Ở trẻ sơ sinh lúc mới sinh, số lượng bạch cầu rất cao và thay đổi từ 10 x 109/l đến 100 x 109/l. Sau 24 giờ, số lượng bạch cầu bắt đầu giảm xuống còn 10 – 12 x 109/l, giống số lượng bạch cầu ở thời kì bú mẹ [12]. Nếu nguyên nhân SHH liên quan đến nhiễm khuẩn thì trẻ sơ sinh có thể biểu hiện bạch cầu tăng. Trong nghiên cứu của chúng tôi, trẻ sơ sinh có dấu hiệu giảm số lượng bạch cầu chiếm tỷ lệ 10,1%, không có trẻ nào có dấu hiệu tăng bạch cầu.
Theo tác giả Nguyễn Thị Thanh Bình nghiên cứu trên 43 trẻ mắc CTNTQ ghi nhận tăng bạch cầu chiếm 2,3% và không có trẻ nào giảm bạch cầu [4]. Ngô Văn Dần ghi nhận trên nhóm trẻ sơ sinh suy hô hấp do chậm tiêu dịch phổi tại bệnh viện Vinmec Hà Nội, bạch cầu giảm chiếm 13,8% và cũng không có trường hợp nào tăng bạch cầu [8]. Khác với nghiên cứu của chúng tôi, nghiên cứu của Trần Thiên Lý và cộng sự (2017) trên 80 trẻ sơ sinh SHH thấy rằng tỷ lệ trẻ có số lượng bạch cầu trên 20000/mm3 chiếm tỷ lệ cao 41,3%; dưới 5000/mm3 chiếm 4,47% [15]. Có sự khác biệt này là do đối tượng nghiên cứu của Trần Thiên Lý là trên các trẻ có các nguyên nhân suy hô hấp sơ sinh khác nhau bao gồm cả nhiễm khuẩn sơ sinh.
Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận giảm hemoglobin và giảm số lượng hồng cầu chiếm tỷ lệ lần lượt là 8,7% và 2,9%. Trong nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận 4 ca bệnh tăng hemoglobin >190g/l, tuy nhiên lượng hemoglobin tăng này <220g/l, chưa đủ mức chẩn đoán đa hồng cầu. Theo Nguyễn Công Khanh, số lượng hồng cầu và hemoglobin sẽ giảm dần sau sinh có thể do sinh lý hoặc bệnh lý [12]. Nghiên cứu của Ngô Thị Kim Anh (2019) về tình trạng thiếu máu ở trẻ sơ sinh giai đoạn sớm chỉ ra rằng thiếu máu gặp chủ yếu ở các trẻ sơ sinh SHH (52,2%), bên cạnh đó không có sự khác biệt về tỷ lệ thiếu máu giữa nhóm trẻ sơ sinh non tháng và đủ tháng. Tuy nhiên, theo tác giả, không có mối liên quan nào giữa tình trạng SHH và thiếu máu ở trẻ sơ sinh
[1]. Để giảm thiểu tình trạng thiếu máu sơ sinh, người ta khuyến cáo kẹp rốn chậm ít nhất 30 – 60 giây ở sơ sinh đủ tháng và sinh non khỏe mạnh. Điều này góp phần cung cấp nồng độ hemoglobin cao hơn lúc sinh với dự trữ sắt dồi dào.
Trong nghiên cứu của chúng tôi giảm số lượng tiểu cầu chiếm 8,7% và tăng số lượng tiểu cầu chiếm 1,4%, phần lớn số lượng tiểu cầu trong giới hạn bình thường (89,9%). Nghiên cứu của Ngô Văn Dần (2018) cũng ghi nhận số lượng tiểu cầu không biến đổi nhiều, chủ yếu trong giới hạn bình thường (96,6%) [8]. Nghiên cứu của Ilhan (2019) kết luận số lượng tiểu cầu thấp hơn có liên quan đến thời gian thở nhanh dài hơn ở bệnh nhân CTNTQ [50]. Một nghiên cứu tại Thổ Nhĩ Kỳ về CTTNQ cho thấy số lượng tiểu cầu cao hơn đáng kể ở nhóm bệnh nhân có điểm Silverman ≥7 so với nhóm có điểm Silverman <7, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p <0,05 [40]. Tuy nhiên cần thêm nhiều nghiên cứu khác để đánh giá về vấn đề này.
4.3.2. Đặc điểm xét nghiệm sinh hóa máu
Số liệu tại bảng 3.8 cho thấy các dấu hiệu bất thường như giảm albumin máu, hạ glucose máu chiếm tỉ lệ lần lượt là 50,7% và 30,4%; hạ calci máu chỉ chiếm tỷ lệ 4,3%. Nghiên cứu của chúng tôi cũng ghi nhận ở trẻ sơ sinh non tháng, tỷ lệ giảm albumin và glucose máu tương ứng là 69% và 44,8% cao hơn so với nhóm trẻ đủ tháng (37,5% và 20%). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn nghiên cứu của Hoàng Thị Dung, tỷ lệ giảm albumin và hạ glucose máu ở trẻ SHH là 72,9% và 35,7% [9]. Có sự khác biệt này là do khác nhau về đối tượng nghiên cứu và nhóm trẻ sơ sinh non tháng của Hoàng Thị Dung chiếm tỷ lệ cao hơn nhóm đủ tháng. Nghiên cứu của Zhang và cộng sự (2020) thấy rằng có mối liên quan giữa suy hô hấp và tình trạng giảm albumin máu [86]. Li và cộng sự (2016) cũng ghi nhận có sự khác biệt về nồng độ albumin máu giữa các tuổi thai khác nhau trong một nghiên cứu tại Trung Quốc [57].
Albumin trong máu mẹ không truyền được qua nhau thai. Tất cả albumin của
thai nhi đều do thai nhi tự tổng hợp từ các acid amin tự do. Nồng độ albumin huyết thanh máu cuống rốn còn phụ thuộc vào sự hoạt động hiệu quả của nhau thai giáng hóa protein thành acid amin tự do, tuổi thai và một số yếu tố khác. Khả năng tổng hợp albumin bị ở trẻ sơ sinh non tháng bị hạn chế do chức năng gan chưa hoàn thiện. Albumin huyết thanh còn có vai trò chống oxy hóa máu nên giảm albumin đồng nghĩa với việc giảm chức năng chống oxy hóa của huyết tương.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, hạ đường máu chiếm tỷ lệ khá cao (30,4%) và không có trẻ nào tăng đường máu. Tác giả Phạm Thị Thúy Tuệ (2023) cũng ghi nhận tỷ lệ hạ glucose máu ở nhóm trẻ SHH chiếm tỷ lệ 29,6% [23]. Trần Thị Anh Thương và cộng sự (2022) nghiên cứu tại Bệnh viện Bạch Mai chỉ ra rằng trẻ non tháng (<37 tuần) nguy cơ hạ đường máu gấp 18,82 lần trẻ đủ tháng, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p <0,05 [28]. Trong thời kỳ bào thai đường máu của trẻ chủ yếu được cung cấp từ mẹ qua hồ máu nuôi dưỡng. Còn sau đẻ đường máu rất dễ bị hạ khi trẻ mắc các bệnh nặng như sepsis, suy hô hấp, viêm ruột hoại tử... Trong bào thai lượng glycogen được dự trữ ở gan chủ yếu ở 3 tháng cuối của thai kỳ, chính vì vậy trẻ đẻ non có lượng dự trữ thấp và nguy cơ hạ đường huyết cao hơn trẻ đủ tháng.
CRP là một glycoprotein do gan sản xuất, bình thường không có trong máu. CRP được coi như một chỉ dấu phản ánh sự hoạt hóa phản ứng viêm hệ thống, là một biểu hiện của đáp ứng viêm không đặc hiệu của cơ thể đối với nhiễm trùng và chấn thương. Khi có biểu hiện viêm, chỉ số CRP sẽ tăng. Tất cả đối tượng nghiên cứu của chúng tôi có chỉ số CRP trong giới hạn bình thường.
Kết quả này tương tự nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Bình và Ngô Văn Dần [4], [8]. Điều này cho thấy nhiễm khuẩn không phải là nguyên nhân gây CTNTQ. Người thầy thuốc khi đứng trước một trẻ sơ sinh suy hô hấp có tăng chỉ số viêm (CRP) thì cần tìm thêm các nguyên nhân khác gây SHH trước khi nghĩ đến CTNTQ đơn thuần.
4.3.3. Đặc điểm xét nghiệm đông máu
Theo nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận tỷ lệ rối loạn đông máu như sau:
24,6% trẻ có PT kéo dài; 26,1% trẻ có APTT kéo dài và 24,6% trẻ có giảm Fibrinogen, trong đó tỷ lệ này ở trẻ non tháng tương ứng là 37,9%, 44,8% và 34,5% cao hơn so với trẻ đủ tháng. Nghiên cứu của tác giả Đỗ Thái Sơn (2015) ghi nhận trong 158 trẻ bị SHH có 81% APTT kéo dài, PT kéo dài chiếm 58,9%, fibrinogen giảm chiếm 73,4%. Theo tác giả, APTT kéo dài, PT kéo dài và giảm fibrinogen có liên quan đến tình trạng SHH của trẻ sơ sinh.
Kết quả nghiên cứu còn quan sát thấy trẻ càng non tháng APTT, PT càng kéo dài, fibrinogen càng giảm [20].
Thời gian prothrombin là xét nghiệm đánh giá quá trình đông của huyết tương, được sử dụng để thăm dò toàn bộ yếu tố của quá trình đông máu, thời gian prothrombin kéo dài trong các trường hợp sử dụng thuốc chống đông, thiếu bẩm sinh hoặc giảm các yếu tố phụ thuộc vitamin K (II, V, VII, X), kéo dài ở trẻ sơ sinh non tháng do chức năng gan chưa hoàn thiện.
4.3.4. Đặc điểm xét nghiệm khí máu
Chỉ số pH là biểu hiện mối tương quan giữa nồng độ ion H+ và ion OH-. Trị số pH cho biết trạng thái thăng bằng toan kiềm, pH càng thấp thì nồng độ ion H+ càng cao và ngược lại. Nếu pH <7,35 máu ở trạng thái toan, pH >7,45 máu ở trạng thái kiềm. Khi pH >7,8 hoặc pH <6,8 cơ thể không sống được do mất môi trường hoạt động của hầu hết các enzym trong cơ thể.
Trong 69 trẻ suy hô hấp thì có 39 trẻ được xét nghiệm khí máu động mạch tại thời điểm nhập viện. Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi: 15,4%
trẻ có pH <7,35 và 20,5% trẻ có PaCO2 tăng >45mmHg. Không có bệnh nhân nào có PaO2 <50mmHg. Tương tự nghiên cứu của Ngô Văn Dần ghi nhận hầu hết pH ban đầu đều bình thường (74,1%), chỉ có 14,3% pH giảm. Kết quả này chứng tỏ CTNTQ không quá nặng và trẻ có thể điều chỉnh được toan kiềm khi được hỗ trợ hô hấp kịp thời [8]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi khác với
tác giả Nguyễn Tuấn Anh (2020) tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên với mức pH là 7,24 ± 0,92 ở thời điểm trước thở máy. Theo tác giả có 45/82 trẻ có pH <7,25 và 76/82 trẻ có PaO2 <50mmHg [3]. Có sự khác biệt này là do đối tượng nghiên cứu của tác giả Nguyễn Tuấn Anh là những trẻ sơ sinh có mức độ suy hô hấp nặng cần can thiệp thở máy. Trong bảng 3.10 chúng tôi nhận thấy PaCO2 trong giới hạn bình thường chiếm 69,2%, điều này chứng tỏ trẻ mắc CTNTQ thở nhanh để bù lại tăng công hô hấp trong giai đoạn đầu, phù hợp với sinh lý bệnh của chậm tiêu dịch phổi. PaO2 trong nghiên cứu của chúng tôi đều bình thường hoặc cao hơn bình thường. Các trẻ có dấu hiệu suy hô hấp thì đều được hỗ trợ oxy ở phòng mổ, do vậy PaO2 trên là do trẻ đã được thở oxy. Tổn thương phổi trong chậm tiêu dịch phổi còn đáp ứng với thở oxy cho thấy khả năng trao đổi khí của phổi không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Khí máu động mạch được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán suy hô hấp. Tuy nhiên đây là một biện pháp xâm nhập có nhiều biến chứng cho trẻ sơ sinh như gây đau, tăng nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu,… Trong quá trình tiến hành nghiên cứu chúng tôi nhận thấy không phải lúc nào kết quả khí máu cũng phản ánh đầy đủ về tình trạng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh. Có nhiều nguyên nhân làm cho kết quả khí máu có sự sai lệch như là ảnh hưởng của chất chống đông, thời gian lưu mẫu xét nghiệm, quy trình lấy mẫu,... Tác giả Burri nghiên cứu về giá trị của khí máu ở những bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp ghi nhận rằng các giá trị khí máu phải gắn liền với các biểu hiện lâm sàng thì mới đưa ra quyết định chẩn đoán phù hợp [38]. Một số biện pháp để làm giảm sai lệch kết quả khí máu được đề xuất như giảm đau cho trẻ sơ sinh, chọn ống xét nghiệm có chất chống đông phù hợp, thời gian và kỹ thuật lấy khí máu động mạch hay cần đưa đi làm xét nghiệm sớm trong vòng 15 phút kể từ lúc lấy máu động mạch. Chúng tôi thiết nghĩ rằng cần đưa các lưu ý này vào trong quy trình xét nghiệm khí máu động mạch để hạn chế sai số kết quả khí máu.
4.3.5. Đặc điểm hình ảnh Xquang
Xquang ngực thẳng là một phương tiện hữu hiệu để chẩn đoán nguyên nhân gây nên SHH. Nghiên cứu của Hoàng Thị Dung cho thấy rằng trong số các trẻ sơ sinh SHH tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, trên phim Xquang có 11,8% bệnh nhân có hình ảnh viêm phổi, 15,1% bệnh nhân có hình ảnh CTNTQ, 4,5% bệnh nhân có hình ảnh hội chứng hít phân su, 9,4%
bệnh nhân có hình ảnh bất thường khác [9].
Số liệu bảng 3.11 cho thấy tổn thương trên Xquang phổi ở trẻ mắc CTNTQ có các tổn thương như tăng đậm rốn phổi (44,9%), phổi kém sáng (31,9%) và tràn dịch kẽ (24,6%). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đồng với kết quả nghiên cứu của Đỗ Thị Thúy với hình ảnh Xquang hay gặp ở trẻ thở nhanh thoáng qua là phổi kém sáng (48,9%) và tràn dịch kẽ (34,8%) [27]. Tác giả Ngô Văn Dần nghiên cứu ở trẻ sơ sinh chậm tiêu dịch phổi ghi nhận hình ảnh Xquang thường gặp là tăng đậm rốn phổi (ứ dịch phổi) chiếm 95,7%, dấu hiệu tràn dịch kẽ (ứ trệ dịch ở hệ thống bạch huyết, khoảng kẽ) chiếm 60,9%, dấu hiệu diện tim to hay tràn dịch màng phổi ít gặp [8].
Xquang phổi cho thấy tổn thương cơ bản nhất của suy hô hấp thoáng qua là khi lượng dịch còn trong các phế nang khiến cho phổi kém sáng. Tổn thương phổi chủ yếu là ứ dịch phổi (ứ trệ hệ thống bạch huyết với tồn tại dịch trong phổi và rãnh liên thùy). Sau khoảng 10 giờ, dịch phổi tái hấp thu dần xuất hiện tổn thương tràn dịch kẽ, các đường đậm bờ không rõ nét hội tụ về rốn phổi, đường Kerley, đường khe phổi, đường viền màng phổi. Triệu chứng diện tim to chiếm tỷ lệ 11,6% và là triệu chứng ít gặp trong bệnh cảnh này.
Tất cả trẻ sơ sinh trong nghiên cứu của chúng tôi được chụp Xquang tại giường và chụp ở tư thế nằm, đây cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến hình ảnh diện tim to trên phim Xquang. Và cũng có thể chúng tôi không có nhiều bệnh nhân nặng nên triệu chứng diện tim to không gặp nhiều, đồng thời các trẻ sơ sinh cũng không có triệu chứng của suy tim.