Trong nghiên cứu của chúng tôi, có mối liên quan giữa nhóm tuổi và kết quả điều trị bệnh nhân VPTM. Tỉ lệ điều trị thất bại của ĐTNC cao hơn ở nhóm tuổi > 60 so với nhóm tuổi ≤ 60 (52,6% so với 7,1%) được trình bày trong bảng 3.10. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Kết quả của chúng tôi tương tự như nghiên cứu của Blot (2014) tại 27 đơn vị chăm sóc tích cực tại châu Âu: tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân VPTM cao hơn ở nhóm bệnh nhân tuổi già (tuổi ≥ 65) và sự khác biệt có ý nghĩa với p < 0,05 [29]. Tuổi cao thực sự có giá trị tiên lượng xấu đối với bệnh nhân nằm khoa Hồi sức nói chung và đối với VPTM nói riêng, khi mà dễ mắc VPTM hơn, và khi mắc VPTM thì cũng có tỉ lệ tử vong cao so với các nhóm tuổi thấp hơn. Tuy nhiên đây là yếu tố thuộc về bản thân người bệnh và không thể thay đổi được.
Không có mối liên quan giữa giới tính đến kết quả điều trị VPTM trong nghiên cứu của chúng tôi (p > 0,05). Nghiên cứu của Carceres (2013) cho thấy không có sự liên quan đến kết quả điều trị xấu hơn ở bệnh nhân nữ so với nam [33]. Tuy nhiên trong nghiên cứu của Sharpe (2014) báo cáo rằng giới tính nữ không liên quan đến tỉ lệ mắc VPTM, nhưng có liên quan đến tỉ lệ tử vong do VPTM cao hơn (p < 0,05), mặc dù nghiên cứu này chỉ nghiên cứu các đối tượng VPTM sau chấn thương [71]. Vẫn còn nhiều tranh cãi về mối liên quan giữa giới tính và kết quả điều trị VPTM và cần thêm các nghiên cứu để đánh giá mối liên quan này.
Phân loại BMI của bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi không liên quan đến kết quả điều trị VPTM. Đã có nhiều nghiên cứu về mối liên quan này và đều cho kết quả tương tự, béo phì không liên quan đến cả tỉ lệ mắc bệnh cũng như tỉ lệ tử vong của bệnh nhân VPTM [27],[55],[60]. Béo phì không được nhắc đến như một yếu tố nguy cơ của VPTM, vấn đề đối với bệnh nhân béo phì khi thở máy là là sự khó khăn hơn khi đặt ống nội khí quản và sự xuất hiện co thắt sau khi rút ống nội khí quản ở bệnh nhân béo phì cao hơn đáng kể so với bệnh nhân không có béo phì [44],[66].
Không có mối liên quan giữa thời gian xuất hiện VPTM và kết quả điều trị mặc dù tỉ lệ điều trị thất bại có vẻ cao hơn ở nhóm VPTM sớm (p > 0,05).
Nghiên cứu của Raymond (2016) cho rằng tỉ lệ điều trị thất bại bệnh nhân VPTM là tương tự nhau không liên quan đến thời gian xuất hiện VPTM [69].
Nghiên cứu của Dias (2013) đăng trên Tạp chí Hô hấp châu Âu thấy rằng tỉ lệ tử vong tăng cao hơn ở nhóm VPTM muộn, tuy nhiên mối liên quan này không có ý nghĩa thống kê với p ≥ 0,05 và nghiên cứu này cũng chỉ thực hiện trên đối tượng nghiên cứu là bệnh nhân được phẫu thuật không vì chấn thương và bệnh nhân bị chấn thương [38]. Nghiên cứu gần đây của tác giả Arayasukawat tại Bệnh viện Srinagarind ở Thái Lan (2021) lại cho rằng tỉ lệ điều trị thất bại của bệnh nhân VPTM cao hơn đáng kể ở nhóm VPTM muộn (p < 0,05) [28]. Tuy
nhiên trong nghiên cứu của tác giả Arayasukawat, tỉ lệ bệnh nhân VPTM muộn là 77,9% cao hơn đáng kể so với nghiên cứu của chúng tôi và tỉ lệ vi khuẩn đa kháng xuất hiện cao hơn ở nhóm VPTM muộn so với nhóm VPTM sớm (81,8%
so với 61,9%), sự khác biệt có ý nghĩa với p < 0,05. Vấn đề VPTM sớm hay muộn khá quan trọng đối với bệnh nhân VPTM, tỉ lệ vi khuẩn đa kháng thuốc cao ở nhóm VPTM muộn cũng được nhắc đến trong khuyến cáo của IDSA/ATS 2016 cũng như trong nghiên cứu của tác giả Arayasukawat và cần thêm các nghiên cứu khác để làm rõ hơn mối liên quan này.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, không có mối liên quan giữa lý do phải thở máy với kết quả điều trị bệnh nhân VPTM với p > 0,05, mặc dù bảng kết quả cho thấy tỉ lệ điều trị thất bại cao hơn ở nhóm bệnh nhân đột quỵ não cấp phải thở máy (36,4% so với 12,5%). Tỉ lệ điều trị thất bại cao được lưu ý ở nhóm bệnh nhân đột quỵ não cấp mắc VPTM.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỉ lệ điều trị thất bại cao ở nhóm bệnh nhân VPTM có bệnh mạn tính là đột quỵ não (58,3% so với 43,8% tăng huyết áp, 38,1% ở nhóm bệnh nhân có bệnh mạn tính nói chung), tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa với p > 0,05. Các nghiên cứu của các tác giả thường đánh giá mối liên quan giữa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đối với tỉ lệ tử vong của bệnh nhân VPTM: nghiên cứu của Nseir (2005) trên 1241 bệnh nhân, cho thấy bệnh nhân VPTM có tỉ lệ tử vong và thời gian nằm viện, thời gian nằm ở đơn vị hồi sức tích cực lâu hơn nếu có bệnh nền là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính;
nghiên cứu gần đây của Koulenti (2015) cũng có kết quả tương tự, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không liên quan đến tỉ lệ mắc VPTM, nhưng có liên quan đến kết quả điều trị xấu hơn của bệnh bệnh nhân VPTM [57],[65]. Nghiên cứu của chúng tôi có tỉ lệ khá thấp các bệnh nhân có bệnh mạn tính là COPD (6,1%), do vậy mối liên quan giữa COPD và kết quả điều trị không được đánh giá.
Tỉ lệ điều trị thất bại của ĐTNC có hình ảnh X-quang ngực là thâm nhiễm lan tỏa cao hơn so với hình ảnh X-quang ngực là đông đặc phổi (35,7% so với
27,8%), sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05. Giả thuyết rằng hình ảnh viêm phổi lan tỏa trên X-quang thường gặp ở các bệnh nhân cao tuổi có tình trạng ding dưỡng kém, sức đề kháng của cơ thể kém và có thể ảnh hưởng đến sự sống còn của bệnh nhân nên được lưu ý giúp tiên lượng bệnh nhân.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỉ lệ điều trị thất bại ở nhóm VPTM do A.baumannii cao hơn VPTM do K.pneumoniae, P.aeruginosa và S.aureus (63,6% so với 45,5%, 14,3% và 0%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p <
0,05 được trình bày trong bảng 3.17. A.baumannii là tác nhân có mối liên quan đến kết quả điều trị bệnh nhân VPTM. Kết quả này tương tự như trong nghiên cứu của tác giả Inchai (2015) tại Thái Lan cho thấy A.baumannii có tỉ lệ kháng thuốc cao và liên quan đến tỉ lệ tử vong cao [50]. Nghiên cứu của tác giả Chaari (2013) tại Tunisia cũng cho kết quả A.baumannii có liên quan đến tỉ lệ tử vong cao ở các bệnh nhân VPTM [34]. Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Ngọc Quang (2011) tại bệnh viện Bạch Mai cũng cho thấy nhóm bệnh nhâm VPTM do A.baumannii có tỉ lệ tử vong cao hơn các bệnh nhân VPTM do nguyên nhân khác [20]. Có thể thấy mối liên quan này phù hợp với tỉ lệ kháng kháng sinh cao của vi khuẩn A.baumannii. Các vi khuẩn thường gặp khác là K.pneumonia, P.aeruginosa, S.aureus không có mối liên quan đến kết quả điều trị bệnh nhân VPTM (p > 0,05). Tuy nhiên trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân VPTM do P.aeruginosa và S.aureus đã được điều trị hiệu quả với tỉ lệ thành công lên tới 85,7% và 100%.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỉ lệ điều trị thất bại cao hơn đáng kể ở nhóm bệnh nhân VPTM được sử dụng kháng sinh ban đầu không phù hợp so với phù hợp (60% so với 21,7%) và ngược lại, tỉ lệ điều trị thành công cao ở nhóm bệnh nhân được sử dụng kháng sinh ban đầu phù hợp so với không phù hợp (78,3% so với 40%), sự khác biệt có ý nghĩa với p < 0,05 - xem bảng 3.18.
Sự tương đồng được tìm thấy trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Ngọc Quang (2011), tỉ lệ điều trị thất bại cao hơn ở nhóm sử dụng kháng sinh ban đầu không
phù hợp so với nhóm sử dụng kháng sinh ban đầu không phù hợp, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,01; nghiên cứu của tác giả Chin và cộng sự (2016) trên 200 bệnh nhân cho thấy tỉ lệ điều trị thất bại cao hơn ở nhóm được sử dụng kháng sinh không phù hợp đối với nhiễm khuẩn bệnh viện nói chung và viêm phổi liên quan thở máy nói riêng với p < 0,02; nghiên cứu đoàn hệ của tác giả Joseph và cộng sự (2012) cũng thấy kết quả tương tự và khuyến nghị sử dụng kháng sinh ban đầu sớm và phù hợp giúp cải thiện được tỉ lệ tử vong của bệnh nhân VPTM [20],[37],[52]. Điều này phù hợp với khuyến cáo của IDSA/ATS 2016 về điều trị bệnh nhân VPTM: việc sử dụng sớm liệu pháp kháng sinh ban đầu phù hợp giúp cải thiện kết quả điều trị bệnh nhân VPTM[54].