Các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ sơ sinh

Một phần của tài liệu Đặc điểm và nguyên nhân tử vong ở trẻ sơ sinh tại bệnh viện trung ương thái nguyên giai đoạn 2020 – 2022 (Trang 75 - 79)

Nguyên nhân gây tử vong đứng hàng đầu trong nghiên cứu của chúng tôi là bệnh màng trong với tỷ lệ 29,36%. Tiếp đó là các nguyên nhân nhiễm trùng sơ sinh (17,4%) (chủ yếu là nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi), cực non tháng (15,6%), ngạt (12,8%). Hai nguyên nhân dị tật bẩm sinh (10,1%), xuất huyết phổi (7,3%) không phải là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong nghiên cứu. Mô hình TVSS trong nghiên cứu của chúng tôi tương tự với nghiên cứu của Nguyễn Thị Xuân Hương cùng địa điểm nghiên cứu trong thời gian 2008 – 2010 [20] và nghiên cứu của Phạm Văn Hưng tại Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện Bạch Mai năm 2023, nguyên nhân tử vong cao nhất là non tháng và biến chứng (37,5%), tiếp theo là ngạt chu sinh với 34,4%. Hai nguyên nhân dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng sơ sinh với tỷ lệ lần lượt là 21,9% và 6,3% [25]. Nghiên cứu của Amanuel tại Đơn vị Chăm sóc Sơ sinh Chuyên khoa Asmara, Eritrea (2020) cũng cho kết quả tương tự với nguyên nhân tử vong sơ sinh chính là hội chứng suy hô hấp (48,1%); cân nặng khi sinh cực thấp (40,9%) và cân nặng khi sinh rất thấp (30,5%) [30]. Nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự với nghiên cứu của Ponloeu cùng cộng sự về các yếu tố liên quan đến tử vong sơ sinh tại Bệnh viện tuyến 3 ở Phnom Penh, Campuchia năm 2021, hội chứng suy hô hấp là nguyên nhân chính gây tử

vong chiếm 37,2%, tiếp theo là bệnh não thiếu oxy – thiếu máu cục bộ (31,4%) và nhiễm trùng sơ sinh (21,0%) [64]. Mô hình bệnh tật tử vong trẻ sơ sinh trong nghiên cứu của chúng tôi có khác biệt về thứ tự nguyên nhân với nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Rạng (2019) với nguyên nhân tử vong sơ sinh đứng đầu là nhiễm trùng (50,7%), tiếp đó là sinh non (40,3%). Dị tật bẩm sinh không phải là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của trẻ sơ sinh (6,0%) [17].

Nghiên cứu của Ruth và cộng sự (2021) tại Brazil cũng cho kết quả với nguyên nhân cơ bản gây tử vong là rối loạn hô hấp, có thể được coi là nguyên nhân gây ra sinh non, nhiễm trùng và ngạt chu sinh, với sự đóng góp quan trọng của dị tật bẩm sinh [54].

Nhóm trẻ sơ sinh non tháng tử vong chủ yếu do bệnh màng trong và cực non tháng. Trong khi đó nguyên nhân gây tử vong sơ sinh ở nhóm trẻ đủ tháng là ngạt, dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng sơ sinh. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Trong đó, Bệnh màng trong có liên quan đến tuổi thai mạnh nhất (V = 0,367) (bảng 3.22). Tương tự nghiên cứu của chúng tôi, nghiên cứu của Dương Quỳnh Anh (2021), nguyên nhân tử vong thường gặp ở trẻ đẻ non 28 – 32 tuần là suy hô hấp (55%), nhiễm khuẩn (18%) và xuất huyết não – màng não (18,8%) [7]. Nghiên cứu của Ponloeu cùng cộng sự trên 925 trẻ sơ sinh nhập khoa Nhi của Bệnh viện Hữu Nghị Khmer – Xô, trong số 86 trẻ sơ sinh tử vong, có 32 trẻ sơ sinh non tử vong nguyên nhân do hội chứng suy hô hấp chiếm tỷ lệ 50,0% [64]. Nghiên cứu của Phạm Văn Hưng cùng cộng sự tại Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện Bạch Mai năm 2023 cũng cho kết quả tương tự với nguyên nhân tử vong cao nhất là non tháng và biến chứng (37,5%) [25]. Tuy nhiên trong nghiên cứu về nguyên nhân tử vong sơ sinh sinh non và nhẹ cân ở vùng nông thôn Kenya của Beatrice năm 2021 cho thấy có sự khác biệt về thứ tự nguyên nhân gây tử vong sơ sinh, các nguyên nhân hàng đầu có thể gây tử vong ở trẻ sơ sinh non tháng là ngạt khi sinh (45,5%), nhiễm trùng sơ sinh (26,1%), suy hô hấp (12,5%) và hạ thân

nhiệt (11%) [40]. Tương tự với nghiên cứu của Lý Thái Minh tại Bệnh viện tuyến tỉnh Đồng Tháp 2020 – 2023, nguyên nhân TVSS ở trẻ do nguyên nhân nhiễm trùng huyết và sanh non từ 64,1% đến 66,3%, nguyên nhân ngạt chiếm thấp nhất chỉ 8,7%, nguyên nhân do bệnh màng trong chiếm 54,3% [12].

Nghiên cứu của Robert (2023) cũng cho kết quả tương tự với nguyên nhân sơ sinh phổ biến nhất gây tử vong sơ sinh non tháng là ngạt khi sinh. Nguyên nhân thường gặp tiếp theo gây tử vong ở trẻ sơ sinh là nhiễm trùng mắc phải trước khi sinh (20,5%) và sau đó là nhiễm trùng mắc phải (19,8%). RDS ít được coi là nguyên nhân gây tử vong sơ sinh non tháng (10,2%) [36].

Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ nguyên nhân gây tử vong do bệnh màng trong, cực non tháng, dị tật bẩm sinh, xuất huyết não và nguyên nhân khác giữa hai nhóm cân nặng < 2500g và ≥ 2500g. Tỷ lệ mắc bệnh màng trong ở nhóm trẻ có cân nặng lúc sinh < 2500g cao hơn ở nhóm trẻ có cân nặng lúc sinh ≥ 2500g (39,2% và 3,3%). Ngược lại tỷ lệ trẻ mắc dị tật bẩm sinh, xuất huyết não, bệnh lý khác ở nhóm trẻ có cân nặng lúc sinh

< 2500g lại thấp hơn nhóm trẻ có cân nặng lúc sinh ≥ 2500g (bảng 3.23).

4.3.2. Mối liên quan giữa một số đặc điểm thuộc về mẹ và các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ sơ sinh

* Mối liên quan giữa một số đặc điểm thuộc về mẹ và tử vong sơ sinh nguyên nhân do bệnh màng trong

Trong các đặc điểm thuộc về mẹ, có sự liên quan có ý nghĩa thống kê giữa bệnh màng trong với phương pháp sinh và thời gian vỡ ối. Trẻ sơ sinh tử vong do bệnh màng trong được sinh bằng phương pháp sinh thường nhiều hơn so với trẻ được sinh bằng phương pháp sinh mổ lấy thai (81,3% so với 18,8%). Trẻ có mẹ ối vỡ sớm thường mắc bệnh màng trong nhiều hơn mẹ ối vỡ đúng lúc. Sự liên quan có ý nghĩa thống kê giữa bệnh màng trong với phương pháp sinh và thời gian vỡ ối của mẹ, với p < 0,05 và V lần lượt là 0,218 và 0,388. Nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu đặc

điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị bệnh màng trong bằng bơm surfactant qua kỹ thuật lisa ở trẻ sơ sinh non tháng tại Bệnh viện Phụ sản Thành phố Cần Thơ của Nguyễn Trung Hậu và cộng sự (2021), tác giả cho thấy những trẻ mắc bệnh màng trong được sinh bằng phương pháp sinh thường chiếm tỷ lệ cao hơn sinh mổ (50,9% so với 49,1%) [21]. Nghiên cứu của Lê Thị Bình và cộng sự (2022) nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và kết quả chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng mắc bệnh màng trong đượcđiều trị surfactant tại Bệnh viện Phụ sản Thành phố Cần Thơ và Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cũng cho kết quả tương tự với nghiên cứu của chúng tôi với 75/132 trẻ sơ sinh (56,8%) mắc bệnh màng trong được sinh bằng phương pháp sinh thường [11].

* Mối liên quan giữa một số đặc điểm thuộc về mẹ và tử vong sơ sinh nguyên nhân do cực non tháng

Trẻ sơ sinh tử vong nguyên nhân do cực non tháng có người mẹ tiền sử đẻ non/ thai lưu chiếm tỷ lệ 52,9%, thời gian vỡ ối sớm với 94,1%, nhóm tuổi mẹ 18 – 35 chiếm 82,4%.

Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa bệnh lý thuộc về mẹ, thời gian vỡ ối với trẻ sơ sinh tử vong nguyên nhân do cực non tháng có ý nghĩa thống kê với p < 0,05 và giá trị V lần lượt là 0,269 và 0,202.

Một phần của tài liệu Đặc điểm và nguyên nhân tử vong ở trẻ sơ sinh tại bệnh viện trung ương thái nguyên giai đoạn 2020 – 2022 (Trang 75 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)