Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ VÀ NƯỚC TẠI LÀNG NGHỀ TÁI CHẾ SẮT THÉP CHÂU KHÊ - THÀNH PHỐ TỪ SƠN - TỈNH BẮC NINH
1.1. Cơ sở lí luận
1.1.1. Các khái niệm về môi trường và phát triển bền vững
a. Khái niệm về môi trường
Môi trường có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Môi trường của loài người chính là không gian bao quanh Trái đất, có quan hệ trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Trong Địa lí học, nó được gọi là môi trường xung quanh hay môi trường địa lí.
Môi trường địa lí được hiểu “là bộ phận tự nhiên của trái đất bao quanh con người, xã hội loài người lúc này ở vào tình trạng phối hợp hành động với bộ phận tự nhiên đó một cách trực tiếp, nghĩa là bộ phận tự nhiên đó có liên quan gần gũi nhất với đời sống và hoạt động sản xuất của con người” (X.V.Kaletxnic).
Điều 1- Luật bảo vệ môi trường của Việt Nam định nghĩa môi trường như sau:
“Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và các yếu tố vật chất nhân tạo, quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên”.
Theo đó, môi trường được tạo bởi các yếu tố, trong đó không khí và nước cùng với các khu dân cư và khu sản xuất là các yếu tố tất yếu để duy trì sự tồn tại của con người. Như vậy việc nghiên cứu và bảo vệ môi trường các làng nghề là rất cần thiết, bởi khi hoạt động sản xuất tại các làng nghề đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống tại các địa phương của làng nghề và các vùng xung quanh.
b. Khái niệm môi trường nước
Nước trong tự nhiên tồn tại ở nhiều nơi khác nhau và biến đổi không ngừng từ thể rắn sang thể lỏng hoặc khí và ngược lại. Môi trường nước bao gồm tất cả các nguồn nước trong sông ngòi, ao, hồ chứa, đầm lầy, nước ngầm, biển, đại dương và hơi nước
trong khí quyển. Nó có quan hệ chặt chẽ với môi trường nói chung và là thành phần quan trọng của sinh cảnh và sự sống. Nước là thành phần không thể thiếu, có vai trò điều hòa khí hậu của Trái Đất, đóng vai trò quyết định trong sự cân bằng nhiệt độ trên Trái Đất.
Trong toàn bộ lớp nước trên Trái Đất có đến 97% là nước mặn (ở biển và đại dương), chỉ có 3% là nước ngọt. Trong tổng lượng nước ngọt thì tồn tại ở thể rắn (băng) chiếm tới 68,7%, nước ngầm 30,1%, nước trên mặt chỉ có 0,3% và 0,9% còn lại là tồn tại ở thể khác. Xét trong tổng nước mặt ngọt thì nước trong các hồ đầm chiếm 98%, nước trong các sông chỉ có 2%.
“Nước mặt là nước tồn tại trên mặt đất liền hoặc hải đảo” (Theo Khoản 3 Điều 2 Luật tài nguyên nước 2012). Các dòng chảy trên mặt chủ yếu là sông, suối, kênh…
do mưa, băng tuyết tan và nước ngầm cung cấp. Nước được con người sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải… Nguồn nước đang ngày càng khan hiếm và rất dễ bị thay đổi thành phần, tính chất bởi các hoạt động khác nhau của con người.
Nước ngầm hay “Nước dưới đất là nước chứa trong các tầng nước dưới đất”
(Theo khoản 4 Điều 2 Luật tài nguyên nước 2012). Cơ chế hình thành nước ngầm là do một phần nước mưa rơi xuống, băng tuyết tan và nước biển, đại dương được thấm qua tầng đá thấm nước, tích trữ trong các không gian rỗng của đất, trong các khe nứt của đá đến tầng không thấm nước thì sẽ tạo thành dòng nước ngầm. Nước ngầm có đặc điểm là thấm hút rất nhanh (đặc biệt ở những vùng đá trầm tích) và có quan hệ mật thiết với nước mặt. Do vậy thành phần và tính chất của nước ngầm sẽ bị thay đổi khi nước mặt thay đổi. Tuy nhiên, do nằm sâu ở dưới lòng đất nên nhiệt độ, thành phần và các tính chất của nước ngầm thay đổi chậm hơn. Ở những vùng có tầng nước ngầm sâu và áp lực lớn, chất lượng nước ngầm tương đối tốt và được con người khai thác vào nhiều mục đích khác nhau.
Trong tự nhiên, nước chứa nhiều loại chất khác nhau bao gồm kim loại, khoáng chất, chất dinh dưỡng, vi sinh vật và chất hữu cơ. Màu tự nhiên của nước thường được xác định bởi các chất rắn lơ lửng và phụ thuộc bởi góc phản xạ hoặc khúc xạ của ánh nắng mặt trời. Theo QCVN01:2009/BYT, “nước sạch là nước trong, không màu, không mùi vị lạ, không chứa tạp chất có hại, không có mầm gây bệnh”.
c. Khái niệm môi trường không khí
Môi trường không khí là hỗn hợp các khí bao bọc quanh trái đất có nhiệm vụ duy trì và bảo vệ sự sống trên toàn bộ bề mặt trái đất. Không khí có vai trò rất quan trọng, là một yếu tố không thể thiếu đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật trên Trái Đất [35].
Thành phần của không khí gồm có nitơ (78,1% theo thể tích) và ôxy (20,9%), với một lượng nhỏ agon (0,9%), cacbon điôxít (dao động, khoảng 0,035%), hơi nước và một số chất khí khác. Các tầng của khí quyển bảo vệ cuộc sống trên Trái Đất bằng cách hấp thụ các bức xạ tia cực tím của mặt trời và tạo ra sự thay đổi về nhiệt độ giữa ngày và đêm.
Thành phần và chất lượng không khí xung quanh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các hoạt động hàng ngày của con người. Ngược lai, chất lượng môi trường không khí xung quanh cũng ảnh hưởng trực tiếp trên cả sức khỏe con người và các hệ sinh thái của Trái đất. (Nguồn:
National Health and Medical Research Council (NHMRC) - Australia).
1.1.1.2. Khái niệm phát triển bền vững
Thuật ngữ “phát triển bền vững” xuất hiện từ những năm đầu vào năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn thế giới (công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế - IUCN) với nội dung rất đơn giản: “Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng đến sự phát triển kinh tế mà phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học” [9].
Khái niệm này được phổ biến rộng rãi vào năm 1987 qua báo cáo Brundtland (còn gọi là báo cáo Our Common Future) của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới - WCED. Báo cáo này ghi rõ Phát triển bền vững là “sự phát triển có thể đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng những nhu cầu trong tương lai…”.
Hội nghị môi trường toàn cầu tại Rio de Janerio (6/1992) đưa ra khái niệm: phát triển bền vững nghĩa là sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường một cách khoa học đồng thời với sự phát triển kinh tế.
Theo Hội đồng thế giới về môi trường và phát triển (World Commission and Environment and Development, (WCED) thì “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp
ứng các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại khả năng của các thế hệ tương lai trong đáp ứng các nhu cầu của họ”.
Khái niệm Phát triển bền vững hiện đang là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, mỗi quốc gia sẽ dựa theo đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý, văn hóa… riêng để hoạch định chiến lược phù hợp nhất với quốc gia đó, nhằm đảm bảo có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, giữ gìn.