CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU TRƯỚC
2.3 Cơ sở lý luận về mối quan hệ giữa vốn ngân hàng và rủi ro tín dụng
Các nghiên cứu trước đây đã cho rằng tồn tại mối quan hệ giữa vốn ngân hàng và rủi ro của ngân hàng. Theo đó vốn ngân hàng là yếu tố có khả năng giải thích sự thay đổi trong rủi ro ngân hàng. Như Berger và DeYoung (1997) cho rằng các ngân hàng có thể chấp nhận các rủi ro không cần thiết nếu các bên có liên quan khác gánh chịu rủi ro này, đây còn được gọi là rủi ro đạo đức (Moral hazard). Do đó, các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngân hàng tương đối thấp thì thường có hành vi rủi ro đạo đức so với các ngân hàng khác sẽ cao hơn do các ngân hàng này sẽ có thể tăng mức độ rủi ro của danh mục cho
vay của họ lên và kết quả là tỷ lệ nợ xấu ngân hàng gia tăng trong tương lai, nói cách khác, rủi ro ngân hàng gia tăng. Hơn thế nữa, các nhà quản lý sẽ mục đích để chấp nhận mức rủi ro cao hơn mức tối ưu mà ngân hàng hướng đến.
Jensen và Meckling (1976) cũng cho rằng rủi ro đạo đức có thể xuất phát từ hai vấn đề: (1) khi nhà quản lý theo đuổi lợi ích cá nhân của bản thân và đầu tư vào các dự án tiềm tàng rủi ro, (2) xuất phát từ mâu thuẫn lợi ích giữa các cổ đông/nhà quản lý và các chủ nợ. Theo đó các cổ đông thì muốn có danh mục cho vay có rủi ro tương đối cao (thông qua lãi suất cho vay cao hơn), nhưng rủi ro của danh mục cho vay sẽ được chuyển cho người gửi tiền tại Ngân hàng (các chủ nợ của ngân hàng). Cả hai vấn đề rủi ro đạo đức này đều dẫn đến tăng trưởng tín dụng cao hơn và tỷ lệ nợ xấu trong danh mục cho vay cũng cao hơn. Một cách giải thích cho rủi ro đạo đức của Duran và Lozano – Vivas (2015) có thể do khi một ngân hàng phá sản, hầu hết các khoản nợ xấu sẽ được xử lý bởi các chủ nợ của ngân hàng (người gửi tiền), trong khi đó các cổ đông dường như đã hạn chế được các vấn đề bất lợi có liên quan. Cho nên các cổ đông ủng hộ một danh mục tài sản có rủi ro cao hơn nhằm thu về lợi nhuận cao hơn.
Một trong những chỉ số chính của vấn đề rủi ro đạo đức là chấp nhận rủi ro quá mức khi cho vay (Foos và các cộng sự, 2010; Zhang và các cộng sự (2016). Trong các nghiên cứu trước đây, nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng giải thích vấn đề rủi ro đạo đức.
Chẳng hạn như nghiên cứu của Foos và các cộng sự (2010) với mẫu nghiên cứu ở Mỹ, Canada, Nhật Bản và Châu Âu, các tác giả đã cho thấy rằng tăng trưởng tín dụng có thể dẫn đến sự gia tăng trong chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và nợ xấu, và điều này có tể làm suy giảm thu nhập từ lãi của ngân hàng cũng như tỷ lệ vốn ngân hàng.
Khi phân tích sâu hơn ở Châu Âu, Duran và Lozano - Vivas (2015) đã giải thích mẫu nghiên cứu các ngân hàng từ năm 2002 đến năm 2009, nhằm phân tích vấn đề dịch chuyển rủi ro trong các quy định để đánh giá xem liệu các quy định của Basel có phải là
tác nhân gây ra các vấn đề này hay không. Đầu tiên, các tác giả đã tìm thấy rằng Basel II có khả năng làm suy yếu động cơ rủi ro đạo đức. Thứ hai, bảo hiểm tiền gửi có thể tăng cường các động cơ của các ngân hàng có tỷ lệ vốn hóa thấp dịch chuyển rủi ro sang cho người gửi tiền. Cuối cùng, các ngân hàng có tỷ lệ vốn trên mức tối thiểu mà các Cơ quan thanh tra và giám sát đã quy định thì dường như không khuyến khích việc dịch chuyển rủi ro sang các chủ nợ. Cho nên, các ngân hàng có tấm đệm vốn tương đối cao thì sẽ cân nhắc nhiều hơn trong việc dịch chuyển rủi ro.
Tóm lại, các nghiên cứu trước đây dường như tìm thấy các kết quả nhấn mạnh được tầm quan trọng của vốn ngân hàng đối với hành vi của ngân hàng. Cụ thể, các ngân hàng có vốn hóa thấp dường như sẽ có mức nợ xấu cao hơn trong danh mục cho vay.
2.3.2 Mối quan hệ giữa vốn ngân hàng và rủi ro tín dụng dưới góc độ hành vi ngân hàng
Trong thời gian gần đây, các nghiên cứu thực nghiệm đã minh chứng cho việc các quy định của Basel có thể tác động đáng kể đến hành vi của ngân hàng cũng như rủi ro của ngân hàng. Theo đó, các quy định của Basel sẽ thắt chặt các quy định về hoạt động kinh doanh của các ngân hàng ở các quốc gia trên thế giới và do đó sẽ ngăn chặn các ngân hàng có hành vi chấp nhận rủi ro đối với rủi ro thanh khoản của ngân hàng cũng như rủi ro tín dụng. Điều này có thể giúp các ngân hàng cải thiện khả năng hấp thụ các cú sốc từ căng thẳng tài chính và kinh tế (Cosimano và Hakura (2011), Koudstaal và Van Wijnbergen (2012)). Hơn thế nữa, các quy định của Basel thắt chặt hơn về định nghĩa vốn ngân hàng và đòi hỏi các ngân hàng phải nắm giữ vốn ngân hàng nhiều hơn với một lượng tài sản tương ứng. Các nghiên cứu cho rằng việc tăng vốn chủ sở hữu của ngân hàng có thể mang đến nhiều lợi ích cho kinh tế vĩ mô do một tỷ lệ vốn ngân hàng càng cao sẽ có thể giảm tỷ lệ đòn bẩy của ngân hàng cũng như rủi ro phá sản của các ngân hàng (Admati và các cộng sự (2013)). Đồng thời, việc tăng vốn chủ sở hữu làm tăng tính
chịu trách nhiệm của chủ sở hữu, họ sẽ đưa ra tiêu chí chặt chẽ hơn khi chấp nhận khoản vay nên rủi ro thấp hơn.
Mặt khác, một số nghiên cứu lại cho rằng tăng vốn ngân hàng sẽ làm tăng rủi ro tín dụng. Cụ thể, theo Mishkin (1992), thì với lý thuyết “quá lớn để đổ vỡ” ông cho rằng ngân hàng có quy mô lớn có xu hướng ỷ lại vào sự bảo hộ của Nhà nước nên tăng hành vi rủi ro. Còn theo Beck và các cộng sự (2004), các ngân hàng sẽ gánh chịu chi phí tương đối cao có liên quan đến việc thực hiện các quy định của Basle khi nâng vốn ngân hàng.
Để bù đắp các khoản chi phí này, các ngân hàng sẽ có hành vi nâng lãi suất cho vay áp dụng cho các khách hàng và điều này có thể làm giảm tăng trưởng tín dụng cũng như trì trệ tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế. Đồng thời, Barth và các cộng sự (2004) đã thực hiện nghiên cứu ở 107 quốc gia để đo lường mối quan hệ giữa các quy định của Basel và sự phát triển của ngành ngân hàng. Một trong những kết quả mà các tác giả tìm thấy đó là các quy định về vốn nghiêm ngặt hơn có tương quan âm với tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng, nói cách khác, các quy định về vốn nghiệm ngặt sẽ làm giảm rủi ro của ngân hàng (Barth và các cộng sự (2004)).