Cách đo lường rủi ro tín dụng

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ tác động của vốn ngân hàng đến rủi ro tín dụng tại một số ngân hàng thương mại cổ phần ở việt nam (Trang 21 - 24)

CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU TRƯỚC

2.1 Khái niệm, nguyên nhân về rủi ro tín dụng và các tiêu chí đo lường

2.1.2 Cách đo lường rủi ro tín dụng

Rủi ro tín dụng có thể được đánh giá qua tỷ lệ nợ xấu. Đó là tỷ lệ giữa nợ xấu và tổng dư nợ (Shrieves và Dahl (1992); Park và Zhang (2012); Trần Hoàng Ngân và các cộng sự (2014))

Theo đó, Bolem và Freeman (2005) cho rằng một khoản vay là nợ xấu khi mà các khoản thanh toán lãi vay và/hoặc nợ gốc quá hạn kể từ 90 ngày trở lên so với ngày đã ký kết trong hợp đồng tín dụng. Định nghĩa này phù hợp với cách định nghĩa của Ghosh (2015) và Dimitrios và các cộng sự (2016).

Tại Việt Nam, theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005, Quyết định 18/2007/QĐ-NHNN ngày 24/4/2007 cùng Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 09/2014/TT-NHNN của NHNNVN nợ xấu được hiểu là những khoản nợ được xếp vào:

Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn, bao gồm: (i) nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày;

(ii) nợ được gia hạn trả nợ lần đầu; (iii) nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng; (iv) nợ được phân loại vào nhóm 3 theo kết quả phân loại của CIC.

Nhóm 4: Nợ nghi ngờ, bao gồm: (i) nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày; (ii) nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại; (iii) nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần hai; (iv) nợ được phân loại vào nhóm 4 theo kết quả phân loại của CIC.

Nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn, bao gồm: (i) nợ quá hạn trên 360 ngày; (ii) nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại; (iii) nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lần hai; (iv) nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần ba trở lên, kể cả chưa bị quá hạn hoặc đã bị quá hạn; (v) nợ được phân loại vào nhóm 5 theo kết quả phân loại của CIC.

Với cách phân loại nợ như trên, Việt Nam cũng tiếp cận xác định nợ xấu theo khung thời gian quá hạn trên 90 ngày.

Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng

Việc trích lập dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra đối với từng khoản nợ cụ thể phản ánh chính xác hơn về rủi ro tín dụng bởi vì nó được xem như là chi phí cho những tài sản suy yếu (Fofack, 2005). Việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng càng lớn thì phản ánh càng nhiều tài sản suy yếu.

Nghiên cứu của Fofack (2005), Hess và cộng sự (2008), Foos và cộng sự (2010) sử dụng tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng hàng năm so với tổng dư nợ hàng năm.

2.2 Các yêu cầu về vốn và cách đo lường

Tiêu chí để đo lường việc đảm bảo vốn ngân hàng theo thông lệ quốc tế là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), tuy nhiên cũng có nhiều quốc gia điều chỉnh bằng một mức vốn điều lệ cụ thể.

Về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, hiệp ước Basel I quy định các ngân hàng phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu ở mức an toàn 8%. Chỉ số CAR này được tính toán bằng tỷ lệ của vốn tự có trên tổng tài sản điều chỉnh theo hệ số rủi ro. Dựa vào mức độ chủ động sử dụng nguồn để các ngân hàng ứng phó với rủi ro, Basel I phân chia vốn tự có thành nhiều cấp dựa khác nhau; tổng tài sản cũng được chia theo 4 mức rủi ro khác nhau và được tính theo trọng số là 0%, 20%, 50%, 100%. Tuy nhiên, rủi ro được đề cập chỉ là rủi ro tín dụng, không có rủi ro tác nghiệp, rủi ro thị trường và trọng số rủi ro chỉ phụ thuộc vào tài sản đảm bảo, nhóm khách hàng. Đến Basel II, độ nhạy rủi ro cũng như hệ số tín nhiệm của từng khách hàng đã được mở rộng tính trong trọng số rủi ro. Với cách tính như trên thì dựa vào chỉ số CAR có thể xác định được khả năng ngân hàng đối mặt với các rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng. Do đó, khi ngân hàng đảm bảo được tỉ lệ này đồng nghĩa với việc ngân hàng đó ổn định, có khả năng bảo vệ người gửi tiền.

Theo công thức tính chỉ số CAR, để tăng chỉ số này thì cần tăng vốn tự có của ngân hàng hoặc giảm tài sản rủi ro. Do đó, một số quốc gia như Áo, Thụy Sĩ, Croatia, Mông Cổ, Lào…yêu cầu NHTM phải đáp ứng một mức vốn điều lệ tối thiểu như là một cách tăng vốn tự có, từ đó tăng chỉ số CAR. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa việc tăng vốn điều lệ và tăng chỉ số CAR chỉ đúng trong ngắn hạn. Trong dài hạn, tăng vốn điều lệ có thể làm giảm chỉ số CAR do để thu hút được nhà đầu tư nhằm đạt mục tiêu tăng vốn điều lệ, các ngân hàng buộc phải mở rộng đầu tư, gia tăng tín dụng để tăng ROE, khi đó tài sản rủi ro tăng lên, chỉ số CAR có thể không tăng.

Ở Việt Nam, Quyết định 457/2005/QÐ-NHNN yêu cầu tỷ lệ CAR là 8% với cách tính tương đối tiếp cận Basel I. Sau đó, thông tư 13/2010/TT-NHNN thay thế Quyết định 457/2005/QÐ-NHNN nâng tỷ lệ CAR lên 9%; bổ sung Thông tư 41/2016/TT-NHNN với cách tiếp cận ngày càng gần với Basel II. Ngoài ra, ở Việt Nam còn yêu cầu thêm về mức độ vốn điều lệ tối thiểu. Văn bản điều chỉnh hiện hành là Nghị định 141/2006/NĐ-CP, theo đó tất cả các NHTM phải có vốn điều lệ trên 3000 tỷ đồng. Theo Luật doanh nghiệp 2014, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần. Như vậy đối với NHTMCP đang nghiên cứu thì vốn điều lệ là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua.

Trong nghiên cứu này, tác giả nghiên cứu về tác động vốn ngân hàng đến rủi ro tín dụng với biến vốn được xem xét theo vốn điều lệ và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Trong đó, vốn điều lệ sẽ được lấy logarit để giảm sự biến thiên của dữ liệu.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ tác động của vốn ngân hàng đến rủi ro tín dụng tại một số ngân hàng thương mại cổ phần ở việt nam (Trang 21 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)