Vướng mắc trong vấn đề thời hạn tạm giam

Một phần của tài liệu biện pháp tạm giam trong luật tố tụng hình sự và thực tiễn áp dụng 9đ (Trang 33 - 36)

II. THỰC TRẠNG ÁP DỤNG BIỆN PHÁP TẠM GIAM

1. NHỮNG VƯỚNG MẮC VÀ BẤT CẬ P:

1.2. Vướng mắc trong vấn đề thời hạn tạm giam

Theo quy định của BLTTHS năm 2003 thì tạm giam được áp dụng trong các giai đoạn: điều tra, truy tố, xét xử. Thời hạn tạm giam bị can, bị cáo được quy định theo những căn cứ khác nhau phụ thuộc vào từng giai đoạn tố tụng để đảm bảo cho cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đúng nhiệm vụ của mình.

1.2.1. Trong giai đoạn điều tra :

- Khoản 1, khoản 2 điều 120 BLTTHS 2003 :

1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.”

Như vậy, đối với loại tội phạm ít nghiêm trọng, thời gian để tạm giam là không quá hai tháng và có thể gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng. Tổng cộng, tổng thời hạn để tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng là không quá ba tháng. Tương tự, tổng thời hạn tạm giam đối với tội phạm nghiêm trọng là sáu tháng; đối với tội rất nghiêm trọng là chín tháng; đối với tội đặc biệt nghiêm trọng là mười sáu tháng.

- Khoản 1 và 2 điều 119 BLTTHS năm 2003 :

“1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

2. Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.

Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng và lần thứ hai không quá hai tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.”

Tương tự, ta có thể tính được tổng thời hạn điều tra đối với tội phạm ít nghiêm trọng là bốn tháng; đối với tội phạm nghiêm trọng là tám tháng; đối với tội phạm rất nghiêm trọng là mười hai tháng; đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là mười sáu tháng.

Từ những tổng hợp nêu trên, ta dễ dàng nhận thấy chỉ có loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có tổng thời hạn điều tra và tổng thời hạn tạm giam bằng nhau, các loại tội phạm còn lại đều có tổng thời hạn tạm giam ngắn hơn tổng thời hạn điều tra. Vì mục đích của biện pháp tạm giam là bảo đảm cho việc điều tra nên việc BLTTHS không quy định thời hạn tạm giam bằng thời hạn điều tra đối với ba loại tội phạm đầu tiên sẽ gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan điều tra chỉ còn cách đẩy nhanh quá trình điều tra cho kịp thời hạn tạm giam, vì thế rất dễ dẫn đến những sơ sẩy, thiếu sót và sẽ có những kết luận sai lệch. Nếu vụ án diễn biến phức tạp thì sẽ rất khó cho cơ quan điều tra vì thời hạn tạm giam đã hết trong khi việc điều tra vẫn chưa hoàn thành. Lúc đó, các cơ quan điều tra buộc phải trả tự do cho bị can. Việc điều tra của cơ quan sẽ càng thêm khó khăn. Trong một vài trường hợp, việc trả tự do cho bị can còn gây nghi ngờ trong dư luận nhân dân.

1.2.2. Trong giai đoạn truy tố : Khoản 1, điều 166 BLTTHS 2003 quy định :

“1. Trong thời hạn hai mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng,

kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong những quyết định sau đây:

a) Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng; b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.”

Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn, nhưng không quá mười ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; không quá mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng; không quá ba mươi ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Ở đây có thể đặt ra một vấn đề là nếu thời hạn tạm giam đã hết và đến ngày cuối cùng của thời hạn truy tố, Viện Kiểm sát ra quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng hoặc trả hồ sơ về để điều tra lại thì có trả tự do cho bị can được hay không? Câu trả lời là tùy vào từng trường hợp cụ thể. Có trường hợp bị can sẽ được trả tự do, nhưng cũng có trường hợp vì sợ bị can trốn hoặc tiếp tục phạm tội... nên không thể trả tự do cho bị can được. Bị can không đủ điều kiện để được tại ngoại thì phải tiếp tục bị tạm giam, nhưng trong các quy định của Pháp luật, những căn cứ để tiếp tục tạm giam đối tượng lại không được đề cập đến. Đây là nguyên nhân gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến rất nhiều điều không hay xảy ra trong quá trình thi hành nhiệm vụ của cơ quan tố tụng, làm chậm trễ thời gian giải quyết vụ án.

Một phần của tài liệu biện pháp tạm giam trong luật tố tụng hình sự và thực tiễn áp dụng 9đ (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(49 trang)
w