Quyền con người, quyền công dân của những đối tượng bị tạm giam

Một phần của tài liệu biện pháp tạm giam trong luật tố tụng hình sự và thực tiễn áp dụng 9đ (Trang 28 - 33)

II. THỰC TRẠNG ÁP DỤNG BIỆN PHÁP TẠM GIAM

1. NHỮNG VƯỚNG MẮC VÀ BẤT CẬ P:

1.1. Quyền con người, quyền công dân của những đối tượng bị tạm giam

Quyền con người là một giá trị nhân loại, đồng thời có tính lịch sử hình thành trong cuộc đấu tranh giai cấp và được bổ sung mới qua các thời đại khác nhau. Định nghĩa về “quyền” trong Từ điển tiếng Việt 1992 như sau: “Quyền là điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho được hưởng, được làm, được đòi hỏi”. Từ định nghĩa trên, ta có thể hiểu

quyền con người là những điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho mỗi con người được hưởng, được làm, được đòi hỏi.” Quyền con người được đặt trong mối quan hệ tương ứng với nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với xã hội và được giải quyết trên cơ sở đảm bảo lợi ích xã hội. Bảo đảm quyền con người là bảo đảm dân chủ, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực pháp luật Nhà nước cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Việc bảo đảm quyền con người phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng… trong đó Nhà nước bảo đảm về mặt pháp lý, các cơ quan tố tụng đảm bảo thực thi pháp luật có hiệu quả là vấn đề cực kì quan trọng. Đối với người bị tạm giam ở nước ta hiện nay, việc đảm bảo quyền con người vẫn đang là một vấn đề gây tranh cãi.

Tạm giam là một biện pháp ngăn chặn nhằm hạn chế quyền công dân, quyền con người của đối tượng bị tạm giam. Trên lý thuyết, các biện pháp ngăn chặn được đưa ra nhằm bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nhưng khi áp dụng cũng rất dễ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giam. Trong thực tế, có không ít những trường hợp bắt người

tùy tiện, bắt oan người không có tội, tạm giam quá thời hạn, không đúng theo trình tự, thủ tục được quy định trong pháp luật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đôi khi gây hậu quả nghiêm trọng. Một vài trường hợp cụ thể mà truyền thông đã đưa tin như sau:

Hai chị em cô Hắc Thị Bạch Tuyết và cô Hắc Thị Bạch Thủy ở Bình Thuận bị chủ tiệm vàng Mỹ Kim nghi ngờ tráo vàng giả nên đã đưa hai chị em lên công an thị trấn Chợ Lầu. Được công an cho phép, chủ tiệm vàng đã tự tiện giữ chị em cô Tuyết và Thủy từ 16 giờ ngày 21/1/2006 đến 2 giờ ngày 22/1/2006, thậm chí còn có hành vi xâm hại thân thể, danh dự, nhân phẩm của hai chị em”.

“Ngày 18/2/2006, tại quán bia trên đường Mạc Đĩnh Chi, Quận 1, TP.HCM đã xảy ra một hình ảnh phản cảm, trái quy tắc, đạo đức khiến rất nhiều người chứng kiến bất bình. Khoảng ba, bốn người có thể đang thi hành nhiệm vụ dẫn giải một người bị còng tay từ trên xe ô tô xuống. Mọi người ngồi vào bàn ăn, người thanh niên ngồi cạnh bị còng tay vào chân ghế gỗ”.

“Gia đình bà Vuốt có hai con tên là Quý và Sửu cư ngụ tại xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Chị Toan vợ của anh Quý bị Nguyễn Tùng Lâm trên ghẹo và chặn đánh. Chồng của bà Vuốt là ông Chứ cũng bị Lâm hành hung. Khoảng 21 giờ 30 phút tối hôm đó, Lâm cùng vài chục người bao vây nhà của gia đình bà Vuốt ném gạch đá và dùng kiếm đâm thủng cửa nhà. Ông Chứ ném gạch xuống không cho Lâm và đồng bọn tới gần. Ngày hôm sau người nhà Lâm đến bắt đền ông Chứ vì đã làm gãy hai cái răng của Lâm và đòi bồi thường mỗi cái hai triệu đồng. Hai bên lời qua tiếng lại, sau đó vụ việc được đưa đến cơ quan pháp luật. Sáng ngày 25/10/2005, anh Quý đến trụ sở công an huyện Yên Mỹ theo giấy triệu tập và bị bắt giam tại trại tạm giam công an tỉnh Hưng Yên, mãi tới 22 giờ cùng ngày công an huyện mới thông báo cho gia đình bà Vuốt. Trước đó, ngày 20/6/2005, anh Sửu (em trai anh Quý) đang lao động tại trại nuôi lợn thì bị ba công an huyện mặc thường phục áp giải thẳng lên trụ sở công an huyện Yên Mỹ bắt tạm giam”.

Việc bắt giữ người sai quy định, trình tự thủ tục đã xảy ra ở nhiều địa phương, gây nên sự bất bình trong xã hội. Trong trường hợp của hai chị em cô Tuyết - Thủy, cơ quan cấp dưới đã vi phạm quy định về tạm giam, không thông báo cho cấp trên khi bắt người, xử lý vụ việc tùy tiện, không đúng pháp luật, làm xâm hại đến quyền tự do, danh dự và nhân phẩm của con người. Vụ việc vi phạm pháp luật đáng tiếc trên xảy ra là do sự bất cẩn và thiếu chuyên môn của người thi hành công vụ. Đối với người thanh niên bị áp giải vào quán bia, ta thấy rõ quyền lợi hợp pháp của người bị dẫn giải đã bị xâm hại nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến người bị dẫn giải. Thêm vào đó, một số cán bộ khi thi hành công vụ đã không giữ đúng nề nếp, tác phong công an nhân dân. Với hành động đó, họ không chỉ coi thường quyền lợi của người bị dẫn giải mà còn cả dư luận xã hội. Việc bắt giữ người tùy tiện, không đúng trình tự thủ tục luật định như trong tình huống thứ ba cũng bắt nguồn từ sự non kém về chuyên môn của người thi hành công vụ. Họ đã vi phạm các quy định của Luật Tố tụng Hình sự về việc bắt, giam giữ người: không có lệnh bắt, không tôn trọng trình tự thủ tục khi bắt, thực hiện việc bắt người khi không có sự chứng kiến của chính quyền, không lập biên bản khi bắt. Tất cả những việc làm trên gây tổn hại nghiêm trọng quyền con người, quyền công dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Việc áp dụng biện pháp tạm giam oan, sai ở nước ta hiện nay không nhiều, nhưng vẫn là một thực trạng gây bất bình trong xã hội. Một vài trường hợp, việc tạm giam sai đối tượng còn gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp của thầy giáo Nguyễn Minh Hoàng là một ví dụ tiêu biểu.

“Nguyễn Minh Hoàng là giáo viên ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Một lần đi dự tiệc, do uống bia nhiều nên thầy bị té xe và bị bầm tay. Cũng trong ngày hôm đó, tại nhà vợ chồng anh Hùng, chị Đôi xảy ra một vụ đánh nhau. Nghe tiếng cãi vã, bà Hum và con trai là Đức chạy sang. Bất ngờ, một bóng đen dùng gậy đánh bà Hum và Đức ngất xỉu sau đó bỏ chạy. Sau khi giám định, anh Hùng bị thương tật 4%, chị Đôi 10%, bà Hum 10%, anh Đức 8%. Một tuần sau thì thầy giáo Hoàng được mời lên cơ quan điều tra. Tới nơi thì có đủ công an tỉnh, công an huyện, công an xã chờ sẵn, chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì họ gọi

thầy là tên giết người cướp của, sau đó thoăn thoắt cởi hết đồ của thầy rồi đưa lên xe chở thẳng về nơi giam giữ. Thầy Hoàng bị giam giữ sáu tháng vì có các yếu tố gần giống với lời khai mà các nạn nhân kể lại”.

Rõ ràng, hành động trên của công an tỉnh Trà Vinh là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Điều 9 BTLLHS quy định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”. Cơ quan công an thực hiện lệnh bắt nhưng không thông báo lý do bắt cho đối tượng biết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm giáo viên bằng lời nói “tên giết người cướp của” và hành động “cởi hết quần áo”.

Một vấn đề bất cập nữa vẫn hay xảy ra ảnh hưởng đến lợi ích của đối tượng bị tạm giam chính là môi trường tạm giam. Theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 89/1998/NĐ-CP về quy chế tạm giữ, tạm giam thì diện tích tối thiểu cho một người bị tạm giam là 2m2. Nhưng thực tế, những bị can, bị cáo chịu án tạm giam không được ở trong môi trường đã được quy định. Diện tích phòng giam quá chật hẹp khiến đối tượng bị ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của bản thân. Thậm chí nhiều trường hợp, bị can, bị cáo còn chết trong phòng tạm giam do bệnh tật, tâm lý không ổn định dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ. Hiện nay, do cơ sở hạ tầng không tốt, nhiều trại tạm giam lâm vào tình cảnh quá tải. Thêm vào đó, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, vệ sinh không đảm bảo, vật dụng sinh hoạt cho người bị tạm giam còn thiếu rất nhiều, vấn đề về y tế và sức khỏe của bị can, bị cáo chưa được quan tâm nhiều. Những điều này làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người bị tạm giam và không đảm bảo chính sách nhân đạo trong công tác giam giữ. Chẳng hạn, trại tạm giam của Công an Thành phố Hà Nội có diện tích đủ để tạm giam 2500 người nhưng lúc nào trại tạm giam cũng vào khoảng 7000 đến 7500 người. Con số trên cao hơn tiêu chuẩn của trại rất nhiều. Tình trạng quá tải ở trại tạm giam lại dẫn đến một vấn đề khác: tạm giam chung những người trong cùng một vụ án; giữa những người thành niên và chưa thành niên; giữa người bị tạm giam và người bị phạt tù. Việc này dẫn đến rất nhiều điều không hay, vì trên lý thuyết, các loại đối tượng khác nhau phải bị giam ở những buồng giam riêng biệt. Nếu những người ở trong cùng vụ án bị giam chung

với nhau, nhiều khi sẽ dẫn đến tình trạng thông đồng, thông cung gây khó khăn cho việc điều tra, xét xử. Người chưa thành niên là đối tượng hình sự được quan tâm đặc biệt, nhận được nhiều ưu đãi hơn so với người thành niên, nên việc giam chung sẽ không đảm bảo tính công bằng cho cả hai loại đối tượng. Hơn nữa, người chưa thành niên còn có thể bị ảnh hưởng xấu từ người thành niên do môi trường sinh hoạt không tốt.

Tại một số trại tạm giam, tình trạng chia bè phái, băng đảng của một số đối tượng xấu, gây náo loạn, ẩu đả, mất trật tự trong trại giam, ảnh hưởng đến tâm lý của các bị can, bị cáo. Vấn đề bị cáo chết trong trại tạm giam gia tăng nhanh và cần được quan tâm. Ngoài ra, ở trại tạm giam hiện nay thiếu cán bộ nữ làm công tác quản giáo nên gây nhiều bất tiện trong công tác quản lý, nhất là với đối tượng bị tạm giam là nữ giới. Hiện nay, do cơ sở hạ tầng không đảm bảo và sự thiếu trách nhiệm của những cán bộ ở trại tạm giam, nhiều bị can, bị cáo đã trốn khỏi trại tạm giam. Không chỉ gây khó khăn cho cơ quan tố tụng trong việc xử lý vụ án, điều đó còn gây hoang mang, lo ngại trong quần chúng nhân dân. Theo thống kê của Viện Kiểm sát TP.HCM, năm 2009 số bị can, bị cáo bỏ trốn khỏi trại tạm giam là 10 đối tượng, năm 2010 là 9 đối tượng.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến việc tạm giam xảy ra nhiều bất cập trong thực tế. Thứ nhất là do trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ trong các cơ quan tố tụng còn thiếu sót, hạn chế, ý thức pháp luật chưa cao. Quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, tiến hành tố tụng… luôn luôn cần phải được đảm bảo làm theo trình tự, thủ tục đã được pháp luật quy định sẵn. Các quy định pháp luật cần phải được áp dụng một cách chính xác, không được tùy tiện.

Việc vận dụng các quy định của pháp luật một cách thiếu chính xác đã dẫn đến những hoạt động tùy tiện, trái pháp luật xâm hại đến quyền con người, lợi ích hợp pháp của công dân. Chính vì thế, để đảm bảo quyền con người, quyền công dân của những người bị tạm giam, các cơ quan có thẩm quyền cần phải nhận thức rõ được ý nghĩa của các biện pháp ngăn chặn nói chung và biện pháp tạm giam nói riêng. Việc này sẽ làm tăng uy tín

của Nhà nước, của các cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng, đồng thời tránh gây thiệt hại cho xã hội. Áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam giúp công việc điều tra, tố tụng trở nên dễ dàng hơn, nhưng cũng phải đảm bảo cho những đối tượng bị tạm giam có được quyền lợi của mình.

Một phần của tài liệu biện pháp tạm giam trong luật tố tụng hình sự và thực tiễn áp dụng 9đ (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(49 trang)
w