Có rất nhiều công trình nghiên cứu về nguyên nhân gây tử vong ở trẻ sơ sinh trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Phần lớn các trường hợp tử vong ở trẻ sơ sinh (78%) là do các biến chứng liên quan đến sinh non, các biến cố trong chuyển dạ như ngạt khi sinh, dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng đường hô hấp dưới [47]. Nguyên nhân tử vong chính ở trẻ sơ sinh ở nước ta, cũng giống
như ở các nước đang phát triển khác, chủ yếu vẫn là ngạt sơ sinh, đẻ non/nhẹ cân, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, dị tật và nhiễm khuẩn. Cần nhấn mạnh là phần lớn tử vong ở trẻ sơ sinh do các nguyên nhân trên đều có thể phòng tránh được nếu như các can thiệp cứu sống trẻ sơ sinh được áp dụng có hiệu quả ở cả cộng đồng và cơ sở y tế [6]. Các nguyên nhân thường gặp gây tử vong sơ sinh: sinh non và biến chứng liên quan đến sinh non, nhiễm trùng sơ sinh, ngạt, dị tật bẩm sinh, các nguyên nhân khác.
1.3.1. Sinh non và biến chứng liên quan đến sinh non
Nghiên cứu của Danielle năm 2019 tại Hoa Kỳ, nguyên nhân tử vong sơ sinh do các biến chứng liên quan đến non tháng và nhẹ cân (17%) [34].
Theo nghiên cứu của Chenran về xu hướng và nguyên nhân gây ra gánh nặng tử vong ở trẻ sơ sinh – Trung Quốc, 1990 – 2019, 2 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh là sinh non và dị tật tim bẩm sinh. Trong đó tử vong sơ sinh nguyên nhân do sinh non chiếm tỷ lệ 21,6% [50].
Nghiên cứu về nguyên nhân và yếu tố liên quan đến tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại Đơn vị Chăm sóc Đặc biệt Sơ sinh (NICU) của Trung tâm Y tế Đại học Jimma, Tây Nam Ethiopia (2019) của Sheka cho kết quả là trong số 1.108 trẻ sơ sinh được nhập viện với cân nặng khi sinh thấp, có 249 (60,4%) tử vong. Trong số trẻ sơ sinh non tháng, 230 (55,%) trong số đó đã tử vong [52].
Nghiên cứu của Khu Thị Khánh Dung và cộng sự về thực trạng cấp cứu và mô hình bệnh cấp cứu, tử vong sơ sinh tại Lào Cai từ (1/1/2017 – 31/12/2017) cho thấy nguyên nhân tử vong chính ở các trẻ sơ sinh cấp cứu là đẻ non 63,1% [9].
Theo nghiên cứu 5064 trẻ sơ sinh nhập viện vào Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương (NHP) của Mirinda và cộng sự trong thời gian từ 01/7/2011 – 30/6/2012. Bệnh màng trong/Hội chứng suy hô hấp (HMD/ RDS) gây ra 15,5% tổng số ca tử vong. Gần một nửa (49,9%) là trẻ sơ sinh được đưa vào NHP trong vòng 24 giờ sau sinh. Hơn một phần tư (28,4%) số trẻ này
tử vong trong vòng 24 giờ sau khi nhập viện. 84,9% trường hợp tử vong do HMD/RDS là ở trẻ sơ sinh có cân nặng khi nhập viện là 1000 – 2400 gram.
Tràn khí màng phổi gây ra 7,5% tổng số ca tử vong. Hầu hết các trẻ sơ sinh này (96,2%) đều được chuyển đến từ các bệnh viện tuyến tỉnh [37].
Theo nghiên cứu của Phạm Văn Hưng và cộng sự (2023) về tình hình tử vong sơ sinh tại Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện Bạch Mai. Nguyên nhân tử vong cao nhất là non tháng và biến chứng (37,5%) [25].
Tại Thái Nguyên, theo nghiên cứu về tình hình bệnh tật và tử vong sơ sinh tại Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên trong 3 năm (2008 – 2010) của Nguyễn Thị Xuân Hương và cộng sự, nguyên nhân gây tử vong đứng đầu là phổi non và bệnh màng trong (40,3%), nguyên nhân tử vong do non tháng (8,8%) [20].
Theo Trần Thị Hoàng (2015) nghiên cứu về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ sơ sinh nhập viện tại miền Trung Việt Nam cho thấy tử vong do sinh non và các biến chứng của nó (25%) [45].
Tại Cần Thơ, theo nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Rạng về nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ tử vong sơ sinh tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trong 6 tháng (1 – 6/2016). Nguyên nhân tử vong do sinh non chiếm 40,3% [17].
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang (2017), theo Hồ Thị Thanh Thủy và cộng sự, nghiên cứu trên 324 trẻ sơ sinh vào điều trị tại đơn nguyên sơ sinh. Nguyên nhân tử vong hàng đầu là sanh ngạt chiếm tỷ lệ (25%), bệnh màng trong là bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao hàng thứ hai so với các bệnh lý khác (2 trong 3 ca mắc bệnh màng trong tử vong chiếm tỷ lệ, 66,7%) [8].
Theo Lý Thái Minh và cộng sự (2023), nghiên cứu một số yếu tố liên quan tử vong của trẻ sơ sinh tại các Bệnh viện tuyến tỉnh Đồng Tháp năm 2020 – 2023. Nguyên nhân tử vong sơ sinh do sanh non 66,3%. Nguyên nhân do bệnh màng trong chiếm 54,3% [12].
1.3.2. Nhiễm trùng sơ sinh
Theo nghiên cứu của Chenran và cộng sự tại Trung Quốc, 1990 – 2019.
Nhiễm trùng đường hô hấp dưới là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh trong cả hai năm 1990 và 2000, trong khi nó giảm đứng ở vị trí thứ tư vào năm 2019, với tỷ lệ tử vong sơ sinh giảm 93,9% từ 13,6 trên 1.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống 0,8 trên 1.000 trẻ sinh sống vào năm 2019 [50].
Nghiên cứu của Khu Thị Khánh Dung và cộng sự tại Lào Cai cho thấy nguyên nhân tử vong do nhiễm khuẩn là 6,2% [9].
Trong nghiên cứu 5064 trẻ sơ sinh nhập viện vào Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương của Mirinda và cộng sự. Nhiễm trùng là nguyên nhân tử vong phổ biến nhất bất kể cân nặng nhập viện và có tỷ lệ tử vong là 16,3%.
+ Nhiễm trùng là một yếu tố góp phần gây ra thêm 35 (5%) trường hợp tử vong. Trong số 267 ca nhiễm trùng gây tử vong, 21,7% là ở trẻ sơ sinh được nhập viện trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi sinh và 36,3% khác được nhập viện trong khoảng từ ngày 1 đến ngày 6 của cuộc đời. Trong số 302 ca nhiễm trùng gây tử vong (cả nguyên phát và thứ phát), nguyên nhân gây bệnh cụ thể đã được xác định cho 122 (40,4%) ca nhiễm trùng. Klebsiella str. là nguyên nhân phổ biến nhất (n = 26, 21%), trong khi nhiễm nấm (bao gồm cả Candida str) chiếm 10% (n = 12) trong số các bệnh nhiễm trùng này [37].
+ Nhiễm trùng bẩm sinh chiếm 16% trường hợp nhiễm trùng. Uốn ván sơ sinh chiếm một trường hợp tử vong (Bệnh nhi người dân tộc thiểu số này được sinh ra tại nhà và dây rốn được cắt bằng kéo. Không có thêm thông tin nào liên quan đến chăm sóc trước hoặc sau khi sinh được ghi lại), 38 trường hợp tử vong được phân loại là hội chứng rubella bẩm sinh, bao gồm 31% các trường hợp nhiễm trùng có căn nguyên đã biết [37].
Theo nghiên cứu của Phạm Văn Hưng và cộng sự (2023) về tình hình tử vong sơ sinh tại Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện Bạch Mai. Nguyên nhân tử vong do nhiễm khuẩn sơ sinh với tỷ lệ 6,3% [25].
Tại Thái Nguyên, theo nghiên cứu về tình hình bệnh tật và tử vong sơ sinh tại Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên trong 3 năm (2008 – 2010) của Nguyễn Thị Xuân Hương và cộng sự, nguyên nhân gây tử vong do viêm phổi chiếm tỷ lệ 10,2%, viêm màng não mủ (0,9%) [20].
Theo Trần Thị Hoàng (2015) nghiên cứu về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ sơ sinh nhập viện tại miền Trung Việt Nam cho thấy mặc dù nguyên nhân tử vong thường do nhiều yếu tố nhưng nguyên nhân chính hàng đầu là nhiễm trùng (32%) [45].
Tại Cần Thơ, theo nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Rạng về nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ TVSS tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trong 6 tháng (1 – 6/2016). Các nguyên nhân tử vong tập trung vào 4 nhóm chính là nhiễm trùng chiếm 50,7% (trong đó, nhiễm trùng huyết: 22,3%; viêm phổi: 19,4%;
viêm phúc mạc: 7,4%; viêm ruột hoại tử: 2,9%) [17].
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang năm 2017, theo Hồ Thị Thanh Thủy và cộng sự, nghiên cứu trên 324 trẻ sơ sinh vào điều trị tại đơn nguyên sơ sinh. Nguyên nhân tử vong do viêm phổi chiếm tỷ lệ 15%, nhiễm trùng huyết sơ sinh 15% [8].
Theo Lý Thái Minh và cộng sự (2023), nghiên cứu một số yếu tố liên quan tử vong của trẻ sơ sinh tại các Bệnh viện tuyến tỉnh Đồng Tháp năm 2020 – 2023. Nguyên nhân gây TVSS do nhiễm trùng huyết là 64,1% [12].
1.3.3. Nguyên nhân do ngạt
Nghiên cứu của Khu Thị Khánh Dung và cộng sự về thực trạng cấp cứu và mô hình bệnh cấp cứu, TVSS tại Lào Cai từ (1/1/2017 – 31/12/2017) cho thấy nguyên nhân tử vong do ngạt là 15,4% [9].
Theo nghiên cứu 5064 trẻ sơ sinh nhập viện vào Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương của Mirinda và cộng sự. Bệnh não do thiếu máu cục bộ do thiếu oxy (HIE) (n = 39) chiếm 6,4% số ca tử vong. Hầu hết (94,9%)
trường hợp tử vong do HIE là ở trẻ sơ sinh có cân nặng lúc nhập viện ≥ 1500g và 23,1% tử vong trong vòng 24 giờ sau khi nhập viện [37].
Theo nghiên cứu của Phạm Văn Hưng và cộng sự (2023) về tình hình tử vong sơ sinh tại Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện Bạch Mai. Nguyên nhân tử vong do ngạt chu sinh với tỷ lệ 34,4% [25].
Tại Thái Nguyên, theo nghiên cứu về tình hình bệnh tật và tử vong sơ sinh tại Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên trong 3 năm (2008 – 2010) của Nguyễn Thị Xuân Hương và cộng sự, nguyên nhân gây tử vong do ngạt đứng thứ hai với tỷ lệ 21,8% [20].
Theo Trần Thị Hoàng (2015) nghiên cứu về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ sơ sinh nhập viện tại miền Trung Việt Nam cho thấy mặc dù nguyên nhân tử vong thường do nhiều yếu tố trong đó sinh ngạt 6% [45].
Tại Cần Thơ, theo nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Rạng về nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ tử vong sơ sinh tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trong 6 tháng (1 – 6/2016). Nguyên nhân tử vong do sinh ngạt tỷ lệ là 3,0% [17].
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang năm 2017, theo Hồ Thị Thanh Thủy và cộng sự, nghiên cứu trên 324 trẻ sơ sinh vào điều trị tại đơn nguyên sơ sinh. Nguyên nhân tử vong hàng đầu là sanh ngạt chiếm tỷ lệ (25%) [8].
Theo Lý Thái Minh và cộng sự (2023), nghiên cứu một số yếu tố liên quan tử vong của trẻ sơ sinh tại các Bệnh viện tuyến tỉnh Đồng Tháp năm 2020 – 2023. Nguyên nhân gây tử vong sơ sinh do nhiễm trùng huyết là 64,1% [12].
1.3.4. Dị tật bẩm sinh
Nghiên cứu của Danielle năm 2019 tại Hoa Kỳ, năm nguyên nhân hàng đầu của tất cả các ca tử vong ở trẻ sơ sinh cũng giống như năm 2018: dị tật bẩm sinh (21% số ca tử vong ở trẻ sơ sinh). Từ năm 2018 đến năm 2019, tỷ lệ dị tật bẩm sinh giảm (118,7 xuống 115,1 trên 1000 ca sinh sống) [34].
Theo nghiên cứu của Chenran về xu hướng và nguyên nhân gây ra gánh nặng tử vong ở trẻ sơ sinh – Trung Quốc, 1990 – 2019, 2 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh là sinh non và dị tật tim bẩm sinh [50].
Nghiên cứu 5064 trẻ sơ sinh nhập viện vào Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương của Mirinda và cộng sự. Dị tật tim mạch là nguyên nhân của 78%
trường hợp tử vong do dị tật bẩm sinh, chiếm 13,1% trường hợp tử vong [37].
Theo nghiên cứu của Phạm Văn Hưng và cộng sự (2023) về tình hình tử vong sơ sinh tại Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện Bạch Mai. Nguyên nhân tử vong do dị tật bẩm sinh là 21,9% [25].
Tại Thái Nguyên, theo nghiên cứu về tình hình bệnh tật và tử vong sơ sinh tại Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên trong 3 năm (2008 – 2010) của Nguyễn Thị Xuân Hương và cộng sự, nguyên nhân gây tử vong do dị tật bẩm sinh tỷ lệ 4,6% [20].
Theo Trần Thị Hoàng (2015) nghiên cứu về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ sơ sinh nhập viện tại miền Trung Việt Nam cho thấy tử vong do dị tật bẩm sinh chiếm tỷ lệ 24% [45].
Tại Cần Thơ, theo nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Rạng về nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ tử vong sơ sinh tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trong 6 tháng (1 – 6/2016). Nguyên nhân tử vong do dị tật bẩm sinh chiếm 6% [17].
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang năm 2017, theo Hồ Thị Thanh Thủy và cộng sự, nghiên cứu trên 324 trẻ sơ sinh vào điều trị tại đơn nguyên sơ sinh. Nguyên nhân tử vong do dị tật bẩm sinh là 5% [8].
Theo Lý Thái Minh và cộng sự (2023), nghiên cứu một số yếu tố liên quan tử vong của trẻ sơ sinh tại các Bệnh viện tuyến tỉnh Đồng Tháp năm 2020 – 2023. Nguyên nhân tử vong sơ sinh do dị tật bẩm sinh là 10,9% [12].
1.3.5. Nguyên nhân khác
Nghiên cứu của Danielle năm 2019 tại Hoa Kỳ, các nguyên nhân hàng đầu của tất cả các ca tử vong ở trẻ sơ sinh: biến chứng ở mẹ (6%), hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) (6%), và thương tích không chủ ý (6%) [34].
Theo nghiên cứu của Chenran về xu hướng và nguyên nhân gây ra gánh nặng tử vong ở trẻ sơ sinh – Trung Quốc, 1990 – 2019. Từ năm 1990 đến năm 2019, sinh non, dị tật tim bẩm sinh, viêm phổi hít, và bệnh giang mai chiếm tỷ lệ tử vong ngày càng tăng, trong khi tỷ lệ dị tật ống thần kinh và một số bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như nhiễm trùng đường hô hấp dưới và bệnh tiêu chảy lại có xu hướng giảm [50].
Nghiên cứu của Khu Thị Khánh Dung và cộng sự về thực trạng cấp cứu và mô hình bệnh cấp cứu, tử vong sơ sinh tại Lào Cai từ (1/1/2017 – 31/12/2017) cho thấy nguyên nhân tử vong do suy hô hấp (13,8%), nguyên nhân khác 1,5% [9].
Theo nghiên cứu 5064 trẻ sơ sinh nhập viện vào Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương của Mirinda và cộng sự, số ca tử vong do xuất huyết nội sọ (n = 23) chiếm 3,3% số ca tử vong [37].
Tại Thái Nguyên, theo nghiên cứu về tình hình bệnh tật và tử vong sơ sinh tại Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên trong 3 năm (2008 – 2010) của Nguyễn Thị Xuân Hương và cộng sự, nguyên nhân gây tử vong do vàng da nhân (5,6%), chảy máu phổi (5,6%), xuất huyết não (2,3%), bệnh khác (0,9%) [20].
Theo Lý Thái Minh và cộng sự (2023), nghiên cứu một số yếu tố liên quan tử vong của trẻ sơ sinh tại các Bệnh viện tuyến tỉnh Đồng Tháp năm 2020 – 2023. Nguyên nhân tử vong sơ sinh do nhẹ cân chiếm 47,8% [12].