Sự cố Formosa năm 2016

Một phần của tài liệu Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật Việt Nam (Trang 70 - 77)

CHƯƠNG 3: THỰC TIỄN ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ LỖI TRONG TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT

3.1. Thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

3.1.1. Sự cố Formosa năm 2016

Từ ngày 6/4/2016 cá ở một số lồng nuôi và cá tự nhiên chết hàng loạt tại khu vực biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) và sau đó lan ra vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Trên bờ biển Quảng Đông, Vũng Chùa có đến hàng trăm cá thể cá mú loại từ 40 – 50 kg trôi dạt vào bờ và chết. Hàng chục lồng cá của khoảng 60 hộ dân sống tại khu vực An Cư Đông, thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế có hiện tượng chết hàng loạt, nhiều nhất là ngày 15-4, một số ít chết trong ngày 16-4. Đến ngày 25/4, tỉnh Hà Tĩnh có 10 tấn, Quảng trị 30 tấn, đến ngày 29/4 Quảng Bình hơn 100 tấn cá biển bất ngờ chết dạt bờ. Thảm họa này gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của ngư dân, đến những hộ nuôi thủy sản ven bờ, ảnh hưởng đến du lịch biển và cuộc sống của cư dân miền Trung. Chỉ riêng tỉnh Quảng Bình có 18 xã chuyên làm nghề biển với hơn 14.000 hộ và 24.000 lao động nghề biển.

Sáng 26-4, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có kết quả phân tích mẫu nước lấy tại khu vực đầm Lăng Cô và cửa biển Lăng Cô, thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc vào thời điểm xuất hiện cá nuôi lồng chết hàng loạt. Kết quả cho thấy các thông số gồm tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Kết quả này cũng chỉ ra rằng nguyên nhân cá biển, cá nuôi chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh - chất độc trong môi trường nước xuất hiện từ phía bắc của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tại một buổi tiệc khai trương nhà hàng vào ngày 21/4 ở xã Phúc Trạch huyện Bố Trạch (Quảng Bình) với khoảng 200 người đến tham dự, hầu hết

những người có mặt sau khi ăn các món ăn hải sản, được mua từ huyện Quảng Trạch, về đều bị đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy. 21 người đã phải được đưa tới điều trị tại trạm y tế.

Ngày 22/4, sau khi hoàn tất việc khảo sát, lấy mẫu nước, đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên - môi trường do tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài dẫn đầu đã đến kiểm tra trực tiếp tại Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và tại Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh). Ngày 26/4, một bản kiến nghị đăng trên trang web “We the People” của Nhà Trắng, đề nghị chính phủ liên bang Mỹ hỗ trợ người dân Việt Nam bằng cách cung cấp đánh giá độc lập về tác động môi trường của nhà máy thép [Formosa].

Chúng tôi cũng đề nghị Tổng thống Obama nêu vấn đề này với chính phủ Việt Nam trong chuyến thăm vào tháng 5". Tính tới tối 3/5, có hơn 138.000 người đã ký. Con số trên lớn hơn nhiều so với con số tối thiểu 100.000 chữ ký để Nhà Trắng phải lên tiếng.

Hàng ngàn người dân Việt Nam ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều thành phố, địa phương trong cả nước đã xuống đường biểu tình phản đối vụ cá chết hàng loạt và gửi đơn khởi kiện Formosa đòi bồi thường hại.

Báo cáo của Bộ Y tế được công bố sáng thứ Ba 20/9, từ 1.340 mẫu hải sản lấy từ bốn tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế) bị ảnh hưởng vì vụ cá chết hàng loạt. Cá sống ở các “tầng nổi” và

“hải sản tại đầm nuôi” được cho là “đều đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Không có mẫu nào phát hiện có Phenol”. Tuy nhiên, báo cáo này cũng nói “hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý đã phát hiện 132/1.040 mẫu hải sản của 4 tỉnh có Phenol” và “đều nằm trong vùng từ 5 - 25 km (tương đương với khoảng từ 2,7- 13,5 hải lý) với tỉ lệ mẫu nhiễm cao nhất tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và thấp nhất tại biển Lăng Cô - Thừa Thiên Huế”.

Cuộc điều tra sau đó cho thấy, nguồn thải lớn từ tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh chứa độc tố tạo thành một dạng phức hợp, di chuyển vào Nam làm hải sản ở tầng đáy biển chết, là nguyên nhân gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển này. Vào lúc 17 giờ chiều ngày 30 tháng 6 năm 2016, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng làm hải sản chết tại các tỉnh miền Trung. Theo đó, "Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan đã kiểm tra và phát hiện Formosa có hành vi vi phạm xả thải nước từ công ty ra biển có chứa độc tố, vượt quá mức cho phép. Từ căn cứ trên, các bộ, ngành cơ quan Việt Nam đã thẩm định kỹ lưỡng, có sự tham gia của các nhà khoa học kết luận: Formosa là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường làm hải sản chết bất thường". Công ty Formosa đã nhận trách nhiệm và cam kết 5 điểm với các nội dung:

- Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

- Bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD và cam kết chuyển tiền bồi thường làm 2 lần. Lần đầu vào ngày 28 tháng 7, Formosa đã chuyển 250 triệu USD và lần 2 vào ngày 30 tháng 8 Formosa đã chuyển 250 triệu USD còn lại, hoàn thành việc chuyển 500 triệu USD bồi thường như cam kết.

- Cam kết hoàn thiện công nghệ sản xuất để xử lý triệt để chất thải trước khi thải ra môi trường, không để tái diễn sự cố môi trường.

- Phối hợp bộ ngành Việt Nam xây dựng giải pháp đồng bộ để phòng chống ô nhiễm.

- Thực hiện đúng cam kết nêu trên, không tái diễn vi phạm

Chính phủ Việt Nam cho rằng chất thải mà nhà máy Formosa tại Hà Tĩnh thừa nhận thải ra biển tác động đến cuộc sống của hơn 200 ngàn người

dân, trong đó có 41 ngàn ngư dân. Ô nhiễm chất thải từ công ty Formosa dọc theo bờ biển miền Trung hồi tháng 4 đã gần như hoàn toàn phá hủy ngành du lịch của khu vực khi doanh thu từ du lịch giảm tới 90%. Theo khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có đến 263.000 lao động chịu ảnh hưởng, trong đó 100.000 chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng rất lớn tại bốn tỉnh, trong đó lớn nhất là Hà Tĩnh (15,7 lần) rồi đến Quảng Bình (7,9 lần), Quảng Trị (2,8 lần) và Thừa Thiên-Huế (1,6 lần). Số người đánh bắt thủy sản ở Hà Tĩnh giảm 74% còn ở Quảng Bình 83,2% người dân bị giảm thu nhập so với thời điểm trước khi xảy ra sự cố.

Phân tích

Hành vi gây ô nhiễm môi trường là nguyên nhân làm ảnh hưởng xấu đến đời sống của con người và thiên nhiên. Hành vi gây ô nhiễm môi trường là hành vi có lỗi hoặc không có lỗi nhưng người có hành vi gây ô nhiễm môi trường phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi.

Về bản chất, tranh chấp về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường là tranh chấp ngoài hợp đồng, là tranh chấp giữa chủ thể có hành vi gây tổn hại tới môi trường, gây ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe, tài sản của chủ thể khác.

- Chủ thể có quyền đòi bồi thường thiệt hại là chủ thể bị xâm hại lợi ích hợp pháp.

Theo quy định của Điều 163 Luật bảo vệ môi trường 2014, các loại thiệt hại bao gồm: Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường và thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp khác. Theo quy định tại Điều 53 Hiến pháp 2013, Điều 200 Bộ luật dân sự 2005, các thành phần môi trường chủ yếu, trong đó có nguồn nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu và chức năng, tính hữu ích của môi trường

là một lợi ích công cộng mà người đảm bảo cho lợi ích này cũng là Nhà nước.

Như vậy, chủ thể có quyền đòi bồi thường trong trường hợp này là Nhà nước.

Đối với những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp thì chủ thể có có quyền đòi bồi thường là tổ chức, cá nhân bị thiệt hại.

Theo quy định tại các 160 Luật Bảo vệ môi trường 2014, Điều 624 Bộ luật dân sự 2005 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì chủ thể phải bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường khi thỏa mãn các yếu tố sau: i) có hành vi trái pháp luật; ii) có thiệt hại xảy ra và iii) có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp pháp luật. Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật dân sự, chủ thể gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại kể cả trong trường hợp không có lỗi.

Với việc Formosa hành vi trái pháp luật đã được chứng minh. Các thiệt hại về tài sản của người dân và sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của vùng biển 4 tỉnh miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh) và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra cũng đã được cơ quan khoa học chứng minh thông qua kết quả giám định. Trong trường hợp này, công ty Formosa đã có lỗi cố ý trong việc gây ra thiệt hại.

Như vậy, trong vụ việc này, chủ thể có quyền đòi bồi thường thiệt hại là Nhà nước và tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe do công ty Formosa có hành vi làm ô nhiễm vùng biển các tỉnh miền Trung.

- Vấn đề xác định thiệt hại

Điều 163 Luật bảo vệ môi trường đã liệt kê các loại thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 605 Bộ luật dân sự, theo đó, các thiệt hại phải được bồi thường đầy đủ và kịp thời, Bộ luật dân sự cũng quy định việc xác định thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe.. (từ Điều 608 đến Điều 612). Thiệt

hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được quy định tại Điều 164 Luật bảo vệ môi trường.

Theo quy định tại Điều 6 khoản 1, Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 132 Luật bảo vệ môi trường, Nghị quyết 04/2005 NQ – HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 17/9/2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự về chứng minh, chứng cứ thì các bên phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình. Chứng minh và đưa ra chứng cứ là quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tranh chấp. Do đó, các bên đều có quyền đưa ra những mức thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại khác nhau, phụ thuộc vào ý chí và các chứng cứ thu thập được. Một bên có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận mức độ thiệt hại do bên kia đưa ra. Trong trường hợp các bên không thống nhất được thì phải trưng cầu giám định.

Trong trường hợp phải trưng cầu giám định thì việc lựa chọn cơ quan giám định phải được sự đồng thuận của của bên đòi bồi thường và bên phải bồi thường. Trường hợp không thống nhất được thì việc chọn tổ chức giám định thiệt hại do cơ quan được giao trách nhiệm giải quyết việc bồi thường thiệt hại quyết định.

Theo những quy định này thì việc trưng cầu giám định thiệt hại trong

“sự cố formosa” cần có sự đồng thuận của bên bị thiệt hại (Cơ quan nhà nước đại diện cho lợi ích về môi trường, các hộ gia đình bị thiệt hại hoặc người đại điện theo ủy quyền của các hộ gia đình bị thiệt hại) và chủ thể gây hại - Công ty formosa. Trong trường hợp không thống nhất được thì cơ quan trưng cầu giám định thiệt hại là Tòa án nhân dân thụ lý, giải quyết tranh chấp này.

Những giám định thiệt hại không tuân thủ quy định này không trở thành chứng cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp nhưng có thể là căn cứ tham khảo khi các bên tự thương lượng.

Công ty formosa đã chấp nhận bồi thường cho những người nông dân tại tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế theo mức là 500 triệu USD và khoản tiền này đã được chuyển giao cho Chính Phủ để thực hiện việc bồi thường thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp không chấp nhận mức bồi thường trên.

Đối với thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, Điều 181 Bộ Luật tố tụng dân sự quy định không được hòa giải trong trường hợp yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước. Theo tinh thần của quy định này thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không được thỏa thuận về mức bồi thường với công ty Vedan mà phải khởi kiện tại tòa án.

Tuy nhiên vấn đề này lại không được đề cập đến khi yêu cầu công ty Formosa bồi thường thiệt hại.

Qua đây có thể thấy được rằng:

- Thứ nhất, cơ sở của việc giải quyết BTTH về môi trường chủ yếu dựa vào đơn thư khiếu tố của người dân đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại.

- Thứ hai, nội dung chủ yếu là giải quyết bồi thường thiệt hại đối với sức khỏe, tài sản của các tổ chức, cá nhân. Hầu như chưa có trường hợp nào giải quyết BTTH đối với môi trường tự nhiên.

- Thứ ba, việc định giá thiệt hại chủ yếu dựa trên mức độ gây hại nên việc xác định thiệt hại để bồi thường còn chưa thỏa đáng.

-Thứ tư, trong vụ việc trên có một phần lỗi do sự thiếu trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng lại không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước hay của cá nhân có hành vi trái pháp luật.

- Thứ năm, trong hầu hết các vụ việc xâm phạm môi trường xảy ra trên thực tế, khi bị phát hiện, bị nhân dân khiếu nại, thì thái độ đầu tiên và duy nhất của các doanh nghiệp đó là sự chối cãi, trốn tránh trách nhiệm. Đến

khi nào các cơ quan chức năng hoặc người dân đưa ra bằng chứng rõ ràng, cụ thể thì lúc đó họ mới “ậm ừ” thừa nhận. Tuy nhiên, từ lúc xác nhận hành vi đến khi họ đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một khoảng thời gian rất xa. Đồng thời, trước những người dân nghèo khổ, yếu thế và một hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, các cơ sở gây ô nhiễm này đã không ngần ngại lợi dụng những “cơ hội” để kèo nài “bớt một thêm hai” trên bàn thương lượng, và tìm mọi cách kéo dài thời gian, cho đến khi nào phía các nạn nhân mệt mỏi, chán nản với quá trình thương lượng, nên phải chấp nhận giá bồi thường rẻ mạt.

- Thứ sáu, mặc dù không đề cập đến lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường nhưng lỗi cũng là căn cứ để tăng nặng hay giảm nhẹ mức bồi thường đối với hành vi trái pháp luật của tổ chức, cá nhân gây thiệt hại. Thế nhưng trong vụ việc trên, lỗi của công ty Formosa lại không được đề cập tới dẫn tới mức bồi thường còn chưa thỏa đáng với thiệt hại của người dân.

Một phần của tài liệu Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật Việt Nam (Trang 70 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)