Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ trẻ sơ sinh non tháng tử vong cao (77,1%), trong đó số trẻ sơ sinh tuổi thai từ 28 – < 37 tuần chiếm đa số với tỷ lệ 50,5%. Nhóm trẻ sơ sinh đủ tháng tỷ lệ tử vong là 22,9%, không có trẻ sơ sinh tử vong có tuổi thai trên 42 tuần. Kết quả của chúng tôi tương tự với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Rạng và Trương Thị Cẩm Trinh tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ (2019) trong 6 tháng (1 – 6/2016) với 827 trường hợp nhập viện trong đó có 67 trường hợp tử vong, với kết quả nghiên cứu 47 (70,1%) trường hợp sinh non, có tuổi thai trung bình là 33,0 ± 6,2 tuần [17].
Cũng tương tự với kết quả nghiên cứu của chúng tôi, nghiên cứu của Hồ Thị Thanh Thủy (2017) về tình hình bệnh tật và tử vong sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang với tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh < 37 tuần là 70%
[8]. Nghiên cứu về tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh ở Hoa Kỳ (2019) cũng cho thấy tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong là non tháng có tuổi thai dưới 37 tuần cao hơn so với nhóm từ 37 – 42 tuần [34]. Có sự tương đương giữa nghiên cứu của chúng tôi với nghiên cứu phân tích của Baoquan và cộng sự tại Trung Quốc (2019) về tỷ lệ tử vong sơ sinh ở người Trung Quốc nhập viện cũng cho thấy tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh có tuổi thai 28 – 32 tuần và trọng lượng cơ thể 1000 – 2000 gram cao hơn so với các đối tượng khác, với tỷ lệ lần lượt là 0,6% và 0,3%
[27]. Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho kết quả tương tự với nghiên cứu của Assefa và cộng sự (2020) về nguyên nhân và các yếu tố dự đoán tỷ lệ tử vong
sơ sinh ở trẻ sơ sinh được đưa vào đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh của các Bệnh viện công ở miền đông Ethiopia, kết quả nghiên cứu của tác giả cho thấy trẻ sơ sinh non tháng có nguy cơ tử vong cao hơn gần ba lần (AOR = 2,78; 95% CI: 1,17, 6,57) so với trẻ sơ sinh đủ tháng [33].
Trong số trẻ sơ sinh tử vong, tỷ lệ trẻ nam (65,1%) cao hơn trẻ nữ (34,9%). Tỷ lệ nam/ nữ là 1,9/ 1. Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho kết quả tương tự với nghiên cứu một số yếu tố liên quan tử vong của trẻ sơ sinh tại các Bệnh viện tuyến tỉnh Đồng Tháp năm 2020 – 2023 của Lý Thái Minh và cộng sự, ở nhóm trẻ sơ sinh tử vong số trẻ là trẻ nam cũng chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ nữ (56,5% so với 43,5%). Cũng tương tự với nghiên cứu của tác giả Hyunkyung và cộng sự thống kê về xu hướng tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh và chu sinh ở Hàn Quốc từ năm 2018 đến năm 2020 cho thấy năm 2020, số trẻ sơ sinh tử vong là 387 (57,4%) ở nam và 287 (42,6%) ở trẻ nữ. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh nam (2,8) cao hơn ở trẻ nữ (2,2) [62]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi quan sát thấy cũng có sự tương đồng với kết quả nghiên cứu của Sheka (2019), hơn một nửa, 1837 (59,4%) số trẻ sơ sinh là nam, trong khi 1256 (40,6%) là nữ, tỷ lệ nam/nữ là 1,46:1 [52]. Theo Paul và cộng sự (2017 – 2018) cho kết quả nghiên cứu với 59,6% trẻ nam và 40,4% trẻ nữ, kết quả của chúng tôi cũng tương đương với kết quả nghiên cứu này [56]. Tương tự với nghiên cứu của chúng tôi, nghiên cứu của Ruth và cộng sự (2021) về xu hướng hàng năm về tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và các nguyên nhân cơ bản của nó: nghiên cứu dựa trên dân số – Bang São Paulo, Brazil, 2004 – 2013 tại Brazil cho thấy tỷ lệ trẻ sơ sinh nam (56%) tử vong cao hơn trẻ sơ sinh nữ [54]. Vì một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giới tính nam được phát hiện có liên quan đến việc tăng nguy cơ sinh non, hội chứng suy hô hấp, hạn chế tăng trưởng trong tử cung và các bất thường của nhiễm sắc thể giới tính [60].
4.1.2. Đặc điểm về cân nặng, dân tộc và địa chỉ của đối tượng nghiên cứu
* Đặc điểm về cân nặng lúc nhập viện
Nghiên cứu của chúng tôi tại Bảng 3.4 chỉ ra rằng, có 57 trẻ sơ sinh tử vong có cân nặng lúc nhập viện < 1500 gram chiếm tỷ lệ 52,3%, trong số đó có 29 trẻ sơ sinh tử vong có cân nặng < 1000 gram chiếm tỷ lệ 29,4%, kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đương với kết quả nghiên cứu của Trần Thị Hoàng về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ sơ sinh nhập viện ở miền Trung Việt Nam (2015) với tỷ lệ 59% ở trẻ sơ sinh tử vong có cân nặng khi sinh rất thấp (< 1500 gram) [45]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn trong với kết quả nghiên cứu của Nihaya năm 2020 tại Jordan với tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh có cân nặng khi sinh rất thấp (< 1500 gram) là 31,8 (KTC 95% 18,8, 53,8) cao hơn so với những trẻ có cân nặng khi sinh ≥ 2500 gram [28].
Nghiên cứu của Ruth và cộng sự (2021) về xu hướng hàng năm về tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và các nguyên nhân cơ bản của nó: nghiên cứu dựa trên dân số – Bang São Paulo, Brazil, 2004 – 2013 tại Brazil cũng cho thấy số trẻ sơ sinh tử vong có cân nặng < 1500 gram chiếm tỷ lệ 55%, trong đó số trẻ có cân nặng < 1000 gram chiếm tỷ lệ cao với tỷ lệ 38%. Nhóm trẻ có cân nặng từ 1500 – < 2500 gram chiếm tỷ lệ 20%, số còn lại là nhóm trẻ ≥ 2500 gram với tỷ lệ 25% [54]. Tương tự với kết quả nghiên cứu của tôi, kết quả nghiên cứu của Assefa và cộng sự (2020) về nguyên nhân và các yếu tố dự đoán tỷ lệ tử vong sơ sinh ở trẻ sơ sinh được đưa vào đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh của các bệnh viện công ở miền đông Ethiopia, kết quả trẻ sinh nhẹ cân có nguy cơ tử vong cao gấp hai lần (AOR = 2,39; 95% CI: 1,04, 5,41) so với trẻ sinh ra có cân nặng bình thường [33].
* Đặc điểm về dân tộc
Dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ 47,7% thấp hơn các dân tộc khác với tỷ lệ 52,3% (chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay, Dao,…). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có sự khác biệt so với kết quả nghiên cứu của Hồ Thị
Thanh Thủy (2017) về tình hình bệnh tật và tử vong sơ sinh tại Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh An Giang với tỷ lệ trẻ dân tộc Kinh chiếm đa số (92,9%) [8]. Chúng tôi quan sát thấy cũng có sự khác biệt giữa kết quả nghiên cứu về dân tộc đối tượng nghiên cứu của chúng tôi so với kết quả nghiên cứu của Khu Thị Khánh Dung về thực trạng cấp cứu và mô hình bệnh cấp cứu, tử vong sơ sinh tại Lào Cai năm 2017, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong/ nặng xin về chủ yếu là dân tộc Mông (27,9%), trẻ dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ thấp (3,8%) [9].
Nguyên nhân của sự khác biệt về tỷ lệ dân tộc giữa các nghiên cứu này có thể do sự khác nhau về phân bố các dân tộc theo vùng miền. Thái Nguyên là tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (chủ yếu dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chay,..). Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là bệnh viện tuyến cuối của khu vực này, là nơi tham gia vào khám chữa bệnh cho người dân trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận khác như Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Giang,…đều là các tỉnh có đa dạng về các dân tộc sinh sống.
* Đặc điểm về địa chỉ
Chúng tôi quan sát thấy rằng, có 77/109 trẻ sơ sinh tử vong được sinh ra từ người mẹ có địa chỉ ở vùng nông thôn chiếm tỷ lệ 70,6%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự với nghiên cứu của Nguyễn Văn Sơn và Bùi Thị Lan Thanh về tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh tại tỉnh Thái Nguyên 2010, tỷ lệ tử vong sơ sinh ở khu vực miền núi là 16,56‰, trung du là 6,97‰, khu vực thành phố, thị xã 3,23‰ [22]. Với kết quả 72/90 trẻ sơ sinh tử vong được sinh ra từ người mẹ có địa chỉ vùng nông thôn trong nghiên cứu của Lý Thái Minh và cộng sự, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng quan sát thấy kết quả tương tự [12]. Nguyên nhân của sự chênh lệch giữa nông thôn và thành phố với tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh có thể do các xã, huyện thuộc vùng nông thôn nơi có điều kiện kinh tế, giao thông đi lại và khả năng tiếp cận với các dịch vụ
chăm sóc y tế còn khó khăn nên tỷ lệ tử vong sơ sinh cao hơn các huyện, xã thuộc thành thị. Bà mẹ mang thai và trẻ em sống ở thành phố thường được chăm sóc tốt hơn nên tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thường thấp hơn. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương đương với nghiên cứu của Sheka về nguyên nhân và yếu tố liên quan đến tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại Đơn vị Chăm sóc Đặc biệt Sơ sinh (NICU) của Trung tâm Y tế Đại học Jimma, Jimma, Tây Nam Ethiopia (2019), kết quả ghi nhận trẻ sơ sinh đến từ các địa chỉ bên ngoài thành phố có nguy cơ tử vong cao hơn 1,89 lần (AOR 1,89, 95% CI 1,4 – 2,5) so với những trẻ cùng lứa sống trong thành phố [52].
4.1.3. Đặc điểm về tuổi nhập viện, phương pháp sinh và số con trong một lần sinh
Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi tại Bảng 3.5. Tuổi nhập viện của trẻ sơ sinh tử vong nhiều nhất là từ 0 – 1 ngày tuổi chiếm tỷ lệ 72,5%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự với kết quả nghiên cứu tình hình tử vong sơ sinh của Phạm Văn Hưng và cộng sự tại Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện Bạch Mai (2023) cho thấy số trẻ sơ sinh nhập viện trong ngày đầu với tỷ lệ 70% [25]. Cũng tương tự với nghiên cứu của Sheka (2019), phần lớn, 2349 (76,0%) trẻ sơ sinh được nhập viện trong vòng 24 giờ sau khi sinh, trong khi đó có 135 (4,3%) trẻ được nhập viện trong vòng 8 – 21 ngày sau khi sinh [52]. Nghiên cứu của Alka và cộng sự về tỷ lệ tử vong sơ sinh tại một bệnh viện công ở miền nam Haiti (2022), tác giả cho thấy số trẻ sơ sinh tử vong nhập viện trong ngày đầu khi sinh chiếm tỷ lệ cao nhất với 119/171 trẻ (69,6%), thời gian từ 1 – 6 ngày sau sinh chiếm tỷ lệ thấp hơn với 35/171 trẻ (20,5%), còn lại ít nhất là nhóm từ 7 – 28 ngày sau sinh chiếm 17/171 trẻ (9,9%) [27], kết quả trong nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự với nghiên cứu này. Nghiên cứu của Assefa và cộng sự (2020) về nguyên nhân và các yếu tố dự đoán tỷ lệ tử vong sơ sinh ở trẻ sơ sinh được đưa vào đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh của các Bệnh viện công ở miền Đông
Ethiopia, trẻ sơ sinh nhập viện dưới 3 ngày có nguy cơ tử vong cao hơn gần bốn lần (AOR = 3,63; 95% CI: 1,82, 7,22) so với những trẻ nhập viện từ 4 – 7 ngày; điều này có ý nghĩa rằng phần lớn các trường hợp tử vong xảy ra trong 72 giờ đầu tiên của cuộc đời [33].
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trẻ sơ sinh tử vong được sinh ra bằng phương pháp sinh thường chiếm tỷ lệ cao hơn so với sinh mổ (63,3% so với 36,7%). Nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Văn Sơn và Bùi Thị Lan Thanh (2010), thấy tỷ lệ tử vong sơ sinh đường dưới chiếm (14,33‰) cao hơn tỷ lệ tử vong mổ lấy thai (3,44‰) [22].
Nghiên cứu của Rajbanshi Sushma (2021) tại Nepal cũng cho kết quả tương tự, trẻ sơ sinh được sinh ra bằng phương pháp sinh mổ ít có khả năng tử vong hơn (aOR 0,44; KTC 95% 0,19 – 0,99) so với trẻ sơ sinh được sinh bằng phương pháp sinh thường [41]. Và theo nghiên cứu của Oluwasegun A Akinyemi (2023), sinh mổ có liên quan đến việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh (OR = 0,58, giá trị p < 0,001) [63]. Nghiên cứu của chúng tôi cũng quan sát được sự tương đương với nghiên cứu của Alka và cộng sự về tỷ lệ tử vong sơ sinh tại một bệnh viện công ở miền nam Haiti (2022), tác giả cho thấy trong tổng số trẻ sơ sinh tử vong, phương pháp sinh của người mẹ là sinh thường chiếm đa số với 152/171 trẻ chiếm tỷ lệ 88,9%, còn lại là 19/171 trẻ (11,1%) sơ sinh tử vong được sinh ra bằng phương pháp mổ lấy thai [27].
Theo Josie và cộng sự (2020) nghiên cứu về tỷ lệ tử vong, bệnh tật và chăm sóc lâm sàng tại đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh ở Haiti cũng cho kết quả trẻ sơ sinh tử vong được sinh bằng phương pháp mổ lấy thai (46,7%) thấp hơn so với sinh thường [58].
Nghiên cứu của chúng tôi cũng ghi nhận được, số trẻ sơ sinh tử vong với thai đơn chiếm tỷ lệ cao hơn đa thai (91,7% so với 8,3%). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự với kết quả nghiên cứu của Alka và cộng sự về tỷ lệ tử vong sơ sinh tại một bệnh viện công ở miền nam Haiti (2022), tác giả cho
thấy có 152/171 trẻ sơ sinh tử vong là thai đơn chiếm tỷ lệ 88,9%, trong khi đó số đa thai chiếm 19/171 trẻ với tỷ lệ 11,1% [27]. Cũng tương tự với nghiên cứu về tỷ lệ tử vong, bệnh tật và chăm sóc lâm sàng tại đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh ở Haiti của Josie và cộng sự (2020) cho kết quả tương tự với số trẻ là thai đơn tử vong chiếm đa số với tỷ lệ 90,6% [58]. Với kết quả nghiên cứu có tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong đơn thai là 90%, còn lại là đa thai với tỷ lệ 10% trong nghiên cứu của Ruth và cộng sự (2021) về xu hướng hàng năm về tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và các nguyên nhân cơ bản của nó:
nghiên cứu dựa trên dân số – Bang São Paulo, Brazil, 2004–2013 cũng cho [54], nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận được kết quả tương tự.
4.1.4. Đặc điểm về thời gian tử vong, nơi sinh của đối tượng nghiên cứu Kết quả nghiên cứu tại Bảng 3.9 cho thấy tỷ lệ tử vong sơ sinh sớm (< 7 ngày tuổi) trong nghiên cứu chúng tôi cao hơn tỷ lệ tử vong ở nhóm trẻ sơ sinh muộn (74,3% so với 25,7%). Trong đó số trẻ sơ sinh tử vong trong ngày đầu nhập viện chiếm tỷ lệ 21%. Số trẻ nam tử vong nhiều hơn trẻ nữ (71 trẻ nam so với 38 trẻ nữ) ở cả 2 nhóm tử vong sớm và tử vong sơ sinh muộn.
Nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự với nghiên cứu của Lý Thái Minh và cộng sự (2023), nghiên cứu một số yếu tố liên quan tử vong của trẻ sơ sinh tại các Bệnh viện tuyến tỉnh Đồng Tháp năm 2020 – 2023, tác giả ghi nhận được trong 92 trẻ sơ sinh tử vong, thời gian tử vong của trẻ từ 1 ngày đến dưới 7 ngày tuổi chiếm 50%, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong ≥ 7 ngày tuổi chiếm tỷ lệ 27,1%. Kết quả này tương đối phù hợp với đặc điểm của các nước đang phát triển [12]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương đương với nghiên cứu của Sheka về nguyên nhân và yếu tố liên quan đến tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại Đơn vị Chăm sóc Đặc biệt Sơ sinh (NICU) của Trung tâm Y tế Đại học Jimma, Jimma, Tây Nam Ethiopia (2019), trẻ sơ sinh ở lại NICU dưới một tuần có tỷ lệ tử vong sơ sinh cao hơn 3,9 lần (AOR 3,9, 95% CI 2,8 – 5,50), so với những trẻ ở lại hơn một tuần [52]. Kết quả này phù hợp với tỷ lệ
79,2% của Al-Sheyab và cộng sự tại Jordan 2020 [28], 79% tử vong trong tuần đầu sau sinh trong nghiên cứu của Potry và cộng sự tại Serang và Jember của Indonesia năm 2022 [57]. 57,4% trong nghiên cứu của Neamin về nguyên nhân và yếu tố nguy cơ tử vong sơ sinh sớm ở Ethiopia (2022) [43]. Nghiên cứu của Phạm Văn Hưng và cộng sự năm 2023 tại Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện Bạch Mai cũng có kết quả tương tự, với 68,8% tử vong xảy ra trong tuần đầu [25]. Nghiên cứu của Nguyễn Văn Sơn và Bùi Thị Lan Thanh năm 2010 tại tỉnh Thái Nguyên, tử vong sơ sinh sớm (8,4‰) chiếm tỷ lệ cao hơn tử vong sơ sinh muộn (1,6‰) [22]. Nghiên cứu của chúng tôi có sự khác biệt với nghiên cứu của Akine về mức độ và nguy cơ tử vong sơ sinh tại phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh tại bệnh viện chuyển tuyến ở Vùng Godeo, Ethiopia. Theo nghiên cứu này cho thấy tử vong sơ sinh muộn (n=70, 66,0%); 95% CL (56,6 – 74,5) là cao hơn so với tử vong sơ sinh sớm (n=36, 34,0%); CL 95% (25,5 – 43,4) [35], lý giải cho điều này có thể do nguyên nhân nhập viện phổ biến trong nghiên cứu là nhiễm trùng sơ sinh (56,5%), tiếp theo là cân nặng khi sinh thấp (19,5%) trong khi ít gặp nhất là dị tật bẩm sinh (3,2%). Nhiễm trùng huyết, (n = 98, 42,1%), nhẹ cân khi sinh, (n
= 67, 28,8%) là nguyên nhân chính gây tử vong. Ngạt khi sinh không phải là nguyên nhân chính nhập viện nhưng chiếm tỷ lệ cao hơn (21,9%) trong số tử vong sơ sinh [35].
Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong trong 24 giờ đầu nhập viện theo nghiên cứu của chúng tôi là 17/109 trẻ chiếm tỷ lệ 15,6%. Kết quả của chúng tôi thấp hơn so với kết quả nghiên cứu của Potry và cộng sự tại Serang và Jember của Indonesia năm 2022 với tỷ lệ 34% [57]. Tương tự nghiên cứu của chúng tôi cũng thấp hơn nghiên cứu của Nihaya cùng cộng sự về tỷ lệ, yếu tố nguy cơ và nguyên nhân tử vong sơ sinh ở Jordan năm 2020 cho thấy trong số tử vong sơ sinh, 76% là tử vong sơ sinh sớm và 24% là tử vong sơ sinh muộn. Gần 25% tử vong sơ sinh xảy ra trong ngày đầu tiên, 19% vào ngày thứ hai, 16%