CHƯƠNG 3: THỰC TIỄN ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ LỖI TRONG TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT
3.2. Đánh giá các quy định của pháp luật về lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Hiện nay, cùng với sự phát triển của tình hình kinh tế xã hội thì những hiện tượng tiêu cực gây thiệt hại cho các chủ thể trong xã hội diễn ra ngày càng nhiều và đi liền với nó vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng được đặt ra. Sự ghi nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Bộ luật dân sự đã tạo ra cơ sở pháp lý cho các Toà án trong công tác xét xử những tranh chấp liên quan đến trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, góp phần quan trọng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong giao lưu dân sự.
Bộ luật Dân sự năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 24 tháng 12 năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017) (“BLDS 2015”) đã có nhiều sự thay đổi cơ bản liên quan đến chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, ở mức độ khái quát có thể thấy, các quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng vẫn tồn tại một số bất cập sau:
Thứ nhất, thiếu những chuẩn mực pháp lý để làm cơ sở viện dẫn khi giải quyết những vụ việc cụ thể trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Mặc dù đã bỏ lỗi trong căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng, nhưng lỗi cũng vẫn là yếu tố được xem xét để miễn hay giảm mức
trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hoặc dựa vào lỗi để xác định phần bồi thường thiệt hại của từng người trong trường hợp bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra,…
BLDS 2015 cũng như BLDS 2005 chi quy định về hình thức lỗi tại Điều 364 mà không hề đề cập đến mức độ lỗi. Biết rằng, theo nguyên tắc của trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời, không vì người gây thiệt hại có lỗi cố ý hoặc vô ý mà mức bồi thường tăng hay giảm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (Khoản 1 Điều 585 Bộ luật dân sự). Thế nhưng việc bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể, pháp luật lại quy định căn cứ vào mức độ lỗi để xác định mức tài sản mà người gây thiệt hại phải bồi thường.
Điều 587 Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây thiệt hại quy định:
Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại, thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi, thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.
Do pháp luật không quy định mức độ lỗi là gì và nó được hiểu như thế nào, do vậy khi giải quyết những tranh chấp cụ thể, thì cơ quan xét xử sẽ căn cứ vào đâu để giải quyết vụ việc? Trong lĩnh vực học thuật, các nhà nghiên cứu cũng đã xác định mức độ lỗi trong hình thức lỗi vô ý gồm: vô ý nặng và vô ý nhẹ. Trong khoa học hình sự, người ta còn phân biệt lỗi vô ý vì quá cẩu thả, vô ý vì quá tự tin để xác định hình phạt. Theo chúng tôi, pháp luật nên có quy định về mức độ lỗi trong Bộ luật Dân sự để các cơ quan, tổ chức mà trước hết là Toà án có căn cứ áp dụng trong việc giải quyết những tranh chấp đó do có hành vi gây thiệt hại ngoài hợp đồng [14, tr. 28-35].
Thứ hai, nội dung của điều luật vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý.
- Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa xác định cụ thể chủ thể phải bồi thường thiệt hại khi tài sản gây ra thiệt hại. Cách xác định chủ sở của tài sản gây thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành còn nhiều bất cập khi liên quan đến tài sản có đăng ký quyền sở hữu. Theo quy định của pháp luật thì thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu là thời điểm đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Do vậy, người nào đứng tên trên giấy tờ đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản được khẳng định là chủ sở hữu của tài sản và là người phải chịu trách nhiệm khi tài sản đó gây ra thiệt hại. Thực tiễn các giao dịch dân sự lại phát triển theo một chiều hướng khác, đó là nhiều tài sản có đăng ký quyền sở hữu như ô tô, xe máy, nhà cửa… được mua bán trao tay (không hợp đồng viết tay, cũng không sang tên) hoặc có lập hợp đồng mua bán, tặng cho, hay có sự kiện thừa kế theo pháp luật hay có di chúc nhưng tài sản đó lại chưa được làm thủ tục sang tên cho người mua, người được tặng cho, được thừa kế, thì chủ sở hữu đối với tài sản đó là người đang đứng tên trên giấy tờ sở hữu hay người mua, người được tặng cho, được thừa kế?
- Căn cứ miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định chung tại Khoản 2, Điều 584 BLDS 2015 gồm: trường hợp bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về bên bị thiệt hại. Thế nhưng, bản chất của pháp luật dân sự là tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên, vậy trong trường hợp các bên thỏa thuận không phải bồi thường thiệt hại thì có được xem là một căn cứ được miễn trách nhiệm bồi thường hay không?
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 594 và Điều 595 BLDS 2015, người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết thì không phải bồi thường thiệt hại, vậy tại sao không đưa hai trường hợp này vào phần quy định chung của Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng?
Mặt khác, một số điều luật về bồi thường thiệt hại trong trường hợp cụ thể lại không quy định căn cứ miễn bồi thường như: bồi thường thiệt hại do cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng hay súc vật gây ra,… làm cho người vận dụng phải suy đoán chủ quan dẫn đến sự không thống nhất trong xét xử.
- Chưa có cơ chế hỗ trợ để bảo vệ người bị thiệt hại khi tài sản gây ra thiệt hại là tài sản vô chủ.
- Chưa xác định rõ trách nhiệm bồi thường của các cơ quan quản lý công trình công cộng, tài sản thuộc quyền sở hữu của Nhà nước (công trình xây dựng, cây xanh, cầu đường, đường dây điện thoại, đường dây tải điện, hố ga, tường bao, rào chắn, gia súc, thú dữ…). Đây là nguyên nhân khiến nhiều vụ việc liên quan đến tài sản của Nhà nước gây thiệt hại lớn cho nhân dân nhưng không được bồi thường hoặc được bồi thường nhưng không kịp thời và không thoả đáng. Ví dụ như: sập cầu ở tỉnh Cần thơ; sập trần thượng của khách sạn Hoàng Hà ở thành phố Đà nẵng; Đàn voi ở Bản Knông Đắc lắc làm hổng nhà, phá hoa màu, sập cầu treo Chu Va tại Lai Châu...
- Về điều kiện áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Hiện nay chưa có quy định nào phân định cụ thể: khi nào áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung và khi nào áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra dẫn đến có những cách hiểu và áp dụng không thống nhất trên thực tế. Thực tiễn cho thấy khi xét xử, nhiều trường hợp cứ thấy thiệt hại có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ là áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, bất kể nguyên nhân gây thiệt hại là do con người hay do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Thứ ba, các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Bộ luật dân sự không những mới chỉ dừng lại ở các quy định mang tính nguyên tắc mà còn tồn tại những khoảng trống chưa được điều chỉnh trước yêu cầu phát sinh trong thực tiễn.
Hiện nay, các quy định pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần do tài sản vô hình, đặc biệt đối với các đối tượng về sở hữu trí tuệ vẫn chưa được ghi nhận trong Bộ luật dân sự, các quy định liên quan tới cơ sở pháp lý nhằm xây dựng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với pháp nhân, tổ chức gây thiệt hại cho tới nay cũng chưa được ghi nhận. Tình trạng này gây ra rất nhiều khó khăn cho các thẩm phán trong công tác xét xử, đặc biệt đối với những vi phạm về môi trường. Hay trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ thuộc sở hữu chung của nhiều người trong đó có một người sử dụng rồi gây thiệt hại thì lỗi của các đồng sở hữu được phân tích ra sao?
Ngoài ra, quy định tại Khoản 2, Điều 584 BLDS 2015 chưa bao quát hết được những sự kiện khác có thể có trong việc gây thiệt hại đó khi quy định về trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường là lỗi hoàn toàn do người bị thiệt hại. Giả thiết rằng: người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi cố ý và người gây thiệt hại lợi dụng hoàn cảnh đã có lỗi cố ý để gây thiệt hại cho người đó, thì trách nhiệm đó có được coi là trách nhiệm hỗn hợp hay không? Trong trường hợp cụ thể này, người gây thiệt hại cũng có lỗi cố ý mà gây thiệt hại. Mặc dù vậy trường hợp này pháp luật chỉ quy định lỗi hoàn toàn thuộc về bên bị thiệt hại, mà không xác định trách nhiệm của người gây thiệt hại.