PHẦN 2. CHĂM SÓC SỨC KHỎE BAN ĐẦU TẠI VIỆT NAM
III. Thực trạng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam
2. Các hoạt động y tế dự phòng, triển khai hiệu quả các dự án của chương trình mục tiêu quốc gia về y tế
2.1. Dự án phòng chống các bệnh truyền nhiễm
Thực hiện Chiến lược Quốc gia phát triển y tế dự phòng đến năm 2020, Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 tầm nhìn 2030, Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011–2015 và chiến lược phòng chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như sốt rét… và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về y tế giai đoạn 2012–2015 theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg năm 2012 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, ngành y tế đã đạt được những thành quả lớn trong công tác kiểm soát bệnh dịch. Ngành y tế đã bảo đảm duy trì kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc tiểu thành phần Dự án 1 và Chương trình tiêm chủng mở rộng thuộc Dự án 2 của Chương trình mục tiêu quốc gia về Y tế giai đoạn 2012–2015.
Không xảy ra trường hợp mắc bệnh tả, dịch hạch; giảm thiểu số ca mắc, tử vong do rubella, sốt rét, dại, liên cầu lợn ở người và không có dịch xảy ra; các bệnh thương hàn, viêm não vi rút, viêm màng não do não mô cầu, bệnh than được kiểm soát tốt với tỷ lệ mắc luôn giảm hơn các năm trước. Một số bệnh mới phát hiện như Hội chứng viêm da
dày sừng bàn tay, bàn chân tại Ba Tơ, Quảng Ngãi đã được kiểm soát kịp thời, không để xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng.
Ngành y tế cũng đã tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, các bệnh có vắc-xin dự phòng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi), tỷ lệ mắc giảm dần hằng năm;
triển khai tiêm chủng vắc-xin, tiêm chủng mở rộng (bao gồm cả tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi) luôn đạt trên 90%, hạn chế tối đa phản ứng sau tiêm. Ngành y tế cũng đã phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn luôn bảo đảm kiểm soát được tình hình cúm H5N1 và H1N1 không để dịch xảy ra; vận hành có hiệu quả hệ thống kiểm dịch biên giới (kiểm dịch y tế, kiểm dịch động vật).
2.2. Chương trình phòng chống lao quốc gia
Đã đạt được nhiều thành tựu trong kiểm soát bệnh lao tại Việt Nam theo kế hoạch đề ra. Năm 2013, Chương trình đã phát hiện trên 100.000 bệnh nhân lao. Chương trình chống lao đã bao phủ 100% vùng lãnh thổ; cải thiện hoạt động phát hiện với trọng tâm là chẩn đoán lao phổi AFB dương tính bằng kỹ thuật soi đờm trực tiếp, triển khai các hoạt động chẩn đoán lao trẻ em; áp dụng điều trị công thức 8 tháng có kiểm soát (DOTS) với phác đồ thứ nhất cho bệnh nhân lao mới đạt tỷ lệ khỏi bệnh cho bệnh nhân AFB dương tính trên 90% và phác đồ lao thứ hai cho bệnh nhân tái phát và thất bại với tỷ lệ khỏi đạt trên 80%.
2.3. Chương trình phòng chống HIV/AIDS
Chương trình phòng, chống HIV/AIDS được triểnkhai rộng rãi. Tính đến tháng 10/2014, trên toàn quốc có gần 90 000 người được điều trị ARV tại 318 phòng khám ngoại trú HIV/AIDS. Điều trị và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho khoảng 94 000 bà mẹ. Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đã triển khai ở 38 tỉnh/thành phố, với 122 cơ sở, điều trị cho hơn 22 000 bệnh nhân, mang lại hiệu quả rất lớn về sức khỏe, giảm lây nhiễm HIV, ổn định an ninh, trật tự xã hội và góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Chương trình phân phát bao cao su tiếp tục được triển khai ở 63 tỉnh, thành phố; chương trình phân phát bơm kim tiêm sạch triển khai ở 88% số tỉnh, thành phố. Công tác tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện đã được
mở rộng ở 485 phòng tư vấn tại 63 tỉnh và 84 phòng xét nghiệm HIV khẳng định được HIV dương tính tại 54 tỉnh thành phố, thành phố. Tổng số người được tư vấn và xét nghiệm HIV miễn phí là gần 2 triệu lượt người. Nhờ đó, trong nhiều năm liên tục, Việt Nam đã giảm được số người mới nhiễm HIV và chết do HIV/AIDS hằng năm.
2.4. Chương trình quốc gia An toàn thực phẩm
Thực hiện Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và Tầm nhìn 2030 theo Quyết định số 20/2012/ QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành y tế đã có những kết quả tiến bộ. Đến năm 2012, đã xây dựng được các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong đó đã ban hành được 50 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thực phẩm, trình công bố 35 TCVN về phương pháp thử. Thành lập được các Ban Chỉ đạo liên ngành tại cả 3 tuyến tỉnh (100%), huyện và xã (trên 99% số huyện và xã), tổ chức được các chương trình thử nghiệm thành thạo quốc tế cho các labo trung ương, khu vực và cho các labo tuyến tỉnh. Xây dựng hệ thống chứng nhận hợp quy cho 2 đơn vị:
Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm, Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm Quốc gia. Đặc biệt là đã giảm được các vụ ngộ độc tập thể và vẫn kiểm soát được số ca ngộ độc so với các năm trước.
Việc tăng cường và có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế với các ban ngành liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm: tỷ lệ cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm đã giảm từ 21,2% (2012) xuống còn 20,1% (2013), số mẫu được kiểm nghiệm đạt yêu cầu tăng từ 82,3% (2012) lên 88,8% (2013). Nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện kịp thời, xử lý kiên quyết và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm tiếp tục được tăng cường với nhiều giải pháp hữu hiệu, cùng với đó là việc đẩy mạnh giám sát mối nguy, cảnh báo nguy cơ qua việc chủ động lấy mẫu thực phẩm định kỳ, đột xuất để kiểm nghiệm, cảnh báo cho các ngành chức năng và công đồng, đã xử lý kịp thời, hiệu quả trên 20 sự cố về an toàn thực phẩm, tình hình ngộ độc thực phẩm trong năm 2013 giảm so với năm 2012.
2.5. Quản lý môi trường y tế
Bộ Y tế bắt đầu triển khai kế hoạch truyền thông cho Chương trình Mục tiêu quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015 và dự thảo Dự án vệ sinh nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015 có sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Ngân hàng thế giới. Xây dựng và triển khai Kế hoạch chương trình quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch công tác quản lý hóa chất gia dụng; hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế giai đoạn 2012-2015,
… Năm 2012, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 08/2012/TT-BYT hướng dẫn cấp phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Thông tư số 12/2012/TTLT/BLĐTBXH-BYT hướng dẫn việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động; Thông tư số 13/2012/TTLT/ BLĐTBXH-BYT hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại. Hiện Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư hướng dẫn kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt; Thông tư hướng dẫn kiểm tra, giám sát nhà tiêu hộ gia đình; Thông tư hướng dẫn quan trắc môi trường trong các cơ sở khám, chữa bệnh,…
2.6. Dân số-kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản
Triển khai các hoạt động, nhiều mô hình về DS-KHHGĐ nhằm đạt các chỉ tiêu về mức giảm tỷ lệ sinh (ước năm 2013 là 2,02 con, đạt mục tiêu duy trì mức sinh thay thế).
Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tiếp tục ở mức cao, ước năm 2013 là 69%. Ngày 1/11/2013 quy mô dân số đạt 90 triệu, chậm hơn 11 năm so với dự báo mục tiêu của Chiến lược dân số đến năm 2010.
Đã nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, giảm suy dinh dưỡng để thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ số 1, 4 và 5. Cụ thể là: tăng cường năng lực cho cán bộ y tế các tuyến thông qua tổ chức các khóa đào tạo về hồi sức cấp cứu sản khoa và sơ sinh thiết yếu cơ bản và toàn diện tại tuyến xã và tuyến huyện, hướng dẫn phá thai an toàn; triển khai đơn nguyên sơ sinh tại bệnh viện huyện, hướng dẫn xử trí các tai biến sản khoa; đào tạo và sử dụng cô đỡ thôn bản cho các vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và tập trung các can thiệp giảm suy dinh dưỡng thấp còi, suy dinh dưỡng ở vùng sâu, vùng xa.
Các chỉ tiêu cơ bản phản ánh chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em năm 2013 thực hiện đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra. Năm 2013, tỷ lệ phụ nữ có thai được quản lý thai là 96,6%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ≥ 3 lần trong 3 thời kỳ là 87,5%; tỷ lệ phụ nữ đẻ do cán bộ được đào tạo hỗ trợ là 97,7%; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được khám sau đẻ là 92,6%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể cân nặng/tuổi ước tính là 15,6%, giảm 0,6% so với năm 2012.
Sau 2 năm triển khai Dự án CSSKSS và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em thuộc CTMTQG về y tế, các hoạt động của Dự án đã được triển khai tại 55 tỉnh, thành phố, trong đó 37 tỉnh trọng điểm được triển khai các nội dung chủ yếu của công tác CSSKSS, chú trọng vào nội dung làm mẹ an toàn; 18 tỉnh, thành phố chỉ tham gia thực hiện nội dung Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Hiện nay, Bộ Y tế đang hoàn thiện và trình phê duyệt gói can thiệp y tế tối thiểu trong lĩnh vực sức khỏe bà mẹ trẻ em, trong đó bao gồm 5 gói dịch vụ tối thiểu là: chăm sóc trước sinh, chăm sóc khi sinh, chăm sóc sau sinh, chăm sóc sơ sinh và chăm sóc trẻ nhỏ.