CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU TRƯỚC
2.4 Tổng quan các nghiên cứu thực nghiệm trước đây
2.4.1 Các nghiên cứu thực nghiệm nước ngoài
Hussain và Hassan (2005) đã phân tích tác động của vốn ngân hàng đến rủi ro tín dụng của ngân hàng ở 11 quốc gia trên thế giới vào năm 2004. Hơn thế nữa, trong nghiên cứu này, rủi ro tín dụng được các tác giả đo lường bởi tỷ lệ tài sản có rủi ro trên tổng tài sản. Mô hình nghiên cứu của các tác giả bao gồm vốn ngân hàng (bao gồm tổng vốn và hệ số an toàn vốn), quy mô ngân hàng, lợi nhuận ngân hàng, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tỷ lệ trái phiếu chính phủ, thanh khoản ngân hàng, tăng trưởng kinh tế, lạm phát. Bằng cách hồi quy mô hình nghiên cứu bởi phương pháp ước lượng GMM,
nghiên cứu chỉ ra rằng nhìn chung các yếu tố đều có tác động đáng kể đến rủi ro tín dụng của ngân hàng ở mức ý nghĩa thống kê 10%. Cụ thể, vốn ngân hàng, thanh khoản ngân hàng, tỷ lệ trái phiếu chính phủ, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và lạm phát thể hiện mối tương quan âm với rủi ro tín dụng của ngân hàng trong năm nay ở mức ý nghĩa thống kê 10%. Điều này ngụ ý rằng các ngân hàng có vốn an toàn càng cao, thanh khoản càng dồi dào, nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ, tăng nhiều trích lập dự phòng, và nền kinh tế có lạm phát cao thì sẽ có thể giúp các ngân hàng làm giảm rủi ro tín dụng mà ngân hàng phải đối mặt.
Wu và các cộng sự (2008) đã phân tích tác động của vốn an toàn đến rủi ro tín dụng của ngân hàng ở Trung Quốc trong giai đoạn 2004 - 2006. Mẫu nghiên cứu được tác giả sử dụng bao gồm 12 ngân hàng thương mại ở Trung Quốc. Hơn thế nữa, trong nghiên cứu này, rủi ro tín dụng được các tác giả đo lường bởi tỷ lệ tài sản có rủi ro trên tổng tài sản. Mô hình nghiên cứu của các tác giả bao gồm biến rủi ro tín dụng ở năm trước, vốn an toàn, quy mô ngân hàng. Sử dụng phương pháp ước lượng GMM để hồi quy mô hình nghiên cứu, kết quả đã chỉ ra rằng nhìn chung các yếu tố đều có tác động đáng kể đến rủi ro tín dụng của ngân hàng ở mức ý nghĩa thống kê 10%. Cụ thể, quy mô ngân hàng thể hiện mối tương quan dương với rủi ro tín dụng tại mức ý nghĩa thống kê 10%. Từ đó cho rằng các ngân hàng có quy mô càng lớn thì rủi ro tín dụng mà các ngân hàng phải đối mặt ở hiện tại sẽ gia tăng. Ngược lại, vốn an toàn, rủi ro tín dụng ở năm trước lại cho thấy mối tương quan âm với rủi ro tín dụng của ngân hàng trong năm nay ở mức ý nghĩa thống kê 10%. Điều này ngụ ý rằng các ngân hàng có vốn an toàn càng cao thì sẽ có thể giúp các ngân hàng làm giảm rủi ro tín dụng mà ngân hàng phải đối mặt.
Alkadamani (2015) đã phân tích ảnh hưởng của vốn an toàn ngân hàng đến rủi ro tín dụng của ngân hàng ở Jordan, UAE, Saudi Arabia và Kuwait trong giai đoạn 2004 - 2014. Với mục tiêu nghiên cứu này tác giả đã sử dụng mẫu nghiên cứu bao gồm 46 ngân
hàng thương mại các quốc gia Trung Đông. Hơn thế nữa, trong nghiên cứu này, rủi ro tín dụng của ngân hàng được tác giả đo lường bởi tỷ lệ tài sản có rủi ro trên tổng tài sản.
Mô hình nghiên cứu của tác giả bao gồm rủi ro tín dụng ở năm trước, quy mô ngân hàng, vốn an toàn, lợi nhuận ngân hàng, tăng trưởng ngân hàng, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Bằng cách hồi quy mô hình nghiên cứu bởi phương pháp ước lượng OLS, nghiên cứu chỉ ra rằng nhìn chung các yếu tố đều có tác động đáng kể đến rủi ro tín dụng của ngân hàng ở mức ý nghĩa thống kê 10%. Cụ thể, vốn an toàn ngân hàng, lợi nhuận ngân hàng, tăng trưởng ngân hàng thể hiện mối tương quan dương với rủi ro tín dụng ở hiện tại của các ngân hàng tại mức ý nghĩa thống kê 10%. Qua đó có thể kết luận rằng các ngân hàng có hệ số an toàn vốn càng cao, lợi nhuận ngân hàng càng dồi dào, ngân hàng càng tăng trưởng thì sẽ làm gia tăng rủi ro tín dụng mà các ngân hàng phải đối mặt.
Ngược lại, rủi ro tín dụng ở năm trước, quy mô ngân hàng, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lại cho thấy mối tương quan âm với rủi ro tín dụng của ngân hàng ở mức ý nghĩa thống kê 10%. Điều này ngụ ý rằng các ngân hàng có rủi ro tín dụng ở năm trước càng cao, quy mô càng lớn, trích lập nhiều dự phòng thì sẽ làm giảm rủi ro tín dụng của ngân hàng.
Witowschi vàLuca (2016) đã phân tích ảnh hưởng của vốn ngân hàng đến rủi ro tín dụng của ngân hàng ở Romani, Áo, Bul-ga-ri, Hy Lạp, Ý, Hà Lan và Hungary trong giai đoạn 2006 - 2011. Tác giả đã sử dụng mẫu nghiên cứu bao gồm 68 ngân hàng thương mại các quốc gia trên. Mặt khác, trong nghiên cứu này, rủi ro tín dụng của ngân hàng được tác giả đo lường bởi tỷ lệ tài sản có rủi ro trên tổng tài sản. Mô hình nghiên cứu bao gồm rủi ro tín dụng ở năm trước, lợi nhuận ngân hàng, vốn ngân hàng, quy mô ngân hàng. Dùng phương pháp ước lượng OLS để hồi quy mô hình nghiên cứu, kết quả cho thấy nhìn chung các yếu tố đều có tác động đáng kể đến rủi ro tín dụng của ngân hàng ở mức ý nghĩa thống kê 10%. Cụ thể, rủi ro tín dụng ở năm trước, quy mô ngân hàng, vốn ngân hàng (bao gồm cả ba đại diện vốn cấp 1, vốn chủ sở hữu và vốn an toàn), lợi nhuận
ngân hàng lại cho thấy mối tương quan âm với rủi ro tín dụng ở mức ý nghĩa thống kê 10%. Điều này ngụ ý rằng các ngân hàng có rủi ro tín dụng ở năm trước càng cao, quy mô càng lớn, lợi nhuận càng nhiều và vốn ngân hàng càng cao thì sẽ làm giảm rủi ro tín dụng.
Jabra và các cộng sự (2017) đã phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng của ngân hàng ở Châu Âu trong suốt thời kỳ khủng hoảng tài chính. Với mục tiêu nghiên cứu này các tác giả đã sử dụng mẫu nghiên cứu bao gồm 280 ngân hàng thương mại đang niêm yết ở 26 quốc gia thuộc Châu Âu trong những năm 2005 - 2012. Trong đó, rủi ro tín dụng ngân hàng được các tác giả đo lường bởi tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay.
Mô hình nghiên cứu bao gồm rủi ro tín dụng năm trước, vốn chủ sở hữu, quy mô, năng lực cạnh tranh, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, chất lượng thể chế, lạm phát, tăng trưởng kinh tế. Bằng cách hồi quy mô hình nghiên cứu bởi phương pháp ước lượng GMM, nghiên cứu chỉ ra rằng các yếu tố đều có tác động đáng kể đến rủi ro tín dụng ngân hàng ở mức ý nghĩa thống kê 10%. Cụ thể, rủi ro tín dụng năm trước thể hiện mối tương quan dương với rủi ro hiện tại ở mức ý nghĩa thống kê 10%. Từ đó nhận ra rằng rủi ro tín dụng năm trước của các ngân hàng cao thì sẽ làm gia tăng rủi ro mà các ngân hàng phải đối mặt. Ngược lại, quy mô ngân hàng, vốn chủ sở hữu, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tăng trưởng kinh tế, lạm phát, chất lượng thể chế lại cho thấy mối tương quan âm với rủi ro tín dụng ngân hàng ở mức ý nghĩa thống kê 10%. Điều này ngụ ý rằng các ngân hàng có quy mô càng lớn (thể hiện qua tổng tài sản cao), vốn chủ sở hữu càng cao, trích lập nhiều dự phòng rủi ro tín dụng, nền kinh tế càng tăng trưởng và lạm phát tăng, cũng như chất lượng thể chế của các quốc gia mà ngân hàng đang hoạt động tốt thì sẽ làm giảm rủi ro tín dụng ngân hàng.
Koju và các cộng sự (2018) đã phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng ngân hàng ở Nepal trong thời gian từ năm 2003 – 2015. Tác giả đã sử dụng mẫu nghiên cứu bao gồm 30 ngân hàng thương mại ở Nepal. Trong đó, rủi ro tín dụng ngân hàng
được các tác giả đo lường bởi tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay. Mô hình nghiên cứu bao gồm rủi ro tín dụng năm trước, cho vay, quy mô ngân hàng, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận, chi phí hoạt động, thu nhập lãi cận biên, lạm phát, tăng trưởng kinh tế, ngoại hối và nợ công. Bằng phương pháp ước lượng GMM để hồi quy mô hình nghiên cứu, nghiên cứu chỉ ra rằng nhìn chung các yếu tố đều có tác động đáng kể đến rủi ro tín dụng ngân hàng ở mức ý nghĩa thống kê 10%. Trong đó, rủi ro tín dụng năm trước, lợi nhuận, thu nhập lãi cận biên, chi phí hoạt động và quy mô ngân hàng thể hiện mối tương quan dương với rủi ro hiện tại với mức ý nghĩa thống kê 10%. Từ đó kết luận rằng các ngân hàng năm trước có rủi ro tín dụng cao, càng có lợi nhuận cao, thu nhập lãi cận biên cao, quy mô càng lớn, và phải trang trải nhiều chi phí hoạt động thì rủi ro mà các ngân hàng phải đối mặt sẽ gia tăng. Ngược lại, tăng trưởng kinh tế, vốn chủ sở hữu lại cho thấy mối tương quan âm với rủi ro ngân hàng với mức ý nghĩa thống kê 10%. Điều này ngụ ý rằng các ngân hàng có vốn chủ sở hữu càng cao, và nền kinh tế càng tăng trưởng thì sẽ làm giảm rủi ro ngân hàng. Các yếu tố khác không có tác động đáng kể đến biến phụ thuộc.
Mohanty và các cộng sự (2018) đã phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng của ngân hàng ở Ấn Độ trong thời gian từ 2000 - 2015. Mẫu nghiên cứu mà tác giả sử dụng bao gồm 95 ngân hàng ở Ấn Độ. Trong đó, rủi ro tín dụng của ngân hàng được các tác giả đo lường bởi tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay. Mô hình nghiên cứu bao gồm biến rủi ro tín dụng ở năm trước, cho vay, lợi nhuận, chi phí hoạt động, vốn chủ sở hữu, quy mô ngân hàng, sự phát triển thị trường chứng khoán và tăng trưởng kinh tế. Bằng phương pháp ước lượng GMM để hồi quy mô hình nghiên cứu bởi, nghiên cứu chỉ ra rằng tất cả các yếu tố đều có tác động đáng kể đến rủi ro tín dụng của ngân hàng ở mức ý nghĩa thống kê 10%. Trong đó, rủi ro tín dụng ở năm trước, chi phí hoạt động thể hiện mối tương quan dương với rủi ro tín dụng của các ngân hàng ở hiện tại với mức ý nghĩa thống kê 10%. Từ đó kết luận rằng các rủi ro tín dụng năm trước càng cao và phải trang trải nhiều chi phí hoạt động thì sẽ ngân hàng phải đối mặt rủi ro tín dụng cao hơn ở hiện
tại. Ngược lại, lợi nhuận, quy mô ngân hàng, cho vay, vốn chủ sở hữu, tăng trưởng kinh tế và sự phát triển thị trường chứng khoán lại cho thấy mối tương quan âm với rủi ro tín dụng của ngân hàng với mức ý nghĩa thống kê 10%. Qua đó có thể thấy khi các ngân hàng càng có lợi nhuận càng cao, quy mô càng lớn, cho vay càng nhiều, vốn chủ sở hữu càng lớn và nền kinh tế càng tăng trưởng cũng như thị trường chứng khoán càng phát triển thì sẽ làm giảm rủi ro tín dụng mà ngân hàng gặp phải.
Kumar và Kusuma (2019) đã phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng của ngân hàng ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trong thời gian từ 2008 - 2015. Mẫu nghiên cứu tác giả đã sử dụng bao gồm 12 ngân hàng ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Trong đó, rủi ro tín dụng của ngân hàng được các tác giả đo lường bởi tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay. Mô hình nghiên cứu bao gồm biến rủi ro tín dụng ở năm trước, vốn chủ sở hữu, cho vay, lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tín dụng khu vực tư nhân, thất nghiệp, nợ công. Bằng phương pháp ước lượng OLS để hồi quy mô hình nghiên cứu, nghiên cứu chỉ ra rằng nhìn chung các yếu tố đều có tác động đáng kể đến rủi ro tín dụng của ngân hàng ở mức ý nghĩa thống kê 10%. Trong đó, rủi ro tín dụng ở năm trước tác động cùng chiều tới rủi ro tín dụng ở hiện tại của các ngân hàng ở mức ý nghĩa thống kê 10%. Từ đó kết luận rằng rủi ro tín dụng năm trước ngân hàng gặp phải càng cao thì sẽ làm gia tăng rủi ro tín dụng ở hiện tại. Ngược lại, cho vay tại ngân hàng lại cho thấy mối tương quan âm với rủi ro tín dụng với mức ý nghĩa thống kê 10%. Các ngân hàng càng cho vay thì sẽ làm giảm rủi ro tín dụng của ngân hàng. Các yếu tố khác không có tác động đáng kể đến biến phụ thuộc.