* Bệnh lý của mẹ khi mang thai
Bệnh tật liên quan đến khoa sản như rau tiền đạo, đa ối, chuyển dạ kéo dài…nguy cơ đến suy thai nhi và đẻ doạ tử vong rất lớn. Một số bệnh mãn tính của mẹ khi mang thai như đái đường, cao huyết áp, tim mạch, bệnh máu…cũng là yếu tố gây tử vong con trong thời kỳ sơ sinh.
- Đái tháo đường (ĐTĐ): Sự phát triển của thai ở những người mẹ ĐTĐ nói chung có thể có những dị tật ảnh hưởng lớn đến tương lai của trẻ:
+ Tổn thương ống thần kinh
+ Dị tật bẩm sinh ở tim và một số thương tổn khác.
+ Thai quá phát triển do tăng tích chứa mỡ, gia tăng chiều dài, gia tăng tỷ lệ bụng/đầu hoặc ngực/đầu
+ Thai kém phát triển có thể gây nhiều biến chứng tác hại khác cho thai.
+ Đa ối: đa ối thường đi liền với thai to, gây khó chịu và gây sinh non + Một số nguy cơ cho thai nhi có thể gặp do tăng insulin như: hội chứng suy hô hấp, hạ glucose máu, tăng billirubin máu, hạ calci máu, kém ăn [5].
- Tiền sản giật, sản giật: là biến chứng nội khoa thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai với tỷ lệ từ 2% - 8%. Triệu chứng thường gặp là phù, huyết áp tăng và protein niệu. Là 1 trong những nguyên nhân chính gây tử vong cho mẹ và thai [5]. Nghiên cứu của Robert (2023) đánh giá về nguyên nhân gây tử vong ở thai chết lưu và tử vong sơ sinh ở Ấn Độ và Pakistan cho thấy: Trong số các nguyên nhân từ mẹ gây tử vong ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân phổ biến nhất là bệnh tăng huyết áp (36%) [36].
- Đẻ non: Theo định nghĩa Tổ chức Y tế thế giới, đẻ non là cuộc chuyển dạ xảy ra từ tuần thứ 22 đến trước tuần 37 của thai kỳ tính theo kinh cuối cùng. Sơ sinh non tháng có tỷ lệ tử vong và mắc bệnh cao hơn rất nhiều so với trẻ đẻ đủ tháng, nguy cơ cao bị di chứng thần kinh với tỷ lệ 1/3 trước tuần 32, giảm xuống 1/10 sau 35 tuần [5].
- Thiểu ối: Sự xuất hiện thiểu ối trong giai đoạn sớm của thai kỳ làm tăng nguy cơ thiểu sản phổi cho thai nhi. Kilbride và cộng sự (1996) tiến hành
quan sát trên 115 thai phụ bị vỡ ối trước 29 tuần, có 7 ca thai lưu, 40 trẻ sơ sinh tử vong, và ước tính tỷ lệ tử vong chu sinh là 409/1000. Nguy cơ thiểu sản phổi gây chết thai khoảng 20%. Thiểu ối sớm thường liên quan đến những bất thường của thai nhi [5].
- Đa ối là một trường hợp thai nghén nguy cơ cao cho sản phụ về nguyên nhân đa ối và cảnh báo nguy cơ sinh non trong quá trình thai nghén [5].
Theo nghiên cứu của Dương Quỳnh Anh và Phạm Thị Thanh Hiền (2021) về một số yếu tố sản khoa liên quan tử vong sơ sinh sớm ở trẻ đẻ non 28 – 32 tuần cho thấy: mẹ bệnh lý (đặc biệt rối loạn huyết áp) và thai chậm phát triển trong tử cung là các yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong sơ sinh sớm của trẻ [7].
* Trình độ học vấn
Trong một nghiên cứu về tỷ lệ tử vong sơ sinh và các yếu tố liên quan ở trẻ sơ sinh được nhập viện tại khoa chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh của bệnh viện Gandhi ở Addis Ababa, Ethiopia (2019). Trình độ học vấn của bà mẹ là một trong những yếu tố liên quan đến tử vong sơ sinh. Trẻ sơ sinh có mẹ mù chữ hoặc không được đi học có nguy cơ tử vong sơ sinh cao hơn gần gấp ba lần so với những bà mẹ có học thức hoặc biết chữ. Qua nghiên cứu này cho thấy rằng học tiểu học có liên quan đến việc giảm 28% và học trung học trở lên có liên quan đến việc giảm 45% tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh so với những trẻ sinh ra từ các bà mẹ mù chữ. Có thể giải thích cho điều này là do trình độ học vấn có thể ảnh hưởng đến sự sống sót của trẻ sơ sinh vì ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và tiếp xúc với dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bà mẹ trong một số dịch vụ như tránh thai, dinh dưỡng, vệ sinh, chăm sóc phòng ngừa và điều trị bệnh. Những bà mẹ có trình độ học vấn cao hơn sẽ chăm sóc tốt hơn cho bản thân khi mang thai và cho con cái của họ trong những giai đoạn sơ sinh so với những bà mẹ có trình độ học vấn thấp hơn, điều này có thể làm tăng khả năng sống sót của trẻ sơ sinh [31].
Theo Yongfu Yu (2019) tại Đan Mạch, so với trẻ sinh ra từ các bà mẹ có trình độ học vấn trung bình hoặc cao, trẻ sinh ra từ các bà mẹ có trình độ học vấn thấp có nguy cơ tử vong cao hơn [51].
Theo Gizachew G. Mekebo (2023), trẻ sinh ra từ những bà mẹ không có trình độ học vấn có nguy cơ tử vong trong vòng 7 ngày đầu sau sinh cao hơn so với trẻ sinh ra từ những bà mẹ có trình độ trung học trở lên [61].
Theo Nguyễn Văn Sơn và Bùi Thị Lan Thanh (2010) nghiên cứu tại tỉnh Thái Nguyên thấy các trường hợp TVSS, các bà mẹ có trình độ học vấn là tiểu học và THCS chiếm 79,5% [22].
Theo Rajbanshi Sushma (2021), những bà mẹ không có trình độ học vấn cao (aOR 2,16; KTC 95% 1,13 – 4,14) có tỷ lệ gặp tử vong trẻ sơ sinh cao hơn những bà mẹ có trình độ học vấn cao [41].
* Cách sinh
Theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Sơn và Bùi Thị Lan Thanh (2010), thấy tỷ lệ tử vong sơ sinh đường dưới chiếm (14,33‰) cao hơn tỷ lệ tử vong mổ lấy thai (3,44‰) [22].
Theo Rajbanshi Sushma (2021), trẻ sơ sinh được sinh ra bằng phương pháp sinh mổ ít có khả năng tử vong hơn (aOR 0,44; KTC 95% 0,19 – 0,99) so với trẻ sơ sinh được sinh bằng phương pháp sinh thường [41].
Oluwasegun A Akinyemi (2023), sinh mổ có liên quan đến việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh (OR = 0,58, giá trị p < 0,001). Điều này có thể là do sinh mổ thường được thực hiện trong đó việc sinh thường qua đường âm đạo có thể gây nguy hiểm cho mẹ hoặc bé. Do đó, sinh mổ có thể ngăn ngừa các biến chứng có thể dẫn đến tử vong ở trẻ sơ sinh [63].
1.4.2. Yếu tố liên quan từ phía con
Theo nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước, có nhiều yếu tố khác nhau dùng để đánh giá và tiên đoán nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh: cân nặng lúc sinh (CNLS), tuổi thai, chỉ số Apgar, dị tật bẩm sinh, mức độ bênh nặng [19].
* Cân nặng lúc sinh (CNLS)
Tỷ lệ tử vong tỷ lệ nghịch với CNLS. Trẻ có CNLS thấp (trẻ sinh non, nhẹ cân) có tỷ lệ tử vong cao hơn nhóm trẻ đủ cân. Lĩnh vực HSSS ngày càng phát triển, đặc biệt nhiều thành tựu trong chăm sóc và điều các trẻ sinh non nhẹ cân, vì vậy tỷ lệ sống ở nhóm trẻ này ngày càng tăng lên [19].
Nguyễn Thị Xuân Hương và cộng sự nghiên cứu trong 3 năm (2008 – 2010) tại Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên,
tỷ lệ trẻ có cân nặng thấp dưới 2500gram còn rất cao (60,0%). Đặc biệt có đến 13,1% trẻ sơ sinh vào viện có cân nặng dưới 1500gram [20].
Andegiorgish (2020), tỷ lệ tử vong sơ sinh ở trẻ sơ sinh nhẹ cân cao hơn 19,24 lần so với cân nặng khi sinh bình thường, (AOR, 19,24, 95% CI:
5,80 – 63,78) và cao hơn 4,55 lần ở trẻ sơ sinh cân nặng thấp (AOR, 4,55, 95% CI: 1,97 – 10,50) so với trẻ cân nặng bình thường [30].
Oluwasegun A Akinyemi (2023) nghiên cứu về các yếu tố quyết định tỷ lệ tử vong sơ sinh ở Hoa Kỳ, phần lớn đối tượng nghiên cứu có cân nặng khi sinh từ 2,5 – 4,0kg (84,1%). Hầu hết các trường hợp tử vong sơ sinh xảy ra ở những trẻ có cân nặng khi sinh dưới 2,5kg (88,1%) [63].
* Tuổi thai
Tuổi thai càng thấp tỷ lệ tử vong càng cao. Cũng giống như nhóm trẻ có cân nặng lúc sinh thấp, tỷ lệ nuôi sống các trẻ sinh non tháng cũng dần có cải thiện.
Sven Cnattingius (2020), tỷ lệ tử vong sơ sinh tăng theo tuổi thai giảm, từ 0,2% ở tuần thứ 36 tăng lên 76,5% ở tuần thứ 22 [55].
Ponloeu Leak (2021), tỷ lệ tử vong ở trẻ cực non, rất non, non tháng vừa đến muộn và đủ tháng lần lượt là 100,0%, 25,8%, 6,1% và 4,6% [64].
* Nhiễm trùng
Nhiễm trùng sơ sinh gồm các nhiễm khuẩn xuất hiện trong vòng 28 ngày đầu của cuộc sống. Theo tác giả Nguyễn Thị Xuân Hương và cộng sự nghiên cứu trong 3 năm (2008 – 2010) tại Khoa Nhi – Bệnh viện đa khoa Trung ương
Thái Nguyên, tử vong do viêm phổi chiếm 10,2% chỉ sau nguyên nhân do bệnh màng trong và ngạt [20].
Theo Akine (2021), nguyên nhân nhập viện phổ biến nhất là nhiễm trùng sơ sinh (56,5%), tiếp theo là cân nặng khi sinh thấp (19,5) trong khi ít gặp nhất là dị tật bẩm sinh (3,2%). Nhiễm trùng huyết, (n = 98, 42,1%), nhẹ cân khi sinh (LBW), (n = 67, 28,8%) là nguyên nhân chính gây tử vong [35]
* Ngạt lúc sinh
Ngạt là tình trạng thiếu oxy cấp tính, não bộ và các cơ quan trong cơ thể trẻ không được cung cấp đủ oxy trong và ngay sau sinh.
Đánh giá ngạt dựa vào chỉ số Apgar 1 phút, 5 phút.
Chỉ số Apgar ≥ 8 – 10: Không ngạt Chỉ số Apgar 4 – 5: Ngạt nặng Chỉ số Apgar 6 – 7: Ngạt nhẹ Chỉ số Apgar ≤ 3: Ngạt rất nặng
Theo tác giả Nguyễn Thị Xuân Hương và cộng sự nghiên cứu trong 3 năm (2008 – 2010) tại Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, tử vong sơ sinh do ngạt chiếm tỷ lệ cao, chiếm 21,8%, chủ yếu là sơ sinh non tháng [20].
Sven Cnattingius (2020), tỷ lệ tử vong sơ sinh cũng tăng khi điểm Apgar giảm ở phút thứ 5 và 10, ngay cả trong phạm vi giá trị điểm Apgar “bình thường” (7 đến 10) [55].
Theo tác giả Lê Thái Thiên Trinh và cộng sự cho biết có tất cả 404 trường hợp trẻ sơ sinh nhập viện tại hồi sức cấp cứu Nhi trong năm 2008, Có tất cả 85 trẻ sơ sinh tử vong, mà có 3 nguyên nhân gián tiếp gây tử vong sơ sinh trong đó sinh nhẹ cân 48.2% (41/85) chiếm tỷ lệ cao nhất, sinh non 41,1% (35/85), sinh ngạt 37.6 % (32/85) [10].
* Dị tật bẩm sinh
Tại Hoa Kỳ, năm 2019, năm nguyên nhân hàng đầu của tất cả các ca tử vong ở trẻ sơ sinh cũng giống như năm 2018: dị tật bẩm sinh (21% số ca tử vong ở trẻ sơ sinh), các rối loạn liên quan đến non tháng và nhẹ cân (17%),
biến chứng ở mẹ (6%), hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) (6%), và thương tích không chủ ý (6%) [34].
Từ năm 2018 đến năm 2019, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh do tai nạn thương tích không chủ ý đã tăng từ 30,8 trẻ sơ sinh tử vong trên 100.000 ca sinh lên 33,7 trẻ sơ sinh tử vong trên 100.000 ca, trong khi tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm do các rối loạn liên quan đến non tháng và nhẹ cân (97,1 đến 92,3) và các biến chứng ở mẹ (36,2 xuống 33,4). Tỷ lệ dị tật bẩm sinh giảm (118,7 xuống 115,1) và SIDS (35,1 xuống 33,4) không có ý nghĩa [34]
* Đa thai
Theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Sơn và Bùi Thị Lan Thanh (2010), tỷ lệ TVSS ở trẻ sinh đôi cao hơn so với trẻ sinh một [22].
Nghiên cứu của Getayeneh và Misganaw (2021) về các yếu tố quyết định tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại khu vực thuộc Ethiopia cho thấy tỷ lệ tử vong sơ sinh ở trẻ sinh đôi là 6,85 (AOR = 6,85, KTC 95%: 3,69, 12,70) cao hơn so với trẻ sinh đơn [42].
CHƯƠNG 2