CHƯƠNG 3: THỰC TIỄN ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ LỖI TRONG TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT
3.3. Một số giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện các quy định về lỗi
3.3.1. Về khía cạnh lập pháp
Cần sửa lại cách sắp xếp các qui định trong Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo hướng chỉ đưa vào Bộ luật dân sự các qui định chung mang tính nguyên tắc về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và chuyển lên mục kế tiếp với mục trách nhiệm dân sự hoặc có thể ghép vào mục về trách nhiệm dân sự và sửa đổi, bổ sung một số qui
định như đã phân tích trên đây. Pháp luật bên cạnh yêu cầu cần có sự chi tiết cũng rất cần đưa vào những cơ sở pháp lý chung làm định hướng cho việc giải quyết những tình huống cụ thể [10]. Trong phần khái quát về lỗi nên có những nội dung sau:
+ Phải đưa ra khái niệm về lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, lỗi của cá nhân, lỗi của tổ chức là gì.
+ Cần có qui định về mức độ lỗi cụ thể cho phù hợp với qui định về trách nhiệm liên đới và về trách nhiệm hỗn hợp.
+ Cần phân định lỗi của từng chủ thể trong trách nhiệm bồi thường riêng rẽ, liên đới, hỗn hợp.
+ Quy định các trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong đó có vấn đề lỗi của người thứ ba, trong trường hợp phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết.
+ Cần khắc phục những quy định thiếu rõ ràng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật liên quan đến tài sản gây ra và trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại để tạo nên sự thống nhất trong quy định về thực tiễn áp dụng pháp luật, góp phần làm ổn định và lành mạnh hoá các quan hệ dân sự.
+ Pháp luật dân sự cần xác định rõ hai thời điểm liên quan đến việc xác định quyền sở hữu đối với tài sản, đó là thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản từ người bán, người tặng cho, người cho vay, người để lại di sản thừa kế cho những người mua, người được tặng cho, người vay, người được thừa kế là thời điểm có hiệu lực pháp lý của những giao dịch đó. Kể từ thời điểm đó thì người mua, người được tặng cho, được thừa kế đã có đầy đủ các quyền đối với tài sản cũng như phải chịu trách nhiệm đối với tài sản. Do vậy, người mua, người được tặng cho tài sản thông qua một giao dịch đã phát sinh hiệu lực, thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản đó gây ra
ngay cả khi chưa đứng trên chủ sở hữu trên giấy tờ đăng ký quyền sở hữu của tài sản. Thời điểm tiếp theo cần phải được xác định đó là thời điểm hoàn tất thủ tục sang tên cho người mua, người được tặng cho, được thừa kế. Kể từ thời điểm này, thì người mua, người được tặng cho, được hưởng thừa kế có quyền chính thức để xác lập các giao dịch chuyển quyền sở hữu tiếp theo trên tài sản đó. Như vậy, trong hai thời điểm trên, thì trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại được phát sinh kể từ thời điểm thứ nhất (thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản) chứ không phải là thời điểm sang tên đối với tài sản.
+ Cần định rõ trách nhiệm bồi thường của các cơ quan trực tiếp quản lý công trình công cộng, tài sản thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. VD:
Chi cục kiểm lâm tại các tỉnh, thành phố trực thuộc TW trực tiếp quản lý lâm sản trên địa bàn.
+ Cần có cơ chế hỗ trợ để bảo vệ người bị thiệt hại khi tài sản gây ra thiệt hại là tài sản vô chủ hay tài sản gây ra thiệt hại do sự kiện bất khả kháng.
+ Về các qui định trách nhiệm bồi thường do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:
Một là, không nên định nghĩa nguồn nguy hiểm cao độ theo hướng liệt kê mà chỉ cần xác định tiêu chí chung để được coi là nguồn nguy hiểm cao độ.
Hai là, cần có quy định rõ ràng về việc trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chỉ phát sinh khi thiệt hại là do sự tác động tự thân của nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Ba là, cần phân định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp chủ sở hữu đã chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng, cụ thể là trường hợp chuyển giao theo quan hệ lao động và chuyển giao theo quan hệ dân sự.
Bốn là, Pháp luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của
Nhà nước đối với những thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ trong tự nhiên gây ra cho các chủ thể khác; Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp cơ quan Nhà nước chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thuộc sở hữu của các cá nhân, tổ chức để phục vụ lợi ích công cộng như:
trưng dụng, tạm giữ…
+ Cần rà soát toàn bộ các qui định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong các lĩnh vực pháp luật khác nhau để tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm bảo đảm tính thống nhất với các qui định mang tính nguyên tắc trong Bộ luật dân sự.
+ Cần xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ, thống nhất hệ thống các văn bản pháp luật trên các lĩnh vực khác nhau như kinh tế, thương mại, lao động, môi trường... Trên cơ sở đó kết hợp cùng với các qui định của Bộ luật dân sự làm chuẩn mực pháp lý để đánh giá hành vi vi phạm pháp luật để xác định lỗi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh từ trong vài quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của các ngành luật đó.
+ Xây dựng hệ thống án lệ liên quan đến việc xác định lỗi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để các Tòa án làm căn cứ giải quyết các vụ việc tương tự. Án lệ xuất phát từ thực tiễn xét xử, từ các vụ việc thực tế nên được dùng để giải quyết các vụ việc xảy ra trên thực tế. Việc xây dựng và đưa vào sử dụng án lệ đối với các vụ án tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng sẽ là cơ sở cho các Tòa án giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời, thống nhất trong việc xác định lỗi, mức bồi thường…