Đặc điểm lâm sàng của đối tượng nghiên cứu

Một phần của tài liệu Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến mức độ suy hô hấp do cơn thở nhanh thoáng qua ở trẻ sơ sinh tại bệnh viện a thái nguyên (Trang 71 - 78)

Thời điểm khởi phát SHH của trẻ sơ sinh mắc CTNTQ trong nghiên cứu của chúng tôi tương đối sớm. Kết quả ghi nhận trẻ sơ sinh thường gặp SHH tại thời điểm ngay sau sinh chiếm tỷ lệ 62,3%, có 37,7% trẻ sơ sinh xuất hiện SHH trong ngày đầu của cuộc sống và không có trường hợp nào xuất hiện SHH sau 24 giờ tuổi. Kết quả này tương tự kết quả của tác giả Nguyễn Thị Thanh Bình cùng cộng sự (2019) khi nghiên cứu về đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của một số nguyên nhân gây SHH. Tác giả nhận định rằng tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc CTNTQ khởi phát SHH ngay sau sinh chiếm 76,7% và cũng không có trẻ nào xuất hiện SHH sau 24 giờ tuổi [4]. Nghiên cứu của Đỗ Thị Thúy (2017) và Vương Thị Hào (2019) cũng chỉ ra thời điểm nhập viện vì SHH chủ yếu trong nhóm trước 24 giờ với tỷ lệ tương ứng là 82,6% và 87,3%

[10], [27]. Wanare và cộng sự (2020) nhận định SHH khởi phát ngay sau sinh chiếm tỷ lệ cao nhất (62%), SHH khởi phát trong 6 giờ đầu chiếm 22% và khởi phát sau 6 giờ chỉ chiếm 16% [83].

Ngoài ra, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy 27/29 trẻ sơ sinh non tháng SHH ở thời điểm ngay sau sinh, cao hơn so với nhóm trẻ sơ sinh đủ tháng.

Tác giả Phạm Thị Thúy Tuệ và cộng sự (2023) nghiên cứu trên trẻ sơ sinh suy hô hấp do các nguyên nhân tại phổi và ngoài phổi cũng khẳng định phần lớn

trẻ SHH nhập viện trong ngày đầu sau sinh, trẻ non tháng SHH sớm <24 giờ nhiều hơn trẻ đủ tháng [23].

Nghiên cứu của chúng tôi cũng như các nghiên cứu khác ở trong nước và trên thế giới đều ghi nhận thời điểm khởi phát SHH do CTNTQ ở trẻ sơ sinh là rất sớm, nhất là trong 24 giờ đầu của cuộc sống và đặc biệt ở nhóm trẻ sơ sinh non tháng.Trẻ sinh non tháng thường dễ bị suy hô hấp do khả năng thích nghi kém với môi trường bên ngoài, sự hoàn thiện của các hệ thống trong cơ thể cũng chưa hoàn chỉnh. Điều đó minh chứng rằng ngày đầu tiên sau sinh là giai đoạn khó khăn của trẻ khi phải thích ứng với cuộc sống bên ngoài tử cùng với nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh. Chính vì vậy, chúng ta cần phải theo dõi sát để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các dấu hiệu của SHH, đặc biệt trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ sơ sinh.

4.2.2. Các dấu hiệu về hô hấp

Chúng tôi nhận thấy triệu chứng rối loạn hô hấp gặp ở tất cả các trẻ sơ sinh với nhiều mức độ khác nhau. Trong số 69 trẻ sơ sinh SHH do CTNTQ, thở nhanh ≥60 lần/phút gặp ở 68 trẻ với tỷ lệ 98,6%; 85,5% trẻ có dấu hiệu tím; 82,6% trẻ có SpO2 <90%. Tỷ lệ gặp các dấu hiệu thở gắng sức: phập phồng cánh mũi (69,6%), rút lõm lồng ngực nặng (68,1%), co kéo liên sườn (66,7%), rút lõm hõm ức (62,3%), thở rên (52,2%), không trẻ nào có cơn ngừng thở bệnh lý và nhịp thở chậm <30 lần/phút. Tương tự nghiên cứu của chúng tôi, tác giả Nguyễn Thị Thanh Bình (2019) ghi nhận tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế trên 43 trẻ sơ sinh mắc CTNTQ, tỷ lệ các triệu chứng thở nhanh (93%), phập phồng cánh mũi (72,1%), co kéo liên sườn (48,8%), rút lõm hõm ức (51,2%) và thở rên (39,5%) [4]. Nghiên cứu của Đỗ Thị Thúy cho thấy các triệu chứng hay gặp ở trẻ mắc CTNTQ là rút lõm lồng ngực, thở nhanh và thở rên với tỉ lệ lần lượt là 100%, 88% và 82,6% [27].

Theo nghiên cứu của tác giả Uông Sĩ Trường (2020) tại Bệnh viện Mỹ Đức,

tỷ lệ giảm dần các dấu hiệu SHH trên lâm sàng lần lượt là thở nhanh (76,5%), thở co lõm ngực (58,7%) và tím môi (35,2%) [24]. Tác giả Phạm Thị Thúy Tuệ và cộng sự (2023) ghi nhận các triệu chứng hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh suy hô hấp tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ngãi như sau:

81,5% thở nhanh ≥ 60 lần/phút; 95,1% co kéo gian sườn; 90,7% co kéo hõm ức; 81,5% phập phồng cánh mũi và 67,9% có tím [23]. Một số nghiên cứu ở nước ngoài cũng ghi nhận những kết quả tương tự. Một nghiên cứu tại Nepal trên 109 trẻ sơ sinh SHH của Rijal và Shrestha (2018) cũng kết luận thở nhanh là triệu chứng phổ biến nhất được tìm thấy ở 87,1% trẻ [72]. Khác với nghiên cứu của chúng tôi, nghiên cứu của Sabzehei và cộng sự (2017) tại Iran lại nhận thấy dấu hiệu hay gặp nhất là rút lõm lồng ngực (75,3%), sau đó là thở nhanh (67,7%), thở rên (61,3%), các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm tím, khó thở và phập phồng cánh mũi [75]. Nghiên cứu của Arit Parkash và cộng sự (2015) tại Pakistan thấy rằng 100% các bệnh nhi thở nhanh ≥60 lần/phút, 100% có rút lõm lồng ngực, 100% có phập phồng cánh mũi, 60,9% thở rên và chỉ có 39,5% có biểu hiện xanh tím [67]. Tác giả Lamichhane (2019) và cộng sự nghiên cứu trên 111 trẻ sơ sinh SHH cũng ghi nhận giá trị thấp hơn nghiên cứu của chúng tôi về các dấu hiệu hay gặp nhất bao gồm thở nhanh (69,36%), thở rên (12,61%) và rút lõm lồng ngực (9,01%) [56].Sự khác biệt này có thể do sự khác nhau về thời gian cũng như đối tượng lựa chọn vào nghiên cứu.

Tần số thở là một trong những triệu chứng về hô hấp có giá trị, tất cả các bệnh nhi vào viện đều được đánh giá nhịp thở. Trong các dấu hiệu của SHH, thở nhanh là một cơ chế bù trừ cho sự tăng CO2, thiếu O2 máu hoặc nhiễm toan (cả hô hấp và chuyển hóa), là một triệu chứng khá phổ biến xong lại không đặc hiệu trong nhiều bệnh lý về hô hấp, tim mạch, chuyển hóa hoặc hệ thống. Thở nhanh là triệu chứng hay gặp ở trẻ sơ sinh, đây là đáp ứng sớm của trẻ trước tình trạng suy hô hấp nhằm duy trì thông khí trong giới hạn hằng định cho phép. Khác với trẻ lớn và người lớn thể tích khí lưu thông ở trẻ em ít

thay đổi trong một phút, do đó thông khí phút phụ thuộc nhiều vào tần số thở hơn là vào thể tích khí lưu thông. Bên cạnh đó nhu cầu oxy cho não của trẻ sơ sinh cao hơn so với trẻ lớn do đó đáp ứng sớm của trẻ thường là thở nhanh.

Tuy nhiên thở nhanh cũng gặp trong một số bệnh lý khác như sốt, viêm phổi... Do đó đứng trước một bệnh nhân thở nhanh cần khám lâm sàng tỉ mỉ nhằm tìm đúng nguyên nhân thở nhanh cho trẻ.

Nghiên cứu của Đỗ Anh Tuấn (2017) chỉ ra rằng trong số các triệu chứng chẩn đoán SHH theo thang điểm Downes, dấu hiệu nhịp thở và rút lõm lồng ngực rất có giá trị trong chẩn đoán SHH với độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

Thở rên có độ nhạy thấp nhất (19,4%) nhưng độ đặc hiệu (98,8%) và giá trị dự đoán dương tính cao (90,5%). Có nghĩa là thở rên là triệu chứng ít gặp song nếu bệnh nhân có triệu chứng này thì khả năng bị SHH rất cao [22]. Đối với bác sĩ lâm sàng, khi có sự xuất hiện tiếng thở rên đồng nghĩa với việc trẻ đang trong tình trạng thiếu oxy và cần có biện pháp can thiệp sớm.

Nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy ở trẻ sơ sinh non tháng có tỷ lệ gặp các triệu chứng tím, thở rên, rút lõm lồng ngực nặng và SpO2 <90% cao hơn so với trẻ đủ tháng. Tác giả Nguyễn Thị Thanh Bình khẳng định, những thay đổi về tần số thở, các dấu hiệu gắng sức không có sự khác nhau giữa các nguyên nhân [4]. Trẻ sơ sinh non tháng dễ bị SHH hơn trẻ sơ sinh đủ tháng.

Trẻ đẻ non thường thở không đều, cơn ngừng thở dài hơn trẻ đủ tháng do trung tâm hô hấp ở trẻ đẻ non phát triển chưa hoàn chỉnh. Trẻ sơ sinh thở kiểu bụng, chủ yếu nhờ cơ hoành. Và khi đã có SHH, trẻ rất nhanh bị đuối sức và sự hô hấp không còn bù trừ được nữa. Lồng ngực trẻ đẻ non hẹp, xương sườn mềm, dễ biến dạng, cơ liên sườn chưa phát triển, giãn nở kém làm hạn chế di động của lồng ngực. Hơn thế nữa, phổi trẻ đẻ non còn ở giai đoạn thai nhi.

Phế nang phát triển chưa đầy đủ, tổ chức đàn hồi ít, do đó làm phế nang khó giãn nở. Cân bằng oxy ở phổi trẻ sơ sinh chưa bền vững, khi bị biến đổi trẻ rất dễ bị SHH.

4.2.3. Các dấu hiệu về tim mạch

Kết quả tại bảng 3.5 cho thấy trong các dấu hiệu bất thường về tim mạch ở trẻ sơ sinh SHH do CTNTQ, dấu hiệu nhịp tim nhanh chiếm 36,2%, không có trường hợp nào có nhịp tim chậm <100 lần/phút và refill ≥2 giây. Khác với nghiên cứu của chúng tôi, tác giả Hoàng Thị Dung (2021) ghi nhận dấu hiệu refill ≥2 giây chiếm tỷ lệ cao (15,5%) trong các dấu hiệu bất thường về tim mạch ở bệnh nhi SHH, dấu hiệu nhịp tim chậm (13,9%) hay gặp hơn dấu hiệu nhịp tim nhanh (9%) [9]. Có sự khác biệt này có thể là do tiêu chí chọn mẫu khác nhau và thời gian nghiên cứu khác nhau.

Thiếu oxy máu dẫn đến nhịp tim nhanh ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên trẻ quấy khóc, sốt cũng làm tăng nhịp tim, làm cho dấu hiệu này không đặc hiệu.

Thiếu oxy máu nặng hoặc kéo dài sẽ làm nhịp tim chậm. Đây là dấu hiệu của giai đoạn cuối. Do vậy, trong SHH thì nhịp tim nhanh là một dấu hiệu đáng lưu tâm vì đây là một trong những biểu hiện sớm của giai đoạn đầu cần được phát hiện kịp thời. Đồng thời, chúng cần phải đánh giá cùng với các triệu chứng khác để đảm bảo chẩn đoán chính xác. Nghiên cứu của chúng tôi thấy rằng dấu hiệu về tim mạch không biến đổi nhiều, vì vậy trên lâm sàng, đứng trước trẻ sơ sinh có rối loạn về tim mạch thì cần đi tìm các nguyên nhân gây suy hô hấp khác trước khi nghĩ đến CTNTQ.

4.2.4. Đặc điểm về thân nhiệt

Kết quả theo bảng 3.6 thấy rằng hạ thân nhiệt chiếm tỷ lệ tương đối cao (29%) và chủ yếu gặp ở trẻ non tháng. Nhóm trẻ non tháng có tỷ lệ hạ thân nhiệt là 75% cao hơn so với nhóm trẻ sơ sinh đủ tháng là 25%. Trong khi đó không có trường hợp nào sốt. Nghiên cứu tại Ethiopia của Aynalem (2020) thấy rằng tỷ lệ hạ thân nhiệt gặp ở 180/571 bệnh nhi SHH chiếm tỷ lệ 31,5%, cao hơn nghiên cứu của chúng tôi [33]. Trẻ sơ sinh non tháng dễ bị hạ thân nhiệt hơn so với trẻ sơ sinh đủ tháng. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Phương và cộng sự (2020) tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thấy rằng trong số các

trẻ sơ sinh nhập viện, trẻ càng non tháng thì tỷ lệ hạ thân nhiệt càng cao. Tỷ lệ hạ thân nhiệt gặp ở 27,8% trẻ sơ sinh non tháng trong đó nhóm trẻ 32 – 36 tuần là 16,5% [19]. Theo tác giả Nguyễn Thành Nam (2018), hạ nhiệt độ

<360C lúc nhập viện làm tăng nguy cơ SHH sau khi sinh lên tới 8 lần [16].

Tác giả Nguyễn Thị Quỳnh Nga nghiên cứu trên 144 trẻ sơ sinh suy hô hấp tại bệnh viện Sản nhi Nghệ An cũng ghi nhận rằng trẻ có nhiệt độ <360C là yếu tố có khả năng dẫn tới tử vong ở bệnh nhi cao gấp 11,14 lần so với trẻ có nhiệt độ ≥360C [17].

Trẻ sơ sinh dễ bị mất nhiệt, nhất là những phút đầu sau sinh, bên cạnh đó khả năng tạo nhiệt kém nên rất dễ bị hạ thân nhiệt. Thân nhiệt của trẻ bị hạ thấp có thể là do mất nhiệt từ trẻ sang vật ở gần và lạnh hơn; mất nhiệt vào dòng khí dịch chuyển xung quanh trẻ; mất nhiệt qua bay hơi. Ở trẻ sơ sinh non tháng, lớp mỡ dưới da mỏng, diện tích da so với cân nặng lớn dẫn tới dễ mất nhiệt do bức xạ, dẫn truyền và bay hơi. Ngoài ra, trung tâm điều hòa thân nhiệt ở não còn non yếu, trương lực cơ yếu nên sinh nhiệt bằng hình thức vận động bị giảm đi. Do đó, trẻ sơ sinh non tháng dễ bị hạ thân nhiệt hơn trẻ đủ tháng. Hạ thân nhiệt là yếu tố nguy cơ của nhiều vấn đề sức khỏe ở trẻ sơ sinh trong đó có SHH. Đảm bảo thân nhiệt cho trẻ sơ sinh là vô cùng quan trọng, quyết định đến hiệu quả điều trị. Chính vì vậy, trong suốt quá trình chăm sóc, vận chuyển bệnh nhân sơ sinh cần thiết phải chú ý tới vấn đề này, đặc biệt là trẻ đẻ non.

4.2.5. Đặc điểm mức độ suy hô hấp

Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ trẻ có mức độ SHH nhẹ theo thang điểm Silverman chiếm tỷ lệ cao hơn (59,4%) so với mức độ SHH nặng (40,6%). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đồng với Vương Thị Hào (2019) ghi nhận trên 79 trẻ sơ sinh mắc CTNTQ tại Bệnh viện Trẻ Em Hải Phòng, điểm Silverman tương ứng SHH mức độ nhẹ chiếm 56,9% và 43,1%

SHH mức độ nặng [10]. Nghiên cứu của Đỗ Thị Thúy trên 92 trẻ sơ sinh mắc

CTNTQ cho thấy điểm Silverman ≤5 điểm chiếm 58,7% và >5 điểm chiếm 41,3%, không có bệnh nhi nào có chỉ số Silverman >8 điểm [27]. Wanare và cộng sự (2020) khi nghiên cứu về đặc điểm lâm sàng của SHH trên 100 trẻ sơ sinh nhập NICU cũng báo cáo có 56% trường hợp SHH nhẹ và vừa, SHH nặng chiếm 44% [83].

Khác với nghiên cứu của chúng tôi, theo Nguyễn Thị Hoa và cộng sự (2022) ghi nhận trong 51 trẻ sơ sinh mắc bệnh màng trong, SHH mức độ nặng chiếm tỷ lệ cao (78,4%) [11]. Lamichhane và cộng sự (2019) khi nghiên cứu về đặc điểm lâm sàng SHH ở trẻ sơ sinh đã sử dụng thang điểm Silverman để đánh giá mức độ SHH. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ điểm Silverman >6 điểm chiếm 10,81% [56]. Sự khác biệt này là do các nghiên cứu trên tiến hành trên trẻ có cả các nguyên nhân suy hô hấp sơ sinh khác như bệnh màng trong, hội chứng hít phân su, nhiễm trùng sơ sinh,…

Nguyễn Thị Thanh Bình ghi nhận có 95,3% trẻ sơ sinh thở nhanh thoáng qua có SHH mức độ nhẹ và trung bình, trong khi nhiễm trùng sơ sinh sớm và bệnh màng trong có mức độ suy hô hấp nặng chiếm tỷ lệ cao, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p <0,05 [4]. Nghiên cứu của tác giả Sonawane và cộng sự (2018) trên 78 trẻ sơ sinh SHH nhập NICU kết luận rằng SHH nặng chiếm tỷ lệ cao 48,72% trong đó tỷ lệ suy hô hấp nặng ở trẻ sơ sinh mắc bệnh màng trong là 100%, ở trẻ có hội chứng hít phân su là 73,9% cao hơn so với 29,8% trẻ sơ sinh mắc CTNTQ [78]. Các nghiên cứu này đã chỉ ra suy hô hấp do cơn thở nhanh thoáng qua thường là suy hô hấp mức độ nhẹ. Điều này có ý nghĩa trên lâm sàng khi đứng trước một trẻ có biểu hiện suy hô hấp nặng ngay thời điểm sau sinh ngoài suy hô hấp do cơn thở nhanh thoáng qua bác sĩ lâm sàng cần nhanh chóng tìm thêm các nguyên nhân khác để tránh bỏ sót. Thang điểm Silverman được dùng để đánh giá nhiều lần, đánh giá nhiều thời điểm khác nhau do đó trên lâm sàng cần tiến hành thường xuyên để đưa ra các quyết định điều trị sớm.

Một phần của tài liệu Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến mức độ suy hô hấp do cơn thở nhanh thoáng qua ở trẻ sơ sinh tại bệnh viện a thái nguyên (Trang 71 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)