Pháp luật các nước theo truyền thống civil law

Một phần của tài liệu Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật Việt Nam (Trang 31 - 34)

CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ LỖI TRONG TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

1.4. Quy định của pháp luật về lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong luật một số nước

1.4.1. Pháp luật các nước theo truyền thống civil law

Pháp luật của các nước Châu Âu lục địa coi lỗi của người vi phạm là điều kiện cơ bản của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong luật của Pháp còn được gọi là “responsabilité civile délictuelle” (nguyên nghĩa: Trách nhiệm dân sự do gây thiệt hại). Nguyên tắc chung của trách nhiệm này xuất phát từ Điều 1382 BLDS của Pháp, điều này quy định như sau: “Bất cứ ai làm việc gì gây thiệt hại cho người khác thì người đó phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra”. Điều 1383 còn quy định: “Mỗi người chịu trách nhiệm về thiệt hại do bản thân đã gây ra, không những bởi việc làm mà còn bởi sự cẩu thả và thiếu thận trọng của mình”. Như vậy, việc không hành động khi cần thiết phải hành động có thể là yếu tố làm phát sinh thiệt hại và do vậy kéo theo trách nhiệm dân sự.Cho dù là hành động (action) hay không hành động (omission), sự việc phát sinh thiệt hại phải mang đặc tính có lỗi (caractère fautif). Đặc tính này tạo thành lỗi dân sự (faute civile) và lỗi này có thể là cố ý hay không cố ý.

Lỗi trong pháp luật dân sự Pháp dùng để chỉ không những trạng thái tâm lí của con người đối với hành vi của mình và hậu quả của hành vi đó mà còn chỉ chính hành vi có lỗi (acte fautif).

Như vậy theo pháp luật dân sự Pháp, sự việc phát sinh thiệt hại là do lỗi và lỗi được đặt ra trong các trường hợp sau:

- Hành vi được thực hiện với ý định gây thiệt hại hoặc hành vi không có ý định gây thiệt hại nhưng được thực hiện do thiếu thận trọng.

- Sự lạm dụng quyền dân sự (abus de droit). Đây là trường hợp người nào đó sử dụng các quyền dân sự của mình với mục đích duy nhất để cản trở và gây thiệt hại cho người khác. Ví dụ: Một người cho xây dựng trên phần đất của mình bức tường vô ích với mục đích che bớt ánh sáng của nhà hàng xóm.

- Sự sơ ý (négligence) hay thiếu thận trọng (imprudence) hoặc thậm trí không hành động (abstention) vào thời điểm những hành vi này gây ra thiệt hại.

Theo BLDS Đức, trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng của Đức được quy định ở các điều từ Điều 823 đến Điều 853 BLDS Đức. Khoản 1 Điều 823 quy định: người nào, cố ý hoặc bất cẩn, mà gây thiệt hại cho tính mạng, cơ thể, sức khoẻ, tự do, tài sản hoặc quyền của người khác thì có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại đối với thiệt hại phát sinh từ hành vi đó. Khoản 2 Điều 823 quy định một người phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người khác trong trường hợp anh ta vi phạm một luật để bảo vệ một người nào đó, ví dụ như vi phạm Bộ luật hình sự. Điều 826 quy định: một người cố ý hoặc vô ý làm trái với chính sách công gây thiệt hại cho người khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Điều kiện để áp dụng Điều 823 Khoản 1 đó là: có hành vi vi phạm (hành vi thực hiện hoặc không thực hiện) dẫn đến việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe tài sản… của người khác; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại phát sinh; hành vi vi phạm phải trái pháp luật và có thiệt hại phát sinh (quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại phát sinh).

Đối tượng được bảo vệ theo Điều 823 bao gồm: tài sản, tính mạng, sức khoẻ, thân thể (giống Điều 604 BLDS Việt Nam), tự do của con người (đối tượng bị bắt nhốt, giam) và quyền.

Theo BLDS Đức, lỗi dựa trên việc xem xét người có hành vi đó có năng lực hay không (Điều 827, 828 BLDS Đức). Nếu một người bị rơi vào tình trạng vô thức có hành vi gây hại cho người khác thì có nghĩa là họ đã không làm chủ được hành vi của mình nên không có lỗi và không bị chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu người đó tự uống rượu, bia gây lỗi thì phải chịu trách nhiệm Theo quy định của Đức thì phải tự bản thân anh ta uống bia, rượu mới phải chịu trách nhiệm. Theo quy định của Điều 828 BLDS Đức thì: trẻ

em chưa đủ 7 tuổi không phải chịu trách nhiệm cho thiệt hại mà mình gây ra cho người khác (khoản 1); trẻ em từ 7 đến 10 tuổi khi tham gia giao thông không phải chịu trách nhiệm cho thiệt hại mà họ gây ra trừ trường hợp họ cố ý gây hại (khoản 2); người chưa đến 18 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình khi họ ý thức được hành vi của họ (khoản 3). Quy định này tạo ra sự khác biệt lớn trong pháp luật về bồi thường thiệt hại của Đức và của Việt Nam, BLDS năm 2015 của Việt Nam quy định về cơ bản, dù người gây thiệt hại ở độ tuổi nào thì người bị thiệt hại vẫn được bồi thường (người có trách nhiệm bồi thường có thể chính là người gây ra thiệt hại, có thể là cha mẹ, người giám hộ của người gây ra thiệt hại nếu người gây ra thiệt hại dưới 15 tuổi, mất năng lực hành vi dân sự… và không có tài sản để bồi thường). Có thể thấy, quy định của mỗi nước đều có điểm tiến bộ nhất định, song, quy định của BLDS năm 2015 của Việt Nam sẽ đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại và đề cao trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ.

Tương tự pháp luật dân sự Thái Lan và Nhật Bản cũng đều đề cập đến lỗi trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Mặc dù pháp luật của các nước nói trên không định nghĩa khái niệm lỗi, nhưng có quy định các hình thức lỗi khác nhau: Cố ý và vô ý. Để phân biệt các hình thức lỗi, người ta sử dụng tiêu chí là mức độ quan tâm chu đáo mà người có nghĩa vụ cần phải thể hiện khi thực hiện nghĩa vụ. Ở đây các nhà làm luật không nói đến khả năng của một người có nghĩa vụ cụ thể mà chỉ nói đến những tiêu chuẩn trừu tượng: Đó là sự thể hiện sự quan tâm lo lắng phù hợp với tập quán lưu thông dân sự hoặc đặc trưng của người chủ cần mẫn.

Đặc điểm chung của pháp luật các nước Châu Âu lục địa là trao cho các bên của quan hệ nghĩa vụ quyền tự xác định cơ sở miễn trừ trách nhiệm dân sự.

Tuy nhiên theo nguyên tắc thì thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm dân sự của các bên do lỗi cố ý được coi là không có hiệu lực. Ví dụ: Mục 276 BLDS Đức.

Trong mọi trường hợp khi người vi phạm muốn được miễn trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ thì họ phải chứng minh rằng mình không có lỗi.

Theo nguyên tắc người vi phạm nghĩa vụ đạt được mục đích này chỉ trong trường hợp nếu họ chứng minh được rằng nghĩa vụ không được thực hiện do những yếu tố khách quan không phụ thuộc họ gây ra. Điều này có nghĩa là các yếu tố nói trên làm cho việc thực hiện nghĩa vụ trở thành không thể được.

Các yếu tố miễn trừ trách nhiệm dân sự của người vi phạm nghĩa vụ do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo pháp luật của các nước Châu Âu lục địa được gọi là yếu tố bất khả kháng.

Người vi phạm theo nguyên tắc được miễn trừ trách nhiệm nếu chứng minh được rằng việc thực hiện nghĩa vụ là hoàn toàn không thể được.

Một phần của tài liệu Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật Việt Nam (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)