Nghiên cứu về sâu, bệnh hại cây Ba kích

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật đến sinh trưởng và bệnh thối gốc cây ba kích (morinda officinalis how ) trong giai đoạn vườn ươm tại tỉnh quảng ninh (Trang 31 - 37)

1.2. Tình hình nghiên cứu cây Ba kích trong nước

1.2.2. Nghiên cứu về sâu, bệnh hại cây Ba kích

- Thực trạng bệnh hại cây Ba kích hiện nay:

Cây Ba kích (Morinda officinalis How.) là cây dược liệu quý được trồng phổ biến tại nhiều vùng khác nhau. Tuy nhiên trong những năm gần đây, bệnh vàng lá thối rễ đã trở thành một trong những nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến sản xuất cây Ba kích tại Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Nguyên,... Những năm gần đây, một số nơi trồng Ba kích tại Quảng Ninh và Thanh Hóa đã ghi nhận sự xuất hiện của triệu chứng bệnh héo vàng trên cây Ba kích làm chết hàng loạt cây với tỷ lệ bệnh có nơi lên đến 70%. Triệu chứng bệnh xuất hiện từ giai đoạn cây con đến khi cây hình thành củ, nhưng bệnh thường gây hại mạnh nhất ở giai đoạn cây Ba kích được 3 - 4 năm tuổi. Bằng phương pháp phân lập nấm và lây nhiễm nhân tạo theo chu trình Koch, nhóm tác giả đã xác định nấm Fusarium oxysporum là tác nhân chính được phân lập từ các mẫu bệnh thu được từ các cây Ba kích có triệu chứng héo vàng (Đặng Thị Hà và cs., 2017).

Gần đây, ở một số vùng thuộc Thanh Hóa và Bắc Giang, cây Ba kích con biểu hiện triệu chứng chết rạp, đã ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây giống.

Nguyên nhân gây bệnh chết rạp cây con Ba kích tại Thanh Hóa và Bắc Giang là do nấm Rhizoctonia solani gây ra. Bệnh biểu hiện triệu chứng điển hình trên cây Ba kích trong vườn ươm với một phần thân sát gốc bị khô và teo lại, một số cây bị chết rạp.

Nấm R. solani phát triển tốt nhất ở nhiệt độ 25 - 30° C và pH =7 trên môi trường PDA. Thuốc trừ nấm Amistar top 325 SC (hoạt chất azoxystrobin 200 g/l + difenoconazole 125 g/l) và Vanicide 5SL (hoạt chất validamycin A: 5%) đều có khả năng hạn chế sự phát triển của sợi nấm R. solani trên môi trường PDA. Trong đó thuốc Amistar top 325 SC có khả năng hạn chế mạnh nhất (Chu Thị Mỹ và cs., 2019).

Quảng Ninh là một trong những vùng có diện tích canh tác Ba kích lớn của cả nước, cùng với sự gia tăng về diện tích, năng suất là sự gây hại của sâu bệnh, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh vàng lá thối củ Ba kích trong vài năm trở lại đây. Bệnh thối gốc bắt đầu xuất hiện và gây hại sau khi trồng từ 18-24 tháng, chỉ sau một thời gian ngắn toàn bộ cây bị chết. Bệnh gây hại nặng ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh và điển hình là hợp tác xã Toàn Dân. Năm 2015, có đến 40 ha Ba kích của hợp tác xã bị hại nặng không cho thu hoạch, nhiều diện tích trồng Ba kích khác cũng bị nhiễm bệnh từ nhẹ cho đến trung bình, diện tích trồng Ba kích của hợp tác xã Toàn Dân thu hẹp đến mức báo động, từ 100 ha năm 2015 xuống còn 20 - 30 ha năm 2016.

Bệnh còn được phát hiện ở các huyện khác trong tỉnh Quảng Ninh như Vân Đồn, Hoành Bồ với các mức độ nhiễm bệnh khác nhau dao động từ 3 - 20% (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh, 2015 - 2016).

Trước sự phát sinh và gây hại của bệnh, nhiều hộ nông dân đã phải chuyển đổi diện tích trồng cây Ba kích sang các cây trồng khác, diện tích trồng Ba kích của tỉnh Quảng Ninh đã bị thu hẹp tới 40% (từ 400 ha xuống còn khoảng 240 ha) (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh, 2015 - 2016). Vụ trồng mới Ba kích vừa qua (2016 - 2017), cây con cũng bị chết hàng loạt gây thiệt hại lớn cho nhân dân Ba Chẽ. Để phòng trừ bệnh, một số thuốc bảo vệ thực vật đã được khuyến cáo như Boocdo, Ridomil với liều lượng khuyến cáo tưới vào gốc cây, nhưng không có hiệu quả phòng trừ (Theo Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Ba Chẽ, 2016).

Năm 2012, Công ty TNHH nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông bắc đã chủ trì trồng cây Ba kích thực hiện dự án “Ứng dụng KHCN trồng và chế biến cây dược liệu tại tỉnh Quảng Ninh”. Sau hơn 20 tháng trồng, cây Ba kích có dấu hiệu bị nhiễm bệnh: cây chết rải rác, thân cây chết héo rũ, đường kính củ từ 0,5 - 1,0cm bị thối. Kết quả phân lập của Viện Dược liệu đã xác định nấm Fusarium oxysporum là tác nhân chính gây bệnh héo vàng thối củ Ba kích. Viện cũng đề xuất chế phẩm phòng bệnh tổng hợp: sử dụng cây giống sạch bệnh; không trồng tái canh trên vùng đất đã nhiễm nguồn bệnh; chăm sóc theo quy trình; khi phát hiện dấu hiệu bệnh, nhổ bỏ những cây bị nặng, tiến hành phun ngay bằng một trong các loại thuốc như: Valydamycin A, Daconil (hoạt chất là Chlorothalonil) hoặc Novaba 68WP (hoạt chất là 20% Kasumycin + 48% Nigamycin). Tuy nhiên, năm 2014 - 2015, thời tiết có nhiều diễn biến thất thường (mưa bão, lũ lụt kỷ lục, nắng nóng...), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây trồng nông nghiệp nói chung và cây dược liệu nói riêng, đặc biệt là Ba kích. Kết quả, đến năm 2016, toàn bộ 4,8 ha diện tích trồng thuộc dự án bị thiệt hại nặng.

- Nghiên cứu bệnh vàng lá thối củ hại cây Ba kích:

Ở Việt Nam, có một số nghiên cứu bước đầu đã xác định được một số loài nấm như Fusarium oxysporum, F. fujikuroi, F. proliferatum đều gây hại trên bộ

phận rễ, củ của cây Ba kích. Trên thực tế, nhiều loài vi sinh vật sống trong môi trường đất như nấm Fusarium, Rhizoctonia, Phytophthora, Pythium, vi khuẩn, tuyến trùng nốt sưng, rệp sáp, sâu đục củ, v.v. cũng tham gia gây ra hiện tượng vàng lá thối củ của nhiều loại cây trồng. Từ năm 2017 đến nay, Viện Bảo vệ thực vật đã nghiên cứu và xây dựng Quy trình phòng chống tổng hợp và xử lý bệnh vàng lá thối củ (do nấm Fusarium fujikuroi gây ra) trên cây Ba kích áp dụng cho Tỉnh Quảng Ninh. Khảo sát và đánh giá ban đầu cho thấy, hiện tượng tuyến trùng hại rễ/củ Ba kích xuất hiện khá phổ biến ngay trong giai đoạn vườn ươm trên các vùng trồng Ba kích của nhiều công ty, HTX và hộ dân tại các địa phương khác nhau như Ba Chẽ, Hoành Bồ, Cẩm Phả, v.v...

Tại Vân Đồn, Ba Chẽ (Quảng Ninh), Thạch Thành (Thanh Hóa) một trong những tác nhân gây hiện tượng héo vàng cây Ba kích là do nấm Fusarium oxysporum (Đặng Thị Hà và cs., 2017); Tuy nhiên ở trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã giám định tác nhân gây bệnh dựa trên đặc điểm hình thái của nấm và lây bệnh nhân tạo theo chu trình Koch; và chưa áp dụng kỹ thuật phân tử giải trình tự gen của loài nấm F. oxysporum gây bệnh héo vàng. Bệnh vàng lá thối rễ, do nấm Fusarium proliferatum gây ra, đã trở thành một trong những nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất cây Ba kích trồng tại Thái Nguyên. Bệnh bắt đầu xuất hiện vào khoảng tháng 4 sau đó tăng và đạt đỉnh cao vào cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 và ngừng tăng lên trong giai đoạn mùa khô (Nguyễn Chí Hiểu và cs., 2019).

Một nghiên cứu khác của Ngô Quang Huy và cs. (2018) đã thu thập mẫu Ba kích có biểu hiện thối gốc. Bằng phương pháp phân lập, xác định đặc điểm hình thái của nấm, kỹ thuật lây bệnh nhân tạo theo chu trình Koch, và ứng dụng kỹ thuật PCR với cặp mồi ITS4 (5’-CCT CCG CTT ATT GATATG C-3’) và ITS5 (5’-GAA AGT AAA AGT CGT AAC AAG G-3’) khuếch đại vùng ITS của nấm. Kết quả giải trình tự vùng ITS của nấm đã khẳng định loài nấm Fusarium fufikuroi là tác nhân gây bệnh thối gốc trên cây Ba kích tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng đã xác định được một số đặc điểm sinh học của loài nấm này cụ thể như sau: Ở điều kiện nhiệt độ 25oC nấm F. fujikuroi phát triển tốt nhất trên các loại môi trường, nấm phát triển mạnh nhất trên môi trường PDA. Thời

gian hình thành bào tử trên môi trường PDA và bột đậu là sớm nhất sau 1 ngày nuôi cấy. Ở điều kiện từ 30oC trở lên nấm có tốc độ phát triển kém hơn trên các môi trường, nhưng lại có thời gia hình thành bào tử sớm nhất sau 1 ngày nuôi cấy trên môi trường Cà rốt, Bột đậu, Czapek Dox. Ở nhiệt độ 35oC, bào tử lớn và bào tử nhỏ có kích thước lớn nhất trên môi trường Bột đậu.

Nghiên cứu khác cũng đã nghiên cứu và đưa ra một số chế phẩm phòng chống bệnh thối gốc cho cây Ba kích tại Quảng Ninh như: (i) Chế phẩm xử lý cây con và đất trồng bằng chế phẩm sinh học SH-BV1 đã giúp cây con sinh trưởng tốt, giảm tỷ lệ bị nhiễm bệnh thối gốc; (ii) Sử dụng phân bón với các liều lượng khác nhau đã không có ảnh hưởng có ý nghĩa đến sự phát sinh và phát triển của bệnh thối gốc cây Ba kích; (iii) Hiệu lực của chế phẩm SH-BV1 đối với bệnh thối gốc đạt cao ở thời điểm sau xử lý 60 ngày và kéo dài đến thời điểm 90 ngày sau xử lý; (iv) Hoạt chất metalaxyl M + mancozeb (như Ridomil Gold 68WG) kết hợp difenoconazole + propiconazole (như Tilt Super 300EC) có hiệu lực phòng chống bệnh thối gốc (Dương Thị Nguyên và cs., 2020).

Tại vùng trồng Ba kích của Thái Nguyên, nhóm nghiên cứu của Dương Thị Nguyên và cs (2019) đã thu thập cây Ba kích biểu hiện vàng lá thối củ tại các huyện Đại Từ, Phú Lương và Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên và áp dụng kỹ thuật phân tử để xác định tên khoa học của tác nhân gây bệnh. Kết quả là nhóm tác giả đã xác định được loài nấm Fusarium proliferatum là tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng đã đưa ra được một số đặc điểm sinh học của loài nấm gây bệnh (Duong Thi Nguyen và cs., 2019a). Tại Thái Nguyên, bệnh thối gốc xuất hiện và gây hại từ giai đoạn cây con cho đến khi cây thu hoạch. Trong giai đoạn đầu năm, khi nhiệt độ còn thấp là điều kiện chưa phù hợp cho nấm F. proliferatum sinh trưởng và phát triển.

Tỷ lệ bệnh tăng dần trong các tháng tiếp theo và đạt đỉnh cao vào khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10, có xu hướng không tăng trong khoảng thời gian cuối năm. Cả ba mật độ trồng (12.000, 10.000 và 8.300 cây/ha) không ảnh hưởng đến tỷ lệ bệnh thối gốc từ khi trồng đến cây 1 năm tuổi. Liều lượng phân bón khác nhau không ảnh hưởng đến tỷ lệ bệnh thối gốc từ khi trồng đến 1 năm sau trồng (Nguyễn Chí Hiểu và cs., 2019). Sử dụng kép cả hai loại chế phẩm SH-BV1 có hiệu quả giảm bệnh

thối gốc (Duong Thi Nguyen và cs., 2019b). Thuốc hóa học có chứa hoạt chất prochloraz, metconazole có hiệu lực đối với bệnh thối gốc trong điều kiện đồng ruộng (Duong Thi Nguyen và cs., 2019c). Nhóm tác giả cũng đã khuyến cáo một số chế phẩm sử dụng trong quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh thối gốc cây Ba kích tại Thái Nguyên bao gồm các kỹ thuật chính: (i) xử lý đất và xử lý cây con trước khi trồng bằng chế phẩm SH-BV1; (ii) che phủ bề mặt luống bằng các loại vật liệu xanh; (iii) trồng cây che bóng; (iv) làm giàn leo; và (v) xử lý bổ sung bằng chế phẩm SH-BV1.

Ngoài ra còn có bệnh nấm gỉ sắt gây hại nhưng với mức độ nhẹ, bệnh thường gặp khi cây bị suy yếu do thiếu phân. Cây có hiện tượng là lá màu vàng có nhiều đốm nâu như sắt bị gỉ. Chế phẩm phòng bệnh gỉ sắt: Bón phân đầy đủ, cân đối,sự dụng thuốc hóa học Anvil 5SC, Thonvi155C để phun (liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bị) hoặc dùng Sameton 25wp pha 10- 12g/12l nước phun đẫm lên lá (Tạ Trung Nghĩa., 2018).

1.2.2.2. Nghiên cứu về sâu hại cây Ba kích

Tại Việt Nam, công trình nghiên cứu liên quan đến sâu hại trên cây Ba kích đặc biệt là trong giai đoạn vườn ươm tại Việt Nam đang rất hạn chế. Năm 2020, Viện Bảo vệ thực vật trong quá trình nghiên cứu quản lý sâu bệnh hại trên cây Ba kích tại Quảng Ninh đã đánh giá loài rệp sáp giả Rastrococcus chinensis là đối tượng gây hại quan trọng có khả năng bùng phát thành dịch, cũng như đã xác định được một số đặc điểm sinh học, sinh thái và xây dựng được giải pháp phòng trừ (Trinh Xuân Hoạt và cs., 2021). Trong hai năm đầu trồng cây Ba kích, thường xuyên kiểm tra và phòng trừ sâu cắn ngọn và lá non. Sâu hại thường gặp là rệp làm thui ngọn và lá non, phòng trừ bằng cách rắc tro bếp vào buổi chiều. Cách tốt nhất để phòng trừ sâu bệnh là chế phẩm vệ sinh vườn sạch sẽ, thoát nước kịp thời và triệt để sau khi mưa (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, 2013).

1.2.2.3. Nghiên cứu về tuyến trùng hại Ba kích

Theo Nguyễn Hữu Tiến và cs (2019)., hai loài tuyến trùng ghi nhận hại cây Ba kích trong vườn bảo tồn đa dạng sinh học cây dược liệu ở Mê Linh, Vĩnh Phúc thuộc 2 giống ParatylenchusHelicotylenchus, trong đó giống Paratylenchus

chiếm tới 91,8% tổng số mẫu, còn lại là giống Helicotylenchus. Ngoài ra còn chưa có nhiều kết quả nghiên cứu liên quan đến tuyến trùng gây hại cây Ba kích cả trong vườn ươm và vườn sản xuất.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật đến sinh trưởng và bệnh thối gốc cây ba kích (morinda officinalis how ) trong giai đoạn vườn ươm tại tỉnh quảng ninh (Trang 31 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(158 trang)