PHẦN 2. CHĂM SÓC SỨC KHỎE BAN ĐẦU TẠI VIỆT NAM
III. Thực trạng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam
3. Các khó khăn, thách thức của công tác CSSKBĐ tại Việt Nam
Trước sự phát triển kinh tế và chuyển dịch mô hình bệnh tật, hoạt động CSSKBĐ đứng trước nhiều khó khăn và thách thức:
- Mạng lưới YTDP tuyến tỉnh còn phân tán, tuyến huyện còn chưa được kiện toàn, tuyến xã thôn chưa được củng cố, trong khi các nhiệm vụ đặt ra cho YTDP ngày càng nặng nề, phức tạp. Hệ thống kiểm dịch biên giới tuy đã vận hành có hiệu quả, song vẫn còn thiếu nhân lực và trang thiết bị có chất lượng.
- Đội ngũ cán bộ YTDP còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao (tuyến trung ương mới đáp ứng được 77% nhu cầu, tuyến tỉnh đáp ứng được 54% nhu cầu, tuyến huyện đáp ứng được 41,6% nhu cầu). Chính sách đãi ngộ, ưu tiên không thỏa đáng đối với YTDP đã làm nản lòng một bộ phận không nhỏ cán bộ y tế lâu năm làm YTDP và không thu hút được đông đảo sinh viên, cán bộ y tế trẻ đi chuyên sâu về ngành này.
- Cơ sở hạ tầng của hệ thống YTDP đã từng bước được nâng cấp, trang thiết bị được đổi mới nhưng còn chưa đạt yêu cầu. Tuyến tỉnh có 80% trung tâm YTDP cần được nâng cấp, sửa chữa và xây mới. Tuyến huyện hầu hết chưa có cơ sở làm việc độc lập và hầu như chưa có trang thiết bị. Tỷ lệ ngân sách nhà nước cho y tế chi cho y tế dự phòng dao động từng năm, nhưng số liệu gần đây nhất về năm 2007 cho thấy 28%
tổng ngân sách nhà nước cho y tế được chi cho y tế dự phòng, trong khi Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội quy định tỷ lệ này ít nhất phải là 30%.
- Mối quan hệ giữa hệ thống YTDP với các ban ngành, tổ chức xã hội ở địa phương chưa chặt chẽ và đi vào nề nếp, ảnh hưởng tới chất lượng hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe nhân dân. Một số cấp lãnh đạo chưa thấy hết tầm quan trọng của y tế dự phòng trong việc chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, chưa quan tâm đầu tư thích đáng cho YTDP.
- Nhận thức và hành động của số đông nhân dân về bảo vệ và nâng cao sức khoẻ, phòng bệnh, xây dựng lối sống lành mạnh còn hạn chế: Khả năng tiếp cận thông tin truyền thông-giáo dục sức khỏe còn khác nhau tùy theo địa phương, dân tộc, phong tục tập quán, học vấn, mức sống, điều kiện lao động, sinh hoạt…Ở một số địa phương còn tồn tại những phong tục, tập quán lạc hậu có hại cho sức khỏe. Các chiến dịch truyền thông theo từng chuyên đề sức khoẻ như tác hại của thuốc lá,rượu, ma túy, chế độ ăn, dinh dưỡng trẻ em, phụ nữ mang thai, tình dục không an toàn, phòng chống tai nạn thương tích chưa thực sự tác động sâu rộng tới đối tượng đích. Chưa có chiến lược truyền thông-giáo dục sức khỏe quy mô quốc gia và các tiêu chí đánh giá hiệu quả truyền thông-giáo dục sức khỏe. Phương thức truyền thông-giáo dục sức khỏe tại cộng đồng ở một số địa phương còn chưa phù hợp và linh hoạt. Một số địa phương, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư cho các hoạt động truyền thông – giáo dục sức khỏe cho người của mình, chưa tạo ra những phong trào thi đua rộng khắp về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khoẻ.
- Mặc dù nhiều bệnh dịch đã được kiểm soát và khống chế nhưng nguy cơ quay trở lại rất cao như lao, sốt xuất huyết, sốt rét, tả, lỵ, thương hàn, viêm não virut...Bên cạnh đó, nhiều bệnh dịch mới khó xác định, khó điều trị, có nguy cơ bùng phát đại dịch
nguy hiểm như SARS, cúm A(H5N1), HIV/AIDS. Các bệnh từ nước ngoài như bò điên, ebola, sốt vàng da có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam và gây dịch.
- Còn nhiều hạn chế trong việc cung cấp nước sạch, đảm bảo đủ số lượng và an toàn về chất lượng. Việc xử lý vệ sinh phân, rác thải, nước thải ở các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo còn nhiều khó khăn. Hậu quả là tỷ lệ mắc giun sán còn ở mức rất cao, tiêu chảy và suy dinh dưỡng trẻ em còn rất phổ biến.
- Môi trường lao động chưa được cải thiện như mong muốn. Nhiều cơ sở sản xuất còn vi phạm vệ sinh an toàn lao động, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp có chiều hướng gia tăng. Chăm sóc sức khỏe người lao động, xây dựng nơi làm việc lành mạnh chưa được nhiều doanh nghiệp chú ý. Chưa làm tốt công tác đánh giá tác động của môi trường lao động độc hại tới sức khỏe người lao động và khu dân cư. Nhiều người lao động chưa được chăm sóc sức khoẻ đầy đủ, môi trường lao động chưa được kiểm soát tốt, nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động luôn tiềm ẩn ở nơi làm việc.
- Các yếu tố nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe như rượu, thuốc lá, ma túy, mại dâm ... xuất hiện ngày càng nhiều và chưa có xu hướng giảm do các biện pháp ngăn chặn chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó các bệnh không nhiễm trùng như ung thư, tim mạch, đái tháo đường ... gia tăng với tốc độ khá nhanh đã gây nhiều áp lực cho hệ thống y tế.
Thực tế này đòi hỏi các hoạt động CSSKBĐ để vừa phòng tránh các bệnh dịch lây truyền, đồng thời vừa quan tâm tuyên truyền và phòng tránh các yếu tố nguy cơ của các bệnh không nhiễm trùng.
- Khả năng huy động sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động CSSKBĐ chưa cao.
Việc dịch sốt xuất huyết lan rộng trong năm 2007 có nguyên nhân do điều kiện sống kém vệ sinh và có một phần trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền, nhà trường và cả cộng đồng khi triển khai các chiến dịch diệt loăng quăng và vệ sinh môi trường chưa hiệu quả. Theo quy định, các xã đều có quyết định thành lập ban CSSKBĐ do chủ tịch hoặc phó chủ tịch xã làm trưởng ban. Tuy nhiên hoạt động của Ban này ở nhiều nơi còn chưa tích cực, thiếu tính chủ động và chủ yếu mới chỉ dừng ở việc tổ chức họp 6 tháng hoặc một năm một lần. Tại một số địa phương, việc phối hợp liên ngành
triển khai các hoạt động CSSKBĐ chưa chặt chẽ, chưa tạo nên sức mạnh tổng hợp để có thể khống chế bệnh dịch như sốt xuất huyết. Một số ban ngành đoàn thể có tâm lý coi vệ sinh môi trường và phòng bệnh dịch là trách nhiệm riêng của ngành y tế.