Một số yếu tố liên quan đến mức độ suy hô hấp ở trẻ sơ sinh mắc cơn thở

Một phần của tài liệu Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến mức độ suy hô hấp do cơn thở nhanh thoáng qua ở trẻ sơ sinh tại bệnh viện a thái nguyên (Trang 31 - 38)

Phổi của thai nhi khác so với phổi sơ sinh vì trong lòng phế nang có chứa dịch, không có chức năng trao đổi khí mà thai nhận chất dinh dưỡng và oxy qua bánh rau. Trong quá trình chuyển dạ, dịch trong phế nang của trẻ sẽ được hấp thu hết tạo điều kiện cho quá trình hô hấp sau sinh tốt. Tuy nhiên, quá trình hấp thu dịch phổi có thể bị ảnh hưởng bởi ba nhóm yếu tố: yếu tố liên quan đến cuộc đẻ, yếu tố liên quan đến mẹ, và yếu tố liên quan đến trẻ.

1.3.1. Yếu tố liên quan đến cuộc đẻ 1.3.1.1. Phương pháp sinh

Trước đây, phụ nữ thường lựa chọn sinh thường như một tất yếu. Ngày nay, cuộc sống hiện đại cộng với nền y học phát triển, số lượng các sản phụ

chọn đẻ mổ lại không ngừng gia tăng. Ngoài những sản phụ gặp vấn đề trong thai kỳ bắt buộc phải sinh mổ như: ngôi thai bất thường, rau tiền đạo, rau bong non, bất tương xứng thai nhi và khung chậu, cạn ối... thì một số phụ nữ có thai kỳ khỏe mạnh nhưng gia đình muốn chọn giờ sinh đẹp, phong thuỷ, tâm lý sợ đau, và không ảnh hưởng đến thẩm mỹ vùng kín… nên cũng chọn sinh mổ. CTNTQ thường xảy ra ở trẻ sinh mổ, đặc biệt là mổ lấy thai chủ động vì không có các cơ chế để hấp thu dịch trong phổi. Sinh mổ hiện nay đã được biết rõ là có liên quan đến sự gia tăng của CTNTQ.

Ngoài ra, mổ lấy thai khi chưa có chuyển dạ có tỷ lệ mắc bệnh lý đường hô hấp là 3,55% so với 1,22% ở trẻ sinh mổ sau khi bắt đầu chuyển dạ.

Ngược lại, trẻ đẻ thường có tỷ lệ mắc bệnh lý đường hô hấp thấp nhất là 0,53% [31]. Nghiên cứu của Rijal và Shrestha (2018) tại Nepal trên 109 trẻ sơ sinh SHH có 82,3% trẻ mắc CTNTQ được sinh mổ và nguy cơ CTNTQ cao hơn ở trẻ sinh mổ, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p <0,05 [72]. Theo một nghiên cứu tại Ấn Độ cũng chỉ ra phương thức sinh mổ có ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng thở nhanh thoáng qua ở trẻ sơ sinh với nguy cơ tương đối là 3,78 so với sinh ngả âm đạo [53].

CTNTQ xảy ra thường xuyên hơn ở những phụ nữ không có cơn co tử cung, và tần suất CTNTQ ở những bệnh nhân không có cơn co tử cung cao hơn có ý nghĩa so với những người có cơn co tử cung. Trên các phân tích đa biến, không có cơn co tử cung và sinh mổ ở tuần thứ 37 có liên quan đến CTNTQ [76]. Trong một nghiên cứu trên 85 trẻ mắc CTNTQ có tới 73 trường hợp (86%) sinh mổ, phân tích cho thấy tỷ lệ sinh mổ ở nhóm CTNTQ cao hơn nhóm chứng có ý nghĩa thống kê so với tỷ lệ sinh ngả âm đạo [44].

Một nghiên cứu trên 464 phụ nữ sinh mổ tự chọn, tỷ lệ CTNTQ là 9,9%

(46/464), 38,4% (178/464) bệnh nhân không có cơn co tử cung. Sự vắng mặt của các cơn co tử cung có liên quan đáng kể đến việc tăng nguy cơ mắc CTNTQ sau khi kiểm soát đái tháo đường thai kỳ, nhỏ so với tuổi thai, giới

tính nam và sinh mổ ở tuần thứ 37 [76].

Trong một nghiên cứu của Đức đã phân tích dữ liệu từ các bệnh viện thì tỉ lệ mắc CTNTQ là 5.9 trên 1000 trường hợp thai đơn sống. Mổ lấy thai chủ động là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất liên quan đến CTNTQ so với số liệu từ nhật ký quốc gia Đức [82]. Hơn nữa, sinh mổ mà không có chuyển dạ thì làm tăng nguy cơ mắc và mức độ nặng của CTNTQ với thời gian hỗ trợ hô hấp kéo dài hơn.

1.3.1.2. Đặc điểm về ối

Ối vỡ sớm mang đến nhiều nguy cơ cho trẻ sơ sinh như nhiễm khuẩn, suy hô hấp,… Theo nghiên cứu của Ngô Văn Dần trên trẻ sơ sinh mắc chậm tiêu dịch phổi, thời gian vỡ ối phần lớn <6 giờ. Những trẻ có thời gian vỡ ối kéo dài thường có nguy cơ có thể bị nhiễm khuẩn sơ sinh sớm, trong nghiên cứu trên cho thấy thời gian vỡ ối của đối tượng nghiên cứu hầu hết nằm trong ngưỡng không có nguy cơ nhiễm khuẩn. Điều này gợi ý nhiễm khuẩn không phải là nguyên nhân dẫn đến trẻ bị chậm tiêu dịch phổi [8].

Đa ối và thiểu ối là một trong những nguy cơ cao trong thai kỳ của người mẹ. Đa ối và thiểu ối có liên quan đến các kết quả bất lợi ở mẹ và trẻ sơ sinh bao gồm mổ lấy thai, khởi phát chuyển dạ, xuất huyết sau sinh, tử vong sơ sinh, nhập viện NICU và APGAR dưới 7 ở thời điểm 5 phút [85]. Aviram và cộng sự (2015) ghi nhận có sự liên quan giữa đa ối với một số kết quả bất lợi trong đó có suy hô hấp sơ sinh [32].

1.3.2. Yếu tố liên quan về phía thai và trẻ sơ sinh 1.3.2.1. Số lượng thai

Đa thai được coi là một trong những nguy cơ cao đối với thai kỳ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tốc độ gia tăng thủ tục IVF và các can thiệp sinh sản khác dẫn đến đa thai cũng đã góp phần làm cho tỷ lệ sinh mổ cao hơn [55]. Trong khi đó, sinh mổ làm gia tăng nguy cơ mắc CTNTQ. Trong một nghiên cứu tại Iraq người ta cũng chứng minh rằng mang đa thai là một yếu tố

rủi ro với CTNTQ [30]. Theo Hoàng Thị Dung nghiên cứu trên các bệnh nhân suy hô hấp sơ sinh cũng chỉ ra tỷ lệ trẻ mắc CTNTQ cao ở người mẹ mang đa thai, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p <0,05 [9].

1.3.2.2. Tuổi thai

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định đẻ non là một trong những yếu tố nguy cơ của SHH ở trẻ sơ sinh. Thực tế cho thấy tỷ lệ trẻ sơ sinh non tháng trong các nghiên cứu về SHH đều chiếm tỷ lệ cao. CTNTQ gặp ở cả trẻ sơ sinh non tháng và đủ tháng. Trẻ non tháng, cân nặng thấp thường suy hô hấp kéo dài hơn và nặng hơn so với trẻ đủ tháng. Sinh non được coi là một yếu tố nguy cơ đối với CTNTQ. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của Chavan và cộng sự tại Ấn Độ (2022) ghi nhận 3/4 (75,7%) trẻ sơ sinh là trẻ đủ tháng. Trẻ đủ tháng cho thấy khó thở nhanh được giải quyết sớm hơn, với 2/3 trong số chúng hồi phục trong vòng 24 giờ đầu. Phân tích lưỡng biến tuổi thai và thời gian thở nhanh cho thấy mối tương quan nghịch có ý nghĩa thống kê (p <0,01, hệ số tương quan = -0,426) [42].

Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Bình (2019), CTNTQ gặp chủ yếu ở trẻ đủ tháng (74,4%) và có cân nặng lúc sinh ≥2500gam (67,4%) [4].

Nghiên cứu của Ngô Văn Dần ghi nhận trẻ đủ tháng chiếm 71,7%, tuy nhiên tỷ lệ trẻ sinh non muộn chiếm tỷ lệ khá cao 28,3%. Đồng thời có sự khác biệt về phân bố tuổi thai giữa 2 nhóm với p <0,05. Trong nghiên cứu này, trẻ sinh non muộn sinh mổ có nguy cơ bị CTNTQ cao hơn trẻ đủ tháng. Điều này cho thấy sự hấp thu dịch phổi của trẻ sinh non kém hơn so với trẻ đủ tháng.

Những trẻ sinh non có nhiều yếu tố nguy cơ hơn trẻ đủ tháng, khi bị suy hô hấp thì cơ lực hô hấp cũng không bằng trẻ đủ tháng [8].

1.3.2.3. Cân nặng khi sinh

Theo nghiên cứu của Ngô Văn Dần, trẻ có cân nặng thấp <2500g chiếm tới 21,7% trong nhóm bệnh, đồng thời có sự khác biệt về cân nặng giữa hai nhóm với p <0,05 [8].

Những trẻ có cân nặng thấp thì khả năng bị CTNTQ cao hơn. Điều này cũng phù hợp vì những trẻ thấp cân thì phổi thường kém trưởng thành hơn so với trẻ có cân nặng lớn hơn. Quá trình phát triển phổi thai nhi phụ thuộc vào nuôi dưỡng của nhau thai, dinh dưỡng của bà mẹ khi mang thai. Do vậy, phụ nữ khi có thai cần chú ý đến vấn đề dinh dưỡng và các bệnh lý kèm theo có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

1.3.2.4. Giới tính

Theo nghiên cứu của Ngô Văn Dần tại bệnh viện Vinmec tỷ lệ trẻ nam mắc CTNTQ chiếm khoảng 67,4% trong tổng số trẻ. Trẻ trai có nguy cơ bị CTNTQ cao hơn với p <0,05 [8]. Tỉ lệ này tương tự nghiên cứu của Đỗ Thị Thuý tại bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, trẻ trai chiếm tỉ lệ cao 80.4%. Hay nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Bình cũng cho thấy CTNTQ hay gặp ở trẻ nam (65,1%) [4]. Nghiên cứu của Aysel Derbent trên 85 trẻ mắc CTNTQ, giới tính nam chiếm 65% [44]. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Erol Tutdibi là trẻ trai có tỷ lệ 60,3% [82].

Như vậy nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước chỉ ra rằng giới tính nam là một yếu tố nguy cơ đối với CTNTQ.

1.3.2.5. Chỉ số xét nghiệm sinh hóa

Có một số nghiên cứu nhận thấy tình trạng giảm albumin máu làm giảm áp lực keo dẫn đến sự chậm tái hấp thu dịch phổi vào tuần hoàn làm cho tình trạng suy hô hấp nặng hơn. Hạ albumin thường gặp trẻ non tháng nhiều hơn [27]. Nghiên cứu của Vương Thị Hào cho thấy nồng độ albumin máu trung bình là 31,11 ± 2,43 g/l thấp hơn so với giá trị bình thường và gặp trẻ non tháng nhiều hơn, calci máu giảm gặp trên một số trường hợp có giảm protid máu [10].

Trẻ sơ sinh mắc CTNTQ có thể có hạ glucose máu, đặc biệt ở trẻ non tháng. Suy hô hấp ở trẻ em cũng là một yếu tố gây hạ đường huyết. Trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Võ Lộc (2019) tại Bệnh viện Trung ương Thái

Nguyên về hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh ghi nhận rằng tỷ lệ trẻ SHH rất cao (43,4%), trong đó trẻ non tháng hạ đường huyết chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ đủ tháng [14].

1.3.3. Yếu tố liên quan bệnh lý người mẹ

* Tiền sản giật

Tiền sản giật, sản giật là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong cho mẹ và thai. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tăng huyết áp thai kỳ là một yếu tố nguy cơ đối với CTNTQ.

Nghiên cứu của Chang và cộng sự (2018) khi xác định các yếu tố nguy cơ của bà mẹ với CTNTQ nhận định rằng các bà mẹ tăng huyết áp thai nghén làm tăng nguy cơ có trẻ bị CTNTQ gấp 1,85 lần những bà mẹ không bị bệnh này. Tác giả cho rằng, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật/sản giật có thể làm tăng BNP và pro-BNP. Việc tăng BNP hoặc pro-BNP làm giảm vận chuyển Na+ qua các kênh, từ đó dẫn đến làm giảm sự đào thải dịch trong phổi của trẻ sơ sinh [41]. Nghiên cứu của Akrem (2022) tại Iraq cũng chỉ ra tăng huyết áp thai kỳ có liên quan đáng kể đến CTNTQ [30].

* Đái tháo đường thai kỳ

Các nghiên cứu trong và ngoài nước ghi nhận rằng đái tháo đường (ĐTĐ) thai kỳ là một trong những yếu tố nguy cơ của suy hô hấp ở trẻ sơ sinh trong đó có CTNTQ. Trong một nghiên cứu lớn trên toàn quốc của Thụy Điển, tỷ lệ ngạt và thở nhanh thoáng qua ở con của bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ cao gấp 2  3 lần so với dân số bình thường [68]. Cơ chế này có liên quan đến việc giảm sự làm sạch dịch phổi ở thai nhi, mặc dù việc sinh mổ được thực hiện thường xuyên ở các bà mẹ mắc tiểu đường thai kỳ là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ.

Theo Ashraf Soliman (2018), trẻ có mẹ ĐTĐ thai kỳ có tỷ lệ mắc hội chứng suy hô hấp cấp hoặc thở nhanh thoáng qua cao hơn đáng kể so với nhóm chứng bình thường. Các đợt hạ đường huyết đáng kể xảy ra thường

xuyên hơn ở trẻ sơ sinh của phụ nữ mắc ĐTĐ so với nhóm chứng [77].

Nghiên cứu của Vương Thị Hào, Đỗ Thị Thúy cũng chỉ ra rằng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về mức độ suy hô hấp giữa nhóm trẻ có mẹ mắc ĐTĐ thai kỳ với nhóm trẻ có mẹ không mắc ĐTĐ thai kỳ [10], [27].

* Hen phế quản

Theo Demissie và cộng sự, trẻ sơ sinh của các bà mẹ hen dễ bị CTNTQ hơn so với nhóm chứng, trong khi đó bệnh màng trong và mẹ bị hen phế quản không có mối liên quan với nhau [43].

Trong một số nghiên cứu cũng cho thấy bà mẹ bị hen suyễn là những yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sự phát triển của CTNTQ [47], [63].

Chương 2

Một phần của tài liệu Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến mức độ suy hô hấp do cơn thở nhanh thoáng qua ở trẻ sơ sinh tại bệnh viện a thái nguyên (Trang 31 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)