Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ VÀ NƯỚC TẠI LÀNG NGHỀ TÁI CHẾ SẮT THÉP CHÂU KHÊ - THÀNH PHỐ TỪ SƠN - TỈNH BẮC NINH
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.2. Khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và tình hình phát triển làng nghề tái chế sắt thép Châu Khê, Thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh
1.2.2.1. Điều kiện tự nhiên
Làng nghề Châu Khê thuộc phường Châu Khê - Thành phố Từ Sơn - tỉnh Bắc Ninh có diện tích tự nhiên là 495,86 ha, toạ độ địa lý : 210 7’ 3’’ vĩ độ Bắc; 1050 55’ 30’’
kinh độ Đông, cách Hà Nội 20 km về phía bắc, cách quốc lộ 1A khoảng 1 km. Gồm 6 khu phố: Trịnh Nguyễn, Trịnh Xá. Đồng Phúc, Song Tháp, Đa Vạn và Đa Hội.
Vị trí địa lí của Phường nằm ở phía Tây Nam của Thành phố Từ Sơn, có ranh giới cụ thể là: Phía Bắc giáp phường Phù Khê - Từ Sơn - Bắc Ninh, phía Nam giáp xã Yên Thường - Gia Lâm - Hà Nội, phía Đông giáp phường Đồng Quang và Đình Bảng - Từ Sơn - Bắc Ninh và phía Tây giáp xã Dục Tú, xã Vân Hà - Đông Anh - Hà Nội.
Vị trí của phường rất thuận lợi cho giao thông đường bộ và giao thông đường thuỷ góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội và giao lưu văn hoá của xã với các địa phương khác trong vùng của tỉnh và trong cả nước (đặc biệt lại gần thủ đô Hà Nội nên rất thuận lợi trong quá trình buôn bán, vận chuyển vật liệu cũng như sản phẩm ra thị trường…).
Phường Châu Khê có nguồn gốc hình thành từ đồng bằng bồi tích bằng phẳng độ cao 5-6 m, được thành tạo bởi các trầm tích bở rời tuổi Đệ Tứ. Phần trên là lớp trầm tích sông (đề tứ 4) gồm cát, sét pha, sét dày 20 m, các trầm tích nguồn gốc sông biển hỗn hợp dày trên 10 m và dưới cùng là tầng cuội sỏi Pleixtoxen dày 30-40 m.
Nằm trong vùng châu thổ sông Hồng nên khí hậu phường Châu Khê cũng mang đậm nét của tính chất của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình cả năm của xã là 23-240C. Độ ẩm không khí trung bình năm từ 80% đến 83%. Nhiệt độ cao và độ ẩm lớn có ảnh hưởng đến sự truyền và chuyển hoá các chất ô nhiễm trong không khí gần mặt đất và nguồn nước. Nhiệt độ không khí càng cao thì tốc độ lan truyền và chuyển hoá các chất ô nhiễm trong môi trường càng lớn. Độ ẩm không khí càng lớn thì càng tạo điều kiện cho vi sinh vật từ mặt đất phát tán vào không khí lan truyền trong không khí và chuyển hoá các chất ô nhiễm không khí gây ô nhiễm môi trường.
Lượng mưa trung bình năm ở phường Châu Khê là 1285- 1400 mm. Mùa mưa kéo dài từ tháng IV- tháng X, lượng mưa lớn và chiếm khoảng 80-85% tổng lượng mưa cả năm. Mùa khô kéo dài từ tháng XI- tháng IV năm sau, lượng mưa ít. Mưa có tác dụng làm sạch môi trường không khí và pha loãng chất thải lỏng. Vì vậy, vào mùa mưa hàm lượng các chất ô nhiễm thấp hơn mùa khô. Tuy nhiên, vào mùa mưa các nguồn gây ô nhiễm nước được chuyển tải đi khắp nơi theo dòng chảy làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường nước lan toả trên diện rộng.
Phường Châu Khê có sông Ngũ Huyện Khê chảy theo hướng từ tây sang đông, đoạn sông chảy qua Phường Châu Khê có chiều rộng trung bình khoảng trên 200 mm, sâu khoảng 4-5 m. Đây là con sông chảy qua khu phố Đồng Phúc, Trịnh Nguyễn, Đa Vạn và Đa Hội - nơi có làng nghề tái chế này. Ngoài ra còn có hệ thống sông, kênh mương, ao là nơi chứa và vận chuyển các loại nước thải của khu vực làng nghề.
Đất phường Châu Khê chủ yếu là đất phù sa, đất có thành phần cơ giới nhẹ. Đất ở Phường được sử dụng chủ yếu vào mục đích nông nghiệp với 268,5 ha chiếm 54%
tổng diện tích tự nhiên, trong đó tập trung vào trồng lúa và các loại hoa màu. Đây là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống nhân dân, đồng thời là nguồn nguyên liệu cho làng nghề chế biến thực phẩm.
1.2.2.2. Điều kiện kinh tế - xã hội
Châu Khê được biết đến từ rất sớm bởi làng nghề sắt thép cổ truyền nổi tiếng.
Các sản phẩm của làng nghề đã được sử dụng trong nhiều lĩnh vực đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhu cầu của thị trường cùng với vai trò quan trọng của sản phẩm trong sự nghiệp đổi mới đã mở rộng quy mô làng nghề, cư dân tập trung đông đúc.
Hiện toàn phường có 17.143 nhân khẩu với 4.138 hộ (2021). Châu Khê có số dân thuộc vào loại khá đông của Thành phố (chiếm 18,4%), mật độ dân số là 503 người/
km2. Tỉ lệ gia tăng tự nhiên là 1,92%.
Về đội ngũ lao động: Châu Khê có lực lượng lao động khá dồi dào (cả lao động trong xã và lao động ngoài xã đến lao động). Tính đến năm 2021, toàn phường có 34.578 người ở độ tuổi lao động (chiếm 60% dân số xã). Trong đó sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thu hút được một lượng lao động lớn (trên 60%); sản xuất nông nghiệp chiếm 6,5%; hoạt động dịch vụ - thương mại chiếm trên 30% lao động toàn phường. Như vậy, có thể thấy Châu Khê là một phường mà công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp sản xuất tái chế sắt thép chiếm tỉ trọng cao trong nền kinh tế địa phương.
Cơ sở hạ tầng những năm gần đây được đầu tư xây dựng, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Hệ thống đường đa số được bê tông hoá, các đường liên khu, liên phường đã được xây dựng kiên cố. Tuy nhiên do mật độ các xe vận chuyển đi lại nhiều nên chất lượng đường đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện nay ở Châu Khê chưa có hệ thống xử lý chất thải. Phần lớn các chất thải này chưa được thu gom, xử lý trước khi đưa ra môi trường. Tình trạng sản xuất đan xen trong các khu dân cư dẫn đến việc quy hoạch xây dựng khu vực xử lý chất thải tập trung gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các hộ sản xuất đều đổ trực tiếp ra cống, rãnh và theo mương chảy ra sông Ngũ Huyện Khê.
1.2.2.3. Tình hình phát triển sản xuất làng nghề tái chế sắt thép Châu Khê
Làng nghề Châu Khê trước kia phát triển từ làng nghề Đa Hội sau đó lan rộng ra khắp Phường, được thành lập từ năm 1598 có lịch sử khá lâu đời vào khoảng hơn 4000 năm, từ thời nhà Mạc khi bốn cụ tổ là: Trần Khắc, Trần Văn, Đức Thoại và Giáp
Văn về lập làng. Người xưa kể rằng cụ tổ của làng nghề tên Trần Đức Thoại quê ở Khoá Châu phủ Kim Động - Hưng Yên sau khi từ quan (chức Thái Bảo thời nhà Mạc) cụ về đây ở ẩn, lập làng nghề và trở thành ông tổ làng nghề rèn. Hiện nay, đình làng Đa Hội vẫn khắc ghi tên của ông.
Khi làng nghề mới được hình thành sản phẩm chủ yếu là những nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp rất thô sơ. Đến thời kì đất nước bước vào kháng chiến chống Pháp, Mỹ, làng nghề chuyển sang việc thu mua dây thép gai về tuốt đinh, làm nan hoa xe đạp và vành xe thồ cùng với một số vũ khí phục cụ cho công cuộc kháng chiến của toàn dân tộc như lưỡi lê, dao găm, nòng sùng kíp… Từ thập niên 70 -80, làng bắt đầu sản xuất những sản phẩm mang tính chất hàng hoá, các phụ tùng xe đạp… Khi đất nước thống nhất, cùng với sự phát triển của nền kinh tế nước nhà, những công cụ sản xuất bước đầu được khí hoá thì cũng là lúc làng nghề được mở rộng quy mô sản xuất, các sản phẩm trở nên đa dạng và phong phú hơn. Nếu như trước đây, các hộ chỉ sợ sản xuất nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình thì lúc này đã xuất hiện các xưởng sản xuất và công nhân từ khắp nơi đã về đây làm thuê ngày càng nhiều.
Cuối thập kỷ 80 nhà nước xoá bỏ cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp thực hiện nền kinh tế mở cửa các làng nghề được tập trung đầu tư phát triển nhiều hơn và làng nghề sắt thép Châu Khê đã “ cựa mình” vươn lên. Máy móc đã bước đầu được cải thiện hiện đại hoá và đưa vào sản xuất, các dây chuyền cán thép, cán sắt cũng được điện khí hoá thay thế cho việc làm bằng ta trước đây. Sự phát triển của làng nghề thể hiện ở sự tăng nhanh các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và tổng sản phẩm làm ra.
Bảng 1.2. Số cơ sở sản xuất của làng nghề Châu Khê qua các năm Năm Cơ sở sản xuất Tổng sản phẩm thép các loại
(1000 tấn)
2005 731 290
2008 759 624
2012 780 874
2016 810 1174
2020 860 1424
2022 900 1800
(Nguồn: Phòng kinh tế Thành phố Từ Sơn)
Theo thống kê năm 2022 với 900 cơ sở sản xuất thép ở Châu Khê đã giải quyết việc làm cho hơn 1000 lao động, sản xuất được 1800 nghìn tấn thép các loại với giá trị sản xuất đạt 2006,23 tỉ đồng. Mức thu nhập bình quân đối với người lao động 6,5 -7,0 triệu đồng. Trong các khu phố của phường Châu Khê, Đa Hội có các cơ sở sản xuất lớn nhất và đây cũng là làng được mệnh danh nhiều “ tỉ phú” nhất phường.
Hiện nay, quy mô sản xuất không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình hay một khu nữa mà mở rộng thành các doanh nghiệp cổ phần, các xưởng sản xuất lớn tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động từ các khu vực lân cận. Ngành sản xuất tái chế sắt thép của Phường đã và đang được sự quan tâm lớn của UBND tỉnh Bắc Ninh. Từ năm 2003 địa phương đã quy hoạch các sơ sở sản xuất làng nghề thành cụm công nghiệp Châu Khê. Nhưng việc tổ chức quy hoạch chưa phù hợp và triệt để vì hoạt động sản xuất ở đây vẫn đan xen với việc sinh hoạt gia đình. Hiện nay, với sự đầu tư khoa học kĩ thuật, số lượng nhà xưởng với công nghệ thiết bị hiện đại tăng lên. Kinh tế các hộ gia đình trong những năm gần đây trên địa bàn xã ngày càng được nâng cao, đặc biệt là các hộ sản xuất làng nghề Đa Hội.
Theo thống kê toàn phường Châu Khê có 600 hộ dịch vụ (chủ yếu là dịch vụ vận tải) và 2052 hộ sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Trong đó có: 657 hộ sản xuất đúc thép, 410 hộ cán thép, 319 hộ cắt phôi thép, 384 hộ hàn rút thép, 81 hộ sản xuất đinh, 92 hộ làm cán chập. Các hộ còn lại sản xuất các mặt hàng khác như: làm lưới B40, đột nẹp, đóng than, đóng gạch, làm đồ gỗ… Trong tương lai hướng tiểu thủ công nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Nhưng một thực tế là quá trình chuyển đổi theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, sự phát triển kinh tế tại Phường Châu Khê gây ô nhiễm môi trường làng nghề ngày càng tăng, các trang thiết bị sản xuất cải tiến kĩ thuật là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu góp phần phát triển bền vững.