máy tổ chức được sắp xếp theo 4 bộ phận chuyên môn như đã trình bày ở trên và theo từng vị trí công việc; quy trình giải quyết công việc được thực hiện thống nhất về chuyên môn khi thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận.
Thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký biến động đất đai giảm 1/3 so với trước đây, thời gian giải quyết hồ sơ chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế quyền sử dụng đất trước đây là 20 đến 30 ngày thì nay chỉ còn 10 đến 15 ngày.
Chủ động hơn về thẩm quyền và lực lượng chuyên môn, việc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính được thực hiện thường xuyên và theo đúng qui định. Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, chất lượng Giấy chứng nhận về tính thẩm mỹ, tiêu chuẩn kỹ thuật được bảo đảm đúng quy định và nhiều thủ tục bớt rườm rà. Người dân chỉ phải đến chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai hai lần, một lần nộp hồ sơ hợp lệ và một lần nhận giấy chứng nhận.
Việc cập nhập, chỉnh lý hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu địa chính đã được thực hiện thường xuyên. Đến nay, đã xây dựng được mô hình cơ sở dữ liệu tập trung. Sau
gần hai năm thực hiện, công tác xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp huyện Tư Nghĩa đã đạt được một số kết quả nhất định. Hiện nay, việc lập, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính của các thửa đất và biến động đất đai đều được Văn phòng ĐKĐĐ thể hiện khá đầy đủ, kịp thời và thống nhất các thông tin trong hồ sơ địa chính.
Trong khoảng thời gian 2 năm sau khi Văn phòng đăng ký một cấp hoạt động đi vào ổn định, các trang thiết bị, máy móc cần thiết phục vụ công tác chuyên môn đã được trang bị cơ bản đủ cho các Chi nhánh như: máy in A3, máy phôtô, máy quét, hệ thống máy chủ, phần mềm in giấy chứng nhận, .... kết hợp với việc quản lý tốt, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để chuẩn hoá đội ngũ viên chức, lao động hợp đồng làm việc trong hệ thống văn phòng đăng ký một cấp sẽ giúp cho công tác đăng ký đất đai ngày càng tốt hơn, đáp ứng được sự mong đợi của người dân.
Việc luân chuyển hồ sơ dạng giấy thành hồ sơ địa chính điện tử bằng máy quét và thư điện tử đã tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại đồng thời giúp cho cơ quan quản lý, bảo quản hồ sơ một cách dễ dàng, cẩn thận tránh trường hợp thất lạc hồ sơ.
3.2.2.2. Những khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên thì công tác đăng ký kê khai và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn Huyện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đó là:
- Hệ thống hồ sơ địa chính như: Bản đồ theo Chỉ thị 299 của Chính phủ, bản đồ địa chính đo vẽ năm 1993, Sổ mục kê đất, Sổ địa chính,... hầu hết các xã, thị trấn vừa thiếu, nhàu nát do bảo quản không tốt, đất đai biến động nhiều chưa cập nhật kịp thời, độ chính xác không cao, việc thành lập bản đồ đo vẽ năm 2010 thực hiện Dự án VLAP đo đạc theo hệ tọa độ VN-2000 đo không được chính xác, không đúng với ranh bờ thửa đất của từng chủ sử dụng đất (trước đây do nhiều hộ trồng cây cối um tùm và hàng rào cây xanh, tre nhiều nên việc xác định ranh giới từng thửa đất gặp khó khăn, chủ sử dụng đất không có mặt tại địa phương, người dẫn đạc chỉ không đúng ranh bờ,…), tại thời điểm đo đạc bản đồ theo hệ tọa độ VN-2000 vẫn còn nhiều biến động mà người sử dụng đất đang thực hiện nên chưa cập nhật kịp thời trên hệ thống bản đồ mới nên việc lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất gặp khó khăn.
- Do lịch sử công tác quản lý, sử dụng đất đai để lại, thực tế tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tồn tại nhiều dạng như: giao đất trái thẩm quyền do UBND cấp xã, hợp tác xã nông nghiệp giao đất từ thời điểm 15/10/1993 đến trước 01/7/2014 như:
cho mượn đất, cho thuê đất lâu dài với mục đích đất ở nhưng có thu tiền sử dụng đất một lần ngang giá hoặc cao hơn giá đất nhà nước qui định cùng thời điểm hoặc trường hợp người sử dụng đất lấn chiếm đất nhưng đã nộp tiền để được sử dụng đất vào ngân sách nhà nước cũng như trường hợp đổi đất lấy công trình nay đủ điều kiện để xem xét
đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, nhưng việc xác định nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng đất thuộc các trường hợp này gặp rất nhiều khó khăn, bất cập do hệ thống văn bản hướng dẫn về thu tiền sử dụng đất không có qui định cụ thể cho các trường hợp này, không được đối trừ số tiền mà người sử dụng đất đã nộp như trên, gây bức xúc cho người dân.
- Do tồn tại những quan hệ ràng buộc, phụ thuộc vào một số hoạt động của một số đơn vị khác như cơ quan thuế, cơ quan Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp xã nên Văn phòng đăng ký đất đai không chủ động giải quyết dứt điểm các công việc do mình đảm trách theo mô hình “một cửa”, nhiều hồ sơ quá hạn, chậm, muộn thời gian hẹn trả kết quả, lỗi do các đơn vị khác nhưng văn phòng đăng ký đất đai lại thường xuyên phải trả lời thắc mắc, giải quyết khiếu nại của công dân. Ngoài ra, một số cán bộ chuyên môn còn yếu, xử lý hồ sơ kém dẫn đến hồ sơ phải bổ sung nhiều lần đối với nhiều hồ sơ, trong khi số lượng hồ sơ tiếp nhận mỗi ngày nhiều dẫn đến số lượng hồ sơ tồn đọng chưa xử lý xong khá nhiều từ năm này qua năm khác. Cuối năm 2016, Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo rà soát giải quyết các hồ sơ tồn đọng, tăng cường các cán bộ của Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Quảng Ngãi về Chi nhánh huyện Tư Nghĩa xử lý các hồ sơ mới tiếp nhận tại bộ phận một cửa vào các ngày thứ 7, chủ nhật để cho các cán bộ tại Chi nhánh huyện Tư Nghĩa giải quyết dứt điểm các hồ sơ tồn đọng. Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Quảng Ngãi quy trách nhiệm kiểm điểm từng cá nhân, luân chuyển công tác các cán bộ chưa thực hiện tốt công tác được giao, gây khó khăn trong công tác cấp Giấy CNQSD đất.
- Sau khi Văn phòng đăng ký đất đai “một cấp” được thành lập và đi vào hoạt động ổn định nhưng chưa được tự chủ về tài chính, nên trong thời gian đầu thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong công tác thu, chi, không khuyến khích được cán bộ tăng năng suất lao động trong việc thực hiện dịch vụ công nhằm tăng thu để đảm bảo tự trang trải hoạt động.
- Người sử dụng đất là đối tượng chịu tác động trực tiếp của cải cách hành chính. Qua mô hình này, người dân nhận được sự hướng dẫn, giải thích tận tình. Tuy nhiên, do trình độ hiểu biết về pháp luật đất đai người dân không đều, một số nơi, chủ sử dụng chưa nhiệt tình hợp tác với cán bộ chuyên môn trong việc hoàn thiện hồ sơ đăng ký đất đai cấp Giấy chứng nhận, một bộ phận người dân chưa nhận thức được quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi được cấp GCN nên không tiến hành kê khai, đăng ký để được lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, một số hộ đã lập được hồ sơ nhưng không nộp được tiền sử dụng đất hoặc lệ phí trước bạ nhà đất nên chưa được cấp GCN.
- Chất lượng hồ sơ do cán bộ địa chính xã tham mưu giúp cho Ủy ban nhân dân xã lập hiện còn thấp. Đặc biệt là hồ sơ cấp Giấy chứng nhận lần đầu (còn gọi là cấp
mới) khi chuyển về văn phòng đăng ký, số hồ sơ phải bổ sung, hoàn thiện đến 70%
gây khó khăn cho công tác cập nhật, thông báo thông tin cho công dân, nhiều chủ sử dụng đất phải đi lại nhiều lần để bổ sung hồ sơ, nếu không kịp thời gây bức xúc cho công dân.
- Việc lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất khi cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với từng thửa đất phải theo các biểu mẫu thống nhất do Sở Tài Nguyên và Môi Trường hướng dẫn, đòi hỏi các cán bộ phải có chuyên môn sâu, có phương tiện kỹ thuật hiện đại, do đó cũng gây khó khăn cho công tác cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
* Những hạn chế trong công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận sau khi thành lập văn phòng đăng ký một cấp
Về cơ sở vất chất, trang thiết bị kỹ thuật tại các Chi nhánh huyện Tư Nghĩa còn thiếu như: chưa có máy toàn đạc và máy photocopy.
Phòng làm việc nhỏ hẹp lại thường xuyên tiếp công dân, kho lưu trữ riêng hiện nay còn nhỏ hẹp, ẩm thấp, phòng lưu trữ của UBND huyện nên việc trưng dụng để làm phòng làm việc cho các phòng ban khác nên việc dọn kho lưu trữ cũng rất mất thời gian, hệ thống hồ sơ cũng gặp khó khăn.
Sổ địa chính, sổ mục kê chưa được cập nhật, chỉnh lý biến động kịp thời; hồ sơ lưu trữ số chưa được quan tâm chú trọng.